21 giờ khuya ngày 2.4.2014, ông công an khu vực đến nhà đưa cho tôi Giấy Mời: 8 giờ 30 ngày 4.4.2014 đến trụ sở công an để “trao đổi liên quan đến một số bài viết”. Giấy mời có hai liên. Tôi nhận liên 2 và kí vào liên 1 để người chuyển Giấy mời mang về trình. Trước khi kí, tôi ghi: Tôi đã nhận. Công an có việc cần trao đổi xin mời đến nhà tôi. Tôi không có việc cần gặp công an.
KHÔNG THỂ HÌNH SỰ HÓA ĐỜI SỐNG DÂN SỰ
1. Nhà nước của dân, do dân, vì dân là nhà nước phục vụ. Người dân là chủ trả lương, trao quyền hạn và nghĩa vụ cho công chức nhà nước để phục vụ người dân. Nhà nước của dân, do dân, vì dân không phải là nhà nước cai trị coi người dân chỉ là bề tôi, là thần dân, là đám đông bầy đàn, và quan chức nhà nước hưởng lương lậu, bổng lộc từ tiền thuế của dân cứ mặc sức dùng chức trách, quyền uy của dân trao để xách nhiễu dân.
Người dân đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước là nuôi công bộc để phục vụ dân. Nhưng người dân có việc đến cơ quan nhà nước thì bị công bộc của dân mặt lạnh như kem, khinh khỉnh ra uy hành hạ dân đủ điều, làm khó trăm bề để vòi phong bao. Còn công bộc có việc cần gặp dân thì viết giấy sai người đưa xuống triệu dân lên. Quan chức nhà nước vẫn coi mình như “phụ mẫu chi dân”, như cha mẹ dân của thời quân chủ phong kiến mới hành xử với dân như vậy. Không thể cứ bình thản duy trì mãi một nhà nước xấu xí như một định mệnh bất hạnh của người dân Việt Nam khốn khổ.
2. Những bài viết của tôi thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Những bài viết đó có gì không thuận với chính thống cần nhắc nhở, trao đổi, tranh biện thì đó là việc của cơ quan tuyên giáo, của các nhà lí luận, của hội đồng lí luận, không phải việc của công an.
Vẫn biết công an có cơ quan an ninh văn hóa. Nhưng “Giỏi giang cũng chỉ một nghề / Con phượng thì múa, con nghê thì chầu” (Ca dao). Dù là an ninh văn hóa nhưng vẫn là công an, chỉ có nghiệp vụ công an, không có nghiệp vụ văn hóa, không có thẩm quyền thẩm định văn bản văn hóa. Vì thế khi muốn buộc Điếu Cày Nguyễn Văn Hải tội Tuyên truyền chống nhà nước, cơ quan công an điều tra vẫn phải đưa những bài báo của Điếu Cày Nguyễn Văn Hải sang cơ quan văn hóa thẩm định, kết luận. Dù trong nhà nước chuyên chính vô sản, cơ quan văn hóa cũng chỉ thẩm định theo ý muốn của cơ quan công an điều tra mà thôi. Nhưng việc những văn bản văn hóa phải do cơ quan văn hóa thẩm định đã xác nhận rằng cơ quan công an, dù là an ninh văn hóa cũng không có thẩm quyền thẩm định văn bản văn hóa. Không có thẩm quyền thẩm định, kết luận đúng sai của văn bản văn hóa, chỉ có thẩm quyền và nghiệp vụ công an thì có gì để “trao đổi liên quan đến một số bài viết” của tôi nhỉ!
Hơn nữa, cùng lấy con người làm đối tượng hướng tới, đối tượng quan tâm của công việc nhưng con người của văn chương, của khoa học xã hội nhân văn là con người văn hóa, tâm hồn, con người của chiều sâu tâm lí, tính cách với những buồn vui, đau khổ, vui sướng, day dứt, trăn trở. Còn con người mà công an dồn tâm sức săm soi, giám sát là con người sinh vật, con người hành động, với công an, đó là con người tội phạm.
Chỉ chuyên sâu khám phá, phát hiện mặt trái, mặt tiêu cực của con người sinh vật, con người tội phạm, chỉ thấy những xấu xa, tội lỗi, nguy hiểm của con người sinh vật, công an khó đồng cảm, chia sẻ được với nỗi đau của con người văn hóa, nỗi đau, nỗi trăn trở của những người làm văn chương, những người trân trọng giá trị văn hóa, tâm hồn của con người. Xa cách nhận thức, xa cách cái nhìn về con người như vậy, làm sao có thể “trao đổi” về những bài viết mang nỗi đau, nỗi day dứt về con người, về thế sự nhỉ!
Bệnh nghề nghiệp, thày thuốc chữa bệnh nhìn đâu cũng thấy vi trùng. Luật sư nhìn sự việc nào cũng liên tưởng tới điều luật này, điều luật nọ. Công an nhìn đâu cũng thấy tội phạm và công an luôn đặt mình ở vị trí đối mặt với tội phạm, ra uy trấn áp tội phạm. Mấy năm trước tôi đã một lần làm việc với hai cán bộ của bộ Công an tại trụ sở công an quận Tân Bình và tôi đã trở thành đối tượng của quyền uy trấn áp đó, trở thành tội phạm.
Mở đầu buổi làm việc hai cán bộ bộ Công an đưa cho tôi tập bài viết của tôi được in ra từ trên mạng bảo tôi kí xác nhận đúng là bài viết của tôi. Một việc làm tốn kém tiền bạc của dân, tốn kém công sức, thời gian cũng lại là tiền bạc và hoàn toàn không cần thiết. Các bài viết tôi đều ghi tên rõ ràng, đầy đủ. Suốt mấy năm qua, người đọc đều biết rõ về tôi, cơ quan an ninh văn hóa càng biết rõ hơn, tôi có chối bỏ những bài viết của tôi đâu mà phải tốn tiền in ra, đưa tôi xác nhận. Làm việc với an ninh, tôi không còn thư thái, tĩnh tâm dò từng chữ hơn chục bài viết, có bài hơn chục trang. Với lòng tin vào sự đàng hoàng của cơ quan công an, tôi chỉ nhìn qua tên bài viết rồi kí đại. Kí như vậy là tôi đã nhận phần bất trắc về mình nếu như có gài bẫy trong những bài in lại đó. Nhưng lần sau bị đưa vào tình thế đó, tôi vẫn lại kí đại. Đó là điều không thật sự an toàn đối với tôi.
Với sự cởi mở, vui vẻ của tôi, buổi trao đổi khởi đầu khá nhẹ nhàng, bình đẳng. Nhưng gần cuối buổi, anh cán bộ công an trẻ, có lẽ tuổi chỉ bằng già nửa tuổi của tôi bỗng lấy bộ mặt và giọng nói hình sự căng thẳng trấn áp tôi và yêu cầu tôi không được viết đưa lên mạng buổi làm việc này. Cuộc gặp có hai điều đáng nhắc lại.
. Tôi nhận ra mục đích chủ yếu của cuộc gặp chỉ để công an dằn mặt, nhắc nhở, răn đe tôi, một công dân sử dụng quyền tư do ngôn luận bộc lộ những chính kiến khác biệt với chính thống. Trước đó vài tháng, một công an cấp thành phố và một công an cấp quận đã đến nhà bảo tôi đừng viết bài đưa lên mạng nữa. Cuộc gặp này không nói thành lời điều đó nhưng bộ mặt hình sự, trấn áp, răn đe đã nói ra điều đó.
. Công dân làm việc với cơ quan công an về những bài viết công khai, hợp pháp trên mạng, không có gì là bí mật quốc gia thì có gì phải giấu nhỉ? Không muốn công khai những cuộc gặp răn đe của công an với công dân nhưng công an lại hào phóng phát đi quá nhiều giấy mời đòi công dân đến đồn công an làm việc. Yêu cầu tôi không được viết là tước đoạt quyền tự do ngôn luận của tôi. Dẫu vậy, để khỏi gây căng thẳng với cơ quan công an, tôi đã không viết lại một sự việc có nhiều điều rất đáng ghi lại về một thời công an trị.
Vâng. Người dân Việt Nam hôm nay đang phải sống trong thời công an trị. Công an lộng hành. Công an kiêu binh. Công an dày đặc trong xã hội. Công an có mặt quá đông trong chính trường. Công an là thường trực ban bí thư, nhân vật thứ hai trong đảng cầm quyền. Công an là Thủ tướng Chính phủ. Công an đứng đầu Chính phủ. Công an đứng đầu nhiều tỉnh, nhiều huyện. Công an đứng đầu Tòa án tối cao, đứng đầu Ủy ban Tôn giáo của Chính phủ.
Không có nghiệp vụ quản trị đất nước. Không có kiến thức hành chính quốc gia. Chỉ có nghiệp vụ trấn áp tội phạm. Nhà nước công an đó nhìn mọi người dân đều là tội phạm và biến xã hội thành một nhà giam lớn. Công an tùy tiện bắt giam người dân lương thiện. Công an lạnh lùng đánh chết dân trong trong trụ sở công an. Đánh chết dân trên đường làng. Đánh chết dân giữa phố đông. Công an đánh nhà báo, đánh dân giữ đất giúp cho nhóm lợi ích bất chính cướp đất của dân. Công an đang gây tội ác chồng chất với dân. Công an đang vay quá nhiều nợ máu của dân. Công an ngang nhiên tước đoạt những quyền con người thông thường cơ bản của người dân. Công an đùng đùng kéo đến bao vây ngăn chặn không cho người dân ra khỏi nhà đi biểu tình chống giặc Tàu xâm lược. Công an tùy tiện thu hộ chiếu, cấm người dân xuất cảnh. Trí thức viết về hiện thực đau buồn của đất nước, phản biện những chủ trương, những việc làm nguy hại cho đất nước của đảng cầm quyền, một việc làm được Hiến pháp và pháp luật cho phép cũng bị công an gọi lên gọi xuống hết năm này sang năm khác. Công an kết cấu thành băng nhóm chia nhau chốt chặn từng cung đường làm luật tống tiền lái xe. Công an làm cả những việc thất đức với người chết mà đám du thủ du thực, ma cô lưu manh ngoài đường phố cũng không dám làm là xông vào cướp băng tang viếng người chết.
Nhà nước công an đang hình sự hóa mọi mặt đời sống của một xã hội dân sự. Bóng công an đè nặng xuống cuộc sống người dân lương thiện. Nhưng những băng nhóm tội phạm cứ nhởn nhơ tồn tại, rầm rộ mang hàng nóng thanh toán nhau náo loạn cả khu dân cư giữa ban ngày thường xuyên diễn ra trên khắp đất nước giữa thời bình.
CÔNG AN NHÂN DANH PHÁP LUẬT ĐỂ VI PHẠM PHÁP LUẬT
Ông Võ Văn Kiệt, một người cộng sản trung thực hiếm hoi có nhận xét rất đúng rằng: Ngày 30 tháng tư năm 1975 có một triệu người vui thì cũng có một triệu người buồn. Trong xã hội, tình cảm cũng như nhận thức, tư tưởng, chính kiến của con người ngược xuôi, trái chiều nhau là đương nhiên, rất bình thường. Không thể “Bắt tình cảm ngược xuôi / Theo đúng luật đi đường nhà nước”.
Một xã hội độc đảng như xã hội Việt Nam có vài chục triệu người yêu đảng Cộng sản, ủng hộ đảng Cộng sản dù yếu kém, tham nhũng thế nào cũng nghiễm nhiên lãnh đạo nhà nước và xã hội Việt Nam như một định mệnh nghiệt ngã của dân tộc Việt Nam thì cũng sẽ có vài chục triệu người không dành cảm tình cho đảng Cộng sản, không chấp nhận sự độc quyền thống trị xã hội của đảng Cộng sản là điều rất bình thường. Người yêu đảng Cộng sản có nhu cầu được nói ra tình yêu đó thì người không chấp nhận dành quyền lãnh đạo đất nước cho đảng Cộng sản cũng có nhu cầu giải tỏa nỗi niềm của mình. Đó là nhu cầu tự nhiên, rất con người, rất chính đáng. Nói ra tình yêu, giải tỏa nỗi niềm bằng ngôn ngữ, bằng tác phẩm nghệ thuật, bằng ngôn luận, bằng báo chí, bằng biểu tình. Nhu cầu rất tự nhiên, rất con người đó được Hiến pháp 2013 bảo đảm ở điều 25: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tư do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình . . . Tôi viết bài giải tỏa những suy nghĩ, chính kiến của mình cũng chỉ là thực hiện cái quyền Hiến pháp trao cho tôi mà thôi.
Hiến pháp 2013 còn có điều 15: Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Nhưng người dân sử dụng quyền Hiến pháp trao cho, biểu tình chống giặc Tàu cướp biển Việt Nam, bắn chết dân Việt Nam đã bị lực lượng đông đảo công an cùng côn đồ ngăn chặn, gây rối, đàn áp, hành hung, bắt giam. Công an đã nhiều lần đến chặn cửa nhà tôi không cho tôi đi biểu tình. Viết giấy mời tôi lên trụ sở công an “trao đổi liên quan đến một số bài viết” của tôi cũng nhằm trấn áp, răn đe tôi đừng viết ra những chính kiến của tôi khác biệt với chính thống.
Công an là công cụ bảo vệ pháp luật. Mọi việc làm của công an đều đương nhiên nhân danh pháp luật. Nhân danh pháp luật, công an đã làm nhiều điều trái pháp luật.
P.Đ.T.
Nguồn: FB Phạm Đình Trọng