Các mục tiêu (không tiềm ẩn) của TQ trong vụ đặt giàn khoan HD 981 trong vùng biển của đảo Tri Tôn, thuộc Hoàng Sa của Việt Nam, từ đầu tháng 5-2014, là :
– Khẳng định chủ quyền của TQ tại quần đảo Hoàng Sa.
– Thăm dò thái độ VN trong việc xác định ranh giới biển của quần đảo Hoàng Sa.
– Xác định trữ lượng dầu khí dưới thềm lục địa trong vùng lưu vực sông Hồng (lưu vực sông Hồng trải dài từ các cửa các nhánh sông Hồng ở miền Bắc, trải dài cho đến các tỉnh miền Trung). Việc khảo sát này đã được thực hiện đồng bộ cùng lúc với những giàn khoan khác của TQ, đặt rải rác trong vùng cửa vịnh Bắc Việt.
– Chuẩn bị cho việc tuyên bố «vùng nhận diện phòng không» của TQ trong biển Hoa Nam (tức Biển Đông theo VN). Đây là phần quan trọng nhất còn thiếu trong chiến lược phòng ngự hải dương của TQ.
Sự hiện diện của giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa VN đã đưa lãnh đạo VN vào thế tiến thoái lưỡng nan, lúng túng. Những tuyên bố mâu thuẫn với nhau giữa các lãnh đạo tối cao trong thời gian qua cho ta thấy có sự bất đồng ý kiến sâu xa trong nội bộ đảng về phương pháp ứng xử với TQ. Dầu vậy, trên quan điểm thuần túy chiến lược, có lẽ phía Trung Quốc đã tính toán sai mà việc này có thể mở ra cho VN một cơ hội để giải quyết nhiều khó khăn trong việc lựa chọn đồng minh. Trong khi việc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, đã bị dư luận thế giới bỏ quên từ bốn thập niên nay, thì được hâm nóng lại.
Từ lâu, phía TQ một mực phủ nhận mọi hiện hữu về một tranh chấp chủ quyền ở vùng lãnh thổ này. Vừa qua ta thấy TQ lu loa đưa bằng chứng tố cáo VN trước Liên Hiệp Quốc. Rõ ràng đây là một «cơ hội» để VN đặt lại toàn bộ vấn đề chủ quyền Hoàng Sa với Trung Quốc trước dư luận quốc tế. Hành vi TQ đặt giàn khoan 981 trên thềm lục địa của VN, cũng như tranh chấp chủ quyền biển đảo, có thể sẽ giải quyết bằng một phương cách có lợi cho Việt Nam, vừa phù hợp với thực tế lịch sử cũng như quốc tế công pháp.
Tuy vậy VN vẫn án binh bất động.
Phía TQ vừa tuyên bố cho rút lui giàn khoan HD 981, lý do thời tiết, tránh cơn bão Rammasun. Hành động này có thể sẽ khép lại cách cửa cơ hội (giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo) của VN.
Thái độ của VN (xem việc giàn khoan rút lui) như là một chiến thắng (về ngoại giao) là không phù hợp. Trong vụ này, ngoài Phi lên tiếng ủng hộ VN, các nước khác trong khối ASEAN đều im lặng, cũng như phần còn lại của thế giới. Hoa Kỳ và Nhật lên tiếng phản đối TQ trong vụ giàn khoan HD 981, là vì TQ làm thay đổi nguyên trạng Biển Đông. Việc này đe dọa cho an ninh và quyền lợi kinh tế của họ (và các nước đồng minh của họ).
Như đã phân tích, mục tiêu của TQ có nhiều: dò tìm dầu khí, khẳng định chủ quyền, thăm dò thái độ của VN về đường ranh giới biển và thiết lập vùng nhận diện phòng không. Bước kế tiếp của TQ chắc chắn sẽ mạnh bạo hơn giàn khoan 981, sẽ càng làm cho VN khó xử. Vì vậy VN cần phải chuẩn bị những bước đi thích hợp để đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Theo tôi, không gian cơ hội của VN tuy đang khép lại, nhưng chuyện vẫn còn đang nóng, VN có thể nắm lấy và khai thác ngay bây giờ, mục đích làm cản trở mọi dự tính sau này của TQ. Điều quan trọng là VN phải khai thác «cơ hội» như thế nào?
Dĩ nhiên là vấn đề tranh chấp biển đảo giữa VN và TQ, VN chỉ có thể có ưu thế nếu đưa vấn đề tranh chấp ra trước một trọng tài quốc tế. Như thế hồ sơ về chủ quyền là quan trọng hàng đầu.
Theo tôi, lập trường pháp lý của VN hiện nay có một số điều cần điều chỉnh lại.
1/ Theo quan điểm chính thức của VN hiện nay (cũng như lập trường của hầu hết học giả VN), VNCH và VNDCCH là hai quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Theo tôi, quan niệm như vậy, VN hôm nay (và VN của thế hệ tương lai) sẽ không có «tư cách pháp nhân» nào để đứng ra kiện TQ (ra tòa CIJ hay một Tòa quốc tế nào đó) về các tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa.
Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa trên tay VNCH (với lý do: giải phóng một vùng lãnh thổ đang bị ngoại nhân chiếm đóng). VNDCCH là một quốc gia thứ ba, hoàn toàn xa lạ với VNCH. Còn CP CMLTMNVN không thể kế thừa HS từ VNCH, vì không thể kế thừa một lãnh thổ đã mất.
(Đó là chưa nói tới thực thể chính trị MTGPMN được thành lập do một nghị quyết của đảng CSVN, tức chỉ là một «công cụ» chính trị của VNDCCH.)
Trong khi đó, «quốc gia» tiền nhiệm VNDCCH đã nhiều lần bày tỏ thái độ (và lập trường) ủng hộ chủ quyền của TQ tại HS và TS. Công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng là mộttuyên bố đơn phương, nội dung mặc nhiên nhìn nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS. Một số những dữ kiện khác như các bài báo, sách vở, tài liệu, bản đồ… do phía VNDCCH xuất bản củng cố yếu tố đồng thuận (acquiescement) của công hàm 1958. Tệ hơn cả là vào thời điểm 17-1-1974 lúc TQ chiếm HS, chính phủ VNDCCH im lặng trong khi các nước như Liên Xô, Mỹ… phản đối hành vi sử dụng vũ lực của TQ. Hành vi im lặng, đối với công pháp quốc tế, được hiểu như là sự đồng thuận ám thị (TQ giải phóng một lãnh thổ bị chiếm đóng). Còn phía MTGPMN tuyên bố rằng các tranh chấp phải được giải quyết bằng thương thuyết. Thực thể chính trị này (cũng như VNDCCH) từ chối ký tên chung với VNCH trong bản tuyên bố lên án TQ xâm lăng.
Khi có tư cách pháp nhân là «quốc gia», VNDCCH là đối tượng của công pháp quốc tế. Các hành vi (có thể quy vào việc từ bỏ chủ quyền HS và TS cho TQ) của VNDCCH cũng sẽ quy thuộc về phạm vi quốc tế.
Việc kế thừa cũng vậy. Khi nhìn nhận VNCH và VNDCCH là hai quốc gia «độc lập, có chủ quyền» thì việc kế thừa, sau 1975, là «kế thừa quốc gia với quốc gia». Quốc gia là đối tượng của quốc tế công pháp, việc kế thừa quốc gia do đó cũng là vấn đề thuộc quốc tế công pháp. Quốc gia kế tục (CHXHCNVN) có quyền lợi (cũng như nghĩa vụ) kế thừa di sản kinh tế và chính trị của hai quốc gia tiền nhiệm, theo như qui định của luật quốc tế (các Công ước Vienne 1969 và 1978). Giả sử rằng CPLT CHMNVN không gặp khó khăn (về pháp lý) để kế thừa danh nghĩa chủ quyền HS từ VNCH. Thì quốc gia CHXHCNVN cũng không thể cùng lúc kế thừa hai lập trường đối nghịch: HS và TS là của VN (VNCH) và HS TS là của TQ (VNDCCH). Việc kế thừa HS và TS sẽ gặp bế tắc.
Như vậy, khi cho rằng VNCH (và VNDCCH) là hai quốc gia «độc lập, có chủ quyền», vấn đề tranh chấp Hoàng Sa sẽ không còn hiện hữu. VN hiện nay (cũng như các thế hệ VN trong tương lai) sẽ không có cách nào để thuyết phục dư luận quốc tế rằng «có tranh chấp» tại Hoàng Sa, chứ đừng nói đòi lại.
2/ Về hiệu lực công hàm 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chủ trương (chính thức) của VN (cũng như nhiều học giả VN), công hàm 1958 chỉ nói về hiệu lực hải phận 12 hải lý (chứ không đề cập đến vấn đề chủ quyền).
Nhìn nhận như thế là đã mặc nhiên nhìn nhận hiệu lực pháp lý của công hàm này (cho dầu chỉ nhìn nhận ở nội dung hải phận 12 hải lý).
Về nội dung công hàm 1958, tác giả của nó là ông Phạm Văn Đồng đã nhìn nhận: «lúc đó là thời chiến tranh và tôi đã phải nói như vậy». Dữ kiện này đã được báo chí quốc tế ghi chép lại (tờ Far Eastern Economic Review ngày 10-02-1994). Sau này ông Nguyễn Mạnh Cầm cũng có trả lời báo chí, nội dung tương tự.
Tức là công hàm 1958 nhìn nhận tuyên bố của TQ về hải phận 12 hải lý ở các đảo, kể cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Vấn đề là công pháp quốc tế có luật về «thời hiệu – contemporaneité». Theo án lệ Tòa Công lý Quốc tế 9-10-1998 về tranh chấp hai nước Yemen và Erythrée về chủ quyền một số đảo trong biển Hồng Hải. Về số phận đảo Mohabbakah, Tòa phán giao cho Erythrée với lý do đảo này nằm trong vùng lãnh hải 12 hải lý của nước này. Bởi vì, theo công ước Lausane được ký kết giữa các bên liên quan (hay nhà nước tiền nhiệm của các bên), thừa nhận rằng các đảo nào nằm trong vùng lãnh hải của nước nào thì đảo đó thuộc về nước đó. Thời kỳ đó lãnh hải chỉ có 3 hải lý. Tòa đã dựa lên lý thuyết về tính «thời hiệu – contemporanéité», áp dụng hiệu lực lãnh hải từ 3 hải lý lên 12 hải lý (theo Luật biển 1982), để lấy quyết định này.
Suy luận tương tự, tuyên bố về hải phận của Trung Quốc năm 1958 phù hợp Luật biển 1958 (chưa có khái niệm về vùng Kinh tế độc quyền ZEE). Tuyên bố này sẽ được nhìn nhận hiệu lực chiếu theo nội dung của Luật biển 1982 (có khái niệm về ZEE 200 hải lý). Tức là, ngoài lãnh hải 12 hải lý, bờ biển và các hải đảo của TQ sẽ được hưởng vùng kinh tế độc quyền (ZEE) 200 hải lý, đúng theo nội dung của Luật biển 1982.
Điều này thể hiện trên thực tế, VN đã tôn trọng như vậy.
Vấn đề là hiệu quả 200 hải lý ZEE có thể áp dụng cho các đảo Hoàng Sa và Trường Sa hay không?
3/ Để hóa giải những bế tắc đem lại do việc chủ trương «có hai quốc gia VN trong thời kỳ 1954-1976», hay do hiệu lực công hàm 1958, tôi có đề nghị như sau :
Lãnh đạo VN, cũng như các sử gia, học giả VN, cần gác bỏ cái lăng kính chính trị để nhìn nhận lịch sử theo đúng sự thật của nó. Sau đó áp dụng tinh thần Hiệp định Genève 1954 và Hiệp định Paris 1973, ta sẽ thấy mọi vấn đề về kế thừa về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, hay về hiệu lực công hàm 1958, đều có thể được giải quyết một cách êm thắm, thuận theo lý lẽ của công pháp quốc tế.
Theo tinh thần hai hiệp định quốc tế này, hai thực thể chính trị VNCH và VNDCCH không phải là hai «quốc gia độc lập, có chủ quyền».
Trên phương diện thực tế và lịch sử, 20 tháng 7 năm 1954, hiệp định Genève quyết định phân chia quốc gia VN thành hai miền tại vĩ tuyến 17. Hiệp định nhấn mạnh việc phân chia chỉ tạm thời, đường vĩ tuyến 17 trong bất kỳ trường hợp nào, không thể xem đó là đường biên giới phân định lãnh thổ hay chính trị. Hai miền Nam và Bắc lần lượt mang tên Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nội dung Hiệp định Genève xác nhận VN là một nước «độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, có chủ quyền và thống nhất».
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do ở phía nam vĩ tuyến 17, do đó thuộc quyền quản lý của VNCH.
Hiệp định Paris năm 1973 xác định lại nội dung hiệp định Genève 1954: «VN là một nước độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, có chủ quyền và thống nhất».
Cả hai hiệp định này đều được bảo trợ của Trung Quốc, cũng như các cường quốc Mỹ, Anh, Pháp…
Năm 1956 VNCH công bố Hiến pháp, điều 1 khẳng định : VN là một nước cộng hòa, độc lập, thống nhất và bất khả phân. Về phía VNDCCH, Hiến pháp 1946, điều 2 xác định VN là một khối thống nhất bắc, trung, nam không thể phân chia. Hiến pháp 1959, những dòng đầu đã khẳng định VN là một nước thống nhất từ Lạng Sơn đến Cà Mau.
Cả hai miền như vậy đều tôn trọng nội dung hiệp định Genève 1954: Việt Nam là một quốc gia thống nhất (ba miền) độc lập và có chủ quyền.
Điều này thể hiện lên thực tế. Trong khoảng thời gian từ 1954 đến 1973, không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới nhìn nhận sự hiện hữu của hai quốc gia Việt Nam. Khối Tư bản nhìn nhận VNCH là đại diện của nước Việt Nam duy nhất. Khối XHCN công nhận VNDCCH là đại diện nước VN duy nhất. Nước này nhìn nhận phía này thì không nhìn nhận phía kia, hay ngược lại.
Tức là, trên thế giới chỉ hiện hữu một quốc gia VN duy nhất. Hai thực thể VNCH và VNDCCH, nói theo ngôn ngữ công pháp quốc tế, là hai «quốc gia chưa hoàn tất – Etat partiel».
Ngoài ra, thời điểm phát xuất công hàm 1958 của cố TT Phạm Văn Đồng, phía VNDCCH vẫn còn có nguyện vọng thống nhất đất nước. Nhiều lần phía VNDCCH hối thúc VNCH, cho đến năm 1960, thương nghị giữa hai miền để tiến tới thống nhất Việt Nam theo nội dung của Hiệp định Genève 1954.
Như vậy, trên quan điểm công pháp quốc tế, nước VN chỉ có một, thống nhất ba miền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, có chủ quyền.
Trên tinh thần đó, bất kỳ các tuyên bố, các hành vi đơn phương của một bên (VNCH hay VNDCCH), như công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, cũng như một số các hành vi khác của VNDCCH trong khoảng thời gian 1954-1976 (có thể diễn giải là hành vi từ bỏ chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa), vì đe dọa đến việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đi ngược lại nội dung các hiệp định quốc tế 1954 và 1973, do đó chúng đều không có giá trị pháp lý.
Tức là công hàm 1958 của cố TT Phạm Văn Đồng được hóa giải một cách dễ dàng, đúng theo tinh thần trọng luật của công pháp quốc tế.
Về vấn đề kế thừa, hai thực thể chính trị VNCH và VNDCCH chỉ là hai miền thuộc về một quốc gia Việt Nam duy nhất, việc kế thừa lại là việc «nội bộ» của quốc gia, không thuộc phạm vi công pháp quốc tế. Danh nghĩa chủ quyền của VN tại HS và TS do đó được giữ liên tục, từ thời các vua chúa VN, sang đến thời thuộc Pháp, thuộc Nhật, hay đồng minh quản lý, cuối cùng chuyển sang VNCH sau đó là VN hôm nay.
4/ Về vấn đề kiện tụng Trung Quốc về vụ giàn khoan HD 981 cũng như về tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều học giả đã lên tiếng yêu cầu VN xúc tiến kiện TQ. Nhưng chưa thấy đề nghị nào cụ thể VN sẽ kiện TQ về cái gì? kiện lên tòa nào?
Kiện tụng là một việc phiêu lưu, VN có thể thắng, có thể thua. Trong khi phía TQ bảo lưu ở LHQ sẽ không chấp nhận bất kỳ một trọng tài nào giải quyết tranh chấp lãnh thổ (hay những vấn đề liên quan đến lãnh thổ). Vì vậy không gian pháp lý của VN rất là hẹp. Các học giả, luật gia VN cần phải tìm ra giải pháp kiện thế nào để vừa không bị tòa bác đơn do các bảo lưu của TQ, vừa không bị thua kiện do hồ sơ quá yếu.
Cá nhân tôi đã có một đề nghị đã công bố, ghi lại ở đây :
VN đệ đơn đề nghị Tòa Công lý Quốc tế (CIJ) tuyên bố một số điều :
– Việc chiếm hữu một lãnh thổ bằng phương pháp vũ lực là vi phạm các nguyên tắc cơ bản của LHQ.
– Việc chiếm hữu các đảo ở Trường Sa (lập danh sách chi tiết các đảo) năm 1988 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.
– Việc chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa tháng giêng năm 1974 bằng vũ lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.
Nếu cần thiết (để mở cho Trung Quốc một bước lùi chiến lược), kiện TQ về lý do :
– Vi phạm nội dung Hiệp định Phân định Vịnh Bắc Việt 30-12-2000 về việc chủ trương hiệu lực các đảo, áp dụng cho việc phân định ngoài cửa vịnh Bắc Việt.
Ba điều đầu tiên yêu cầu Tòa tuyên bố hoàn toàn thuộc về quyền của quốc gia Việt Nam, là thành viên các công ước và các nguyên tắc cơ bản của LHQ. Đồng thời việc giải thích nội dung các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền của Tòa CIJ. (Các điều ước quốc tế liên quan gồm : Công ước Drago-Porter 1907, Hiến chương LHQ điều 2 khoản 4 ngày 26-6-1945, hay Tuyên bố của Đại hội đồng LHQ 18-11-1987). Đặc biệt các yêu cầu này không liên quan đến các bảo lưu của TQ về việc phân giải tranh chấp chủ quyền bằng trọng tài quốc tế.
Mục đích việc yêu cầu Tòa tuyên bố, nếu thành công (điểm 3), sẽ đưa quần đảo Hoàng Sa (không có tranh chấp, theo TQ) vào tình trạng «có tranh chấp».
Nếu VN thua, tức Tòa không tuyên bố (không có ý kiến), thì VN cũng không có gì để mất. Trong vụ yêu cầu Tòa tuyên bố này không hề nói đến chủ quyền các đảo (HS và TS) là của ai, mà chỉ nói đến việc nhìn nhận hay không nhìn nhận, danh nghĩa chủ quyền nếu việc chiếm hữu thực hiện bằng vũ lực.
Còn nếu thắng (xác suất thắng là rất cao), VN được nhiều thứ.
Theo tập quán quốc tế, «đất thống trị biển». Nếu các đảo Hoàng Sa là lãnh thổ «có tranh chấp» thì vùng biển phát sinh từ nó cũng có tranh chấp.
Vị trí giàn khoan 981 có thể được xem nằm trong vùng biển «có tranh chấp» mà tranh chấp này phát sinh từ chủ quyền các đảo HS chứ không phải phát sinh do chồng lấn hải phận (giữa bờ biển VN với các đảo HS, theo như lập luận của TQ hiện nay).
Theo thông lệ quốc tế, nếu lãnh thổ có tranh chấp, việc giải quyết thường là chia hai (hay cộng đồng khai thác), mỗi bên được một phần của lãnh thổ đó. Tức là, quần đảo HS có thể chia hai, thí dụ hai nhóm Nguyệt Thiềm và An Vĩnh. VN có thể nhận nhóm Nguyệt Thiềm (phía tây) và giao cho TQ nhóm An Vĩnh (phía đông). Hải phận sinh ra do quần đảo này do đó cũng sẽ chia hai.
Đó là cái lợi thứ nhất.
Cái lợi thứ hai ở Trường Sa. Nếu tòa tuyên bố, thì TQ không có chủ quyền tại các đảo của VN tại TS. TQ sẽ không thể tuyên bố vùng «nhận diện phòng không» trong khu vực này được.
Cái lợi thứ ba, là VN dành được tính «chính đáng». Nhiều người cho rằng các phán quyết của Tòa cũng không làm gì, nếu TQ không tuân thủ.
Theo tôi, phán quyết của Tòa có tầm quan trọng rất lớn. Trong vụ giàn khoan HD 981, nếu TQ không rút giàn khoan, VN có thể dùng các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của mình. Việc «bảo vệ» ở đây mang tính tự vệ chính đáng, được hiến chương LHQ công nhận.
Đây là một việc làm ít tốn kém, đáng lẽ không cần phải đưa ra một tổ hợp luật sư nào. Tuy nhiên, để nắm chắc phần thắng, đơn không bị bác do lỗi thủ tục, VN nên thông qua một tổ hợp luật sư chuyên môn ở HK.
5/ Lá thư của ông Lê Hoài Trung, Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền của VN tại LHQ, gởi TTK LHQ ngày 3-7-2014 vừa qua, nội dung cho thấy đã có một số thay đổi sâu sắc về lập trường chính thức của VN về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.
Điểm thứ nhất, nhà nước CHXHCNVN hôm nay đã lấy làm tài liệu (các hành vi hành sử chủ quyền) của quốc gia VN tại HS và TS trong quá khứ. Điển hình nhắc lại lời tuyên bố của Thủ tướng Trần Văn Hữu tại Hội nghị San Francisco 1951.
Tại Hội nghị San Francisco, Quốc gia VN tham dự do Hoa Kỳ mới, với tư cách một quốc gia độc lập, «có tuyên bố chiến tranh với Nhật».
Việt Nam là một bên ký kết với Nhật hiệp ước hòa bình San Francisco 1951. Nhật đã phải bồi thường chiến tranh cho VN, bằng các hình thức viện trợ và công trình xây dựng (như đập thủy điện Đa Nhim).
Điều này khẳng định tư cách pháp nhân của quốc gia Việt Nam (độc lập, có chủ quyền) ở thời điểm đó, trước sân khấu quốc tế. Điều này quan trọng, tuyên bố của ông Trần Văn Hữu có giá trị pháp lý hay không là do tư cách pháp nhân của Quốc gia VN trước Hội nghị.
Thứ hai, cũng trong thư này ông Lê Hoài Trung đã sử dụng các ý kiến của tôi đã bộc lộ trên facebook, blog… trước đây (được viết lại trong bài này): dùng hiệu lực của các hiệp định Genève 1954 và Paris 1973 để hóa giải hiệu lực công hàm 1958 cũng như nhấn mạnh việc chiếm hữu lãnh thổ bằng vũ lực, theo công pháp quốc tế, sẽ không đem lại chủ quyền cho TQ.
Dĩ nhiên đây là điều hãnh diện cho cá nhân, nhưng tôi cho rằng công việc sẽ chẳng đi đến đâu, nếu VN không nhanh chóng dành lấy “cơ hội” này để đưa tranh chấp ra một tòa án quốc tế.
T.N.T.
Tác giả gửi BVN