Thẩm định bài thẩm định của Phan Trọng Thưởng

Bài Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn của Phan Trọng Thưởng được giới thiệu là toàn văn bản nhận xét phản biện của PGS TS Phan Trọng Thưởng tại Hội đồng thẩm định luận văn do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập.

Bài viết đó giống với tất cả các bài báo lề phải từ giữa năm 2013 đến nay về Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan) và luận văn của cô. Gọi nó là bản nhận xét phản biện e có phần không thích hợp.

Phản biện luận văn không phải là moi móc những chỗ mình thích/không thích trong luận văn của người ta ra để phán đúng/sai. Anh có thể bày tỏ sự yêu/ghét của mình ở chỗ khác (báo Nhân Dân chẳng hạn), nhưng khi làm người phản biện phải tỏ ra khách quan, không bênh, không bỏ ai. Anh biết chê Đỗ Thị Thoan (tức Nhã Thuyên) mượn luận văn làm chỗ cổ súy (sic) cái này, chống đối cái kia. Tại sao ở bài phản biện luận văn anh lại cho mình quyền thể hiện sự tôn sùng của cá nhân anh dành cho nhân vật này, chủ nghĩa nọ?

Phản biện luận văn có nhiệm vụ chỉ ra cho tác giả luận văn thấy anh/chị ta đã làm/chưa làm được gì so với yêu cầu đề ra cho luận văn. Phan Trọng Thưởng chỉ làm mỗi một việc là trích dẫn và/hoặc tóm tắt luận văn rồi phán:

– “Với quan điểm lựa chọn như trên, có thế nói luận văn đã tập trung nghiên cứu một hiện tượng nổi loạn, không chính thống, một hiện tượng bên lề, một dòng ngầm không chỉ mang ý nghĩa văn chương đơn thuần mà còn mang ý nghĩa chính trị phản kháng, phản động.”

– “Đó là những luận điểm sai trái mang tính kích động chính trị rõ rệt.”

– “[Tóm lại, đây là chương được xem như cơ sở lý thuyết, như là khung lý luận của luận văn.] Về thực chất đây là một luận văn chính trị trá hình, văn chương chỉ là cái cớ.”

– “Đây là một luận điểm mang tính chất kích động rõ rệt.”

Tất cả các nhận định đó đều (rất) có thể (rất) chính xác, nhưng giáo sư đại học làm nhiệm vụ phản biện luận văn không (được phép) chọn cách diễn đạt ấy.

Thứ nhất, giáo sư đại học không có quyền dùng các từ ngữ miệt thị, mạt sát sinh viên cho dù trong thâm tâm rất muốn làm điều đó. Để tránh gây tranh cãi/kiện cáo lôi thôi, hãy viết là Tôi không tán thành điểm này, điểm nọ (nếu muốn nhận trách nhiệm cá nhân) hoặc Điểm này/điểm nọ không đáp ứng các yêu cầu A, B, C… của quy chế/luật X, Y, Z… (nếu cần viện dẫn uy quyền từ đâu đó). Tác giả luận văn không có quyền trình bày những luận điểm mang tính chất kích động rõ rệt thì người phản biện luận văn cũng phải điềm đạm giữ đúng luật ấy. Hạ bút phê được một câu Về thực chất đây là một luận văn chính trị trá hình, văn chương chỉ là cái cớ chính là mở đường cho người ta dùng lại câu ấy, giọng ấy với mình, không cần phải kiêng nể gì.

Thứ hai, giáo sư đại học ở các nước văn minh không chơi trò quy chụp của Hồng Vệ Binh Trung Hoa: Mày nói như thế như thế, tức là mày muốn như thế như thế; Mày thích cái này, mày sống; mày ghét cái kia, mày chết! Các chú Hồng Vệ Binh suy nghĩ giản đơn như thế thì được. Giáo sư đại học thì chớ, thiên hạ cười cho thối mũi. Nếu có thể căn cứ vào câu chữ để xét đoán ai thích gì, ai ghét ai thì tài quá, đáng kính phục quá, nhưng đó không phải là việc của giáo sư phản biện luận văn. Việc của phản biện luận văn chỉ là kiểm tra xem câu ấy, chữ ấy phù hợp đến mức độ nào (hay không phù hợp chút nào) cho việc giải quyết (những) nhiệm vụ mà luận văn đã đặt ra.

Sau cùng, phản biện luận văn là phản biện luận văn, không phản biện sinh hoạt đời tư, bên lề, quá khứ, vị lai của tác giả luận văn. Những việc Nhã Thuyên làm sau luận văn (rất) có thể có mối liên hệ chặt chẽ với bản luận văn đó, nhưng không ai thuê mượn ông Phan Trọng Thưởng tìm hiểu, đánh giá các hoạt động đó. Người phản biện chỉ làm việc trên văn bản được hội đồng trao phó (đôi khi không biết cả tác giả là ai). Không người phản biện nào căn cứ vào những hoạt động bên ngoài văn bản đó để viết nhận xét, đánh giá luận văn. Nhưng đoạn cuối của bài phản biện ký tên Phan Trọng Thưởng lại gồm toàn những tình tiết giật gân mà người đọc không thể tìm thấy đâu trên văn bản luận văn (xin xem: junglepoetry.wordpress.com).

Đ.T.M.

 

Nguồn: vanviet.info

This entry was posted in Giáo dục, phản biện. Bookmark the permalink.