Trong bài viết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trên tạp chí Cộng sản và được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng có một chi tiết cần kiểm chứng.
Đó là câu trích dẫn được cho là lời của Trần Hưng Đạo:
“Những bài học giữ nước của cha ông ta để lại là hết sức quý giá với chúng ta ngày nay. Những cảnh báo của nhà bác học Lê Quý Đôn về những nguy cơ làm mất nước: “Một, trẻ không kính già; hai, trò không trọng thầy; ba, binh kiêu tướng thoái; bốn, tham nhũng tràn lan; năm, sỹ phu ngoảnh mặt” là điều chúng ta cần phải suy ngẫm; hay những lời nói của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn: phải biết chủ động “rút củi đáy nồi”, “phải kiềng canh nóng mà thổi rau nguội” trong xử lý quan hệ với kẻ thù; “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt”, xây dựng “quân đội một lòng như cha con thì mới dùng được”, “phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc là thượng sách giữ nước”… vẫn còn nguyên giá trị với chúng ta hôm nay”.
Câu “rút củi đáy nồi” trích từ văn bản sử liệu nào?
Liệu có phải trích từ Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo không vì đi liền với câu sau cho phép suy ra như thế:“phải kiềng canh nóng mà thổi rau nguội”?
Nếu đúng là trích trong Hịch tướng sĩ thì trích không chuẩn xác.
Nguyên văn của câu đó như sau:“Nay ta bảo thật các ngươi: Nên cẩn thận như nơi củi lửa, nên giữ gìn như kẻ húp canh, dạy bảo quân sĩ, luyện tập cung tên, khiến cho người nào cũng có sức khỏe như Bàng Mông và Hậu Nghệ, thì mới có thể dẹp tan được quân giặc[…]”(theo bản dịch của Trần Trọng Kim trong Việt Nam sử lược ấn hành năm 1921, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh in lại năm 2000).
Cùng với bản dịch của Trần Trọng Kim, còn có nhiều bản dịch khác của những học giả đáng kính như Phan Kế Bính, Ngô Tất Tố…, nhưng có lẽ bản của Trần Trọng Kim là trọn nghĩa và súc tích hơn cả (Phan Kế Bính: “Nay ta bảo thật các ngươi: Nên lấy việc đặt mồi lửa dưới làm nguy; nên lấy điều kiềng canh nóng mà thổi rau làm nguội làm sợ”. Ngô Tất Tố: “Nay ta bảo các ngươi: “Cái chuyện dấm đống củi phải lo, mà câu sợ canh thổi rau nên nhớ”).
Nếu lùi trở lại, trong Đại Việt sử ký toàn thư, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1998, thì nguyên văn câu trên như sau:“Nay ta bảo thật các ngươi: Nên nhớ chuyện đặt mồi lửa vào dưới đống củi* làm nguy cơ, nên lấy điều “kiềng canh nóng mà thổi rau nguội”** làm răn sợ. Hãy huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ, để có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, phơi xác Vân Nam Vương ở Cảo Nhai”. (Chú thích *:Câu trong Hán thư:“Ôm mồi lửa đặt dưới đống củi rồi nằm lên trên, lửa chưa kịp cháy vẫn cho là yên”.Chú thích **:Câu trong Sở Từ:“Kẻ sợ canh nóng thường thổi cả rau nguội”).
Dựa vào những văn bản đáng tin cậy trên, có hai điều cần nói rõ:
1. Câu trích trong bài viết của ông Chủ tịch Nước là không đúng, càng không thích hợp khi cho rằng câu trích trên là để hướng đến hành động trong xử lý quan hệ với kẻ thù. Hoàn toàn không phải vậy, đây là những điều Trần Hưng Đạo căn dặn các tướng lĩnh phải quan tâm dạy bảo quân sĩ.
Người chuẩn bị văn bản đưa ra câu trích này đã lẫn lộn, nếu chưa muốn nói là đánh tráo đối tượng của câu trích, có thể chỉ do nhầm lẫn. Nhưng sẽ nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến chỗ làm người đọc hiểu rằng ai đó đã cố tình mượn lời của tiền nhân để minh họa và bào chữa một cách thô thiển cho những chủ trương, đường lối và hành động hèn nhát đối với Trung Quốc khi mà kẻ xâm lược đã hiện nguyên hình.
2. Câu trích được gán cho Trần Hưng Đạo“rút củi đáy nồi” để vận dụng “trong xử lý quan hệ với kẻ thù”, nếu nghĩ kỹ chính là một sự xúc phạm đến truyền thống của ông cha trong cuộc đấu tranh đánh giặc giữ nước. Trong chiến thuật quân sự cũng như trong sách lược ngoại giao, ông cha ta quả đã biết cách “rút củi đáy nồi” khi đã xác định một khí phách quả cảm không khuất phục trước kẻ thù cho dù chúng mạnh đến đâu.
“Rút củi đáy nồi”, nếu đúng nghĩa của nó thì cũng tuyệt đối không thể và không phải là đường lối “đu dây”.
22.8.2014
T. L.
Tác giả gửi BVN.