Dân biểu Ed Royce gặp gỡ các blogger và nhà tranh đấu Việt Nam (Ảnh do Ủy ban Đối ngoại Hoa Kỳ cung cấp)
Trưa ngày 29 tháng Tư, một buổi điều trần với chủ đề “Hướng tới một nền báo chí độc lập tại Việt Nam” đã diễn ra tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ, trong khuôn khổ một loạt sự kiện đánh dấu Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3 tháng 5. Phái đoàn các bloggers, nhà báo độc lập đến từ Việt Nam đã ra điều trần theo lời mời của các dân biểu Mỹ và các tổ chức phi chính phủ, gồm có nhà báo độc lập Tô Oanh, blogger Nguyễn Tường Thụy, phóng viên độc lập Lê Thanh Tùng, nghệ sĩ Nguyễn Thị Kim Chi, blogger Nguyễn Đình Hà và nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng.
Một trong ba diễn giả tại buổi điều trần, ông Đỗ Hoàng Điềm, Chủ tịch Đảng Việt Tân, nói với VOA-Việt ngữ:
“Việt Nam ngày hôm nay… căn bản của vấn đề là chúng ta đang thiếu một xã hội dân sự phát triển đúng nghĩa, và một trong các yếu tố giúp cho xã hội dân sự ở Việt Nam có thể phát triển vững mạnh, là quyền tự do phát biểu, quyền tự do thông tin. Nhìn như vậy thì chúng ta thấy rõ là khi chúng ta tranh đấu cho quyền tự do thông tin ở Việt Nam, chúng ta đang góp phần cho việc xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh, đó chính là nền tảng để đem lại dân chủ bền vững cho đất nước Việt Nam. Tôi nghĩ rằng chúng ta phải làm sao hỗ trợ những tiếng nói độc lập ở trong nước, làm sao bảo vệ họ, tranh đấu cho họ, tạo phương tiện để những tiếng nói độc lập tiếp tục được phát triển ở trong nước. Và tôi hy vọng đây là cái bước khởi đầu để từng bước chúng ta đẩy tiến trình dân chủ hóa ở Việt Nam nó nhanh hơn.”
Blogger Nguyễn Đình Hà cho biết về mục tiêu của anh khi tham gia cuộc vận động quốc tế cho quyền tự do báo chí tại Việt Nam.
Blogger Nguyễn Đình Hà (trái) và nhà báo độc lập Lê Thanh Tùng
“Vâng, mục tiêu đầu tiên là chúng tôi được nói lên những tiếng nói ở trong nước về tình hình hiện tại tại Việt Nam, cũng như nói lên được những kiến nghị của mình với chính phủ Hoa Kỳ, là điều mà chúng tôi thấy vui nhất. ”
Ngay sau buổi điều trần, các bloggers đã được mời đến gặp riêng Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, đại diện Đảng Cộng Hòa tại California, để thảo luận về những quan tâm và nguyện vọng của phái đoàn Việt Nam.
Blogger Nguyễn Đình Hà:
“Trong cuộc gặp với Dân biểu Ed Royce, chúng tôi có nói đến tình trạng nhân quyền ở Việt Nam nói chung và về tình trạng tự do báo chí, tự do internet và hệ thống pháp luật của Việt Nam nói riêng. Ngài Ed Royce cũng chia sẻ về những công việc mà Ngài đã làm trong thời gian qua đối với tình hình nhân quyền trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Ngài có chia sẻ rằng là trong các cuộc đàm phán tới đây giữa Việt Nam và Mỹ thì ngài sẽ nêu lên nhu cầu với phía chính phủ Hoa Kỳ nhằm tạo sức ép đối với chính phủ Việt Nam để Việt Nam tôn trọng nhân quyền hơn.”
Dân biểu Ed Royce nói chuyện với các blogger và nhà hoạt động Việt Nam
Nhà báo Ngô Nhật Đăng chia sẻ:
“Cái cảm tưởng đầu tiên trong buổi điều trần quốc hội là tôi thấy Chính phủ ở Mỹ rất gần dân. Điều thứ hai là các dân biểu, các giới chức quan tâm tới Việt Nam rất là sâu sắc và họ có những bước đi rất cụ thể. Ngay sau buổi điều trần thì chúng tôi được lời mời của ngài Ed Royce, một người rất quan tâm đến Việt Nam, và được nghe những sự vận động của các dân biểu về các chính sách, những biện pháp chế tài đối với các quan chức Việt Nam khi họ vi phạm nhân quyền.”
Trong thời gian ngắn ngủi có mặt tại thủ đô nước Mỹ, các nhà tranh đấu đến từ Việt Nam đã có một số nhận xét so sánh Hoa Kỳ với Việt Nam. Nghệ sĩ Kim Chi nhận xét:
“Tôi đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, là vì… đặc biệt là Washington đẹp quá và nó tự do quá, đường phố thì xe cộ đi lại trật tự. Và mối quan hệ của con người thì rất là thoải mái tự do. Hai nữa tôi ngạc nhiên nhất là tòa nhà quốc hội thì tất cả mọi người dân đều có thể đi vào. Muốn ngồi xem quốc hội họp cũng được luôn thì tôi thấy nó tuyệt vời quá! Và tôi chỉ mong ước một điều thôi là đến một ngày nhân dân Việt Nam cũng sẽ được hưởng cái không khí như thế.”
Bà Kim Chi, nghệ sĩ ưu tú từng từ chối bằng khen có chữ ký của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho biết lý do vì sao bà sẵn sàng từ bỏ cuộc sống yên bình để dấn thân hoạt động, dẫn tới sự có mặt của bà trong phái đoàn.
“Là bởi vì tôi nghĩ đơn giản thôi, là tất cả những gì tiêu cực hiện nay nó đầy ắp ở Việt Nam, tham nhũng rồi vi phạm nhân quyền, rồi dân oan bị hà hiếp, rồi thì bắt bớ tù đày, yêu nước cũng bị cấm đoán, đi biểu tình chống Trung Quốc bành trướng cũng bị bắt. Tự vấn lương tâm, tôi thấy nếu tôi yên lặng thì tôi tệ quá, tôi vô cảm trước cái nỗi đau của mọi người, cho nên nó buộc tôi phải lên tiếng thôi chị à, giản dị là như thế thôi. ”
Blogger Nguyễn Đình Hà có lẽ tóm gọn nguyện vọng và động cơ chính đã khiến anh và nhiều blogger và nhà báo độc lập lên tiếng đòi tự do báo chí và các quyền khác:
Các blogger và nhà hoạt động Việt Nam tại buổi điều trần
“Mong cho đất nước tôi được phát triển và thực sự tự do, hệ thống thông tin truyền thông tại Việt Nam thật sự cởi mở. Những điều đó phải dựa trên nền tảng căn bản của pháp luật, tôn trọng sự tự do, tôn trọng quyền của công dân. Thứ hai các luật đó phải hướng đến mở rộng quyền tự do cho con người.”
Ba nhà báo- blogger độc lập ở Việt Nam bị ngăn cản không cho ra khỏi nước để tham gia sự kiện này, gồm có blogger Nguyễn Lân Thắng, phóng viên Anna Huyền Trang, và nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. Hộ chiếu của Tiến sĩ Dũng đã bị tịch thu và vẫn chưa được trả lại. Tiến sĩ Dũng nói điều đó cho thấy Việt Nam không tôn trọng quyền tự do đi lại của công dân.
“Xã hội dân sự là cái gì, chính là quyền đi lại, quyền được xuất cảnh tự do, quyền được nhập cảnh tự do của các công dân. Nếu nhà nước Việt Nam chưa tôn trọng điều đó, thì làm sao có thể nghĩ tới một quy chế thị trường để có thể vào TPP được?”
Trả lời câu hỏi của VOA về việc tổ chức ICJ, tức Tổ chức Luật gia Quốc tế, cũng có lên tiếng kêu gọi Việt Nam trả lại hộ chiếu cho ông, nhưng Hà Nội hoàn toàn làm ngơ trước những lời kêu gọi đó, tiến sĩ Dũng nói:
“Tôi còn nghe trong tháng Tư có một nhóm giám sát viên đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã chính thức gửi văn thư tới Hà Nội về trường hợp của tôi. Tôi thực sự không hiểu Hà Nội họ hình dung như thế nào về cái thế của một thành viên Hội đồng Nhân quyền mà họ đang thủ giữ. Bởi vì nếu giữ cái ghế đó thì họ phải tuân theo những quy định của Hội đồng Nhân quyền.”
H.H
Nguồn: voatiengviet.com