Để chuẩn bị bài giảng cho lớp Hướng dẫn Du lịch của sinh viên ngành Nhật học, do Chính phủ Nhật tài trợ, tôi có dịp đọc thêm một số sách về Nhật Bản. Một trong những cuốn sách mà tôi đọc kỹ là cuốn Bí mật triều đại Yamato của hai tác giả Sterling Seagrave và Perggy Seagrave, do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2003.
Chuyện xưa mà cứ như chuyện của hôm nay: Trang 282 viết rằng “Theo tài liệu Nhật, khi trận đánh trở nên tệ hại, Nhật sắp thua vì chết đến 50.000 người, chính phủ Nhật mà Thủ tướng là Tojo, quyết định đầu độc nguồn nước uống bên địch (trận Nomonhan, do Zhukov chỉ huy, năm 1939) bằng mầm bệnh thương hàn. Mười ba người lính Nhật, đi ba ngày ba đêm để đổ xuống nguồn nước uống đó hơn 225 lít dung dịch có mang mầm vi sinh gây bệnh thương hàn”. Đọc và rùng mình, bởi người Nhật biết làm điều đó cách đây 70 năm thì ắt hẳn thời nay cũng có rất nhiều kẻ biết làm.
Câu hỏi đặt ra là: Những người có trách nhiệm với vận mệnh của dân tộc có hiểu bài học mà người Nhật đã dạy cho cả thế giới biết cách sử dụng lợi thế rừng đầu nguồn? Quả là thảm họa khi ta chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà quên đi, quên hết những hiểm họa lâu dài.
Rừng đầu nguồn không chỉ là nơi bắt đầu của một dân tộc, mà còn là chốn linh thiêng không thể tùy tiện trao gửi, bán mua. Đó là chưa nói đến chuyện ngày mai, ngày kia khi môi hở, răng cắn môi ngập máu thì chuyện rải mầm bệnh hay độc dược gì gì đó để đầu độc từ từ con cháu chúng ta chỉ là chuyện bình thường. Tại sao rất nhiều quan chức Việt Nam cứ bao biện quanh co cho cái lẽ mà ai cũng đã biết? Phải chăng người Trung Hoa đã thao túng rất nhiều, rất lớn, rất trầm trọng trên nhiều lĩnh vực nên chẳng còn ai dám nói, dám phô? Dù muốn hay không, người dân buộc phải nhớ đến câu ngạn ngữ “há miệng mắc quai”. Nếu đúng thế thì thật là thảm họa. Nên nhớ rằng, về độc dược thì người Nhật vẫn chỉ là con trẻ so với người Trung Hoa, cho dù lịch sử có chạy theo con đường vòng vèo kiểu nào đi nữa. Không tin, cứ tìm sách đọc và sẽ biết. Nếu hiểu rằng trao rừng đầu nguồn cho nước ngoài là “tạo nguồn” cho bất ổn, bệnh hoạn của dân tộc thì cũng phải khẳng định dứt khoát rằng không thể tha thứ cho “lỗi lầm” không thể chấp nhận được của những ai quên cả tương lai và vận mệnh của nước nhà.
Tại sao người dân than van, mà không một ai trong “guồng máy” động lòng? Bất cứ khoảnh rừng nào, dù nhỏ hay lớn đều có câu “Rừng là vàng…” của Hồ Chủ tịch. Cả nước thì lo hô hào “học tập và làm theo lời Bác” vậy mà những kẻ đang nắm giữ sinh mệnh rừng vàng của Tổ quốc lại không thèm nhớ đến câu nói đó thì học hỏi Hồ Chủ tịch để làm gì? Cứ nói, cứ tha hồ dùng cái cổ “trường cảnh tắc đại thanh” và dùng cái ghế có chỗ ngồi thật to, thật nhiều bổng lộc để cả vú lấp miệng em, để coi dân là một lũ ngu si, không biết, không hiểu cái “ngoại giao linh hoạt” được đúc sẵn từ hai chữ cúi đầu là lẽ làm sao? Làm thế nào để có hữu nghị khi “biển trời quê ta” thành nơi để “người ta” bắt ngư dân, giam tàu, đòi nộp tiền chuộc và chủ quyền được định nghĩa bằng những tiếng thở dài?
Năm hữu nghị không thể được “trình diễn” bằng các vụ bắt bớ, triệt tiêu con đường sống của những con người vất vả, nhiều bất trắc và đau khổ là những ngư dân. Đó là điều mà bất kỳ nhà nước nào cũng phải biết. Nếu Nhà nước mà không bảo vệ được người dân thì sinh ra Nhà nước để làm gì?
Rõ ràng nguy cơ của việc cho người Trung Quốc thuê rừng là hết sức nghiêm trọng. Do đó, phải nghiêm trị bất kể ai đã vì tư lợi mà quên mất điều đó. Hãy trả lời cho dân đủ và đúng những gì dân đòi hỏi chính đáng. Bởi, một khi tiếng nói của người dân cứ liên tục bị biến thành tiếng kêu thì tai họa đã cận kề.
Huế, 5.4.2010
H.V.T
HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập