Tự do báo chí giúp nhận diện bản chất xã hội

Nếu độc quyền báo chí thì dư luận sẽ khó nhận diện bản chất của một sự kiện xã hội; bằng chứng là một sự việc như sau:

Có một số người nước ngoài đi hát karaoke trong khi vui chơi, giải trí đã bị nhân viên phục vụ nhà hàng lấy mất một số giấy tờ tùy thân và tiền bạc. Số người nước ngoài này đã trình báo với cơ quan công an về sự việc và ngay ngày hôm sau công an quản lý địa bàn đã tìm ra thủ phạm và trao trả số giấy tờ tùy thân và tiền bạc cho người bị mất. Báo chí độc quyền lập tức đưa tin thành tích quản lý trật tự, an ninh xã hội trên địa bàn của của cơ quan công an là rất tốt, đáng biểu dương, khen ngợi. Nhưng sự thật chưa phải như vậy.

Trường hợp khác người dân cũng đi hát karaoke tại nhà hàng đó và bị nhân viên nhà hàng lợi dụng lúc sơ hở lấy mất một số tiền bạc có giá trị đáng kể. Số người này cũng đến trình báo cơ quan công an trên, nhưng kết quả được trả lời là việc mất tài sản là không có chứng cứ. Ngược lại số người này bị cơ quan công an quản lý địa bàn khiển về việc vui chơi, giải trí như thế nào mà để mất tiền bạc, việc khai báo lại không có chứng cứ có thể là tội vu khống. Số người này đã tìm đến báo chí độc quyền để thông báo sự việc nhưng báo chí từ chối vì sự việc phản ánh không có chứng cứ nên không thể đăng tin vì như vậy sẽ làm xấu tình hình trật tự, an ninh xã hội địa phương; trái với chủ trương của cơ quan quản lý tuyên giáo. Nhưng nếu có tự do báo chí, không chịu sự quản lý của một cơ quan tuyên giáo thì tin tức đó sẽ được loan báo để mọi người cảnh giác.

Kết quả là nhiều năm sau tình hình trật tự, an ninh xã hội của địa phương rất bê bối và phát lộ. Chính cơ quan công an địa phương là kẻ bảo kê cho các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Nên khi cần truy tìm bất kỳ một kẻ phạm tội nào trên địa bàn thì họ đều có thể tìm ra; nếu không thuộc đối tượng truy tìm thì họ bằng mọi cách bỏ qua.

Như vậy, độc quyền báo chí đã góp phần dung dưỡng cho kẻ phạm tội và biến kẻ bảo kê thành người có công trạng; nếu có tự do báo chí điều đó sẽ được phòng ngừa. Tự do báo chí là một nhu cầu khách quan, cần thiết để phản ảnh thực chất mọi mặt đời sống chính trị, xã hội của đất nước, hay tự do báo chí giúp nhận diện bản chất một xã hội.

Hà Nội, 03/09/2014

H. H. S.

Tác giả gửi BVN.

 

This entry was posted in báo chí. Bookmark the permalink.