Nhân ngày Tự do Báo chí thế giới mùng 3 tháng 5, tôi muốn chia sẻ về các khái niệm báo chí – quảng cáo – tuyên truyền và nhiệm vụ của báo chí Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Những nội dung chính của khái niệm báo chí – quảng cáo – tuyên truyền theo Từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia:
“Báo chí, dựa trên những điều tra, tìm hiểu để làm sáng tỏ đời sống xã hội, văn hóa. Đây chính là một bộ máy của chính quyền [chi tiết này chỉ đúng với các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa cũ, dưới chế độ toàn trị của đảng Cộng sản – BVN] để tìm hiểu thông tin, phổ biến và phân tích tin tức. Đây là những cơ quan ngôn luận, cung cấp thông tin và ý kiến về mọi vấn đề. Chính vì thế, báo chí thường được gọi là quyền lực thứ tư. Quyền lực này, nếu được nhân dân sử dụng đúng, thì sẽ góp phần nói lên sự thật, góp phần nói lên nguyện vọng của người dân, qua đó, cải tiến bộ máy xã hội.”
Như vậy, báo chí chân chính là phải đáp ứng được yêu cầu nói lên sự thật và nguyện vọng của nhân dân. Để đảm bảo được yêu cầu đó chỉ có báo chí tự do của một xã hội dân chủ. Ở xã hội độc tài thì không thể có báo chí tự do, hay không thể có báo chí chân chính.
“Quảng cáo là những nỗ lực nhằm tác động tới hành vi, thói quen mua hàng của người tiêu dùng hay khách hàng bằng cách cung cấp những thông điệp bán hàng theo cách thuyết phục về sản phẩm hay dịch vụ của người bán.”
Quảng cáo là một hành vi thương mại, thông tin một chiều về hàng hóa, dịch vụ để nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Đi xa hơn quảng cáo đó là tuyên truyền.
“Tuyên truyền là hành động truyền bá thông tin với mục đích đưa đẩy thái độ, suy nghĩ, tâm lý và ý kiến của quần chúng theo chiều hướng có lợi cho một phong trào hay tập đoàn, thường lồng sau mục tiêu chính trị. Thông tin tuyên truyền có thể không thực, hoặc có thể có thực nhưng được thổi phồng để làm nổi bật mục đích và đồng thời có thể cố tình che giấu một số dữ kiện liên hệ nhưng phản tác dụng khác (tức là nói láo bằng cách giấu một phần của điều có thực).
Mục tiêu tối hậu của tuyên truyền hiện đại không dừng lại ở thay đổi suy nghĩ hay thái độ của quần chúng, mà cần phải tạo hành động trong quần chúng. Tuyên truyền không chỉ lôi kéo cá nhân ra khỏi sự tin tưởng cũ, mà cần phải làm cá nhân đó tin mù quáng vào suy nghĩ mới và đưa đến hành động có lợi cho thế lực tuyên truyền. Cá nhân bị tuyên truyền sẽ mất khả năng lựa chọn và phản xạ tự nhiên, và từ đó sẽ làm những hành động với sự tin tưởng không cần bằng chứng cụ thể.”
Khoản 2 Điều 6 của Luật báo chí 1989, sửa đổi bổ sung 1999, quy định một trong sáu nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí cách mạng là:
“Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hoá lành mạnh của nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;”
Có thể hiểu báo chí cách mạng có nhiệm vụ “tuyên truyền xã hội chủ nghĩa” và trước hết nó phải là “tuyên truyền”.
Nếu báo chí không nói lên sự thật và nguyện vọng của nhân dân sẽ thì nó sẽ trở thành một công cụ để đầu độc nhân dân.
Hà Nội, ngày 24/04/2014.
H.H.S.
Tác giả gửi BVN