Phe nước mắt

Tản mạn của Phạm Toàn

Được đọc các bài “Trung Quốc ngạc nhiên khi Google dọa rút” và “Trung Quốc phản ứng với Google” trên trang BBC thứ tự các hôm thứ năm, 14 tháng 1, 2010 và thứ sáu, 15 tháng 1, 2010, thấy rất thú vị vì cái nết ngây thơ của người Trung Quốc.

Nói “Người Trung Quốc” đây dĩ nhiên không phải là vơ đũa cả nắm trọn vẹn cái lục địa đầy những người là người ấy! Một tập đoàn người thôi. Không nhiều. Nhưng là “những con người làm nên lịch sử”. Tức là những con người có khả năng bóp méo (hoặc bóp bẹp) lịch sử.

Cỡ như người bạn to lớn đứng giữa Hà Nội dạy dỗ người Việt Nam muốn giải quyết những xung đột thì cần dựa trên đại cục. Lẽ ra ông ấy định làm nên lịch sử và nói “đại Hán cục” kia đấy! Nhưng ông ta lại tìm cách nói nhịu đúng vào lúc cần nói nhịu, và ông đã kịp dừng để chỉ nghĩ và nói đến “đại cục”.

Tương ứng với hành vi đi lại nghênh ngang kia, thì cái guồng máy đào tạo ra các thái thú cũng biết cách giả vờ tròn mắt ngạc nhiên trước “vụ Google”.

Nhắc lại một nét lịch sử cũng là cần. Năm 2006, cái đại công ty tìm kiếm trên mạng, cái thư viện dùng chung không thể thiếu của loài người trên con đường hiện đại hóa ngày nay, công ty Google đã tìm cách đặt chân lên lục địa da vàng mênh mông kia bằng những thỏa hiệp chết người. Ngay từ bước đầu, chỉ vì không thể bỏ qua lòng ham lợi nhuận, họ đã thỏa hiệp những điều cơ bản. Theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc, công ty đã đồng ý lọc (nói thô thiển tức là đồng ý kiểm duyệt) một số từ khóa, như cuộc phản đối tại Thiên An Môn năm 1989, phong trào đòi độc lập cho Tây Tạng, hay phong trào Pháp Luân công.

Như thế là, ngay từ đầu, họ đã không “đứng về phe nước mắt” như tấm lòng nhà thơ Dương Tường nước Nam, mà họ đồng ý đứng về phe làm chảy nước mắt! Thế rồi, bỗng dưng, đến năm 2009, họ lại đòi đứng về phe nước mắt: họ phản đối việc chính quyền Trung Hoa cho tay chân chui vào các thùng thư của các nhà hoạt động nhân quyền, các nhà bất đồng chính kiến, nói cho gọn là những người thuộc về phe nước mắt!

Chính quyền Trung Hoa, những người chơi cờ bao giờ cũng nghĩ trước được cả chục nước, nay bỗng tròn mắt “ngạc nhiên” không hiểu vì đâu cơ sự lại đến nhường này!

Google muốn gỡ bộ lọc thông tin nhạy cảm trên mạng tìm kiếm tại Trung Quốc. Google nói các vụ tấn công mạng xuất phát từ Trung Quốc nhắm đến các nhà hoạt động nhân quyền, làm tăng thêm kiểm duyệt trên mạng, rất có thể sẽ khiến công ty chấm dứt hoạt động tại Trung Quốc. Google còn loan báo công ty không hào hứng trong việc lọc thông tin theo chủ ý của chính phủ trên mạng google.cn.

Đáp lại những điều đó, người Trung Quốc vẫn hồn nhiên lắm. Mắt vẫn mở tròn “ngạc nhiên”, nên chi câu trả lời cứ như ông nói gà bà nói vịt, bà Khương Du phát ngôn viên chinh thức nói rằng “mạng internet hiện đang “mở rộng” tại Trung Quốc”. Cơ khổ! Có ai chê trách gì chuyện 350 triệu người Trung Hoa bây giờ vào mạng hàng ngày? Người ta chỉ phàn nàn vài trăm hoặc vài ngàn người Trung Hoa có đầu óc muốn xóa bỏ nước mắt trên lục địa mênh mông này, những người Trung Hoa chân chính đó hàng ngày bị lũ tin tặc lén lút trèo tường và chui cổng sau vào ăn cắp thông tin để phá hoại công việc của họ, để kéo dài cảnh đời nước mắt.

Google còn cho hay họ sẽ sớm ngồi nói chuyện với chính phủ để bàn về mạng tìm kiếm không có bộ lọc …

Nghe điều này, tai bà Khương Du bỗng thính hẳn ra, và bà trả lời rất đúng bài bản (dùng khắp đại Hán). Tại buổi họp báo thường lệ của Bộ Ngoại giao bà Khương Du nói: “Hiện nay chưa có thay đổi gì về bộ lọc này trên trang Google tại Trung Quốc”. Lý giải chuyện đó, bà nói: “Giống như nhiều nước khác, Trung Quốc quản lý mạng internet theo luật pháp nước mình”.

Ôi ông Google ơi. Tham thì thâm, dại rồi còn biết khôn làm sao đây! Đại công ty của ông nay đã để 60 phần trăm vốn lọt vào tay công ty Baidu của Trung Quốc mất rồi còn gì? Và cổ phần của chính Google nay chỉ còn 30 phần trăm. Bây giờ đến lúc thấy thua thiệt quá thì mới bắt chước bộ phim Việt Nam “bỗng dưng muốn khóc”, và ông bỗng dưng muốn đứng về phe nước mắt! Đã trót dại rồi thì thế nào rồi cũng thỏa hiệp nữa, cốt nuốt thêm lợi nhuận, thôi thì một miếng con con tráng miệng của sư tử cũng còn hơn chán vạn bữa ăn của loài thỏ.

Sáng 13 tháng 1 năm 2010, đài truyền hình ABC báo tin Google đưa biểu tượng anh thanh niên mặc sơ mi trắng đứng chẹn xe tăng ở Thiên An môn năm 1989, tôi vội nảy bổ vào máy, mở ra, vẫn chẳng thấy xe tăng đâu! Rất có thể đó là lời dọa dẫm để kiếm chác.

Bài học thật rành rành: công cụ kỹ thuật hiện đại như Google chẳng thể xóa nổi nước mắt. Muốn xóa nước mắt phải là những tấm lòng mang ý thức khoa học. Phải là những trái tim non trẻ muôn đời của nhà thơ cộng với ý thức long lanh khai sáng của Phục hưng Văn hóa. Ngoài ra khó có gì khác để thế gian này không còn bắt nhà thơ phải mãi mãi “đứng về phe nước mắt”.

Hà Nội, 16 tháng 1-2010

Hôm nay, thứ bảy, biết Huệ Chi có về sớm với vợ không?

Phạm Toàn

Chú thích :

Bài này chúng tôi nhận được từ sáng thứ bảy 16.1. Vì lí do kĩ thuật ngoài ý muốn, chúng tôi không thể lên khuôn ngay. Buổi chiều, lúc 13g (19g giờ Hà Nội), nhận được thư của tác giả : “ Tôi vừa ở nhà Huệ Chi về. Bây giờ mới về đến nhà. Huệ Chi ngày mai xin được nghỉ làm việc một ngày chủ nhật. Moral vẫn cao ”.

This entry was posted in Tản Mạn and tagged , , , . Bookmark the permalink.