‘Bệnh kiêu ngạo cộng sản là trở ngại lớn nhất’

“Bệnh kiêu ngạo cộng sản” và “bệnh ấu trĩ tả khuynh” là trở ngại lớn nhất trên con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa – GS Trần Ngọc Hiên.

Hai thứ bệnh ấy là ở vào thời Lê Nin, khi người ta còn hết mực tin tưởng ở chủ nghĩa cộng sản. còn bây giờ thì bệnh gì? Kiêu ngạo cộng sản hay là kiêu ngạo khi đã ngồi được lên ghế và đã sắp xếp cho con cháu và bè cánh yên vị với ghế lớn ghế nhỏ? Còn ấu trĩ tả khuynh hay là ngược lại, lo toan nhanh chóng biến mình thành nhà tư bản đỏ? Bệnh của mỗi thời phải bắt cho trúng, đấy mới là phép biện chứng của Các Mác.

Bauxite Việt Nam

Hội thảo khoa học quốc gia “Di sản V.I.Lenin trong thế giới ngày nay và sự nghiệp đổi mới Việt Nam” diễn ra sáng nay tại Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nhân dịp kỉ niệm 140 ngày sinh Lenin.

Đây là một trong những hoạt động chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng sắp tới.

Ca ngợi toàn diện

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ Tô Huy Rứa. Ảnh: LT

Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ Tô Huy Rứa. Ảnh: LT

Ông Tô Huy Rứa – Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Chủ tịch Hội đồng lý luận TƯ khẳng định: “Di sản của Lenin đã và sẽ là một trong những nền tảng chính trị, tư tưởng và phương pháp luận trong mọi hành động của Đảng, nhà nước và nhân dân ta”.

Tất cả các bài tham luận và phát biểu tại hội thảo đều gọi Lenin là “nhà tư tưởng marxit sáng tạo”, “lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”.

Hội thảo ca ngợi các di sản tư tưởng của Lenin như làm phong phú chủ nghĩa Marx trên nhiều phương diện: về chủ nghĩa duy vật lịch sử, phép biện chứng, nhận thức luận, định nghĩa vật chất, chân lý tuyệt đối và chân lý tương đối; vấn đề giai cấp, nhà nước và cách mạng…

Các tư tưởng của Lênin được nhấn mạnh để áp dụng hiện nay là sự tồn tại khách quan các thành phần kinh tế với tính không thuần nhất thời kì quá độ lên CNXH; về chế độ hợp tác, vai trò công nghiệp hóa, cải tạo phát triển nông nghiệp, thương nghiệp; vai trò lãnh đạo của quần chúng và nòng cốt là khối liên minh công – nông – trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.

Ngoài ra, ông Rứa còn nói Lenin được xem là “một trí tuệ và nhân cách cao đẹp”, “tấm gương sáng để chúng ta mãi mãi noi theo”.

Gấp rút cải cách

Trong bài trình bày gây chú ý, GS Trần Ngọc Hiên ( Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) nêu dẫn chứng: V.I.Lênin đã cảnh báo về “bệnh kiêu ngạo cộng sản” từ những thành tựu đã đạt được và “bệnh ấu trĩ tả khuynh” duy ý chí trong điều kiện đảng cầm quyền là trở ngại lớn nhất trên con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

GS Trần Ngọc Hiên. Ảnh: LT

GS Trần Ngọc Hiên. Ảnh: LT

GS Hiên nói thêm: “Bệnh ấu trĩ tả khuynh của những người cộng sản rất trầm trọng trong đảng cầm quyền ở một nước lạc hậu. Vì vậy, Lênin rất khó khăn khi thông qua Chính sách kinh tế mới (NEP) ở lãnh đạo cao nhất”.

Thậm chí, đã có 20% đảng viên cộng sản vứt thẻ đảng khi biết tin thực hiện NEP.

Căn bệnh “tự phát tiểu tư hữu” được nhắc lại như một bài học cho hôm nay. “Chống lại bất cứ sự điều tiết, kiểm kê, kiểm soát nào của nhà nước, coi thường tổ chức và kỉ luật nhằm vơ vét được phần hơn, còn thì sống chết mặc bay”.

Nói về chủ nghĩa tư bản nhà nước của Lênin, TS Lê Xuân Đình từ Tạp chí Cộng sản liên hệ tới tình hình Việt Nam: “Phải gấp rút cải cách hệ thống doanh nghiệp nhà nước”.

Ông Đình lấy ví dụ: Những hiện tượng gần đây trong một loạt các tranh chấp về giá thuê cột điện giữa EVN và VNPT, những đợt lên giá của xăng dầu, giá điện đang gây nhiều bất bình trong nhân dân.

“Muốn nói gì thì nói, định hướng XHCN phải thể hiện rõ ràng trong từng bữa ăn, từng lớp học và con người cụ thể. Nhiều bất công, nghèo đói, tham nhũng, quan liêu, mất dân chủ… còn chưa được phát hiện kịp thời, thì nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vẫn còn để lại những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu”.

Trong bài phát biểu kết thúc, ông Tô Huy Rứa nhấn mạnh cần vận dụng sáng tạo để xây dựng CNXH trong bối cảnh hiện nay, là đó là “trách nhiệm và tình cảm của chúng ta đối với Lenin”.

Đặc biệt, ông Tô Huy Rứa coi Chính sách kinh tế mới của Lenin là “một thành tựu lớn về lí luận… chứng tỏ Lenin là nhà cách tân vĩ đại đầu tiên trong lịch sử chủ nghĩa xã hội hiện thực”.

Cuộc hội thảo có sự tham dự của gần 300 nhà khoa học, quản lý, với 130 bài tham luận được gửi tới.

Nhưng “vì thời gian có hạn”, chương trình hội thảo chỉ dành cho 10 đại biểu lên đọc lại tóm tắt lại các bài tham luận của mình đã in trong kỉ yếu. Không có phần thảo luận hay phát biểu phản biện.

LT

Nguồn: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201004/Benh-kieu-ngao-cong-san-la-tro-ngai-lon-nhat-904739/

This entry was posted in Đảng CSVN and tagged . Bookmark the permalink.