LỜI NGUYỀN

Nếu như ca trù, dân ca quan họ, hát xoan, đờn ca tài tử Nam bộ, nhã nhạc cung đình Huế vv…của Việt Nam được quốc tế công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại thì trong tài nguyên, lời nguyền sâu cay nhất lại là tài nguyên phi vật thể!

Không chỉ riêng lục địa châu Phi giầu tài nguyên khoáng sản nhưng vẫn đói nghèo, dịch bệnh, chiến tranh triền miên mà ngay cả Hà Lan là nước giầu khoáng sản, mặc dù là quốc gia phát triển nhưng đã phải trả bài học đắt giá vì đã không duy trì được vị trí đứng đầu thế giới về phát triển công nghệ điện tử, chỉ vì ỷ lại quá nhiều vào dầu ở biển Bắc (hiện thua xa Nhật Bản và Hàn Quốc ). Cái gọi là “căn bệnh Hà Lan” ngày xưa cũng chính là “lời nguyền của tài nguyên khoáng sản” ngày nay.

Theo sách giáo khoa từ thập niên 60 đã ngợi ca nước Việt Nam hình chữ S từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau, “rừng vàng, biển bạc” nhưng thực tế đến nay, tài nguyên đã khai thác đến kiệt quệ nhưng vẫn còn là nước nghèo nàn, lạc hậu.

Công luận thời gian qua, xôn xao việc ngoài 6,9 tấn vàng bị bán tháo ra nước ngoài, hoạt động của hai công ty khai thác vàng ở Quảng Nam trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế, ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên rừng, gây ô nhiễm rất lớn đến môi trường và độc hại, đặc biệt liên quan đến việc sử dụng thủy ngân.

Nếu như trước khi đi vào hoạt động, người dân và chính quyền tỉnh Quảng Nam kỳ vọng vào hai công ty của Tập đoàn Besra bao nhiêu thì đổi lại giờ đây, họ lại thất vọng bấy nhiêu khi chứng kiến sự làm ăn thiếu minh bạch, bất chấp luật pháp của tập đoàn này. Số nợ được Cục Thuế tỉnh Quảng Nam ghi sổ đến ngày 31-12-2012 của Công ty Phước Sơn là 101,7 tỉ đồng, đến tháng 7-2014 là 231 tỉ đồng. Công ty Bồng Miêu cũng nợ thuế tương tự, tháng 3-2013, số nợ thuộc diện phải cưỡng chế là 19,2 tỉ đồng, tháng 6-2014 số nợ lên đến 48 tỉ đồng.

Vấn đề bất cập ở đây còn là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên & Môi trường. Theo tôi biết trong giấy cấp phép cho công ty Phước Sơn khai thác vàng đề rõ 7 tấn nhưng thực tế tiềm năng đến 22 tấn vàng!? Ai chịu trách nhiệm về “lỗ hổng” này? Cấp phép xong là buông lỏng khâu kiểm tra, quản lý như ‘kiểu đười ươi giữ ống” , thử hỏi ngay ở địa phương có mấy người biết chuyên môn về môi trường mỏ để theo dõi quản lý các dự án khai thác vàng này? Công nghệ của công ty khai thác vàng, thuộc loại lạc hậu, chỉ “chính quy” hơn chút đỉnh so với việc khai thác theo dạng “thổ phỉ”!

Lĩnh vực khai thác khoáng sản ở Việt Nam, còn có một số nhà địa chất, doanh nghiệp Việt Nam trước đây cũng đã định đầu tư vào lĩnh vực vàng nhưng đều chết yểu! Đừng quên: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” (Tục ngữ VN). “Phá của rừng, rưng rưng nước mắt ” (Nguyễn Huy Thiệp – Muối của rừng).

Việt Nam không thể dựa vào tài nguyên thiên nhiên để phát triển được vì tài nguyên khoáng sản của nước ta rất nhỏ bé, manh mún. Thậm chí không có khoáng sản nào có lợi thế để cạnh tranh có hiệu quả (nhập khẩu còn rẻ hơn khai thác), trừ than, dầu, khí, nước ngọt, cát, đá, sỏi và đất. Than, dầu khí thì sắp hết (30 năm nữa là đóng cửa bể than Quảng Ninh). Ngay cả đá vôi làm xi măng, trữ lượng khai thác được và có hiệu quả cũng chỉ có khoảng 2 tỷ tấn.

Cần phải yêu cầu ngay từ khâu thăm dò mỏ, phải đánh giá đầy đủ khoáng sản chính và khoáng sản đi kèm để khi khai thác giảm thiểu tổn thất tài nguyên. Ví dụ ngay trong việc khai thác mỏ đá xây dựng thì ngoài sản phẩm chính là đá xây dựng, người ta tận thu bột đá làm nguyên liệu sản xuất gạch blok vv…

Thế giới, không thiếu những nước tài nguyên khoáng sản nghèo nàn, nhưng đã trở thành nước rất giầu có, nhờ cái tâm con người cũng rất .. giầu. Có thể thấy như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan , Hồng Công vv…

Đến nay, chưa có một quốc gia nào phát triển vì nhờ giầu tài nguyên, các nước vua dầu lửa cũng vậy. Nga lạc hậu hơn với Mỹ cũng có lý do này. Ở nước ta, vào thế giới toàn cầu hoá ngày nay, phát triển dựa vào tài nguyên khoáng sản là tự sát mà phải tập trung vào phát triển tài nguyên con người.

Trong văn hóa có cả dòng văn hóa phi vật thể, do vậy, về tài nguyên cũng tất phải có cả tài nguyên phi vật thể! Đó cũng chính là phạm trù có lời nguyền thiêng liêng nhất! Phàm giả, những gì còn có thể cân, đo, đong đếm được thì là những căn bệnh nan y nhưng chưa phải vô kế khả thi. Nhưng, khốn nỗi lâm bệnh mà sợ thuốc đắng (hoặc chỉ uống giả dược) thì là tự sát !

Với những loại tài nguyên vật thể thì có thể “thua keo này, bày keo khác”, còn loại tài nguyên phi vật thể mà … thất thoát thì không thể tính bằng “keo” mà bằng kiếp, thậm chí nhiều kiếp người.

T.V.T.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.