Brice Pedroletti, Đặc phái viên tại Tân Cương, Le Monde 07/03/2014
Sau vụ tấn công đẫm máu hôm 1/3 làm cho 29 người chết ở nhà ga Côn Minh, Vân Nam – bị một nhóm người Duy Ngô Nhĩ dùng kiếm chém giết – Abdu, một người Duy Ngô Nhĩ sống ở Dali, thành phố du lịch nổi tiếng của tỉnh này, đã bị công an trục xuất ra khỏi nhà, theo yêu cầu của chủ nhà. Anh chỉ được quay lại mái nhà xưa nhờ phong trào vận động rầm rộ của cư dân mạng Trung Quốc, cả người Hán lẫn người Duy Ngô Nhĩ. Công an thậm chí còn phải đưa ra lời xin lỗi.
Cũng giống như Abdu, những kẻ khủng bố ở nhà ga Côn Minh, đến từ vùng đất tự trị Tân Cương ở cực Tây Trung Quốc, vùng Trung Á hẻo lánh. Theo chính quyền Vân Nam, họ đã đi xuyên qua đất nước để tấn công vào một tỉnh nằm kề Đông Nam Á, sau khi thất bại trong việc vượt biên để tham gia đội ngũ thánh chiến quốc tế.
Các vết thương còn hở miệng sau cuộc nổi dậy ở Urumqi năm 2009
Là hiện thân của khủng bố mù quáng với tất cả sự khủng khiếp của nó, vụ tấn công trên làm khơi lại ở Trung Quốc các vết thương còn hở miệng trong các vụ nổi dậy tại Urumqi năm 2009. Các cuộc biểu tình của người Duy Ngô Nhĩ tại thủ phủ Tân Cương đã diễn biến thành cuộc tàn sát người Hán, tiếp theo là đàn áp tàn bạo, làm cho gần 200 người chết. Bắc Kinh thấy sự kiện này chứng minh cho luận điểm của mình: cần khẩn cấp chiến đấu chống lại “ba lực lượng khủng bố, ly khai và cực đoan tôn giáo”, bằng cách áp đặt cho người Duy Ngô Nhĩ chế độ giám sát cao độ.
Tuy vậy ngay từ năm 2007, nhà trí thức Trung Quốc Vương Lực Hùng (Wang Lixiong), một trong những người hiếm hoi từ nhiều năm qua tìm hiểu vấn đề Duy Ngô Nhĩ, đã cảnh báo trong tác phẩm “Trung Quốc phương Tây của tôi và Đông Thổ của bạn”, rằng chính sách “chống ly khai” của đảng Cộng sản không ngừng “làm tăng thêm căng thẳng chủng tộc”, khi biến Hán tộc thành những người canh giữ một dân tộc con tin. Vương Lực Hùng đã cho lưu truyền một trích đoạn dài của cuốn sách – bị cấm xuất bản tại Trung Quốc, trên các blog.
Đối với ông, vùng này đang trong tình trạng bị “Palestine hóa”, tức “huy động tổng lực của cả một dân tộc” chống đối lại kẻ chiếm đóng, trong khi một số người Hán sẵn sàng tiến đến cả việc “diệt chủng” để bảo vệ chủ quyền Trung Quốc tại Tân Cương. Và nhà văn dự báo Tân Cương “sẽ trở thành một Checnya mới”.
Khi xuôi ngược Tân Cương như chúng tôi đã thực hiện, ba tuần lễ trước khi xảy ra vụ tấn công ở Côn Minh, người ta nhận thấy sự bất bình lộ rõ như thế nào, cũng như sự căng thẳng tại vùng đất rộng gấp ba lần nước Pháp. Hiện nay ở Tân Cương có khoảng 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ, chiếm 45% dân số, còn người Hán là 40%. Trong khi đó vào đầu thập niên 50, Hán tộc chiếm chưa đến 10%.
Chính tại các thành phố phía Nam Tân Cương, bị kiểm soát bởi những toán công an trang bị tận răng, tình hình hoàn toàn không còn êm ả chút nào. Trong chuỗi ốc đảo viền quanh sa mạc Taklamakan, người Duy Ngô Nhĩ chiếm 90% dân số và truyền thống khiến họ chống đối lại. Tại Hòa Điền (Hotan), một bác sĩ người Hán trẻ tuổi, mà người ông đã định cư ở Tân Cương cùng với Giải phóng quân từ năm 1949, đã cảm nhận thấy quan hệ đã xấu đi giữa các cộng đồng từ năm 2009: ngờ vực tăng lên, các nhà buôn người Hán đôi khi bị tấn công.
Anh nói:“Chúng tôi biết sẽ có một điều gì đó xảy ra, vì các bạn bè trong ngành công an nói cho biết nên tránh những nơi nào”. Nhưng sự thiếu minh bạch và thói quen “giấu nhẹm các sự cố” của chính quyền Trung Quốc khiến người ta tha hồ đồn đại. Cha của anh, một cán bộ đảng về hưu, ca ngợi mức sống được nâng cao nhờ chính sách phát triển của chính phủ. Hòa Điền nhận được trợ cấp của Bắc Kinh, theo một chương trình đỡ đầu giữa các thành phố lớn và các vùng ở Tân Cương, được đưa ra cách đây hai năm.
Nhưng các dự án mới càng tham vọng, thì người Duy Ngô Nhĩ càng nhìn với cặp mắt nghi ngờ. Ở Sa Xa (Yarkand), một ốc đảo khác của Con đường tơ lụa ngày xưa, được biết tiếng với đền thờ Hồi giáo Altun dựng lên trong thời kỳ Qarakhanides trị vì vào thế kỷ X, một thành phố đã mọc lên xung quanh nhà ga mới. Tại đây, việc xóa bỏ thế cô lập là hoàn toàn mới mẻ, từ khi khai trương tuyến đường sắt Hòa Điền – Khách Thập (Kashgar) năm 2011. Con đường xe lửa khiến Sa Xa trở nên trong tầm với của những người nhập cư – hàng triệu người Trung Quốc ở nông thôn sẵn sàng phiêu lưu đến nơi nào có việc làm.
Chúng tôi gặp một gia đình ở Trùng Khánh thuộc miền Trung tiễn người bà đến ăn Tết âm lịch lên tàu. Trước những dãy tòa nhà nối tiếp, trung tâm thương mại và các cửa hàng hãy còn trống rỗng, Abdulaziz, một người Duy Ngô Nhĩ ở Sa Xa đăm chiêu: “Chắc chắn thành phố này dành cho người Trung Quốc, chứ ở đây ai có tiền mà mua?”. Một trụ sở công an hoành tráng sừng sững sau một hàng rào vững chắc. Cơ quan công an này hôm 30/12/2013 đã bị tám người tấn công, tất cả đều thiệt mạng khi công an phản kích.
Được điều đến tăng cường mỗi khi có một sự cố xảy ra dù nhỏ, lực lượng đặc biệt này có nhiệm vụ đàn áp, và có nguy cơ cả họ hàng, người thân của nghi can cũng trở thành nạn nhân. Cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài gọi đây là những vụ giết người không cần luật lệ. Tại Sa Xa, ngay cả việc tập hợp lại nhà người này, người kia cũng trở thành khả nghi. Thế mà theo truyền thống ở đây, trong những ngôi nhà với mảnh sân có những bậc thềm cao, người ta quen sưởi ấm từ nền nhà vào mùa đông và ngồi xổm bàn luận với nhau về tục lệ và tín ngưỡng.
Ở khắp nơi, những phụ nữ trùm khăn choàng đến nửa người bị yêu cầu phải bỏ khăn ra. Một người Duy Ngô Nhĩ ở Sa Xa đã chứng kiến cảnh các thành viên ủy ban xã đến khám xét nhà, thuyết giáo dài dòng cho người chị dâu vì cô này mang khăn choàng. “Anh tôi không đồng ý. Họ bắt đầu to tiếng, và hai nữ thanh tra viên đã quay lại với hơn một chục công an. Tôi quen người đội trưởng, chúng tôi đã thảo luận với nhau và chỉ có một công an lục soát nhà mà thôi. Ai biết được nếu không quen, thì điều gì sẽ xảy đến?”.
Anh nêu ra trường hợp một vụ bố ráp lấy cớ là chống khủng bố hồi tháng 12, tại huyện Sơ Phụ (Konasheher) bên cạnh. Một vụ đụng độ đã nổ ra do ủy ban xã đến khám xét một căn nhà, hai viên chức công an bị hạ sát, và hậu quả là 14 người trong cùng một gia đình đã bị bắn hạ, trong đó có nhiều phụ nữ.
“Tân Cương tự giải thích cái tên với vị trí địa lý của mình: có những dãy núi, một sa mạc mênh mông, những ốc đảo nằm cách rất xa nhau”– một doanh nhân ở Sa Xa đã từ bỏ sự nghiệp nghiên cứu khi từ nước ngoài đi du học về đã bị tịch thu đồ án, kể lại. “Tất cả đã tạo ra văn hóa và bản sắc rất khác biệt. Điều duy nhất kết hợp chúng tôi lại, đó là Hồi giáo”. Một Hồi giáo sunnit phái hanéfite, một hệ phái qua nhiều thế kỷ được biểu hiện mọi truyền thống nguyên thủy.
Là “Ngã tư Âu Á”, theo cách nói của nhà sử học Mỹ chuyên về Tân Cương James Millward, tại vùng này đã diễn ra nhiều phong trào thánh chiến và nổi dậy từ khi bị đế chế nhà Thanh sáp nhập lần đầu tiên vào năm 1884. Nơi đây cũng hiện diện hai nước cộng hòa độc lập trong thời gian giữa hai cuộc chiến, và xã hội này chịu ảnh hưởng bởi nhiều luồng tư tưởng cấp tiến và hiện đại từ Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Xô, trước khi một Trung Quốc cộng sản lên ngôi. Cuối cùng, một cộng đồng lưu vong quan trọng ngày nay được cấu thành xung quanh vấn đề bảo vệ nhân quyền, theo kiểu Tây Tạng.
Trên các mạng xã hội, tại Sa Xa hồi tháng Hai, có hai cái tên liên tục được nhắc đến, và chẳng liên quan gì đến Hồi giáo. Đó là Ilham Tohti, giảng viên đại học người Duy Ngô Nhĩ ở Bắc Kinh, người đã kêu gọi tôn trọng các quyền của dân tộc mình với tư cách là công dân Trung Quốc. Nhân vật thứ hai là Abduweli Ayup, một nhà ngôn ngữ học sau khi du học ở Mỹ đã trở về Sa Xa để thành lập – một cách hợp pháp – một trường dạy tiếng Duy Ngô Nhĩ. Cả hai đều bị bỏ tù và đang chờ ngày ra tòa, người thứ nhất vì tội “ly khai”, người thứ hai vì tội “quyên góp bất hợp lệ”.
Nhà nghiên cứu nay trở thành doanh nhân nhận xét: “Xã hội Duy Ngô Nhĩ giống như một cơ thể bệnh hoạn. Người ta thu mình lại trong gia đình hay một nhóm bạn hữu tin cậy, vì tình tương thân tương ái đã bị phá vỡ. Ngay cả zakat – tiền để cho người nghèo theo tinh thần Hồi giáo – cũng trở nên đáng ngờ: phải được ủy ban xã duyệt”.
Nhà nghiên cứu Rémi Castets, một trong những chuyên gia Pháp về Tân Cương cho rằng: “Chính quyền Trung Quốc sợ các khuôn mặt như Tohti và Ayup đặt mình vào vị trí nhà thương thuyết cho việc hiện đại hóa Tân Cương, còn hơn là những kẻ khủng bố thô bạo. Nhưng họ cũng bị sập bẫy của cái lô-gic không muốn mở ra bất kỳ không gian tự do nào: càng khóa chặt thì một số thanh niên Duy Ngô Nhĩ lại càng có xu hướng trở nên cực đoan”.
Những người cộng sản quản lý Tân Cương với chủ nghĩa thực dụng tột độ: họ truy diệt các dấu hiệu và tập tục để tấn công vào sự quay lại với tôn giáo, không cấp hộ chiếu cho người Duy Ngô Nhĩ để tránh khuynh hướng thánh chiến đang hiện hữu ở ngoại quốc. Và từ chối dành cho người Duy Ngô Nhĩ mọi sự bình quyền với những người Trung Quốc khác.
Ngay trước vụ Côn Minh, việc một sự cố dù rất nhỏ cũng bị xếp loại khủng bố hay ly khai, đã gây ra tâm trạng sợ hãi tại Trung Quốc, và một loại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc về mặt an ninh. Đáng tiếc là trường hợp Abdu, người Duy Ngô Nhĩ ở Dali bị trục xuất rồi lại được trở về nhà, có nguy cơ sẽ mãi là một ngoại lệ.
B. P.
Nguồn: http://thuymyrfi.blogspot.fr/2014/04/nguoi-duy-ngo-nhi-mot-dan-toc-bi-giam.html