Độc tài đang co cụm, tử thủ

Sau Mác-Anghen cho ra đời luận thuyết Cộng sản, năm 1917, Lê-nin vận dụng luận thuyết nầy một cách “sáng tạo” ở nước Nga. Cuộc cách mạng Tháng mười thành công, lật đổ đế chế quân chủ Nga Hoàng, cho ra đời học thuyết Mác – Lê-nin. Nhờ quảng bá và “bao bì” cái bánh vẽ này bắt mắt, chính khách nhiều châu lục vội vàng thỉnh nó về áp dụng ở nước mình, với mong mỏi cải thiện đời sống tinh thần vật chất người dân bản địa.

 

Học thuyết CS bạo phát bạo tàn bởi phương thức sản xuất của nó phản khoa học, chẳng những không cải thiện được đời sống cho người dân mà còn gây nhiều thảm họa đối với họ. Nhiều triết gia, học giả đã “giải phẫu” moi ra nhiều “cát, sạn” từ trong ruột cái bánh vẽ này – nhiều người đã biết, không cần nhắc lại ở đây.

 

Học thuyết Mác-Lê phản khoa học, không thích hợp với xu thế phát triển của thời đại, khiến nó tự sinh tự hủy ở Đông Âu nói chung, trong đó có “anh cả đỏ” (Nga) là cái nôi sinh ra nó. Đáng nói hơn, học thuyết CS sụp đổ đầu tiên ở nước Đức, nơi sinh ra Các Mác, ông tổ của luận thuyết CS.

 

Những nước ở xa “cái nôi”, chậm phát triển vẫn ngoan cố bám lấy học thuyết CS như Bắc Triều Tiên, Cuba, Trung Quốc, Việt Nam. Đã quyết bám mà không trụ vững, họ lần lượt cải biên theo những mô thức khác nhau, khiến nó thành những đứa con tạp chủng (con lai)

 

Bắc Triều Tiên, kinh tế theo mô hình XHCN; chính trị độc tài theo kiểu vua chúa ngày xưa, cha truyền con nối.

 

Cuba, cố bám học thuyết Mác-Lê, đang uể oải, cố tìm đường thoát.

 

Còn Trung Quốc và Việt Nam, xin nhắc để nhớ: Trung Quốc là nước “bỏ cuộc” đầu tiên, năm 1972, trong lúc đi đêm với Mỹ, họ nói “mèo trắng mèo đen gì miễn bắt được chuột”. Thế là họ từ bỏ kinh tế XHCN chuyển sang kinh tế thị trường mang màu sắc Trung Quốc. Năm 1986, kinh tế ngày một khó khăn, Việt Nam học và làm theo Trung Quốc, cũng từ bỏ kinh tế XHCN chuyển sang kinh tế thị trường định hướng XHCN. Vậy là Trung Quốc và Việt Nam cải tổ (đổi mới) nửa vời, chỉ cải tổ kinh tế chớ không cải tổ chính trị – chính trị thì Cộng sản, kinh tế thì Tư bản (không đồng bộ). Về kinh tế, cải tổ cũng không triệt để, kinh tế thị trường còn thòng cái đuôi “mang màu sắc TQ” (TQ); kinh tế thị trường “định hướng XHCN”(VN) – Tác phẩm “Thiên đường mù” của nhà văn Dương Thu Hương, nội dung phê phán sự mù quáng, hoang tưởng…, khiến bà phải ly hương.  

 

Vậy là ở TQ và VN cả chính trị và kinh tế chưa định hình, không dừng lại “treo đầu dê bán thịt chó” mà đang có chiều hướng vượt xa hơn nữa “treo đầu chó… bán thịt chuột…”- Cộng sản không ra Cộng sản, Tư bản không ra Tư bản, ngay bản thân họ/nó cũng không biết mình là ai, thứ gì !. Dân gian lắc đầu ai oán:

 

 

Chế độ Cộng sản

Kinh tế Tư bản

Hàng hóa nhập cảng

Cán bộ Tư sản

Nhân viên chán nản

Nhân dân di tản…

 

Nếu cho rằng quan hệ Việt –Trung hiện nay vẫn  là quan hệ ý thức hệ Cộng sản,  tôi e  rằng không còn như thế, mà quan hệ Việt-Trung hiện nay là quan hệ độc tài với độc tài.

 

Học thuyết CS đã sụp đổ thì ý thức hệ CS cũng tan tành. Các nước do đảng CS cầm quyền mất phương hướng, không còn điểm tựa, tan rã: số thì tự giác giao quyền lại cho dân thiết lập thể chế Dân chủ; số thì cố giữ thể chế chuyên chính vô sản, nhưng kỳ thực là họ cố giữ lối cai trị độc tài nhằm vụ lợi; đặc biệt ở Nga, bỏ CS trị nhưng giữ lại độc tài trị.

 

Đã qua rồi ý thức hệ CS, thế giới ngày nay thật sự đã hình thành và đấu tranh không khoan nhượng giữa 2 nhóm nước: một bên là thể chế dân chủ tiến bộ và một bên là thể chế độc tài lạc hậu, mang dấu ấn Phong kiến – nhóm nước dân chủ đông, hợp thời, “ăn khách”, chiếm thế thượng phong.

 

Độc tài gọi độc tài bằng “đồng chí” cũng không sai: đồng chícùng chí hướng, không có chi là cao cả. Bọn cướp cũng có thể gọi nhau bằng đồng chí – đồng bọn ấy mà ?.

 

Không còn là hiện tượng, họ đã công khai: độc tài bênh độc tài, không phân biệt CS hay không CS; dân chủ bênh dân chủ. Dễ thấy nhất, gần đây, có lãnh đạo nước độc tài nào ra mặt ủng hộ phong trào dân chủ lật đổ tổng thống độc tài tham nhũng Yanukovich ở Ukraine ? Xa hơn nữa, có lãnh đạo nước độc tài nào lên tiếng ủng hộ những phong trào dân chủ chống những thể chế độc tài ở Châu Phi, Trung Đông không ? – họ ủng hộ độc tài thì có, ngược lại tuyệt đối không. Việc TQ xâm lược VN trước đây và gần đây, vì  2 nước này đều là độc tài đảng CS trị cắn xé nhau, nên lãnh đạo các nước độc tài còn lại làm thinh, có lẽ họ xem đây là vấn đề nội bộ, cùng hệ, đóng cửa nhắc nhau.

 

Công bằng mà nói, người đề ra hay áp dụng chủ thuyết CS chẳng qua là họ muốn tìm con đường tốt hơn cái hiện có cho nhân loại, cho dân nước mình thì chẳng có chi nên tội, có chăng là lỗi từ kiến thức. Đáng lên án đối với những kẻ vì danh lợi, biết sai mà không sửa, lỗi của họ từ ý thức – người ta bay vào vũ trụ tìm vùng đất hứa, rủi rớt chết rồi chửi bới người ta sao ?!.

 

Lỗi kiến thức phải được phán xét nhẹ hơn lỗi ý thức. Nếu lỗi kiến thức đưa vào trường học tập cải tạo không giam giữ thì lỗi ý thức đưa vào trại giáo hóa moi ra cho kỳ được tính ích kỷ hại nhân đang ngự trong đầu họ.

 

Phải vui vẻ đón nhận những người lỗi về kiến thức biết quay đầu.

 

 T.T

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.