Gốc rễ lối ứng xử hiện nay của Nga

Richard N. Haass, Project Syndicate, ngày 16-4-2014

Trần Ngọc Cư dịch

Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại [Council on Foreign Relations, một viện nghiên cứu chính sách tại Hoa Kỳ], từng giữ các chức vụ như Giám đốc Ban Hoạch định Chính sách tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2001-2003), đặc sứ của Tổng thống George W. Bush tại Bắc Ái Nhĩ Lan và Điều hợp viên cho tương lai của Afghanistan. Sách mới nhất của ông là cuốn Foreign Policy Begins at Home: The Case for Putting America’s House in Order [Chính sách đối ngoại bắt đầu từ trong nước: lý do Mỹ cần phải chấn chỉnh lại nội bộ của mình.]                                                                                                               

Trong bài bình luận sau đây, Haass cho rằng phương Tây cần phải làm sống lại chiến lược “ngăn chặn” vốn từng hướng dẫn chính sách của mình trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.  

Project Syndicate

Không ai nói được một thời gian nhất định là bao lâu cần phải trôi qua trước khi ngành báo chí nhường bước cho ngành sử học, nhưng cứ lẽ thường ngòi bút của nhà sử học có lợi thế về viễn cảnh, phản ánh sự qua đi của nhiều năm tháng, nhiều thập kỷ, hoặc thậm chí nhiều thế kỷ. Thời gian là yếu tố cần thiết để thông tin trở nên rõ ràng, hồi ký được viết ra, và ý nghĩa của các biến cố dần dần hiển lộ. Những gì có vẻ vụn vặt hiện nay một ngày kia có thể được chứng minh là không vụn vặt chút nào, cũng như những gì xuất hiện đồ sộ hiện nay có thể mất hết tầm quan trọng trong tương lai.

Nhưng, dù tình hình sẽ tốt hơn hay xấu hơn chăng nữa, phương Tây không có được cái xa xỉ ngồi chờ đợi để lý giải những biến cố gần đây tại Ukraine, chỉ vì không ai dám chắc những việc xảy ra tại Krym sẽ không được lặp lại ở những nơi khác. Hàng ngàn binh lính Nga vẫn đóng ở biên giới phía Đông Ukraine; và mỗi ngày đều có những tin tức mới về tình hình bất ổn bên trong Ukraine, nhiều vụ việc được cho là do Nga xúi giục.

Vì vậy, chúng ta cần phải gấp rút tìm hiểu những biến cố gần đây có ngụ ý gì về nước Nga, về vị tổng thống của nó, ông Vladimir Putin, và về trật tự quốc tế. Việc gấp rút áp dụng những bài học này cũng không kém phần quan trọng.

Putin muốn đưa nước Nga về cái mà ông cho là vị trí thích hợp nhất của nó trên thế giới. Putin thật sự căm phẫn về những gì mà ông cho là những sỉ nhục nước Nga phải chịu đựng kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, gồm sự tan rã của Liên Xô và sự bành trướng của khối NATO – mặc dù ông không bao giờ muốn nhìn nhận rằng nước Nga thật sự đã thua cuộc trong Chiến tranh Lạnh.

Đồng thời, Putin cố ra sức kéo dài chế độ cai trị của mình và đảm bảo rằng ông không chịu cùng một số phận với cựu Tổng thống Viktor Yanukovych của Ukraine, người từng đóng vai trò một thái thú của ông tại Kiev. Và Putin nhận thấy rõ ràng rằng việc phục hồi sự vĩ đại trước đây của Nga là một mục tiêu được nhiều đồng bào của ông chia sẻ. Chính sách đối ngoại có thể tạo ra ưu thế chính trị đối nội.

Do đó, người ta có thể dự kiến Putin sẽ tiếp tục can thiệp vào nội bộ của Ukraine bao lâu mà ông ta có khả năng làm như vậy – và bao lâu mà hành động này còn phục vụ mục đích tăng cường quyền lực của ông ở trong nước. Chính sách của phương Tây là phải tìm cách làm thất bại chiến lược này của Putin.

Chống lại sự can thiệp của Nga vào nội bộ Ukraine không biện minh được cho việc thu nhận Ukraine vào khối NATO. Làm vậy sẽ rơi vào một trong hai khả năng: hoặc là phải dùng sức mạnh quân sự để bảo vệ Ukraine, việc này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro và khó khăn vô cùng to lớn; hoặc là sẽ không thực hiện được sự cam kết vừa nói, việc này sẽ nêu lên nhiều hoài nghi sâu sắc khắp thế giới về uy tín của Hoa Kỳ. Tổng thống Barack Obama tỏ ra đúng đắn khi mô tả nước Nga như một cường quốc khu vực chứ không phải là một cường quốc toàn cầu – ở ngoại biên, Nga ở thế mạnh và có lợi ích đáng kể trong tương lai của Ukraine.

Tuy nhiên, phương Tây có một số phương án để lựa chọn. Một là tăng cường thế đứng Ukraine về mặt chính trị (bằng cách ủng hộ việc tổ chức các cuộc tuyển cử để dựng nên một tân chính phủ có khả năng điều hành đất nước) và về mặt kinh tế. Gói viện trợ tài chính 27 tỉ đôla trong vòng hai năm, vừa mới được thỏa thuận, chủ yếu do Liên Âu và Quĩ Tiền tệ Quốc tế tài trợ, sẽ tiếp sức cho Ukraine. Yểm trợ về an ninh phải đặt trọng tâm vào ngành tình báo và cảnh sát để Ukraine giảm bớt các tổn thương do âm mưu gây chia rẽ và gây bất ổn của Nga.

Một phương án khác là chuẩn bị một đợt trừng phạt kinh tế mới đối với Nga – mạnh mẽ hơn nhiều so với những biện pháp được đưa ra tiếp theo sau việc Nga xâm chiếm và sáp nhập Krym. Những biện pháp trừng phạt mới này phải nhắm vào các định chế tài chính của Nga và hạn chế các mặt hàng có thể xuất khẩu sang Nga, đồng thời Hoa Kỳ và Liên Âu phải thông báo rõ ràng cho Putin biết sự nhất trí của phương Tây về những đòn trừng phạt này, để ông ta hiểu trọn vẹn cái giá mà ông ta phải trả cho việc gây bất ổn tại Ukraine.

Phương Tây cũng cần đến một đường lối ngoại giao nhắm vào quần chúng. Dân Nga có thể phải xét lại việc hậu thuẫn chính sách đối ngoại của chính phủ nếu họ bắt đầu cảm nhận được hậu quả tiêu cực của chính sách này đối với mức sống của họ. Đồng thời họ có thể đâm ra ngỡ ngàng, hụt hẫng khi biết được đầy đủ tài sản riêng của Putin, một vấn đề cần được thu thập chứng liệu và công bố cho đại chúng.

Phương Tây còn có thể thực thi một số biện pháp để làm suy yếu gọng kềm năng lượng mà Nga đang áp đặt lên Ukraine và phần lớn Tây Âu. Về phần mình, Hoa Kỳ có thể bắt đầu xuất khẩu dầu lửa và gia tăng khả năng xuất khẩu khí đốt. [Mỹ đang trở thành một cường quốc năng lượng, có khả năng qua mặt Arab Saudi vào năm 2015 – DG.] Người châu Âu có thể từng bước sử dụng các công nghệ đã dẫn đến sự gia tăng đột biến về sản lượng khí đốt tại Hoa Kỳ, đồng thời Đức có thể xét lại lập trường của mình về năng lượng hạt nhân.

Những biến cố gần đây cần được coi là hồi chuông cảnh tỉnh đối với NATO. Người dân và các chính phủ của khối này cần phải dứt khoát từ bỏ cái ảo tưởng êm đềm rằng việc các nước sử dụng sức mạnh quân sự để chiếm thêm lãnh thổ đã trở thành lỗi thời. Khả năng và chi phí quốc phòng của châu Âu cần phải được gia tăng, đồng thời sự hiện diện của Mỹ tại một số quốc gia chọn lọc trong khối NATO cũng cần được tăng cường – một điều có thể thực hiện được ngay cả khi Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện của mình tại châu Á.

Chiến lược mà phương Tây cần đến để chống lại các nỗ lực của Putin trong việc bành trướng ảnh hưởng của Nga ra ngoài biên giới  – và để tạo ra những thay đổi chính trị ngay trong lòng nước Nga – thậm chí chẳng khác chi lý thuyết “ngăn chặn” [containment] đã từng chỉ đạo chính sách phương Tây trong suốt bốn thập kỷ của Chiến tranh Lạnh. Nga, một đất nước [bao la] với vỏn vẹn 143 triệu dân và thiếu một nền kinh tế hiện đại, cần được cống hiến cơ hội để hưởng các lợi ích của việc hội nhập quốc tế, nhưng chỉ với điều kiện nước này phải biết hành động một cách tự chế [with restraint].

Điều này không có ý đề xuất một cuộc Chiến tranh Lạnh II. Nhưng phương Tây có đủ lý do để theo đuổi một chính sách đã từng tỏ ra có hiệu quả trong việc đối đầu với một nước có nhiều tham vọng đế quốc ở bên ngoài nhưng bên trong thì đứng trên đôi chân bằng đất sét.

 

R. N. H.

Dịch giả gửi BVN

 

This entry was posted in Nga. Bookmark the permalink.