Ghê gớm thay: Chuyện “mặt trái” thị trường

Cái gì cũng có “mặt trái”, ví dụ: quần áo

Biết dùng quần áo để che thân, rồi cải tiến mốt (mode) để tôn vẻ đẹp con người… là những thành tựu. Nhưng thành tựu nào cũng có mặt trái. Ngay quần áo cũng có mặt phải, mặt trái – theo cả nghĩa đen, nghĩa bóng.

Giả sử, cuộc gặp bàn về “đại cục” của hai đảng cầm quyền mà quần và áo của hai vị đại diện đều bị… lộn trái, thì… dẫu vẻ mặt trịnh trọng đến đâu, nói năng nghiêm cẩn cỡ nào, cũng thành trò cười. Trò cười càng sâu sắc nếu “đảng anh” hoặc “đảng em” chủ trương cảnh báo đảng viên khi mặc quần áo phải lưu ý “mặt trái” (!)… Cái chủ trương có một không hai này, nếu ra đời, thể hiện thứ triết lý “sợ mặt trái” rất nực cười; thậm chí, còn phản tiến bộ – nếu vì lợi ích riêng mà đem “mặt trái” ra dọa dẫm, cấm đoán mọi người.

Vấn đề là thái độ đối với mặt trái

Chúng ta nghe từ lâu, câu nói nổi tiếng: Ngay một tấm huân chương cũng có mặt trái. Như vậy, những thành tựu – vốn đem lại sự tốt đẹp cho cuộc sống – cũng có mặt trái. Tàu bay là thành tựu, nhưng mặt trái là tai nạn thảm khốc. Con người phải chọn một trong hai thái độ: 1) Thôi (hoặc hạn chế) sản xuất và sử dụng tàu bay; 2) Cứ sản xuất, cứ sử dụng, chỉ cần thực hiện tối đa các tiêu chuẩn an toàn.

Thái độ đầu, bị coi là lạc hậu. Nó khuếch đại mặt trái để khỏi áp dụng các thành tựu – ví dụ, quyền con người. May mắn, thái độ này không có đất sống ở những xã hội tiến bộ.

Nếu biết thái độ của bạn, tôi sẽ xếp loại bạn

Khái niệm và hiện thực hóa khái niệm về các quyền tự do cá nhân là thành tựu lớn của cách mạng 1789. Nay là thế kỷ XXI, dẫu cho ăn kẹo, các thế lực phản tiến bộ cũng không còn dại dột mà dè bỉu quyền tự do cá nhân nữa. Các nhà nước độc tài lại càng khôn khéo hơn. Muốn biết thực chất một con người, một nhà nước, cứ coi thái độ đối với thành tựu này. Có hai thái độ trái ngược – thể hiện bằng khẩu khí:

1) Nè, nên nhớ rằng không có tự do vô hạn độ đâu, nghe! Hoặc: Cần biết rằng tự do nào cũng có giới hạn, nghe!…

2) Tự do là có thể làm bất cứ gì, miễn là không xâm phạm quyền tự do của người khác.

Rõ ràng, cả hai bên đều quan tâm tới “mặt trái”, nhưng một bên (tim đen) muốn hạn chế quyền tự do; còn bên kia (tim đỏ) muốn mở rộng quyền này. Chế độ nào, thái độ ấy.

Thị trường: Thành tựu càng vĩ đại

Nền sản xuất tự cung tự cấp vốn manh mún, nghèo nàn, lạc hậu. Nhờ tích lũy trí tuệ, sản xuất dôi dư, sản phẩm được trao đổi (mua bán). Thế là, có sản xuất hàng hóa và thị trường đương nhiên hình thành. Phát hiện sự công bằng và tác dụng tích cực của cơ chế thị trường là một thành tựu vĩ đại.

Đã là thành tựu, nếu được áp dụng càng sớm, càng rộng rãi, người dân sẽ càng hoan nghênh, xã hội sẽ càng hưng thịnh. Do vậy, thị trường xuất hiện rất sớm, ngay từ thời chế độ nô lệ. Theo dòng lịch sử, thị trường cứ tự nhiên phát triển không ngừng, chỉ cần hệ thống luật pháp ngày càng phù hợp – để hạn chế tối đa các mặt tiêu cực.

Cuộc sống chứng minh rằng chế độ nào càng áp dụng cơ chế thị trường sẽ càng phồn vinh (nhiều háng hóa). Chính vì vậy, cụ Lê Quý Đôn ngay từ thời phong kiến đã dạy rằng phi thương bất hoạt. Ý cụ: Một xã hội kỳ thị buôn bán sẽ trì trệ. Tới chế độ tư bản, cơ chế thị trường được vận hành hết công suất. Nhờ vậy, mọi thành tựu khoa học thuộc mọi lĩnh vực, được áp dụng sớm nhất, hiệu quả nhất vào cuộc sống, gồm cả vào sản xuât hàng hóa. Điều này khiến các nhà lý luận Mác-Lênin suốt thế kỷ cứ lầm tưởng rằng thị trường là nơi “cá lớn nuốt cá bé” và là bản chất xấu xa của chủ nghĩa tư bản. Vậy thì, cần “xóa bỏ” nó, đặng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Việc làm này nhất định gây thiệt hại, nhưng thiệt hại mức nào thì không tính xuể. Quá muộn, nhưng vẫn là may, sang thế kỷ XXI Hội Đồng Lý Luận đã thay đổi nhận thức. Chỉ chưa rõ mức độ thay đổi thôi. Để rồi xem tiếp. Té ra, vừa đổi, vừa run. Chỉ sợ mất định hướng.

Thị trường có định hướng: Điều “có một không hai” trong lịch sử

Nông nô được chuyển từ lao động cưỡng bức sang khoán sản phẩm, khiến sức sản xuất được giải phóng. Chế độ nô lệ dần dần “tiến lên” chế độ phong kiến. Chủ nô dần dần thành vua quan (thu tô). Nông nô dần dần thành nông dân – ngoài khoản “tô” phải nộp – vẫn có hàng nông sản đem bán. Giới chủ nô – vào lúc giao thời của hai chế độ – chẳng cần đưa ra khái niệm “thị trường định hướng phong kiến” để khỏi chệch hướng  tiến lên chế độ mới. Và cũng tương tự, chẳng bao giờ trong lịch sử chế độ phong kiến lại có cái gọi là “thị trường định hướng tư bản chủ nghĩa”.

Do vậy, Tổng Bí thư đã tuyệt đối đúng, khi viết rằng: Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là điều chưa từng có trong lịch sử. Thế thì, nay ta có, chứ sao?

Đây chưa phải chỗ để nói về những điều “có một không hai” khác, mà nước ta vinh dự là tác giả. Nào trí, phú, địa, hào là đối tượng phải tận diệt; nào làm chủ tập thể là đặc trưng dân chủ xã hội chủ nghĩa, nào lý luận về ba dòng thác cách mạng sẽ chôn vùi bọn tư bản…

Từ lâu, các cụ ta đã đề ra cách thức

“Mặt trái” của thị trường không đáng sợ như trẻ nít sợ ngoáo ộp. Nhưng quả là người Việt đã bị dọa dẫm như vậy. Tra cứu (google), chúng ta được khoảng 300.000 kết quả (tiếng Việt) liên quan tới “mặt trái” thị trường. Có cả ý kiến vu cho nó là nguồn gốc của tham nhũng (!). Chỉ có điều, những nước càng hoàn thiện cơ chế thị trường, lại càng ít tham nhũng. Thậm chí, họ chẳng thèm biết tới cái khái niệm “mặt trái” để dọa nhau.

Tổ tiên chúng ta từ xa xưa đã có châm ngôn, tục ngữ để thị trường ngày càng lành mạnh, công bằng. Vài ví dụ:

Tiền nào – của ấy: vừa là nguyên tắc, vừa là đạo đức. Khách hàng bỏ ra một khoản tiền (lớn, nhỏ) phải nhận được thứ hàng phù hợp (về lượng và chất). Do vậy, bán hàng giả, cân điêu, đong thiếu… là vô đạo đức. Cùng bán sức lao động nhưng giáo sư chỉ được trả giá ngang thiếu tá công an, thì phía mua là vô đạo đức. Độc quyền nhập khẩu để bán giá cắt cổ, thì phía bán là vô đạo đức. Lời dạy của các cụ cấm có sai!

Thuận mua – vừa bán: cũng vậy. Quan hệ hai bên phải đồng thuận, bình đẳng, công bằng… Mua (đất) như ăn cướp; bán (xăng) như tước đoạt… là vô đạo đức.

Chỉ cần thực thi một cơ chế thị trường minh bạch, lành mạnh, những tiêu cực nói trên sẽ giám thiểu.

Thái độ vồ vập các thành tựu: Thước đo sự tiên tiến của một chế độ

Thải độ trên đưa đến kết quả là người dân được hưởng sớm, hưởng đủ, mọi thành quả nghiên cứu khoa học (xã hội, tự nhiên). Nếu vậy, những chế độ ngần ngại, giả vờ, thậm chí cự tuyệt áp dụng các thành tựu… hẳn là chế độ lạc hậu, dối trá.

Nhiều người đầu óc ban đầu minh mẫn, nhưng khi thử tìm hiểu thành tựu “dân chủ tư sản” so với thành tựu cao hơn triệu lần – là “dân chủ xã hội chủ nghĩa” – cứ như rơi vào mê hồn trận, đầu óc cứ rối beng, lú lẫn tới mức không sao tìm được lối ra. Muốn vồ vập cái triệu lần cũng chẳng biết đường nào mà lần.

 

N. N. L.

Tác giả gửi BVN.

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.