Ngày 6 tháng 3 năm 2010, Lê Thị Công Nhân được tha sau 3 năm tù về tội “tuyên truyên chống Nhà nước”. Mặc dù còn phải chịu 3 năm quản chế sau khi mãn hạn tù nhưng ngay sau khi được tha Lê Thị Công Nhân đã có những lời nói và việc làm thách thức pháp luật.
Mấy ngày gần đây xuất hiện những nội dung trả lời phỏng vấn qua điện thoại của Lê Thị Công Nhân trên các đài phát thanh nước ngoài. Chẳng hạn, trên đài RFI, khi được hỏi về suy nghĩ sau những năm tháng ở tù, Lê Thị Công Nhân nói rằng, thời gian ngồi tù vừa qua giúp cô ta “kiên định thêm niềm tin” trong cuộc đấu tranh cho dân chủ… Thế là một số phần tử phản động ở nước ngoài lập tức tung hô, gọi Lê Thị Công Nhân là một nhà hoạt động “dấn thân” vì dân chủ, tự do tôn giáo, đa nguyên, đa đảng tại Việt Nam.
Lê Thị Công Nhân càng hoang tưởng, nghĩ mình là một “vĩ nhân” nhưng không được nước nhà trọng dụng… Khi trả lời đài VOA Lê Thị Công Nhân ngang nhiên tuyên bố rằng: “Tôi sẽ chống đối đến cùng”.
Rõ ràng con người này vẫn chưa tỉnh ngộ, ăn năn, hối cải về những hành vi sai trái của mình. Lê Thị Công Nhân đang được các thế lực thù địch cho đi “tàu bay giấy” để rồi sử dụng như một con bài chống phá đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam.
Kim Ngọc
http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/5/5/5/109054/Default.aspx
Báo QĐNDVN là một tờ báo lớn ở Việt Nam, Kim Ngọc là bút danh quen thuộc của báo trên lĩnh vực chính trị, nhất là mục đấu tranh phòng chống diễn biễn hòa bình.
Thế nhưng đoạn viết trên khiến người đọc băn khoăn không biết là dạng tin, bài hay là chửi đổng?
Tòa phán quyết LTCN chịu 3 năm tù giam, chấp hành xong thì buộc phải để người ta về. Trong một ý thức quen thói là ban ơn, Kim Ngọc sử dụng 2 lần từ “được tha”. Việc LTCN về nhà sau khi mãn hạn tù là điều đương nhiên, bắt buộc trại giam nơi thực hiện việc thi hành án của LTCN phải thả. Làm gì có ơn huệ nào ở đây để phóng viên Kim Ngọc dùng từ “được tha”? Những người chấp hành án phạt tù chỉ dùng từ “được tha” trong trường hợp được đặc xá, được giảm án. Còn trong trường hợp chấp hành đủ thì không tù nhân nào gọi đó là “được tha” cả, vì trại không thể nào giữ được.
Với một cách dùng từ ngay từ đầu bộc lộ thói ban ơn như vậy đã bộc lộ sự thiên kiến trong tổng thể bài viết là điều không thể tránh khỏi.
LTCN phải thực hiện 3 năm quản chế, có nghĩa là quản chế về mặt thể xác con người, không được đi khỏi nơi cư trú. Chứ quản chế đâu phải là quản chế cả phát ngôn. Nếu nói ngay sau khi ra tù LTCN lập tức di chuyển đến TP HCM hay TP Hải Phòng thì buộc tội được, đằng này ra khỏi tù chả lẽ cấm người ta nói? Chả lẽ kiên định niềm tin trong cuộc đấu tranh đòi dân chủ là một tội? Hay ý của Kim Ngọc là không được kiên định đấu tranh đòi dân chủ, hoặc kiên định đấu tranh đòi không dân chủ. Nếu vậy “dân chủ” là một từ “phản động, vi phạm pháp luật” mất rồi. Bảo sao nhiều người đi tù vì tội danh có dính đến từ “dân chủ”.
Đến dẫn chứng báo QĐND đưa ra cũng không rõ ràng vì cắt xét. LTCN tuyên bố:
– Tôi sẽ chống đối đến cùng.
Kim Ngọc đưa lời của LTCN ra như là bằng chứng thêm sức buộc tội trong bài báo của mình. Nhưng đưa không rõ ràng. Chống đối cái gì mới được cơ chứ, chống đối phá thai, chống tham nhũng, chống tàn phá môi sinh… có bao nhiêu cái chống được pháp luật và xã hội ủng hộ. Vậy LTCN chống cái gì mà Kim Ngọc không thể nói rõ được vậy. Làm báo mà tùy tiện, cẩu thả vô lối khi đưa dẫn chứng như vậy mà cũng cho lên mặt báo thì chịu những nhà báo cách mạng quá. Không hiểu với những bài báo và trình độ phóng viên tác nghiệp như thế này thì, báo Quân đội nhân dân định chống âm mưu diễn biến hòa bình (một âm mưu mà Đảng cho là cực kỳ thâm độc, xảo quyệt) hiệu quả đến đâu hay chỉ làm cho kết quả ngược lại.
Lập luận ngô nghê, khiên cưỡng, lắp ghép rời rạc. Kết thúc bằng một câu phán kẻ cả đầy quy chụp, hàm ý đe dọa. Kim Ngọc hoàn thành xong một bài báo dài những 15 dòng? Cầm tiền nhuận bút đút túi hay xoa tay hoàn thành xong nhiệm vụ?
Nghe nói ngày trước anh Tô Huy Rứa khi là giảng viên trường báo chí – tuyên truyền dạy tốt lắm. Chắc Kim Ngọc hồi đó còn bé không được học anh Rứa nên nông nỗi mới như vậy.
Nên bỏ cái mục đấu tranh, chống… đi được rồi, nếu như trình độ chỉ có hạn, viết nữa người ta đọc lại thành phản tác dụng.
NBG
Nguồn: http://nguoibuongio.multiply.com/journal/item/444