Nhà văn Gabriel Garcia Marquez: Ảnh chụp ngày 07/01/1999, tại San Vicente del Caguan, Colombia. REUTERS
Giải Nobel Văn học đầu tiên của châu Mỹ La Tinh Gabriel Garcia Marquez qua đời chiều ngày 17/04/2014, thọ 87 tuổi. Là một nhà báo nổi tiếng, trước khi trở thành nhà văn, trong hơn 70 năm sự nghiệp cầm bút, Marquez được coi là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của thế kỷ XX, là người có công nhiều nhất trong việc đưa những tác phẩm bằng tiếng Tây Ban Nha ra thế giới.
«Trăm Năm Cô Đơn», «Tình Yêu Thời Thổ Tả», «Tướng Quân Trong Mê Hồn Trận», «Ký Sự Về Một Cái Chết Được Báo Trước» hay «Hồi Ức Về Những Cô Gái Điếm Buồn Của Tôi» là những tác phẩm để đời của Gabriel Garcia Marquez. Chỉ riêng «Trăm Năm Cô Đơn» sáng tác năm 1967, đã được dịch ra hơn 35 thứ tiếng và đã bán ra gần 50 triệu ấn bản.
Hay tin giải thưởng Nobel Văn học 1982 [mất], Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tuyên bố ba ngày quốc tang. Qua mạng Twitter ông viết: «Sự ra đi của tác giả Trăm Năm Cô Đơn, người con vĩ đại nhất mọi thời đại của Colombia để lại Một ngàn năm cô đơn và đau buồn cho đất nước». Marquez được mệnh danh là «cha đẻ của trường phái hiện thực huyền ảo».
Không chỉ là một người có tài kể chuyện xuất chúng, Marquez chinh phục độc giả nhờ lối viết hiện thực, lồng trong bối cảnh lịch sử, chính trị, của đất nước, của châu Mỹ La Tinh, của thời cuộc. Đồng thời những tác phẩm của ông có thể đọc như một bài ngụ ngôn, trong đó cái «thực» luôn kèm cả với những truyền thuyết dân gian, những mê tín dị đoan, với những lời nguyền, cộng thêm với một chút gì huyền bí. Marquez được tôn vinh và làm mê hoặc cả thế giới do ông là một trong những nhà cầm bút hiếm hoi thành công trong việc đưa lịch sử, văn hóa, đời sống không chỉ của một dân tộc mà là của cả châu Mỹ La Tinh đến với độc giả.
Sinh năm 1927 tại Aracataca, một ngôi làng hẻo lánh ở miền bắc Colombia, Marquez là con cả trong một gia đình có tới 11 anh em. Cha mẹ ông sớm đi nơi khác kiếm sống, Marquez chủ yếu được ông bà nuôi dưỡng. Làng Aracatata cũng như bà ngoại ông, với cá tính mạnh và một chút gì huyền bí, với hình dáng hơi giống một bà phù thủy, chính là nguồn cảm hứng để Marquez sau này tạo ra bối cảnh cho tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông: «Trăm Năm Cô Đơn», cho nhân vật nữ chính trong gia đình Buendia.
Nhưng bên cạnh sự nghiệp văn chương đồ sộ, Marquez còn là một nhà báo. Chính tác giả của «Ký Sự Về Một Cái Chết Được Báo Trước» từng nói: «Làm báo là cái nghề đẹp nhất trần gian». Từ giữa thập niên 1940 Marquez đã bước vào nghề, cộng tác tờ El Espectador, rồi điều hành tạp chí Venezuela Grafica tại Caracas. Sau cuộc cách mạng Cuba, Gabriel Garcia Marquez là một người rất hâm mộ nhà lãnh đạo Fidel Castro, ông đã hợp tác với hãng thông tấn Prensa Latina tại La Habana. Một thời gian sau, Marquez rời khỏi Cuba về định cư hẳn tại Mêhicô và cũng tại đây, ông đã đóng cửa với thế giới bên ngoài trong 18 tháng liền, để hoàn tất tác phẩm để đời «Trăm Năm Cô Đơn».
Nguồn:
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20140418-nha-van-colombia-gabriel-garcia-marquez-qua-doi
* * *
Marquez đến với độc giả Việt Nam như thế nào?
Trang bìa bản dịch một cuốn tiếu thuyết của Marquez
Nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez, cây đại thụ của nền văn học tiếng Tây Ban Nha, vừa ra đi hôm qua. Marquez là người thân thuộc với bạn văn Việt Nam. Sau đây mời quý vị theo dõi một số chia sẻ của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân về những con đường đưa tác phẩm của Marquez tới Việt Nam, đồng cảm mà tác phẩm nhận được nơi bạn đọc, cũng như một số điều căn bản trong di sản văn học của ông còn chưa được chuyển dịch sang tiếng Việt.
Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân (Hà Nội)
18/04/2014