Quyết định thu hồi đất thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân?

Thu hồi đất đai ảnh hưởng sống còn đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Nên việc quyết định thu hồi đất cần thiết phải là quyết định của tập thể để hạn chế những hành vi tư lợi, tham nhũng, tùy tiện. Nhưng chỉ riêng từ khi Luật đất đai 1993 có hiệu lực cho đến nay đã không ít các địa phương Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã lạm quyền Ủy ban nhân dân để ra các quyết định cá nhân thu hồi đất đai. Cùng với nó là tình trạng thiếu minh bạch, trì hoãn trách nhiệm giải quyết khiếu nại về đất đai đã gây nên những bức xúc và xung đột nghiêm trọng trọng xã hội hiện nay. Vậy theo quy định của pháp luật quyết định thu hồi đất thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân?

Điều 32 của Luật đất đai 1993 quy định “Ủy ban nhân dân” cùng cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất thì có quyền quyết định thu hồi. Luật đất đai 1993, không có một từ nào nói đến “Chủ tịch Ủy ban nhân dân”. Nguyên tắc chung là: Nhà nước, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.

Điều 44 của Luật đất đai 2003 quy định “Ủy ban nhân dân” là cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và khoản 3 của điều này quy định rõ: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được Ủy quyền”. Luật đất đai 2003 có 15 lần nhắc đến “Chủ tịch Ủy ban nhân dân” để phân định rõ “Chủ tịch Ủy ban nhân dân” và “Ủy ban nhân dân”. Điều 53 của Nghị định 84/2007/NĐ-CP, ngày 25/05/2007 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai 2003 hướng dẫn cụ thể hơn về thẩm quyền quyết định thu hồi đất của “Ủy ban nhân dân”. Tại Nghị định này cũng 17 lần nhắc đến “Chủ tịch Ủy ban nhân dân” để xác định trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch. Ngay Điều 10 của Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/200 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng xác định rõ thẩm quyền “Ủy ban nhân dân” khi Quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất UBND là người cấp Giấy chứng nhận và người ký thay mặt tập thể Ủy ban là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch (TM. ỦY BAN NHÂN DÂN).

Như vậy, Luật đất đai 1993, Luật đất đai 2003 và các văn bản dưới luật đều phân định rõ thẩm quyền của “Ủy ban nhân dân” và “Chủ tịch Ủy ban nhân dân”, hay nói cách khác chưa bao giờ đồng nhất “Ủy ban nhân dân” với “Chủ tịch Ủy ban nhân dân”. Và chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định “Chủ tịch Ủy ban nhân dân” có thẩm quyền quyết định thu hồi đất đai,

Mặt khác  Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quy định: “Các quyết định của Ủy ban nhân dân phải được quá nửa tổng số thành viên Ủy ban nhân dân biểu quyết tán thành.” (Điều 40, Luật 1994 và Điều 123 Luật 2003). Như vậy, quyết định của “Ủy ban nhân dân” là quyết định tập thể có thẩm quyền cao hơn và khác với quyết định của “Chủ tịch Ủy ban nhân dân”. Không thể căn cứ vào Điều 51, Luật 1994 và Điều 126, Luật 2003 quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân là người lãnh đạo và điều hành công việc của Ủy ban nhân dân” để cho rằng  “Chủ tịch Ủy ban nhân dân” có quyền quyết định thay “Ủy ban nhân dân” .

Luật đất đai 1993 và Luật đất đai 2003 đã quy định rõ thẩm quyền quyết định thu hồi đất đai là “Ủy ban nhân dân”, nên “Chủ tịch Ủy ban nhân dân” ra quyết định thu hồi là trái thẩm quyền.

Hà Nội, 06/04/2014

H.H.S.

This entry was posted in Nông Thôn, Pháp Luật. Bookmark the permalink.