Già trẻ xúm xít xem cáo phó đám tang thầy Đinh Đăng Định ở Nhà thờ Kỳ Đồng
Văn Việt: Người thầy giáo hiền hoà, khiêm nhường ấy đã ra đi. Ông chỉ muốn được sống cuộc đời bình lặng, bình thường bên đèn sách và các em học trò nhỏ, bên vợ con thương yêu dưới một nếp nhà tranh giản dị. Nhưng vận hạn của đất nước đã khiến ông phải trở thành con người của thời cuộc, trở thành người tuẫn nạn của lòng yêu nước. Vậy mà những lời cuối cùng của thấy Đinh Đăng Định trước lúc ra đi lại là lời kêu gọi hòa giải: “Chúng ta không phải là kẻ thù của nhau”, rao giảng từ bi: “Các con không nên đối xử với người ta bằng lòng căm thù, bởi vì người ta đã đối xử với mình bằng lòng căm thù thì mình không nên dùng lòng căm thù đối xử lại, mà hãy đối xử lại với những người ấy bằng lòng từ bi“.
Văn Việt xin thu góp những nén hương từ khắp thế giới mạng để tiễn hương hồn thầy giáo yêu nước Đinh Đăng Định về cõi vĩnh hằng.
“ngưỡng mộ tinh thần bất khuất của một người thầy giáo biết trung thực với bản thân mình, thẳng thắn và can đảm làm điều mà mình thấy là đúng.”
“Trong ngành giáo dục của Việt Nam từ xưa đến nay mà những người được nêu gương đều là những con người bất khuất như thế, từ Chu Văn An cho đến rất nhiều những người thầy đã xả thân cho người khác, xả thân cho đất nước,”
“Đã dấn thân vào việc lớn cho đất nước thì góp phần nào cho mục tiêu cao cả ấy đều là quan trọng cả, không có gì là nhỏ bé, mà cũng không có gì là lớn hơn, tùy theo sức của mình mà làm thôi.”
“Ông ấy chỉ có một thân một mình mà phản đối dự án bauxite của nhà nước và đồng lòng với trang Bauxite Việt Nam để vào các làng bản lấy về 3.000-6.000 chữ ký cho trang này thì đó không phải là một việc nhỏ mà là một việc hết sức lớn.”
“Đó là sự đồng tâm mà thời cụ Phan Bội Châu mong mỏi, mà bây giờ mới có được.”
GS Nguyễn Huệ Chi–Theo BBC
Sau này, mỗi khi nhắc đến dự án bôxit lầm lỗi như một tội ác chống lại tương lai, hậu thế không thể không nhắc đến Ông, cái chết của Ông, người đã lựa chọn đi vào một giai đoạn lịch sử đau thương của đất nước bằng nỗi thống thiết, can đảm và tràn đầy hy vọng về sự ngay thẳng, trong sạch…Ông không cố tình làm nên danh tiếng một người hùng để được ngợi ca. Ông bước vào nhà tù với danh phận một thầy giáo nghèo trung thực, dũng cảm. Ông bước ra khỏi nhà tù với tư cách một người chiến thắng. Ông ra đi để lại trang giáo án về hiểm họa bôxit chiếu sáng cho nhiều thế hệ sau này…Cầu chúc Ông an nghỉ giữa tình yêu thương, kính trọng của hàng triệu, triệu đồng bào…
Nhà văn Thùy Linh– Theo FB Thùy Linh
Mọi người có thể coi thày giáo Đinh Đăng Định như một người hùng tùy theo cách của mỗi người, riêng tôi anh ấy vẫn như một người bạn thuở nào, bình dị, chân chất và sự khác biệt lớn nhất sau mấy chục năm xa cách ở anh ấy là những nỗi niềm trăn trở của anh với hiện trạng của quê hương, sự ngạc nhiên lớn nhất của tôi với anh là tấm lòng bao dung vô bến bờ ngay cả khi nhắm mắt xuôi tay.
Điều đáng tiếc lớn nhất của tôi và anh là đã không thực hiện được ước nguyện như trong cuộc thoại khi anh mới được tạm tha.
– Mày phải khỏe bằng mọi nỗ lực có thể, tao sẽ thu xếp một chuyến xe xuyên Việt cùng cả nhà dọc theo chiều dài đất nước để về quê, tao với mày sẽ thăm lại trường cũ, thày cô giáo, bạn bè xưa … đích thân tao sẽ cầm lái, đi qua mỗi một vùng miền tao sẽ chỉ cho mày thấy dấu ấn của tao ở đó, và thể hiện cho mày thấy một tay lái lụa … là như thế nào.
– Nhất định thế, sẽ chiến đấu đến cùng, tao tin tay lái mày lụa lắm, nếu không thì làm sao mày được giao tay lái để chở cựu nguyên thủ quốc gia …
Chúng tôi cùng cười và hồ hởi với niềm tin chiến thắng. Nhưng hôm nay anh đã xa rồi, ước nguyện đó chỉ còn trong kỷ niệm và tôi vẫn chỉ là thằng tôi thuở nào không hơn không kém các bạn ạ.
Lưu Gia Lạc- Theo FB Lưu Gia Lạc
Tôi mơ Sài Gòn có 1 vạn người tiễn thầy Đinh Đăng Định về nghĩa trang Bình Hưng Hòa vào ngày 7.4 tới đây. Chỉ im lặng trang nghiêm đi thành hàng tiễn một người thầy giáo có lương tâm đối với đất nước và chí khí ngất trời. Và vài biểu ngữ với nội dung, đại khái: – Vô cùng thương tiếc thầy Đinh Đăng Định – Vì sao thầy mất? – Ai chịu trách nhiệm về cái chết của thầy? – Vì chống Bauxite Tây Nguyên thầy đi tù và mất mạng.
Nguyễn Phan- Theo FB Nguyễn Phan
Nguồn: Văn Việt (vanviet.info)