Tại sao cuộc phiêu lưu của Putin tại Ukraine nhất định sẽ thất bại

The Fiscal Times, 15-4-2014

Trần Ngọc Cư dịch

Từ viễn kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin, kế hoạch sáp nhập các phần lãnh thổ của Ukraine có thể diễn tiến như thế này: chiếm Krym; châm ngòi chủ nghĩa dân tộc Nga tại các vùng của Ukraine có quan hệ sâu đậm với Maxkơva; rồi kích động các cuộc biểu tình chống Ukraine tại những nơi này và dùng các cuộc chống đối như một cái cớ để gửi binh lính Nga vào miền Đông Ukraine để sáp nhập vùng này – như Putin đã từng làm tại Krym.

“Chính sách đối ngoại cổ điển của Nga là cố gắng gây bất ổn tại một quốc gia trước khi chiếm đoạt nó toàn bộ,” Edward Goldberg, một giáo sư tại Đại học Baruch và tại Trung tâm Nghiên cứu các Vấn đề Toàn cầu tại Đại học New York, đã phát biểu như vậy. “Nga luôn luôn coi Ukraine như một quốc gia có quan hệ văn hóa và lịch sử gắn bó với mình.”

Kế hoạch của Putin đã triển khai đúng như ông ta mong muốn – các người biểu tình thân Nga đã chiếm các công thự tại miền Đông Ukraine, trong khi quân Nga đang lăm le tại biên giới.  Tuy thế, trong tình hình hiện nay, kế hoạch của Putin đang trở nên thất bại chỉ vì một lý do giản dị là tinh thần dân tộc chủ nghĩa Nga trong nội địa Ukraine không mãnh liệt như ông ta dự kiến.

Việc Nga xâm chiếm Krym đã châm ngòi một làn sóng bài Nga vốn đã âm ỉ trước năm 2014. Các số liệu thăm dò minh họa điều này; cuộc nghiên cứu của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev cho thấy rằng đa số dân chúng Ukraine, bất luận là từ địa phương nào, đều mạnh mẽ chống đối việc Nga xâm chiếm Krym.

Thậm chí dân chúng nói tiếng Nga trong lãnh thổ Ukraine cũng chống lại các hành động gần đây của Nga. Một nghiên cứu của Viện Cộng hòa Quốc tế [International Republican Institute, một cơ quan đối tác với Liên Hiệp Quốc và nhận một phần tài trợ từ Hạ viện Mỹ], cho thấy rằng 67 phần trăm dân chúng nói tiếng Nga tại miền Nam và 61 phần trăm người nói tiếng Nga tại miền Đông tin rằng họ không bị vi phạm dân quyền, và họ phản đối việc gửi quân đội Nga vào Ukraine để bảo vệ họ.

Đại đa số người Ukraine nói tiếng Nga cũng chống lại việc Nga xâm chiếm Krym; họ tin rằng cuộc trưng cầu dân ý sáp nhập Krym vào Nga là một đe dọa đối với Ukraine, và họ sẵn sàng hậu thuẫn một nước Ukraine độc lập. Chỉ 14 phần trăm người nói tiếng Nga tại Ukraine muốn nước này trở thành một liên bang theo một cung cách có thể cho phép các vùng nói tiếng Nga trở thành một phần của một liên bang Nga.

Giới truyền thông Nga vẽ ra một bức tranh rất khác với sự kiện này. Họ quả quyết rằng các vùng có quan hệ văn hóa với Nga đang bị chính phủ Ukraine và các nhóm Phát-xít đàn áp. Nhưng theo Viện Cộng hòa Quốc tế, thậm chí tại miền Viễn Đông Ukraine, hậu thuẫn dành cho Nga vẫn thấp, chỉ 26 phần trăm dân chúng ở đó ủng hộ việc liên bang hóa Ukraine, trong khi 45 phần muốn duy trì một Ukraine thống nhất. Thậm chí tại Donetsk, nơi mà các phần tử tử thân Nga đã chiếm đóng các công thự của chính phủ, hơn 50 phần trăm dân chúng muốn duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Bất đồng quan điểm giữa giới già và giới trẻ tại Ukraine cũng là một trở ngại cho Putin. Hầu hết thanh niên Ukraine mong muốn có quan hệ thân thiết hơn với châu Âu, chứ không phải với Nga. Phần lớn tình cảm thân Nga tại nước này phát xuất từ những người già, những người còn lưu luyến chế độ cộng sản và lấy làm chán nản về một nước Ukraine ngày một xích gần châu Âu. Yevhen Holovakha, một nhà xã hội học và là trí thức nổi tiếng tại Ukraine, cho rằng trong vòng 10 năm nữa các thế lực hậu thuẫn cho quan hệ thiết thân hơn với Nga sẽ hoàn toàn biến mất, ngay cả trong những vùng nói tiếng Nga.

Các hành động của Putin cũng làm gia tăng đột biến tinh thần thân châu Âu khắp Ukraine. Hậu thuẫn dành cho những mối quan hệ thiết thân hơn với châu Âu đã gia tăng từ 10 phần trăm lên đến 52 phần sau khi Nga xâm chiếm Krym. Hậu thuẫn dành cho hợp đồng thương mại với Nga cũng đã suy giảm, rớt từ 72 phần trăm xuống 55 phần trăm tại miền Đông Ukraine. Chính hợp đồng này đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình bắt đầu từ tháng Mười Một năm 2013.

Nhiều người gợi ý rằng các hành động của Putin chứng tỏ rằng chính sự lưu luyến với thời Liên Xô cũ đã thúc đẩy các việc làm của ông, và ông vẫn còn nằm trong não trạng Chiến tranh Lạnh. Điều không may cho Putin là, những số liệu nói trên cho thấy đa số nhân dân Ukraine không nằm trong não trạng ấy.

D. F.

Dịch giả gửi BVN

This entry was posted in Nga. Bookmark the permalink.