CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH – MỘT CÁCH CẢI CÁCH

Có sự đề xuất: Cải cách hành chính nên tinh giảm biên chế 10 vạn người. Nhưng tinh giảm ai?

Gần nửa thế kỷ qua, dựa vào thế lực con ông cháu cha đã đưa người thân quyến thiếu trình độ của họ vào khắp các, Ban, Bộ, Ngành, nhà máy, nhà trường, cơ quan, xí nghiệp… nên biên chế gia tăng vô tội vạ đã làm oằn ngân khố Quốc gia. Đã thế, biên chế không được giảm mà vẫn tiếp tục gia tăng khi, nhiều cơ quan lập mới từ Trung ương đến các Bộ, Ngành địa phương trong cả nước nên biên chế càng trương phình lên… (không thể liệt kê).

Báo Tuổi trẻ ngày 2/11/2013 đưa tin, tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, ông Ngô Đức Mạnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nói: “Hiện nay, năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 1/10 của Indonesia, 1/20 của Thái Lan, 1/135 của Nhật Bản!” Còn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì nói: “Cán bộ công chức nhiều cơ quan có đến 30% sáng vác ô đi tối vác về, 30% này không có cũng được”. Dân chúng nói: 30% là còn thấp, phải đến 50%. 

Kẻ lập trình “Cải cách hành chính – một cách cải cách” này đề nghị xóa bỏ cấp Tỉnh, thành lập các Khu (mỗi Khu biên chế người bằng một Tỉnh).

Gian nan đấy, nhưng chúng ta phải nghĩ rằng có cuộc Cách mạng nào mà khởi đầu  tránh khỏi gian nan? Nếu thấu triệt một cuộc Cách mạng vì Nhân Dân vì Tổ Quốc vững mạnh, trường tồn, thì, dầu quý vị có nghỉ hưu trước vài năm cũng nên vui vẻ đi, yên tâm đi, vì nghĩa lớn!

Cả nước có đến 64 Tỉnh, Thành là nhiều quá. Các cấp Trung ương, Bộ, Ngành về các Tỉnh làm việc một, hai ngày như “chuồn chuồn đạp nước” nên hiệu quả không cao. Thời đại kỹ nghệ thông tin, các cấp Trung ương về mỗi Khu làm việc là tường tận mọi ngõ ngách trong địa phương ấy, không phải dàn mỏng đi nhiều nơi như hiện nay.

Cách phân bổ các Khu và tên gọi như sau:

1. Thủ Đô Hà Nội, gồm 1 Thị xã, 10 Quận và 18 Huyện.

2. Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 19 Quận và 5 Huyện.

3. Khu Việt Bắc, gồm các Tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Thái Nguyên.

4. Khu Tây Bắc, gồm các Tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lao Cai, Yên Bái.

5. Khu Đông Bắc, gồm các Tỉnh: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Tp Hải Phòng (các đảo Bạch Long Vĩ, Cát Bà…).

6. Khu Nam Sông Hồng, gồm các Tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

7. Khu Bắc Miền Trung, gồm các Tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị (đảo Cồn Cỏ), Thừa Thiên – Huế.

8. Khu Nam Miền Trung, gồm các Tỉnh: Tp Đà Nẵng (quần đảo Hoàng Sa), Quảng Nam (cù lao Chàm), Quảng Ngãi (đảo Lý Sơn), Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa (quần đảo Trường Sa), Ninh Thuận, Bình Thuận (đảo Phú Quý).

9. Khu Cao Nguyên, gồm các Tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng (Tp Đà Lạt).

10. Khu Đông Nam Bộ, gồm các Tỉnh: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai (Tp Biên Hòa), Bà Rịa- Vũng Tàu (Côn Đảo).

11. Khu Bắc Sông Hậu, gồm các Tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh.

12. Khu Miền Tây Nam Bộ, gồm các Tỉnh: An Giang, Hậu Giang (Tp Cần Thơ), Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang (đảo Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du…), Cà Mau (hòn Khoai).

   Ghi chú:

Nước Mỹ 312 triệu dân cũng chỉ có 56 Bang, (200 thành phố nằm trong các Bang).

Nước Trung Hoa rộng lớn, 1,3 tỉ dân mà chỉ 21 Tỉnh – Thành phố trực thuộc, 5 khu tự trị, 2 Đặc Khu hành chính (là 28 đơn vị).

Việt Nam, 90 triệu dân: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, 10 Khu (12 đơn vị là vừa).

I –  HỆ THỐNG QUỐC HỘI

Hệ thống các Ban, tiểu Ban, Chủ nhiệm… của Quốc hội vẫn để như cũ, nhưng đến 500 đại biểu như hiện nay là nhiều quá. Đại biểu Quốc hội từ các Đoàn địa phương bầu lên nên trình độ rất địa phương. Có đến trên 90% đại biểu họp Quốc hội chỉ biết ngồi nghe, giơ tay và bỏ tay, không hề phát biểu tranh luận công việc mà Quốc hội đang bàn thảo. Các ông Nghị, bà Nghị này làm sao có đủ uy tín để thay mặt Nhân dân? Chọn đại biểu Quốc hội là chọn người tài trong tất cả các ngành khoa học, kỹ thuật, là những Giáo sư, chuyên gia, chuyên viên, các nhà khoa học trong các Viện Khoa học, trong các trường Đại học, các luật gia, luật sư về kinh tế, thương mại, các nhà báo giỏI, v.v. để còn làm luật và sửa luật. Các Tôn giáo cả nước trên 20 triệu người, thì các Tôn giáo phải có hiện diện của họ làm đại biểu của Quốc hội.

Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam nên dừng con số 108 đại biểu là vừa.

Tỷ lệ: Người ngoài đảng 60%, đảng viên ĐCS 40%. Cho nên, các Khu bầu chọn từ 2 – 5 đại biểu (chẳng hạn), thì, đại biểu là đảng viên chỉ chọn 1, còn tất cả là người ngoài đảng mới được, bởi để còn chọn các đại biểu trong các Viện khoa học, trong các trường Đại học, v.v. Vì sao phải như vậy? Vì đại biểu Quốc hội hiện tại gần 80% đảng viên, đại biểu ngoài đảng 20%. Nó lấn cấn là từ chỗ này. Nên vừa rồi có sự đề xuất là Quốc hội Việt Nam cần thành lập Lưỡng Viện (Thượng Viện – Hạ Viện), nhưng Hiến pháp 1992 sửa đổi, Quốc hội đã thông qua cuối năm 2013 rồi.

Ai cũng biết Quốc hội là lập hiến. Lập hiến thì chủ thể là Nhân Dân chứ không phải chủ thể Đảng. Khi trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp, nhiều người bàn rằng, nếu không sửa đổi được Hiến pháp 1992 thì nên quay về lấy Hiến pháp 1946. Hiến pháp 1946 không có Điều 4 nên không vi hiến.

Quốc hội có các Ban, Tiểu ban, Chủ nhiệm như cũ.

1 vị Chủ tịch Quốc hội, 3 vị Phó Chủ tịch Quốc hội.

Tuổi tối đa, nam 65 tuổi, nữ 60 tuổi.

II – HỆ THỐNG NHÀ NƯỚC

Từ cấp Chủ tịch nước, các Phó Chủ tịch đến các cấp Bộ, cấp Khu, cấp Quận, Huyện, xã, thôn vẫn như cũ (giải trình cụ thể sẽ nói rõ sau).

1 vị Chủ tịch nước

3 vị Phó Chủ tịch nước

Tuổi tối đa, nam 65 tuổi, nữ 60 tuổi.

 

III- HỆ THỐNG CHÍNH PHỦ

Hệ thống Chính phủ vẫn để như cũ.

1 vị Thủ tướng

3 vị Phó Thủ tướng

Tuổi tối đa, nam 65 tuổi, nữ 60 tuổi.

 

  IV- HỆ THỐNG CÁC BỘ

Hiện tại có 21 Bộ, bốn Bộ nên sáp nhập thì còn 19 Bộ (sẽ nói ở dưới).

1-            Bộ Quốc phòng: 1 Bộ trưởng , 2 Thứ trưởng. Tuổi tối đa, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi. (tùy tình hình chiến sự đất nước, vị trí lãnh đạo, vị trí tác chiến có thể tăng độ tuổi)

2-            Bộ Công an: 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng. (Độ tuổi như trường hợp Bộ Quốc phòng)

3-            Bộ Ngoại giao: 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng. (Tuổi tối đa như Bộ Quốc phòng).

4-            Bộ Nội vụ: 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng. (Tuổi tối đa, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi).

5-            Bộ Tư pháp: 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng. (Tuổi tối đa, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi).

6-            Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng. ( Độ tuổi như Bộ Tư pháp).

7-            Bộ Tài chính: 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng. ( Độ tuổi Như Bộ Tư pháp).

8-            Bộ Công thương: 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng. (Tuổi tối đa như Bộ Nội vụ).

9-            Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng. (Tuổi tối đa như Bộ Nội vụ).

10-          Bộ Giao thông vận tải: 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng. (Tuổi tối đa như Bộ Nội vụ).

11-          Bộ Tài nguyên môi trường: 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng.( Độ tuổi như Bộ Nội vụ).

12-          Bộ Xây dựng: 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng. (Độ tuổi như Bộ Nội vụ).

13-          Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội: 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng. (Độ tuổi như Bộ Nội vụ).

14-          Bộ Khoa học Công nghệ: 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng. (Độ tuổi như Bộ Nội vụ).

15-          Bộ Giáo dục và Đào tạo: 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng. ( Độ tuổi như Bộ Nội vụ).

16-          Bộ Y tế: 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng. ( Độ tuổi như Bộ Nội vụ).

17-          Bộ trưởng Ủy ban dân tộc: 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng. (Độ tuổi như Bộ Nội vụ).

18-          Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch nên sáp nhập với Bộ Thông tin Truyền thông thành tên gọi: Bộ Văn hóa – Bưu điện – Thể thao – Du lịch. ( Độ tuổi như Bộ Nội vụ).

19-         Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ nên sáp nhập với Tổng Thanh tra Chính phủ, thành tên gọi: Bộ Thanh tra và Văn phòng Chính phủ. (Độ tuổi như Bộ Nội vụ).

 

V- THỦ ĐÔ HÀ NỘI

Có 1 Thị xã, 10 Quận, 18 Huyện.

Hà Nội diện tích rộng lớn 3.345 km2, trong khi Washington chỉ 176,9 km2, Paris chỉ 105,4 km2. So với Tp Hồ Chí Minh, dân số các Quận, Huyện ở Thủ đô Hà Nội ít dân hơn. Nên sáp nhập Quận Hoàn Kiếm với Quận Hai Bà Trưng thành tên Quận Hoàn Kiếm (Với diện tích 14,9 km2, dân số 432.000 người). Nên sáp nhập Quận Ba Đình với Quận Tây Hồ thành tên Quận Ba Đình (với diện tích 33,3 km2, dân số 356.500 người). Các Huyện còn ít dân như Quốc Oai, Thanh Oai, Mỹ Đức, Đan Phượng, Ứng Hòa, Hoài Đức, Thạch Thất, Phú Xuyên, Phúc Thọ, v. v.  thì nên nghiên cứu để sáp nhập cho khoa học, hợp lý.

 

VI- THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Có 19 Quận, 5 Huyện.

Trên 300 trăm năm trước, Thống suất kinh lược Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Người Quảng Bình) cùng Đại quân hành quân mở cõi phương Nam. Đức Ông Cảnh đã đặt nền móng Hành chính cho Thành Sài Gòn – Gia Định, Và, chính người đã kêu gọi dân miền Trung và đặc biệt sức dân quê hương hai huyện Quảng Ninh – Lệ Thủy vào Nam lập nghiệp: “Nhà Bè nước chảy làm hai/ Ai vào Gia Định-Đồng Nai thì vào”, thì, Bình Chánh có thể là Gốc là nơi tập kết đầu tiên của họ đã trở nên đông đúc cho đến bây giờ. Quận Bình Tân là từ Huyện Bình Chánh tách ra. Đã chia ra thì nay nên nhập lại và mang tên Quận (hoặc Huyện) Bình Chánh cho đúng với vai trò mang tính lịch sử của nó. Huyện Bình Chánh sáp nhập với Quận Bình Tân có diện tích 252,69 km2 + 51,89 km2= 304,58 km2, và dân số 465. 248 + 611.170 = 1.066.418 người là Quận đông dân nhất, trên 1 triệu người cũng có thể chấp nhận được.

Quận Tân Bình (ta hiểu nôm na là một vùng đất mới), dân cư có thể kế tiếp vùng đất trước và người đến đây lập nghiệp ngày càng đông. Bởi vậy, mới đây, đã tách ra quận mới là Quận Tân Phú. Giờ nên nhập lại mang tên quận cũ: Quận Tân Bình (diện tích 38,44 km2, dân số 849.577 người là chấp nhận được).

Quận 9 nên sáp nhập với Quận Thủ Đức mang tên Quận Thủ Đức (với diện tích 161,77 km2, dân số 743.545 người là chấp nhận được).

 

VII – HỆ THỐNG 10 KHU

a-                  Cách tổ chức:

Kẻ lập trình phương án “Một cách cải cách” chỉ lấy Khu Bắc Miền Trung làm thí dụ. Các Khu khác tùy nhân tình, địa thế mà tính toán việc sáp nhập cho khoa học, hợp lý.

– Khu Bắc Miền Trung lấy địa thế quanh chân núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) đặt thủ phủ. Thuận lợi: Trung tâm giữa 6 tỉnh, cùng nằm trên trục Quốc lộ 1A, gần sông Lam ra biển, đường hàng không gần sân bay Vinh.

– Khi đã có Quyết định thành lập Khu của Chủ tịch nước, Nhà nước trước đó nên chuẩn bị động thái là thông báo cho nhân dân Khu đi bỏ phiếu để bầu chọn vị Chủ tịch Khu của họ.

– Bí thư Khu ủy Bắc Miền Trung do Trung ương Đảng cử (Ghi chú là Đảng nên áp dụng luật Hồng Đức (còn gọi luật Hồi Tỵ) mà cử Bí thư  ở nơi khác đến, không được cử người địa phương trong Khu).

– Xây dựng trụ sở Ủy ban Khu, Khu ủy, các Sở nên xây gần với dân. Khi thiết kế đường sá, gặp nhà dân ở trước thì, tùy địa thế cứ để dân ở, không nên “hốt” dân đi.

– Xây nhiều nhà công vụ. Tất cả đều ở nhà công vụ.

b- Một điều cấm:

– Cấm tuyệt đối mọi công nhân, cán bộ công chức ăn lương không được mua đất và làm nhà ở riêng trong thủ phủ Khu cũng như trong Huyện Nghi Xuân để tránh lộn xộn và có thể họ đã có nhà ở ở tỉnh khác rồi.

 

VIII – HỆ THỐNG CÁC QUẬN, HUYỆN

Tất cả các Quận, Huyện trước đây đã nhập rồi chia ra, thì nay nên sáp nhập lại. Thí dụ như hai huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh (Quảng Bình) năm 1976 nhập lại thành Huyện Lệ Ninh rồi tách ra năm 1989, thì nay nên nhập lại thành Huyện Lệ Ninh, v.v.

 

IX – HỆ THỐNG CÁC XÃ, PHƯỜNG

Xã, Phường là cán bộ thuộc hệ thống dân cử, lương không cao, trình độ có hạn. Thông tin liên lạc còn hạn chế. Các làng ở nông thôn nhiều nơi đi lại còn khó khăn… nên để nguyên không nên nhập.

 

X – HỆ THỐNG LÀNG MẠC

Nhiều chính sách đề cao trở về “cội nguồn”, đề cao “văn hóa bản sắc dân tộc”. Nhưng khi có quyết định chia làng (1995) thì làng mạc “tan hoang” bởi cái Quyết định chung chung, dân số “trên 1.500 người” thì được phép chia làng. Nó chung chung kiểu như 5% các làng phải đấu cho ra địa chủ thời cải cách ruộng đất (1956). Đáng lẽ, cũng Quyết định ấy, nhưng phải cụ thể từng vùng. Thí dụ: Cụm làng đảo, vì cách trở sóng nước hay các bản (làng) rẻo cao bởi suối sâu, núi dốc, lũ rừng đột ngột nguy hiểm, các cụm bản lại xa nhau đến 10 km, thì dân số không cần hạn định vẫn phải tách làng, tách đảo, tách bản.

Đằng này, các làng truyền thống, xưa có Lý trưởng cai quản, làng có hương ước nên thưởng, phạt rất nghiêm minh, các làng này thường trù phú, đông dân, có chùa chiền, đình miếu phụng thờ chung, nhờ sự tâm linh làm cho con người có bản chất sống nề nếp, trình độ dân trí văn hóa xã hộị nâng cao rõ nét. Các làng như vậy, nếu đông quá thì nên lập thêm xóm. Xưa nay người ta nói “Tình làng nghĩa xóm” chứ không ai nói “Tình thôn nghĩa khu dân cư” bao giờ. “Bầu ơi thương lấy bí cùng…” là từ tình làng nghĩa xóm. Giờ người ta cứ chiếu theo con số “1.500 người” là nhiều làng chia thành 4 – 6 thôn và mỗi thôn lại chia ra đến 10 – 15 cụm dân cư. Từ 1 thôn trưởng ăn lương, nay 4 đến 6 thôn trưởng ăn lương. Nhiều làng quê, con mới sinh ra phải nộp một khoản tiền (như thuế) để sung “lương nhẹ” cho trưởng các cụm dân cư! Điều đáng nói sự “tan nát” làng mạc là ở chỗ: rất khó huy động dân công cho các công trình lớn như đào mương, hộ đê… “Con mương ấy không chảy qua thôn tôi, thôn tôi không phải đi đào”, đóng góp cho việc thờ phụng tâm linh cũng gặp rất nhiều trở ngại tương tự… Nên một làng chỉ 1 vị Trưởng thôn (Hành chính) và 1 vị Trưởng làng (Tâm linh) là rất dễ điều hành mọi công việc. Đằng này, khi đã băm vằm chia ra lắm thôn thì thôn này không cần nghe thôn kia. Truyền thống văn hóa cội nguồn làng mạc rơi vào “nhiễu nhương, bệ rạc” là từ việc “chia làng”. Một ví dụ rất cụ thể: Quảng Bình có “Bát danh hương”  rất nổi tiếng nhiều người học giỏi, đỗ đạt cao là Sơn, Hà, Cảnh, Thổ – Văn, Võ, Cổ, Kim (Lệ Sơn, La Hà, Cảnh Dương, Thổ Ngọa- Văn La, Võ Xá, Cổ Hiền, Kim Nại). Riêng làng Văn La – Làng của vị Thượng thư Phò mã Hoàng Kế Viêm không chia nên dân tình làng này gắn bó keo sơn, làm việc gì cũng hào khí Đông A, nên xóm làng nề nếp, giữ được truyền thống văn hóa làng xã xưa, giờ bước vào xây dựng nông thôn mới thì, đường làng – ngõ xóm xanh tươi, đẹp mắt. Còn 7 làng kia đều chia 5, chia 6 thì bất cập, rời rạc; tư tưởng xô bồ, thiển cận, nhỏ nhen.

Âu là quý vị ăn trên ngồi trốc mà ít đọc sách Thánh hiền rồi chủ quan, cứ tưởng làng mạc càng chia nhỏ ra càng dễ quản lý? Quý vị lại quên rằng, việc “chăn dân” là bằng Nhà nước Pháp quyền, chỉ đạo bằng Pháp luật, bằng văn bản thì dầu dân đông lên gấp 10 lần chăng đi nữa thì cũng một Quyết định, một Sắc lệnh của Pháp luật? Thời đại thông tin khoa học, lời ông Trưởng làng, Trưởng thôn, hay ông Chủ nhiệm Hợp tác xã thông báo điều gì trên đài là mọi người đều biết hết nội dung.

Vậy, tất cả các làng mạc truyền thống, có Lý trưởng, có hương ước xưa đã bị chia nhỏ, thì nay phải sáp nhập lại như cũ. Làng chỉ 1 thôn Trưởng phụ trách chung, 2 Phó thôn  phụ trách phân, giống, đê điều, các dịch vụ bán buôn… (Xin thưa thêm, nhiều nơi chia ra lắm thôn, không biết đặt tên gì, đành phải đặt: thôn Phấn Đấu, thôn Quyết Tiến, thôn Quyết Thắng, thôn Lợi Nông… như hô khẩu hiệu thời đánh giặc nên rất khôi hài!).

 

XI – HỆ THỐNG ĐẢNG

Hệ thống Đảng vẫn giữ nguyên. (Chỉ nên rút bớt số người trong các Ban, trường Đảng các cấp v.v…).

1 vị Tổng Bí thư

Bộ Chính trị chỉ 7 vị.

1 vị thường trực Bộ Chính trị. ( Bỏ Ban Bí thư, thường trực Ban Bí thư).

Ban Chấp hành Trung Ương Đảng khoảng 49 vị.

Một số chuyên viên, thư ký riêng cho quý vị khoảng 15 – 18 người.

Tuổi tối đa, nam 65 tuổi, nữ 60 tuổi.

 

XII – CẤP ĐẢNG BỘ CỦA CÁC BỘ

1 Bí thư, 1 Phó Bí thư.

Một số chuyên viên, thư ký riêng khoảng 12 người

Ban chấp hành Đảng Bộ khoảng 9 vị.

Tuổi tối đa, nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi.

 

XIII – CẤP ĐẢNG CÁC KHU ỦY

1 Bí thư, 1 Phó bí thư

Chuyên viên, thư ký riêng khoảng 12 vị

Ban chấp hành Khu Ủy 7 đến 9 vị.

 

XIV – CẤP ĐẢNG CÁC QUẬN, HUYỆN

1 Bí thư, 1 Phó Bí thư Quận hoặc Huyện

Thư ký riêng, chuyên viên khoảng 12 người

Ban chấp hành Đảng ủy Quận hoặc Huyện 7 người.

 

XV – CẤP ĐẢNG CÁC XÃ, PHƯỜNG

1 Bí thư, 1 Phó bí thư xã hoặc phường

Ban chấp hành Đảng ủy xã hoặc phường 5 – 7 người.

 

XVI – HỆ THỐNG ĐẢNG TRONG QUÂN ĐỘI, CÁC QUÂN, BINH CHỦNG, BIÊN PHÒNG, AN NINH, CẢNH SÁT, KIỂM SÁT…

Vẫn biên chế Đảng ở các Quân đoàn, Binh đoàn, Lữ đoàn, Tiểu đoàn, Đại đội, Trung đội như cũ. Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ của mọi công dân đến tuổi, là trách nhiệm toàn dân, không có chuyện đề xuất “nộp một khoản tiền” để không phải đi nghĩa vụ quân sự (có một Vị tướng đề xuất việc này và nhân dân phản đối quyết liệt).

Thời bình, nhưng hệ thống sĩ quan lên cấp hàm nhanh quá. Thời chiến tranh chống Mỹ nhưng hạ sĩ quan, sĩ quan “i-nốc” cả chục năm không phong quân hàm là bình thường. Nên “tiết kiệm” khoản tiền dân đóng thuế này để mua vũ khí.

 

XVII – PHÁP LUẬT

Hệ thống Pháp Luật đáng lẽ phải được đưa lên hàng đầu. Mọi thể chế ở mọi Quốc gia dù mang sắc màu chính trị kiểu gì, thì đều tôn trọng kỷ cương phép nước. Phải coi Luật pháp là xương sống của Quốc gia. Vậy nên, Quốc hội phải soạn cho ra các Bộ Luật thật khoa học, hợp lý, ban hành, buộc mọi công dân phải biết sống, tôn trọng  và làm theo Pháp luật.

Xin đưa một ví dụ: Người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm, trẻ em mấy tuổi mới đội mũ bảo hiểm? Bởi vì, trẻ chưa đến tuổi mà đội mũ bảo hiểm, nhiều khi đứa trẻ không chết vì tai nạn giao thông mà chết ngạt vì cái mũ bảo hiểm? Thì, Bộ luật phải nói cho thật rõ. Luật này, cho đến nay, Quốc hội vẫn chưa ban hành. Nhưng, lực lượng cảnh sát giao thông vẫn dựa vào Thông tri liên bộ (Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Công an) đã xử phạt người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm là sai. Thông tri Liên bộ theo chúng tôi hiểu là lực lượng cảnh sát giao thông chỉ được phép nhắc nhở, hướng dẫn người tham gia giao thông là nên đội mũ bảo hiểm. Còn phạt là phạt người và phương tiện đi trái đường hoặc đã gây tai nạn. Chưa có Bộ Luật của Quốc hội ban hành “Người tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm” thì 2 lực lượng của 2 Bộ kia không được quyền phạt người tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm?

XVIII – NÊN BỎ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

Đã từ lâu, nhiều người đề xuất là nên bỏ Hội đồng Nhân dân các cấp. Thực chất của Hội đồng Nhân dân là cơ quan tập trung dân chủ để quyết sách các chủ trương, chính sách của Quốc hội, của Nhà nước, của Chính phủ, của Đảng và bầu chọn lãnh đạo các cấp Ủy ban. Nhưng, việc bầu chọn Chủ tịch các cấp, lãnh đạo Đảng đã “mớm” cho người trúng cử trước đó, nên các cấp Hội đồng Nhân dân chỉ là hình thức, cho nên người dân hay nói “hai Nhà nước trong một đất nước” là vậy.

Các cấp Hội đồng Nhân dân xưa nay chỉ có lợi cho việc bầu cử các vị chức sắc của các Ủy ban các cấp qua các nhiệm kỳ bầu cử với lời giới thiệu rất mát  là đã “thông qua Hội đồng Nhân dân” rồi!

Nên bỏ hẳn Hội đồng Nhân dân các cấp là giảm một khoản ngân sách Quốc gia hết sức đáng kể.

 

XIX – GHI CHÚ VÀI SỰ VIỆC LÀM OẰN NGÂN SÁCH QUỐC GIA

 

– Dự án bauxite Tân Rai, Nhân Cơ  ở Cao Nguyên, Tập đoàn than khoáng Việt Nam không chịu nghe các nhà khoa học, không chịu nghe công dân Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ phá hủy môi trường văn hóa bản địa, tác hại đến an ninh Quốc gia và thua lỗ là nhãn tiền, nhưng Tập đoàn này vẫn chưa chịu dừng lại.

– Đáng lẽ Nhà nước nên chọn công dân Việt Nam đi nước ngoài học chuyên môn nghiệp vụ trước rồi mời chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm (Australia chẳng hạn) đến nghiên cứu và cho làm thử. Đằng này, từ năm 2001, ta cho Trung Quốc trúng gói thầu này làm cho người dân bất an.

– Nhiều dự án Trung Quốc trúng thầu “giá rẻ”. Dân lao động thủ công Trung Quốc tràn vào, đánh bật công nhân Việt nam ra ngoài không có công ăn việc làm, bây giờ mới ngả ngữa là “giá cực đắt”!

– Chính phủ chủ trương nhập siêu chủ yếu từ Trung Quốc, dân chúng lại càng bất an. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam vẫn nhập siêu từ Trung Quốc 23,7 tỉ đô la Mỹ năm 2013 tăng 45% so với năm 2012. Năm 2013 Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 7% trong khi ta nhập từ Trung Quốc 28%. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói: “Nhập siêu lớn gây ra sức ép rất nặng đối với kinh tế Việt Nam vì nó khiến Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc”.

– Chứng khoán như trò chơi đánh bạc. Con ông cháu cha có tiền có quyền rồi rút tiền từ ngân hàng ra chơi chứng khoán. Được, quý ông quý bà đút túi riêng. Đổ bể, Nhà nước phải chịu thụt két 15.000 tỉ đồng để cứu ngân hàng khỏi sụp đổ. (Báo Tuổi trẻ đưa tin 2007). Hóa ra, người dân nghèo đóng thuế lại “hỗ trợ” người giàu!

– Gần 40 năm Nước nhà thống nhất, nhưng con đường xuyên Việt huyết mạch Quốc lộ 1A chậm chạp mở rộng là lý do chính gây ra tai nạn chết người. Quốc lộ 1A đáng lẽ phải làm trước đường Hồ Chí Minh đông. Quốc lộ 1A phải rộng trên 41 m, 10 làn xe chạy 2 chiều, giữa có vạch phân cách (hai chiều biên dành cho xe 2 – 3 bánh và người bộ hành). Tốc độ xe 80 đến 100 km/giờ (không bắn tốc độ). Hàng hóa lưu thông nhanh, khỏi phải lập các cảng hàng không, các cảng biển (nhiều tỉnh quá gần nhau, hàng hóa không được bao nhiêu như miền Trung) mà đầu tư quá ư tốn kém?

Đường Hồ Chí Minh đông nối liền Bắc – Nam xây trước, không khai thác được bao nhiêu bởi lượng người và xe thưa thớt, nhiều đoạn như còn hoang vu. Con đường xuyên qua nhiều cánh rừng nguyên sinh như Đá Đẻo (Quảng Bình), Huyện Giằng (Quảng Nam), Kon Tum… đã bị tàn phá hết sức nặng nề, và từ bấy giờ cho đến nay những vùng rừng này bọn lâm tặc hoành hành triệt để mà không đủ lực lượng chống lại chúng?

– Đất nước mỗi năm hứng chịu trên 10 trận bão và lũ. Nhân dân nhiều vùng xác xơ nghèo đói. “Lá lành đùm lá rách” sao nổi? Lại cháy rừng, cháy chợ, cháy nhà máy… Lại biết bao nạn dịch trâu bò, gia cầm, nạn sâu rầy phá hại mùa màng… ngân sách Quốc gia phải oằn thêm đáng kể.

– Lãng phí và nạn tham nhũng tràn lan, cấp càng cao tham nhũng càng lớn. Hô hào công nghiệp hóa nhưng 50% xí nghiệp, nhà máy hệ thống Nhà nước đổ bể, nào Vinashin, Vinalhin, các nhóm lợi ích “đi đêm” trong các vụ cổ phần hóa, trong các dự án sân golf, trong các dự án khu công nghiệp, đô thị… Chủ các dự án đầu tư “đi đêm” với các Chủ tịch xã, Chủ tịch phường rồi lấy uy danh chính quyền Tỉnh, Thành, Huyện ép dân lành để chiếm đất. Các vụ thủy điện lớn và nhỏ mọc lên như nấm cũng từ các nhóm lợi ích, tàn phá nhiều cánh rừng đầu nguồn mà Chính phủ không quản lý được, không điều hành được? Vân vân và vân vân.

Kẻ lập trình “Cải cách hành chính một cách cải cách” này không thể hướng đến thể chế “Tam quyền Phân lập” được nên không thể phúc trình đầy đủ các tiêu mục khoa học chỉnh thể của một Quốc gia. Cho nên, hệ thống Quốc hội, hệ thống Nhà nước, hệ thống Quân đội, hệ thống Đảng, hệ thống các Bộ, Quận, Huyện là chỉ lướt qua. Mục đích chỉ nhằm vào một việc là tinh giảm biên chế một cách triệt để nhất là xóa đi 50 tỉnh (lấy số tròn) để lập nên 12 đơn vị Khu. Làm được việc này sẽ là Trang Sử của cuộc Cách Mạng Dân Tộc oai hùng!

Mong quý công dân Việt Nam tâm huyết, quý vị độc giả, quý Nhà văn, Nhà báo… tiếp tục bàn thêm hoặc có nhiều phương án, giải pháp khoa học khác tốt hơn về việc tối ư quan trọng này mà Đảng và Nhà nước đang rất lúng túng!

Huế, tháng 4/2014

V.N.

Chi Hội Nhà văn Việt Nam tại Huế

Tác giả gửi BVN

 

This entry was posted in phản biện. Bookmark the permalink.