Việt Nam phải ưu tiên cho một vụ kiện theo UNCLOS để hạn chế các hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên biển

Mấy hôm trước nhà văn Phạm Thị Hoài đặt câu hỏi: “Bao nhiêu bản đồ thì đủ?”. Câu hỏi này không chỉ liên quan đến một quyển sách về bản đồ cổ được xuất bản gần đây với đầy lỗi mà còn đụng chạm đến một vấn đề khác quan trọng hơn nhiều: liệu Việt Nam có đang đi đúng hướng chuẩn bị tài liệu và lập luận cho một vụ kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông – Hoàng Sa – Trường Sa?

Nhiều người Việt (trước đây tôi cũng vậy) rất hồ hởi khi ai đó tìm ra được một bản đồ cổ thể hiện HS-TS là của VN. Tôi có cảm giác giới chuyên gia Việt hầu như chỉ tập trung vào lĩnh vực này, sưu tầm bản đồ, tài liệu cổ để chứng minh chủ quyền của mình trên HS-TS trong giai đoạn trước thế kỷ 20. Giới luật gia quốc tế gọi cách tiếp cận này là sử dụng “historical title”.

Như tôi đã giải thích trước đây, UNCLOS không chấp nhận khái niệm “historical title” (trừ một số trường hợp rất hãn hữu) bởi vậy hướng đi này chủ yếu nhắm đến việc kiện đòi lại chủ quyền HS-TS chứ không phải tranh chấp ranh giới biển với TQ. Tuy nhiên áp dụng historical title trong tranh chấp chủ quyền HS-TS cũng có những hạn chế mà bài báo dưới đây chỉ ra.

Thứ nhất, nói gì thì nói luật pháp quốc tế về cơ bản dựa trên nền tảng luật phương Tây nên những bằng chứng, lập luận về “historical title” theo truyền thống phương Đông (của cả VN lẫn TQ) đều có thể không phù hợp. Có học giả quốc tế cho rằng  thậm chí khái niệm quốc gia và chủ quyền (nhất là chủ quyền trên các hòn đảo xa bờ) ở châu Á trước khi người da trắng đến rất mơ hồ và không phù hợp với những khái niệm hiện đại. Bởi vậy những bản đồ, chiếu chỉ, gia phả cổ có thể không có nhiều giá trị như chúng ta vẫn tưởng.

Thứ hai, ngay cả nếu “historical title” của VN được chứng minh và thừa nhận, để đảm bảo chủ quyền không bị mất, VN phải chứng minh được đã thực thi chủ quyền trên HS-TS một cách liên tục và hiệu quả. Việc cử hải đội ra khai thác trên các hòn đảo này không chắc đã đủ để chứng minh việc thực thi chủ quyền dưới mắt một trọng tài/quan tòa phương Tây. Trên thực tế, một số học giả quốc tế cho rằng cả VN và TQ đã không thực thi chủ quyền đầy đủ cho đến đầu thế kỷ 20.

Hai tác giả của bài báo dưới đây* (và không chỉ có họ) khẳng định cột mốc để đánh giá việc VN hay TQ có chủ quyền trên HS-TS là năm 1951 khi tại hội  nghị San Francisco Nhật từ bỏ quyền chiếm đóng tất cả các đảo trên Biển Đông. Nếu đây trở thành quan điểm chính thống của tòa thì như nhà văn Phạm Thị Hoài nói, tất cả các bản đồ cổ chỉ còn giá trị nghiên cứu. Như vậy nỗ lực của các chuyên gia VN phải là đi thu thập các tài liệu chứng minh chủ quyền từ sau năm 1951 (hoặc cùng lắm từ đầu thế kỷ 20) chứ không phải chỉ nhăm nhăm đi tìm bản đồ, chứng chỉ trong thế kỷ 18-19.

Cuối cùng, VN phải chấp nhận một sự thật là TQ đang chiếm đóng Hoàng Sa và một số đảo ở Trường Sa. Việc kiện tụng đòi lại chủ quyền trên 2 quần đảo này sẽ rất khó khăn và lâu dài trong khi TQ đang càng ngày càng có các hoạt động bành trướng (ví dụ: giàn khoan, tàu cá). Bởi vậy VN phải ưu tiên cho một vụ kiện theo UNCLOS để hạn chế các hoạt động bành trướng của TQ trên biển chứ không nên quá tốn thời gian và công sức cho vấn đề chủ quyền HS-TS. Nếu vậy những bằng chứng cho thấy đảo Triton không support được sự sống nên không có EEZ quan trọng hơn nhiều một bản đồ cổ chứng minh hòn đảo đó là của VN.

*http://journals.cambridge.org/action/displayAbstract?fromPage=online&aid=9307232&fileId=S0922156514000284

G.L.

Nguồn: https://plus.google.com/+GiangLe_KinhTeTaiChinh/posts/PHKF1ziqzKe

 

Tên bài do BVN đặt

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.