Chiều nay, một số báo liên tục đưa tin, tường thuật vụ việc nghiêm trọng trên cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, Quảng Ninh khi lực lượng an ninh, biên phòng Việt Nam phát hiện và bắt giữ 16 người được cho là có quốc tịch Trung Quốc vượt biên trái phép vào Việt Nam.
Những người này bị phát hiện hồi 4h20 sáng hôm nay 18-4-2014, khi đang đi sâu vào nội địa. Phía VN liền lập tức dẫn giải họ trở lại cửa khẩu để làm thủ tục trao trả phía TQ, mà có báo nói là “theo quy định và thông lệ quốc tế“. Thế rồi trong khi đang làm thủ tục, đã xảy ra hành động cướp súng, nổ súng, chết người.
Thật lạ là không hiểu dựa trên nguyên tắc, thỏa thuận gì về tư pháp giữa hai quốc gia, mà lại có thể có một quyết định như thể Việt Nam là một … tỉnh của Trung Quốc vậy?
Những người xâm nhập trái phép này là ai, vào có mục đích gì, họ đã vi phạm pháp luật Việt Nam ra sao, v.v.? Hoàn toàn chưa thể biết đích xác, dễ dàng, vậy thì tại sao các cơ quan pháp luật VN không tiến hành đầy đủ thủ tục pháp lý, để rồi mới đi tới quyết định xét xử, hay chỉ phạt rồi trục xuất,… ?
Đằng này, rất nhanh chóng, người ta đã vội vã giao cho phía TQ.
Có thể đoán được đây là những người Duy Ngô Nhĩ trốn chạy khỏi Trung Quốc, nếu trao trả, họ rất dễ bị truy bức, tù đày với những bản án nặng nề, nên mới xảy ra hành động manh động như vậy. Thế nhưng, dù thế nào, chúng ta cũng phải chứng tỏ là một đất nước có chủ quyền, được thi hành pháp luật của riêng mình, chứ không thể hành động gần như mù quáng, lệ thuộc như vậy được.
Thử hình dung sẽ còn nhiều tình huống khác xảy ra, ở những khu vực khác với người nghi có quốc tịch Trung Quốc, nếu cứ bất kể mọi khả năng, trao trả hết cho Trung Quốc, thì gián điệp, tội phạm người Trung Quốc vào hoành hành ở Việt Nam sẽ quá … sướng rồi.
Đơn cử ngay như trong tình huống này, nếu đó là một bọn thám báo, biệt kích rất nguy hiểm của TQ trà trộn với dân để xâm nhập, phá hoại, thu thập tin tức tình báo, không phải là lần đầu tiên, thì sao không thể bắt giữ, khai thác để làm rõ toàn bộ âm mưu, mạng lưới của chúng ở VN, rồi xét xử và thậm chí còn có thể có phản ứng ngoại giao với Trung Quốc? Vài sĩ quan an ninh cửa khẩu và biên phòng làm sao có đủ thẩm quyền, khả năng phân biệt nổi những đối tượng này chỉ trong vài giờ đồng hồ, để rồi (báo cáo và nhận chỉ thị từ trên?) trao trả TQ.
Gần đây còn xảy ra một số trường hợp bắt quả tang người Trung Quốc ăn cắp trên máy bay của Việt Nam, không rõ đã bị xử lý ra sao.
Ngược lại, cũng có những người Việt Nam bị bắt giữ ở Trung Quốc, liệu họ sẽ xử lý theo cách nào, có như mong muốn của ta không… ? Như vậy, trong quan hệ ngoại giao, những vụ việc như thế này sẽ là thứ cần để “trao đổi song phương”, theo kiểu “cục bấc ném đi, cục chì ném lại”, họ có tử tế với ta thì ta mới tử tế lại; cần có những thứ để trao đổi khi cần thiết.
Có lẽ như báo nói là “theo quy định” nào đó, nên lâu nay ngư dân VN thì cứ bị phía TQ bắt giữ, đánh đập, cướp bóc liên miên, còn ngư dân TQ xâm phạm lãnh hải VN, đánh bắt cá trái phép, tàu TQ xâm nhập trái phép, thì cứ … được phía VN cung cúc trao trả “bạn”?
Từ đây, thử tìm hiểu và đặt dấu hỏi về HIỆP ĐỊNH TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN SỰ VÀ HÌNH SỰ GIỮA CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA, ký ngày19/10/1998 và có hiệu lực từ ngày 25/12/1999.
Trong Hiệp định này, không có những điều khoản chi tiết, rõ ràng về những trường hợp nghi ngờ phạm pháp thì bên ký kết này phải tức khắc trục xuất/bàn giao cho bên ký kết kia. Vì vậy, bất luận nếu như có văn bản nào khác có đề cập và cho phép như nói trên, cũng cần xem lại tính chất bất hợp lý của nó.
Hay là người ta đang thi hành các “quy định” thống nhất giữa hai … Đảng, CSVN và CSTQ?
Rõ là câu chuyện Cháy nhà ra mặt … thộn, xưa nay không rõ đã có bao nhiêu vụ ngấm ngầm “trao trả” kiểu thế này rồi, giờ xảy ra to chuyện, công luận mới biết.
–—
Mời xem: – Nhóm người Trung Quốc nổ súng ở cửa khẩu Việt Nam: Đã có 7 người thiệt mạng (PetroTimes). – Nhóm người Trung Quốc nổ súng tấn công, 2 chiến sỹ biên phòng thiệt mạng (VTCNEWS). – Nhập cảnh trái phép, một người TQ nổ súng, bảy người thiệt mạng (Tuổi trẻ). – Xả súng ở cửa khẩu với TQ, 7 người chết (BBC).
Bộ đội Biên phòng Việt Nam bàn giao nhóm đối tượng cho phía Trung Quốc. Ảnh: Thành Duy, TPO
Cửa khẩu Bắc phong Sinh (Quảng Ninh). Ảnh: Gmaps
Cửa khẩu Bắc Phong Sinh thuộc địa bàn xã Quảng Đức, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Cách một con sông nhỏ bên kia biên giới là Thị trấn Lý Phổ, thuộc Thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Nguồn: