Genève để lại bài học gì?

Thấm thoắt đã 60 năm kể từ khi diễn ra hai sự kiện lịch sử của nước ta liên quan mật thiết với nhau. Đó là chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Genève về Đông dương. Về hai sự kiện này đã có cơ man bài viết, cuốn sách; bổ sung điều gì mới mẻ thật khó. Tuy nhiên mỗi người lại có thể rút ra điều gì đó có ích cho mình và tôi muốn chia xẻ vài suy ngẫm rất riêng tư về những bài học rút ra qua Hội nghị Genève năm 1954 qua một số tài liệu vừa đọc được.

Lúc Hiệp định Genève được ký kết, tôi còn rất trẻ, mới 17 tuổi, đang theo học tại Khu học xá Nam ninh (Quảng Tây – Trung Quốc) và đương nhiên không hiểu biết gì nhiều về sự kiện này. Trong tiềm thức của tôi chỉ còn đọng lại kỷ niệm về niềm hân hoan trong buổi lễ chào mừng Đoàn đại biểu Chính phủ ta ở Hội nghị Genève do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu trên đường về nước ghé thăm trường. Niềm vui ấy trộn lẫn đôi chút nỗi buồn không được về lại Hà nội giải phóng sau 9 năm xa cách mà phải đi Liên Xô học tiếng Nga để chuẩn bị phục vụ các chuyên gia Liên Xô sắp sang giúp ta xây dựng lại miền Bắc. Thế rồi số phận run rủi, đang học mới hơn một năm, tôi được lấy ra làm việc tại Đại sứ quán nước ta ở Liên Xô, và từ ngày đó cuộc đời tôi gắn bó với nghiệp ngoại giao. Xem như vậy có thể nói Hiệp định Genève vô hình chung đã tạo nên bước ngoặt trong đời tôi.

Làm việc trong ngành ngoại giao, đương nhiên tôi phải đi sâu tìm hiểu lịch sử ngoại giao Việt Nam, trong đó Hiệp định Genève là một mốc quan trọng. Võ vẽ vào nghề, lâu dần tôi ngộ ra một điều là muốn hiểu được các sự kiện quốc tế thì trước hết phải tìm hiểu xem sự kiện ấy diễn ra trong bối cảnh nào? Đối với Hội nghị Genève năm 1954, tôi mày mò tìm kiếm tư liệu để giải mã cho bản thân một số điểm còn thắc mắc. Trước hết đó nguồn gốc xuất xứ của Hội nghị từ đâu, do ai đề xuất, để làm gì…?

Hóa ra mọi chuyện đều do sự dàn xếp giữa các nước lớn: Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ. Còn nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa lúc ấy chưa lấy lại được ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên không được tham gia dàn xếp việc triệu tập Hội nghị.

Đầu những năm 50 thế kỷ trước là cao điểm của “chiến tranh lạnh”. Dưới tác động của nó, thế giới chia thành hai phe rõ rệt và đã trải qua sự đụng đầu trong cuộc khủng hoảng Béc-lin năm 1948 và các cuộc chiến tranh Triều tiên 1951 và Đông dương đã kéo dài 9 năm trời.

Đúng lúc đó, J. Stalin qua đời, nội bộ lãnh đạo Liên Xô trượt dần vào khủng hoảng và có nhu cầu hòa hoãn với phương Tây. Không biết lãnh đạo ta thời đó đánh giá thế nào về cục diện thế giới? Mới đây Nhà xuất bản Chính trị quốc gia có phát hành cuốn “Điện Biên Phủ, Hội nghị Genève. Văn kiện Đảng” , trong đó tôi thấy tại cuộc họp ngày 31/3 và 1-2/4/1953 của Ban Thường trực Liên Việt, Tổng Bí thư Trường Chinh có nhận định: “Làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng, đó là lo lắng chính của phe ta hiện nay trên thế giới… (phe) ta đề ra các vấn đề xung đột có thể giải quyết hòa bình giữa các nước có liên quan…”[1] .

Còn Pháp kiệt quệ do chiến tranh Đông Dương, Anh muốn vớt vát vai trò quốc tế đang mai một dần nên chấp nhận sáng kiến của Liên Xô triệu tập hội nghị tứ cường ở Genève để giải quyết những khúc mắc với nhau ở châu Âu. Riêng Mỹ lúc đầu muốn duy trì căng thẳng để thao túng Tây Âu, kiềm chế Liên Xô nên không muốn họp, song sau cũng đồng ý tham gia, không phải để đi đến hòa hoãn mà là phá rối. Quả nhiên hội nghị tứ cường chẳng đi đến thỏa thuận nào về các vấn đề châu Âu nhưng lại thỏa thuận sẽ thảo luận vấn đề đình chiến ở Triều Tiên và Đông Dương. Đơn thương độc mã trong cuộc đối đầu với phương Tây, Liên Xô đòi phải có sự tham gia của Trung Quốc là nước lớn ở Viễn Đông có chung biên giới với cả Triều Tiên lẫn Đông Dương. Đây chính là cơ hội ngàn vàng đối với Trung Quốc đang khát khao tranh thủ sự công nhận quốc tế, xác lập vai trò nước lớn của mình.

Không biết đối với những người nghiên cứu quan hệ quốc tế khác thì thế nào chứ đối với cá nhân tôi thì những điều nói trên dạy cho một bài học: nhiều chuyện diễn ra trên bàn cờ quốc tế chịu tác động lớn lắm của các cường quốc, do đó phải luôn luôn chăm chú theo dõi những tính toán, động thái và những sự dàn xếp giữa họ với nhau.

Liên quan tới chuyện này trong tôi lại nảy sinh thắc mắc: thế lập trường của ta thế nào? Tiếc rằng, cho tới nay tôi vẫn chưa tiếp cận được những tư liệu gốc về quá trình thảo luận và ra quyết định của lãnh đạo ta về việc tham gia Hội nghị Genève cũng như các phương án đàm phán, thỏa thuận. Trong cuốn sách nói trên tôi thấy TBT Trường Chinh nói: “khẩu hiệu đề ra có cái mới là bây giờ ta đề ra đấu tranh ngoại giao” bên cạnh đấu tranh quân sự và đấu tranh về ruộng đất; “lập trường bất di bất dịch của ta là độc lập, thống nhất, dân chủ và hòa bình” với 4 phương châm: (i) những mục đích không thay đổi nhưng có con đường thẳng, có con đường quanh co; (ii) nắm vững nguyên tắc là tôn trọng chủ quyền Việt Nam, bình dẳng, tự nguyện có lợi cả hai bên; (iii) lực lượng chủ quan là điều kiện căn bản để đi tới thắng lợi và (iv) luôn luôn đặt lợi ích của ta trong lợi ích của phong trào hoà bình, dân chủ xã hội chủ nghĩa[2]. Một sự kiện gây tiếng vang lớn lúc đó là bài trả lời phỏng vấn của Bác Hồ cho phóng viên báo Thụy Điển Expressen ngày 26/11/1953, trong đó nói: “…nếu Chính Phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cong hòa sẵn sàng tiếp muốn ý kiến đó… Cơ sở của việc đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”[3]. Nói tóm lại, ta cũng chủ trương điều chỉnh chính sách, mở mặt trận đấu tranh ngoại giao với mục tiêu, phương châm nói trên.

Xem như vậy có thể thấy xu hướng của Liên Xô và Trung Quốc lúc ấy là muốn hòa hoãn với phương Tây, riêng Trung Quốc muốn lợi dụng tình thế để xác lập vị trí nước lớn của mình, trong bối cảnh ấy ta cũng chủ trương đàm phán hòa bình.

Tiếp đến, điều băn khoăn, ray rứt nhất khi nói tới Hiệp định Genève năm 1954 là ai và vì sao đã có “sáng kiến” chia cắt nước ta thành hai miền? Tìm ra sự thật về việc này không dễ chút nào. May thay, các tài liệu mật thời đó lâu dần đã được giải mã.

Trong báo cáo đầu tiên gửi về nước ngày 4/5/1954, đồng chí Phạm Văn Đồng cho biết lúc đầu là Anh, sau đó cả Mỹ và Pháp chủ trương chia cắt Đông Dương thành hai miền hoặc theo vĩ tuyến 20, hoặc theo vĩ tuyến 16[4].

Không chỉ phương Tây mà Trung Quốc cũng có lập trường tương tự. Cuốn “Chu Ân Lai và Hội nghị Genève” của tác giả Tiền Giang do Nhà xuất bản Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc xuất bản tháng Giêng năm 2005 có cho biết: Trong “Ý kiến sơ bộ” (thực chất là Đề án của Trung Quốc tham dự Hội nghị Genève) có nói: “Tại Hội nghị Genève, cho dù Mỹ có cố gắng tìm mọi cách cản trở việc đạt được một hiệp định có lợi cho sự nghiệp hòa bình, chúng ta vẫn sẽ nỗ lực hết sức để đạt được sự nhất trí và một thỏa thuận nào đó nhằm giải quyết vấn đề, thậm chí là một thỏa thuận tạm thời hoặc thỏa thuận riêng biệt nhằm tạo thuận lợi cho việc mở racon đường hiệp thương giữa các nước lớn để giải quyết các tranh chấp quốc tế”…

Để đạt được yêu cầu đó, ngày 2/3/1954 (tức là 2 tháng trước khi đồng chí Phạm Văn Đồng gửi về nước bản báo cáo nói trên), Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gửi cho Trung ương Đảng ta một bức điện trong đó đề nghị: “…Nếu muốn đình chiến, tốt nhất nên có một giới tuyến tương đối cố định, có thể bảo đảm được một khu vực tương đối hoàn chỉnh. Trên thực tế, giới tuyến đình chiến hôm nay có thể trở thành ranh giới chia cắt trong ngày mai… Đường giới tuyến này càng xuống phía Nam càng tốt. Có thể tham khảo vĩ tuyến 16 độ Bắc”[5].

Những thông tin trên cho thấy rõ, lúc đó Trung Quốc muốn tranh thủ việc tham gia Hội nghị Genève để xác định vị thế nước lớn, “ngồi chiếu trên” với các nước ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc để dàn xếp các công việc thế giới, và để đạt được yêu cầu này đã cùng các nước lớn khác dàn xếp giới tuyến đình chiến, thực chất là ranh giới chia cắt lâu dài. Các tài liệu đã được công bố cho thấy lúc ấy thái độ Liên Xô tương đối “bị động”, tập trung chủ yếu vào các vấn đề châu Âu, “khoán” các vấn đề Viễn Đông cho Trung Quốc. Đây lại là một bài học “nhớ đời” củng cố quyết tâm kiên trì đường lối độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế.

Mặt khác tôi cũng ngộ ra rằng, những cái ta giành được ở Hội nghị Genève năm 1954 như đình chiến, quân Pháp phải rút khỏi Đông Dương, miền Bắc được giải phóng, các nước tham gia Hội nghị “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước trên (tức là Việt Nam, Lào và Căm-pu-chia)”[6] là nhờ ở những hy sinh to lớn, thắng lợi vẻ vang của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ. Tuy nhiên trên bàn thương lượng chỉ có thể đạt được những điều đã giành được trên chiến trường. Về vấn đề phân chia vùng tập kết, đồng chí Phạm Văn Đồng đã kiên trì khá lâu phương án lấy vĩ tuyến 13 song các nước khác lại dàn xếp phương án vĩ tuyến 16 – 17 và cuối cùng phương án lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến đã được chọn lựa.

Về việc này, ngay sau khi ký Hiệp định Genève năm 1954, Hội nghị lần thứ 6 (khóa II) Trung ương Đảng ta đã chỉ rõ: những thắng lợi của ta “đã làm cho lực lượng so sánh giữa ta và địch biến chuyển có lợi cho ta nhưng chưa phải biến chuyển căn bản có tính chất chiến lược”[7]. Đứng trên quan điểm lịch sử mà soi xét thì thỏa thuận Genève năm 1954 phản ánh tương quan lực lượng lúc bấy giờ, ta khó đạt được kết quả lớn hơn, nhất là cả hai nước tài trợ chủ yếu cho nước ta là Liên Xô và Trung Quốc đều muốn hòa hoãn với phương Tây.

Từ đây lại nảy sinh một bài học khác là nước ta luôn phải đối mặt với các thế lực hùng mạnh bên ngoài nên chỉ có thể tiến từng bước. Điều này được thể hiện rõ trong giai đoạn 1945 – 1946 khi ta chủ trương “hòa để tiến”. Điều này lại được thể hiện qua Hiệp định Genève và lặp lại qua Hiệp định Paris năm 1973, qua đó ta mới đạt được yêu cầu “Mỹ cút”, chứ chưa đạt được mục tiêu “ngụy nhào” – điều mà năm 1975 mới giành được.

Còn một khía cạnh nữa là vấn đề Lào và Campuchia tại Hội nghị Genève. Số là, các lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia không được dự Hội nghị và Hiệp định Gienève mới chỉ đưa tới việc giải phóng miền Bắc Việt Nam, còn lực lượng Pathet Lào phải tập kết về hai tỉnh Sầm nưa và Phong Sa Lỳ; ở Campuchia lực lượng Khmer Issarak phải hòa nhập vào thể chế Vương quốc. Lợi dụng thực tế đó một số thế lực xuyên tạc rằng, Việt Nam đã “bỏ rơi” hai nước láng giềng anh em!

Xem lại các tài liệu thì câu chuyện hoàn toàn không phải vậy. Trong bài phát biểu của đồng chí Trường Chinh được trích dẫn ở trên có đoạn nói: “Kẻ xâm lược phải ngừng bắn, đi đến ký hòa ước, ngoại quốc rút quân khỏi Đông Dương…Việt – Miên – Lào thống nhất lập trường nên nói Đông Dương. Nếu bây giờ chỉ đề ra rút quân đội ngoại quốc Việt Nam thì các bạn Miên – Lào sẽ nói ta thế nào?”. Và tại Hội nghị Genève, đồng chí Phạm Văn Đồng đã dành toàn bộ bài phát biểu đầu tiên cho việc đòi đại diện các lực lượng kháng chiến Lào và Căm-pu-chia phải được tham dự Hội nghị như các thành viên bình đẳng. Lập trường chính đáng này được nhắc đi nhắc lại nhiều lần tại các phiên họp của Hội nghị, được nêu trong kiến nghị 8 điểm đưa ra ngày 10/5/1954… trong đó điểm 1 nhấn mạnh: “Nước Pháp phải công nhận chủ quyền và nền độc lập của nước Việt Nam trên toàn lãnh thổ Việt Nam, cũng như chủ quyền và nền độc lập của nước Khmer và nước Pathet Lào”.

Ngày 27/5 Bộ Chính trị điện cho Đoàn ta ở Hội nghị cho ý kiến chỉ đạo: “đồng ý khi bàn vấn đề ngừng bắn và đình chiến cần tranh thủ thực hiện ngừng bắn và đình chiến trên ba nước… Mưu của địch là: nếu chúng phải ngừng bắn ở Việt Nam thì chúng đem bớt quân sang Khmer, Pathet Lào hòng tiêu diệt lực lượng kháng chiến của nhân dân hai nước đó, củng cố địa vị ở đó để sau này quay lại đánh ta… Các anh nên xem lúc nào thuận lợi, đặt lại vấn đề Hội nghị Genève phải mời đại biểu hai chính phủ kháng chiến Khmer và Pathet Lào tham dự…”. Điều thú vị là Bộ trưởng Ngoại giao Pathet Lào là Nu Hắc và Bộ trưởng Ngoại giao Khmer kháng chiến Keo Pha lúc đó đã có mặt tại Genève để phối hợp đấu tranh.

Điều dễ hiểu là các nước phương Tây chỉ chấp nhận đại diện các chính quyền gắn bó với họ, không chấp nhận đại diện các lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia tham dự Hội nghị; tách vấn đề Việt Nam bàn riêng; liên quan tới Lào và Campuchia chỉ đòi cái gọi là quân đội Việt Nam rút khỏi hai nước này, còn mọi chuyện coi như đã an bài.

Theo cuốn “Chu Ân Lai và Hội nghị Genève” nhắc tới ở trên, lúc đầu lập trường của Liên Xô và Trung Quốc  đống nhất với ta trong chủ trương giải quyết cả gói ba vấn đề Việt Nam, Khmer và Pathet Lào nhưng “sau trung tuần tháng 5, Chu Ân Lai đã xác định rõ không thể dùng kế hoạch cả gói để giải quyết vấn đề Đông Dương, cách tốt nhất là phân biệt đối xử”… Ngày 27/5 Chu Ân Lai đưa ra Hội nghị lập trường 8 điểm và cùng ngày Tân Hoa Xã phát đi bản tin được Chu Ân Lai trực tiếp phê duyệt, trong đó nói “về các khu vực tập kết quân đội, tình hình của 3 nước Đông Dương – Việt Nam, Campuchia, Lào hoàn toàn khác nhau… vì vậy biện pháp giải quyết cũng không giống nhau”, và trong cuộc gặp với đồng chí Phạm Văn Đồng đêm 12/7, Chu Ân Lai đã nêu phương án quân Pathet Lào tập kết ở hai tỉnh Thượng Lào, còn Campuchia nên đồng ý rút quân Việt Nam, không đặt ra vấn đề tập kết quân (lúc ấy phía ta dự kiến nếu phải tập kết thì quân Pathet Lào rút về các tỉnh dọc biên giới với Việt Nam). Một tình tiết đáng chú ý là trước đó, ngày 20/6 Chu Ân Lai đã tiếp Ngoại trưởng chính quyền Phnom Penh Tep Phan và 21/6 đã tiếp Ngoại trưởng chính quyền Vientiane Sananikon bàn bạc nhiều nội dung về quan hệ giữa họ với Trung Quốc và với Việt Nam, về giải pháp tại Hội nghị Genève với nhiều tình tiết không ngờ. Tiếc rằng, do khuôn khổ bài viết không trích dẫn được; ai quan tâm nên tìm đọc.

Các tài liệu tôi mới được tiếp cận cung cấp đầy đủ căn cứ để khẳng định rằng, trước sau như một Việt Nam kiên trì bảo vệ lợi ích của các lực lượng yêu nước Lào và Campuchia, ngược lại các thế lực bên ngoài đã dàn xếp mọi việc của hai nước này nhằm phục vụ cho lợi ích của họ, tách ba nước trên bán đảo Đông Dương ra khỏi nhau. Thiết tưởng bài học này vẫn còn nguyên tính thời sự, đoàn kết Việt Nam – Lào – Campuchia trên cơ sở bình đẳng, cùng phát triển là quy luật sống còn của ba dân tộc.

Giống như mọi sự kiện lịch sử khác, Hội nghị Genève năm 1954 về Đông dương ẩn chứa trong mình nhiều khía cạnh không dễ gì nhận chân được ngay. Thời gian là khoảng cách cần thiết giúp mỗi người nhìn rõ được bức tranh toàn cảnh, trong đó mỗi người lại phát hiện ra những sắc màu đậm nhạt khác nhau tùy theo nhu cầu và nhãn quan của riêng mình. Trên đây là một số cảm nghĩ, phát hiện rất riêng tư nảy sinh trong đầu tôi khi đọc một số tư liệu gốc mới được tiếp cận liên quan tới sự kiện xảy ra đúng 60 năm về trước và dường như chúng vẫn tươi mới đối với ngày nay và mai sau.

V.K.

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Điện Biên Phủ, Hội nghị Genève. Văn kiện Đảng. Nxb Chính trị quốc gia. Hà nội -2014, tr.350-351

[2] Sách đã dẫn, tr.350-351 và 360-364

[3] Báo Nhân dân, số 152, từ 6 đến 10/12/1953

[4] Sách đã dẫn, tr.372

[5] Xem sách đã dẫn do Bộ Ngoại giao nước ta dịch năm 2008, tr. 34-35 căn cứ cuốn “Truyện Chu Ân Lai” của NXB Văn hiến Trung ương Trung Quốc xuất bản tháng 2/1998, tr.154-155 và cuốn “Cuộc đời Thủ tướng Chu Ân Lai” của NXB Nhân dân tháng 1/1997, tr.74-75

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam. Điện Biên Phủ, Hội nghị Genève. Văn kiện Đảng. Nxb Chính trị quốc gia. Hà nội – 2014, tr.614

[7] Văn kiện Đảng toàn tập. NXB Chính trị quốc gia, Hà nội – 2000, t.15, tr. 223

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.