Ngày 26.3.2014, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn đăng bài: “Chuyên gia Nhật: Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình” (1), sau khi đưa ra những số liệu mang tính khoa học, và lập luận chắc chắn theo cách làm của người Nhật, cuối bài báo có đoạn: “Bài phát biểu của giáo sư Ohno đã không nhận được sự phản biện nào từ các học giả Việt Nam tại hội thảo”.
Thật dễ hiểu, các chuyên gia tham dự Hội thảo còn biết nói gì nữa với một thực trạng như thế, được dẫn chứng bởi một chuyên gia của Nhật.
Một thời, khi mà tỷ lệ tăng trưởng GDP hàng năm vào khoảng 8-9%/ năm (2000-2005 và một vài năm sau nữa), báo chí Việt Nam cứ tung hô nền kinh tế Việt Nam hóa rồng, hóa hổ… Cũng trong thời gian ấy, tôi không thấy có bài báo nào của Việt Nam cảnh báo, và phân tích bản chất tăng trưởng của GDP thời kỳ đó (Ở Việt Nam là thế, các GS-TS kinh tế miệng cứ câm như hến, vì nói ra lại đụng đến sự lãnh đạo của Đảng); để rồi hôm nay, trước sự kết luận của chuyên gia người Nhật, không ai có thể bác bỏ được kết luận của ông, rằng “Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình”.
Có lẽ nhiều người đồng ý với vị chuyên gia Nhật khi ông nói nguyên nhân tăng trưởng GDP của Việt Nam thời kỳ cực thịnh, đó là nhận xét:
“Tuy nhiên, sự tăng trưởng này được thúc đẩy chủ yếu bằng bong bóng tại các thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán chứ không phải là tăng năng suất lao động”.
Một cách tổng quát, có 3 yếu tố để phản ánh tỷ lệ tăng trưởng GDP của một quốc gia, đó là: Lao động; Vốn (chi đầu tư XDCB, chứng khoán, ngân hàng), và năng suất lao động toàn xã hội (hay còn gọi là: Năng suất các yếu tố tổng hợp TFP).
Trong một bài viết có tựa đề: “Những lời gan ruột của Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư” (2), đăng trên báo Đất Việt ngày 13.01.2014, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, ông Bùi Quang Vinh, cho rằng, tăng trưởng của Việt Nam “chỉ nhờ khai thác tài nguyên”, và dẫn chứng:
“Lao động của VN thời kỳ 2006-2011 đóng góp khoảng 25,81% vào tăng trưởng GDP, yếu tố vốn đóng góp 57,54%, còn TFP chỉ đóng góp 16,95%. Thậm chí có thời kỳ TFP đóng góp rất thấp. Năm 2008, lao động tác động đến tăng trưởng là 26,03%, vốn tới 87,87%% nhưng TFP chỉ có 13,6%.
Thực tế trên cho thấy nếu muốn tăng trưởng thì VN phải đổ vốn ra. Vì thế, năm 2008 VN đã đổ ra một lượng vốn khổng lồ (cả tín dụng lẫn đầu tư) nên tốc độ tăng trưởng cao song đến 2010 phải lĩnh hậu quả là lạm phát lên tới 18,13%.
Sự đóng góp rất hạn chế của yếu tố TFP cho thấy việc tăng trưởng hoàn toàn không do năng suất, hiệu quả của thể chế, khoa học công nghệ, quản trị mà chủ yếu phụ thuộc vào tăng quy mô nguồn vốn, số lượng lao động và lượng tài nguyên thiên nhiên được khai thác”.
Để hiểu về TFP, sau đây là sơ đồ phản ánh sự cấu thành nên yếu tố TFP, và qua đó cũng cho thấy, với sự yếu kém trong quản lý do “LỖI HỆ THỐNG” với một đảng độc quyền lãnh đạo, đã làm cho yếu tố TFP của Việt Nam không thể thay đổi được, cũng như rất khó có điều kiện để thay đổi, và việc “Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, như là một tất yếu.
Nguồn: http://chicuctdcbinhthuan.gov.vn/index.php?option=com_content&task=view&id=4372&Itemid=399
Việt Nam có thể thoát ra được “bẫy thu nhập trung bình” được không?
Ở các nươc có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, một khi nền kinh tế đã rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” thì cũng đã rất khó khăn để thoát ra được, và nếu có được thì cũng phải tốn nhiều thời gian, với sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế và quản lý vốn đã rất uyển chuyển… Huống chi, Việt Nam, với nến “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, về bản chất là duy ý chí, mơ hồ, phi khoa học…, và với tất cả những thảm họa đã phơi bày, thì có thể khẳng định: Dưới sự độc quyền lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, thì Việt Nam không bao giờ thoát ra được bẫy thu nhập trung bình.
Đâu là giải pháp?
Rõ ràng là, việc được tham gia vào “Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương-TPP”, đang như là một giải pháp cứu cánh cho không chỉ nền kinh tế mà còn là hy vọng cho cả nền chính trị của Việt Nam (?!).
Cũng trên tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn, ngày 26.3.2014, trong bài: GS Harvard dự báo GDP Việt Nam sẽ cao hơn nếu tham gia TPP (3), giáo sư Robert Z.Lawrence, trường Harvard Kennedy School tại Hội thảo quốc tế về “Cải cách Kinh tế vì tăng trưởng bao trùm và bền vững”, tổ chức hôm 24-25.3.2014 tại Hà Nội, nhận định: “Việt Nam sẽ được hưởng tăng trưởng kinh tế và thương mại rất lớn khi tham gia Hiệp ước xuyên Thái Bình Dương TPP. Cụ thể là vào năm 2025, GDP của Việt Nam nếu tham gia TPP sẽ cao hơn 13,6% so với trường hợp không tham gia TPP”.
Chính vì thế, việc được kết nạp là thành viên của TPP trong năm 2014 đang như là mục tiêu lớn của Chính phủ Việt Nam. Vì vậy, trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Barak Obama, hôm 25.3 vừa rồi, tại The Hague-Hà Lan, nhân “Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba”(4), thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “khẳng định quyết tâm cùng Mỹ và các thành viên sớm kết thúc đàm phán TPP theo tinh thần quan tâm thỏa đáng đến lợi ích và sự chênh lệch về trình độ phát triển. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Mỹ quan tâm thỏa đáng tới các lợi ích của Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam trong đàm phán, đề nghị Mỹ sớm công nhận quy chế thị trường với Việt Nam”.
Vài lời cuối:
1. Việt Nam thực sự là nước đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình, còn việc có muốn thoát ra hay không thì lại không phải do Nhân Dân Việt Nam quyết định, mà phần quyết định là do Đảng cộng sản Việt Nam. Một khi vẫn độc quyền lãnh đạo, và vẫn giữ nguyên đường lối “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” mơ hồ, phản quy luật phát triển… thì không bao giờ Việt Nam thoát ra được.
2. Cho dù có được Mỹ và các thành viên “hạ cố” ưu tiên để được là thành viên của TPP trong năm 2014 đi chăng nữa, thì đó mới là chỉ là điều kiện cần cho hy vọng tăng trưởng kinh tế, mà chưa phải là điều kiện đủ. Việc chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cần phải thực hiện quyết liệt, triệt để theo kế hoạch mà Chính phủ đã đề ra, để cùng với việc được gia nhập TPP mới phần nào giúp nền kinh tế Việt Nam thoát ra khỏi nguy cơ sụp đổ trong vài năm tới.
27.3.2014
N.H.Q.
(1) Chuyên gia Nhật: “Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình”
(2) Những lời gan ruột của Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư
(3) GS Harvard dự báo GDP Việt Nam sẽ cao hơn nếu tham gia TPP
(4) Việt Nam hoàn thiện pháp luật về hạt nhân
http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/viet-nam-hoan-thien-phap-luat-ve-hat-nhan-20140325215616865.htm
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN