Chữ cố vấn không lạ với người biết đọc, biết nói tiếng Việt. Nghĩa của nó cũng rứa. Cả nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa sâu, nghĩa nông…ai học hết chương trình tiểu học ngày nay đều có thể ứng dụng…dễ ợt.
Tuy vậy, thập niên 80, 90 của thế kỷ vừa hết từ, cố vấn trong câu Cố vấn Ban chấp hành Trung ương thì không phải ai cũng hiểu cho thật cặn kẽ cái nội hàm của nó. Có lẽ vì khó hiểu và nhất là làm khó trong công tác, nhất là những công việc đại sự quốc gia nên đến thời ông Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí thơ Đảng (12/1997-4/2001) thì cái chức danh Cố vấn biến mất.
Còn nhớ dạo ấy từ quán cóc vỉa hè đến các văn phòng, nhiệm sở của hầu khắp các Cơ quan, Ban, Ngành trong ngoài Nhà nước, trong ngoài Đảng bàn luận rôm rả, xôn xao về cái sự biến mất này. Ai cũng cho rằng đây là một đột phá. Dư luận ngợi ca ông Phiêu. Nào là ông Phiêu là Tướng có khác. Cái gì hiệu quả thì mần. Thiếu hiệu quả, phải kính thưa kính gửi nhiều thì cúp.
Đúng thế. Không còn Cố vấn mọi việc vẫn trôi chảy, thuận chèo mát mái. Và…đội ngũ Cố vấn cũng khỏe, an tâm dưỡng già, ngồi nhà viết hồi ký. Chứ mỗi lần khán giả truyền hình thấy các cụ xuất hiện đi lại khó khăn, thậm chí có cụ phải hai người hai bên xốc nách, tội quá. Có cụ mắt chẳng nhìn thấy gì, phải đeo kính râm, đen kịt, vẫn phải lên bục đít- cua, dài ngắn tùy hội nghị, nghĩ mà thương.
Cố vấn BCHTW (những người đã từng trên vị trí Tứ trụ Triều đình), nói theo cách dân dã thì quả chỉ có ở Việt Nam. Hồi đó nhiều người trong số đồng nghiệp của người viết bài (toàn Tiến sĩ, Giáo sư cả) nói (rất thành tâm) rằng thiếu các cụ là nhiều cái bí. Nói gì thì nói khôn đâu đến trẻ. 70 còn phải học 71. Huống hồ… Nhất là nước mình đang ra biển nhớn để hội nhập và phát triển, cơ hội nhiều, thách thức lắm… cạm bẫy thì vô kể, đấy là chưa kể thế lực thù địch ở khắp mọi nơi, có khi nằm ngay trong chúng ta. Lại còn cái In- te- nét, mạng méo lung tung (lúc ấy chưa có bờ lốc bờ leo, chưa có Bọ nọ Bọ kia, chưa có lề trái lề phải lề dọc lề ngang.. như cua) nên không thể không có các cố vấn. Thế mà ông LKP chém một phát, đâu vẫn vào đó. Con tàu Việt Nam ra biển oai phong lẫm liệt. GDP tăng trưởng năm sau hơn năm trước đến nỗi mấy cường quốc phải vội kết nạp Viêt Nam vào WTO.
Sau cái đợt cho cố vấn biến, tháng Tư năm 2001chẳng hiểu sao ông Lê Khả Phiêu về hưu. Dịp ấy về quê, mấy bác hưu trí hỏi nhỏ ra điều rất chi là nghiêm trọng, này chú, có phải ông Phiêu tuyên chiến với tham nhũng mạnh quá, nghe nói ông có trong tay một danh sách dài nhiều cán bộ cấp cao có tài khoản tận bên Thụy sĩ, Mỹ, Gia- Nã- Đại…nên ông bị về vườn? Chết thật. Chắc bọn thù địch phao tin này(?). Các bác quên mất rồi, việc chống tham ô, tham nhũng, lãng phí từ thời Bác Hồ và suốt nhiều chục năm tiếp theo, ngay cả thời kỳ đánh Mỹ chưa bao giờ Đảng ta lơi lỏng, chứ đâu phải đợi đến thời ông Phiêu. Các bác xem lại tất cả các Nghị quyết của Đảng đi. Tôi nói quả quyết. Thế là mấy bác hưu im như thóc trong bồ, lảng sang chuyện thơ ca rồi hô nhau trăm phần trăm cho hết vò rượu quốc lủi.
Đấy là chuyện của ngày hôm qua, của quá khứ. Khép nó lại. Hay, dở cũng không nói nữa. Cứ kêu ca mãi, ngợi ca mãi có khi điên đấy. Ông anh họ tôi, Đại tá nghỉ hưu nói như ra lệnh trước đoàn quân. Giờ nói chuyện hôm nay. Chuyện gì?
Chuyện Thủ trưởng cũ của anh, người mà trước đây cúp chức danh Cố vấn lại thấy ông như đang làm Cố vấn. Hôm qua xem Tivi thấy ông ở Phét-ti-van Đàn ca tài tử khai mạc ở Bạc Liêu, ngồi cạnh Thủ tướng. Tháng trước thấy ông ở Lễ thượng cờ cho chiếc tàu ngầm (tên gì quên rồi) mới mua của Nga, cũng đứng cạnh Thủ tướng. Nghe nói tàu này hiện đại nhất thế giới. Mấy tháng trước cũng thấy ông ở Lễ trao giải thưởng Ô-lim-pích cho các cháu học sinh, sinh viên. Xa hơn chút nữa, hồi năm ngoái thấy ông trong Lễ khai trương đường bay Nội Bài-Phú Quốc của Việt Nam-e-lai, đứng cạnh Bộ trưởng Đinh La Thăng… nhiều, nhiều lắm. Trong khi các cụ khác không thấy nữa.
Có phải Thủ trưởng anh muốn tạo hình ảnh để sắp tới lại ra ứng cử? Cái này thì…biết sao được. Nhưng có gì lạ? Ở bên Nga, ông Pu-tin hết làm Tổng thống, chuyển xuống làm Thủ tướng rồi lại làm Tổng thống, và chắc ông sẽ làm 2 nhiệm kỳ 12 năm nữa và có thể còn dài nữa, ai biết được.
Việt Nam ta thì đến nay hầu hết Bộ trưởng, Thứ trưởng sau khi nghỉ hưu vẫn hoạt động quần quật. Hết làm Chủ tịch Hiệp hội nọ đến Hiệp hội kia. Đúng là…làm việc đến hơi thở cuối cùng. Chỉ ngại như cái ông Trần Xuân Giá, đang danh giá là thế, nể nang (?) nhận cái chức Chủ tịch ACB, rồi loạng quạng ký (có thể vẫn tưởng đang là Bộ trưởng) thế là dính vòng lao lí. Khổ thân quá!