Cảm ơn Thầy Phạm Toàn

Hà Văn Thịnh
Tản nghĩ về chuyện đời

Có lẽ, mấy hôm nay, nỗi buồn trong tôi cũng học theo Nguyễn Quang Lập. Đó là một cái buồn vừa mơ hồ, vừa cụ thể. Xót xa nhiều lắm khi nghĩ rằng tình cảm, sự nặng lòng với quê hương đất nước nhiều đến thế, sao “cuộc đời” cứ cố hiểu sai? Chính trị hoá tình cảm, chính trị hoá cả bổn phận công dân, phải chăng là cái lẽ đương nhiên của nền văn minh hiện đại? Tôi cứ hỏi rồi, cứ tự bế tắc trong sự vật vã với chính mình…

8h30 phút sáng hôm ấy (13.1.2010), Thầy Huệ Chi gửi mail cho tôi, nói rằng, “Thịnh ơi, bài Tính mơ hồ của ngôn ngữ ngoại giao đăng rồi, đọc đi”. Tôi không ngờ là chỉ mấy chục phút sau, Thầy Huệ Chi bị khám nhà, tịch thu ổ cứng… Đó là bài tôi viết theo nguyên tắc mà Bauxite Việt nam đã tuyên bố: Không chống Trung Quốc, không đòi những chuyện nhạy cảm… Ngôn ngữ bài ấy “mềm” nhất có thể so với cái tính cách cộc cằn rợ Nghệ của tôi. Xin mở ngoặc là tôi hay nói đùa dân Nghệ Tĩnh là dân “mọi rợ”. Bằng chứng có thừa. Chẳng hạn, quả bí đỏ thì dân Nghệ Tĩnh gọi là “bù rợ” – quả bù của rợ(!)

Nỗi buồn và sự băn khoăn cứ luẩn quẩn bên tôi suốt mấy ngày nay. Dường như là sự sắp đặt kỳ lạ của tạo hoá, mấy hôm nay tôi đang đi công tác ở Đắc Lắc, Đắc Nông. Đã và đang được nghe, được nói, được chộ tất cả những gì lâu nay chỉ tưởng tượng và hình dung trong suy đoán mà không thể ngờ nổi. Chẳng hạn, tôi được biết chính xác rằng (từ những người rất có trách nhiệm, kể cả công an, là sinh viên tôi đang dạy) công nhân Trung Quốc không dùng nước của Nhân Cơ mà họ dùng những xe bồn loại 15.000 lít “chở nước từ đâu không rõ” về dùng; rằng họ không hề mua bất kỳ thứ gì của người Việt, kể cả rau; rau họ tự trồng lấy, hoặc chở từ Trung Quốc qua… Những thông tin tương tự như thế nhiều lắm, nghe, ngẫm và cố để mà hiểu, cố để mà tiếp tục thở dài…

Nói dông dài thế để bạn đọc biết rằng chẳng có gì bằng thực tế khi ta đến và chộ tận mắt những gì mình nghĩ. Và, trong cái luẩn quẩn vòng vo ấy, những bài viết của Thầy Phạm Toàn giống như là những liều thuốc bổ thâm thuý, đặc hiệu giúp cho tôi có thể mỉm cười và có niềm tin để vui sống. Từ chuyện tổng thống Pháp Sarkozy đến chuyện cô Hưng (vì tôi gọi Thầy Huệ Chi là Thầy)…, đều thật hay, thật là diệu tuyệt. Thầy Phạm Toàn có khuôn mặt hao hao Thầy Trần Quốc Vượng, một người tôi hết sức kính trọng. Năm 1974, khi Thầy Vượng dạy chúng tôi môn cơ sở khảo cổ học, Thầy nói về thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng… Một anh bạn trong lớp hỏi Thầy: “Thưa Thầy, vậy thời đại ngày nay của loài người là thời đại gì ạ?” Thầy Vượng khịt khịt mũi như thường vẫn thế, rồi vừa nói vừa cười: “Thời đại đồ đểu”(!) Tôi choáng. Vì một đứa con nít 19 tuổi không thể hình dung nổi một ngôn từ nặng đến thế và “sai” nhiều đến thế. Bây giờ, khi Thầy Vượng đã đi xa rồi, tôi lại càng nhớ đến câu nói ấy. Có lẽ, người có thể làm mềm đi, dịu mát đi sự nặng nề của những day dứt và trăn trở trong tôi về cái nỗi ám ảnh cách đây 36 năm chính là Thầy Phạm Toàn. Loài người đang trải qua thời đại đồ đểu thật sao? Giới hạn của nó ở đâu? Biểu hiện cụ thể là những gì? Có thể, tôi lại lẩm bẩm cái câu mấy hôm nay cứ găm mãi trong đầu – tên một bài viết của Thầy Phạm Toàn: “Cái gì cũng phải học”(!) Một lần nữa, xin cảm ơn Thầy Phạm Toàn!

Buôn Ma Thuột, 10h30’, 17.1.2010

Hà Văn Thịnh

This entry was posted in Tản Mạn and tagged , , . Bookmark the permalink.