Đàm phán Hiệp định Geneva: Bài học lớn về độc lập tự chủ và lợi ích dân tộc

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là tiền đề quyết định để tiến tới ký kết Hiệp định Geneva.

Trò chuyện với Lao Động, nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao lão thành – nguyên Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh – đã phân tích những bài học về ứng xử với các nước lớn, từ kinh nghiệm đàm phán Hiệp định Geneva.

– Thưa ông, nhìn lại việc đàm phán Hiệp định Geneva, có những đánh giá thẳng thắn rằng, lúc đó chúng ta đã bị các nước lớn gây sức ép. Vậy những sự kiện khi đó có thể giúp ích gì cho Việt Nam trong lúc Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn về đối ngoại, an ninh, trong quan hệ với các nước lớn hiện nay?

– Phải hiểu tình thế của Việt Nam khi đàm phán Hiệp định Geneva: Chúng ta đang kháng chiến chống Pháp, cơ quan đầu não đóng trong rừng, lực lượng mỏng, yếu, mọi thứ do Liên Xô và Trung Quốc (TQ) giúp đỡ, từ cơm áo gạo tiền đến súng đạn. Ta hoàn toàn phụ thuộc, nhất là vào TQ – cả về kinh tế, chính trị. Cố vấn TQ có mặt khắp mọi ngành ở Việt Nam, thậm chí người đứng đầu đoàn cố vấn của họ dự các cuộc họp của lãnh đạo cấp cao Việt Nam; nên khi đến Geneva, ta đề nghị đàm phán tay đôi, nhưng Liên Xô đề nghị họp các nước lớn để TQ cũng có mặt ở hội nghị. Các nước lớn không quan tâm quyền lợi của Việt Nam, Lào, Campuchia, mà họ lấy lợi ích của họ làm chính.

Các nước lớn đều ép ta trong thỏa thuận về khu vực chiếm đóng của mỗi bên. Họ nói muốn hòa bình thì phải chia cắt đất nước. Các nước lớn bàn với nhau cả rồi. Lúc đó chúng ta không có thông tin gì cả, quốc tế bàn gì mình có biết đâu, đến phút cuối họ mời ta sang thì mọi việc đã sắp xếp hết cả.

Nhà nghiên cứu lịch sử ngoại giao Nguyễn Khắc Huỳnh.

Chúng ta đã ký Hiệp định Geneva ở thế bị bất lợi như vậy. Lúc đó các nước lớn đặt chúng ta vào thế phải ký, không ký không được, họ sẽ cắt viện trợ.

Thế trận trong hội nghị là Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ có một mình. Bên kia là Pháp, Mỹ, Anh cùng 3 nước liên kết của Pháp là các chính quyền do Pháp dựng nên ở Nam Việt Nam, Lào, Campuchia. Liên Xô, TQ ở phe ta nhưng có những tính toán riêng.

Tuy nhiên, ta có vị trí nhất định sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Pháp phải rút quân, công nhận Việt Nam độc lập chủ quyền. Đó là thắng lợi của gần 10 năm xương máu, thắng lợi đó khiến Pháp không thể muốn làm gì thì làm.

– Như vậy, bài học về độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ đến giờ vẫn còn nguyên giá trị?

– Đúng vậy. Bài học độc lập tự chủ đó đã được rút kinh nghiệm khi đàm phán Hiệp định Paris, ta đàm phán tay đôi, mọi thứ do mình định đoạt, đến khi thỏa hiệp phải chăng mới ký kết. Bài học độc lập tự chủ từ đó bắt đầu đi vào ngoại giao Việt Nam, phát huy nhiều mặt, được vận dụng rộng rãi, giúp chúng ta hội nhập với Đông Nam Á, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, hội nhập quốc tế…

Phải luôn nhớ rằng, độc lập tự chủ là trong quan hệ với nước lớn phải trên cơ sở lợi ích dân tộc, hai quốc gia bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi.

Trong quan hệ với nước lớn, cần tỉnh táo nhất là quan hệ với TQ. Kể từ khi giành độc lập thời Ngô Quyền, các triều đại tiếp theo cho tới nay, không thời nào không phải chống TQ. Nếu nhìn lại lịch sử, sẽ thấy TQ luôn có mưu đồ. TQ lợi dụng vấn đề Việt Nam để tạo thế mạnh cho mình ở Geneva. TQ thực hiện bành trướng bá quyền ở Đông Dương bằng ngoại giao ở Geneva. Chu Ân Lai đến Geneva với quan điểm lập lại hòa bình, chia cắt Việt Nam, nếu cần hòa bình, sẵn sàng nhường cả đường 5 và Hải Phòng cho Pháp.

Bài học độc lập tự chủ không phải chỉ trong đàm phán, mà phải trong mọi vấn đề hằng ngày. Phải tính toán, cảnh giác, hiểu sâu các nước lớn. Thái độ của TQ với Việt Nam chưa bao giờ thay đổi, luôn uy hiếp, lấn át, bành trướng. Nhà sử học người Pháp Joyaux – sau khi tham dự hội nghị Geneva từ đầu chí cuối – đã nhận xét về chủ nghĩa bành trướng bá quyền TQ: “Thái độ của TQ ở Geneva kế thừa chính sách cổ truyền của TQ, dù dưới chế độ hoàng đế, cộng hòa hay XHCN”. Tôi cho đó là kết luận rất sâu sắc. Chỉ có toàn vẹn lãnh thổ mới đảm bảo được độc lập chủ quyền.

– Vậy tựu trung lại, còn những bài học lớn nào ta có thể rút ra từ hội nghị Geneva, thưa ông?

– Hội nghị đem lại 4 bài học lớn: Quân sự phải đi đôi với chính trị, ngoại giao. Vua Quang Trung khi thắng quân Thanh đã giao Ngô Thì Nhậm tính bài ngoại giao. Thứ hai, bài học độc lập tự chủ như tôi đã nói ở trên. Thứ ba, phải hiểu các nước lớn, tính toán chiến lược của họ. Và thứ tư, riêng với Việt Nam là bài học cảnh giác, hiểu kỹ TQ, hiểu sâu bài học lịch sử.

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam có thời kỳ ta chưa hiểu kỹ TQ. Một bài học ngoại giao qua nhiều thời kỳ đến giờ là, TQ e ngại điều gì ở Việt Nam, điểm mạnh của Việt Nam là gì? Đó là lòng dân. TQ sợ ta có một thể chế mạnh mẽ dân chủ, được lòng dân, đoàn kết nhân dân thành một khối, tập trung xây dựng kinh tế, quốc phòng, phát huy tinh hoa của xã hội để có trí tuệ, sức mạnh xử lý quan hệ với nước lớn và bảo vệ độc lập chủ quyền.

– Xin cảm ơn ông!

M.H.

Nguồn: laodong.com.vn

This entry was posted in Quốc Tế. Bookmark the permalink.