‘Vấn đề Mekong có thể gây bất ổn chính trị và căng thẳng khu vực’

Đập Manwan trên sông Mêkông, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Đập Manwan trên sông Mêkông, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc

Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu an ninh toàn cầu phi lợi nhuận và phi đảng phái ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ, mới công bố một phúc trình phân tích và đánh giá những tác động tiêu cực đối với an ninh lương thực cũng như sinh kế của người dân nhiều quốc gia Đông Nam Á vì tình trạng xây dựng các đập thủy điện khổng lồ của Trung Quốc ở thượng lưu và của các nước khác ở hạ lưu sông Mekong. Phát biểu tại buổi lễ ra mắt kết quả nghiên cứu kéo dài ba năm hôm 7/4, Thượng nghị sĩ Jim Webb, Chủ tịch Tiểu ban Đông Á – Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Hoa Kỳ, nói rằng tình hình hiện nay tại sông Mekong là ‘vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng chục triệu người’. Trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này, mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi của Nguyễn Trung với một trong hai người chủ trì cuộc nghiên cứu này là Tiến sĩ Richard Cronin, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson.

VOA: Trung tâm của ông nghiên cứu về những bước đi dẫn tới quyết định xây đập của các quốc gia trên sông Mekong. Vì sao các nước vẫn tiếp tục hành động cho dù các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về các hậu quả tiêu cực của các con đập đối với người dân thuộc lưu vực sông này, thưa ông?

Tiến sĩ Richard Cronin: Thông qua phúc trình và bộ phim tài liệu về sông Mekong lần này, chúng tôi muốn lý giải rằng các nhà lãnh đạo ở khu vực hạ lưu sông Mekong, mà điển hình là Lào và Campuchia, không nhận thức đầy đủ về các hậu quả của các đập thủy điện của mình.

Trong khi đó, Trung Quốc nhìn nhận Mekong như là dòng sông riêng của nước này, và họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn. Chính quyền Bắc Kinh cũng có quan điểm riêng về mục tiêu phát triển. Họ vẫn duy trì mục tiêu sản xuất điện năng kiểu những năm 1930 với những đập thủy điện lớn.

Trung Quốc hành động vì quyền lợi quốc gia của họ. Vị thế ở thượng nguồn đã giúp nước này thu về các lợi ích cơ bản từ việc khai thác dòng sông Mekong, nhất là về thủy điện, trong khi hậu quả từ việc làm của Trung Quốc thì các nước ở hạ lưu lại phải gánh chịu. Phía bắc Lào và Thái Lan đã cảm nhận được những ảnh hưởng tiêu cực như lở đất cũng như mực nước thay đổi thất thường. Các hậu quả đó sẽ càng trầm trọng hơn nếu các quốc gia ở hạ lưu sông Mekong vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng các con đập chặn dòng chảy chính.

Thượng nghị sĩ Jim Webb (trái) và Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Nam Á (phải)

Thượng nghị sĩ Jim Webb (trái) và Phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách Đông Nam Á (phải)

VOA: Tại Hội nghị thượng đỉnh về sông Mekong mới đây ở Thái Lan, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tống Đào nhấn mạnh rằng tình trạng khô hạn và các vấn đề ở hạ lưu không phải do những con đập của Trung Quốc gây ra mà vì tình trạng biến đổi khí hậu. Bản thân ông nghĩ sao về phát biểu đó?

Tiến sĩ Richard Cronin:
Tôi không có cách nào để đánh giá và xác minh điều này, bởi lẽ người Trung Quốc không cho các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong biết về hoạt động của các con đập cũng như hồ thủy điện của họ. Họ không cho biết là họ có xả toàn bộ nước, hay vẫn còn lưu giữ nước ở các hồ chứa.

Bắc Kinh cũng không công bố các kết quả nghiên cứu về thủy học hay lưu lượng nước. Nói chung, họ không cho thấy sự minh bạch về vấn đề này.

VOA: Phát biểu tại lễ công bố phúc trình, Thượng nghị sĩ Jim Webb cho rằng một giải pháp song phương đối với các vấn đề trên sông Mekong là điều khó đạt được. Ông có chia sẻ quan điểm đó không, thưa Tiến sĩ?

Tiến sĩ Richard Cronin:
Đúng, tôi nghĩ đó là điều bất khả thi vì có tới sáu nước sử dụng chung sông Mekong. Hành động của mỗi nước đều đóng vai trò nhất định trong cả tiến trình đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng điều Trung Quốc muốn hiện nay là đạt thỏa thuận riêng rẽ với từng nước, mà đặc biệt là Lào và Campuchia, vì một số đập của hai nước này được các ngân hàng nhà nước Trung Quốc cho vay vốn cũng như do các công ty năng lượng và xây dựng lớn của Trung Quốc giúp phát triển.

Bắc Kinh không muốn phải đối phó với một nhóm nước. Họ muốn sử dụng ưu thế quyền lực nước lớn đối với nước nhỏ trong các cuộc đàm phán. Cũng giống với vấn đề tranh chấp ở biển Đông, họ không muốn đàm phán đa phương với toàn bộ các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

VOA: Thưa ông, một số quan điểm cho rằng các vấn đề liên quan tới sông Mekong có thể dẫn tới những bất ổn chính trị cũng như căng thẳng trong khu vực. Còn bản thân ông nghĩ sao?

Tiến sĩ Richard Cronin: Nếu bỗng nhiên mà việc sản xuất thực phẩm cũng như sản lượng đánh bắt cá sụt giảm mạnh trên sông Mekong, đói kém tất yếu sẽ phát sinh đồng thời sẽ dẫn tới tình trạng người dân di cư tới thành phố để tìm công ăn việc làm mới vì kế sinh nhai truyền thống của họ đã bị hủy hoại. Điều đó sẽ gây ra tình trạng bất ổn chính trị.

Tương tự như vậy, căng thẳng trong khu vực sẽ phát sinh. Nếu đập Sambor của Campuchia hay Don Sahong của Lào làm suy giảm và hủy hoại nguồn thủy sản ở hạ nguồn, vốn là nguồn thực phẩm và nguồn sống chính của người dân ven sông, tôi nghĩ Việt Nam có lý do tức giận với các nước láng giềng. Trong khi đó, nếu Campuchia quyết định không xây đập, họ sẽ có lý do để bất đồng với Lào. Ngoài ra, các nước, đặc biệt là Việt Nam và Campuchia, có thể sẽ không hài lòng với Thái Lan vì là nước tiêu thụ điện cũng như nhà đầu tư lớn vào các đập thủy điện ở Đông Nam Á. Chính quyền Bangkok còn có kế hoạch chuyển dòng nước sang vùng khô hạn Đông Bắc của nước này.

Tôi nghĩ nếu không cân nhắc dựa trên các nghiên cứu thấu đáo, các quyết định phát triển kinh tế của chính phủ các nước thuộc khu vực sông Mekong sẽ ảnh hưởng tới an ninh lương thực, sinh kế của của người dân cũng như làm xấu đi mối quan hệ giữa các nước trong khu vực, vốn còn ngờ vực lẫn nhau. Một con đập mà Lào dự kiến xây dựng phía trên khu vực biên giới với Campuchia đã gây ra những phàn nàn với các tuyên bố ngoại giao cứng rắn từ phía chính quyền Phnom Penh.

VOA: Ông đề cập tới tính không minh bạch của Trung Quốc về các con đập của nước này trên sông Mekong. Trước thực tế như vậy, các nước khác cần phải làm gì để giải quyết tình trạng này?

Tiến sĩ Richard Cronin:
Tôi nghĩ các quốc gia có liên quan phải hợp sức lại. Các nước thuộc Ủy hội sông Mekong (MRC) cùng phối hợp hành động. Họ cần phải quyết tâm yêu cầu chính quyền Bắc Kinh minh bạch hóa và cung cấp thêm các thông tin về hoạt động của các con đập của nước này.

Các nước thuộc lưu vực sông Mekong sẽ không thể lập các kế hoạch trong tương lai nếu không biết rõ Trung Quốc sẽ làm gì đối với dòng sông này. Như một diễn giả hôm nay đã nêu lên, họ cần phải đưa vấn đề này ra ASEAN. Họ có thể bàn về vấn đề này trong khuôn khổ ASEAN + 1 với Trung Quốc. Đây là một điều khó khăn. Tôi cũng không hy vọng gì nhiều, nhưng đó là điều họ cần làm lúc này.

VOA: Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton từng tuyên bố rằng Hoa Kỳ trở lại và sẽ quan tâm nhiều hơn tới Đông Nam Á. Vậy liệu Washington có thể đóng vai trò như thế nào trong việc giải quyết các vấn đề sông Mekong, thưa ông?

Tiến sĩ Richard Cronin: Hoa Kỳ có khả năng cung cấp công nghệ và giúp đào tạo nguồn nhân lực của các nước thuộc lưu vực sông Mekong nhằm giúp họ có thể nắm bắt được các hậu quả toàn diện về kinh tế và môi trường của các con đập trên sông Mekong trong tương lai, hay tình trạng biến đổi khí hậu cũng như giúp họ có thể đưa ra các chính sách hợp lý hơn. Hoa Kỳ cũng có thể đóng vai trò là nhân tố giúp thúc đẩy hợp tác giữa các nước thuộc MRC.

Xin cám ơn Tiến sĩ Richard Cronin.



This entry was posted in Môi Trường, Trung Quốc and tagged . Bookmark the permalink.