Minh bạch như thế nào?

Người đời thường nói minh bạch, rõ ràng trong cuộc sống và trong chính trị đều cần thiết vì trước tiên nó giúp củng cố lòng tin và thứ nữa là trong binh pháp Tôn tử “biết mình, biết người thì trăm trận, trăm thắng” chủ yếu phải dựa trên sự minh bạch với chính bản thân và như vậy mới thấy rõ được đối thủ. Hay nói cách khác, không minh bạch với chính mình sẽ không thấy được đối thủ!

Một số bạn hữu hỏi tôi có bình luận gì về việc phát hiện mới trong phòng làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cả bản đồ “hình lưỡi bò” của Trung Quốc. Nếu tinh ý, nhận thấy ngay buổi truyền hình đàm đạo mới đây giữa Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Malaysia xung quanh chuyện tìm kiếm máy bay mất tích MH370 của Malaysia Airlines vẫn thấy có tấm bản đồ này!

Tôi đã từng đến phòng làm việc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, thấy ông treo nhiều loại bản đồ. Hàng ngày, khi làm việc, nghe báo cáo để đối chiếu với thực tế, ông tự tay đánh dấu, ghi chú lên bản đồ, thỉnh thoảng lại thay tấm bản đồ mới. Phòng làm việc của một số vị lãnh đạo đương thời cũng thế. Có vị Phó Thủ tướng còn bọc mica ngoài tấm bản đồ có hình lưỡi bò, để dễ đánh dấu, tẩy xóa các vị trí “tàu lạ” hay xâm nhập hải phận nước ta và các vị trí tiềm năng dầu khí, v.v. Bởi thế, nói cho minh bạch trong phòng làm việc của Thủ tướng có tấm bản đồ hình lưỡi bò, không có gì lạ! Dù sao, cần rút kinh nghiệm: đưa hình ảnh bản đồ có đường lưỡi bò trong phòng làm việc của Thủ tướng lên tivi cũng có thể gây hiểu nhầm.

Nhân nói đến chuyện minh bạch, chúng tôi không nói tới tính chất pháp lý của việc Thủ tướng gửi thông điệp cho toàn dân Việt Nam nhân dịp đầu năm, cho dù là năm dương lịch. Vấn đề người dân quan tâm không chỉ vì có nhiều tư tưởng tiến bộ mà là khả năng thực thi nội dung của thông điệp đó. Nếu chỉ được một phần thì giá trị đáng một phần, nếu không hoặc chưa thể thực thi được, lẽ tất nhiên giá trị cũng tỷ lệ thuận với sự thật đó, và người dân có phản xạ rất tự nhiên cho dù không hề muốn.

Ngẫm suy trong bản Thông điệp của Thủ tướng, chúng tôi nhận thấy có hai điểm cần làm rõ hơn. Thứ nhất, nói về tái cấu trúc nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Về bản chất, tái cấu trúc nông nghiệp chỉ là bộ phận cơ bản của xây dựng nông thôn mới có nghĩa là tập hợp con trong tập hợp lớn không phải là cùng “đồng đẳng”! Thứ hai nói Dân chủ và Pháp quyền là cặp song sinh có thể biện luận là dân chủ ra đời cũng phải được đánh dấu bằng văn bản pháp chế (tuy chưa hoàn chỉnh nhưng phải có khởi đầu). Vì thế mới có Tuyên ngôn độc lập của Mỹ, Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền của cách mạng Pháp ngay từ những ngày trứng nước. Tuy nhiên, nếu “mổ xẻ” sâu hơn, thấy dân chủ đẻ ra pháp quyền còn pháp quyền sinh ra để bảo vệ dân chủ, nó là hai mặt của một đồng xu, v.v.

Suy cho cùng, từ chuyện nhỏ nhìn ra các vấn đề lớn của đất nước các hành vi, lời nói, việc làm của các vị “công bộc” của dân cần phải minh bạch, rõ ràng để củng cố lòng tin trong nhân dân bởi vì mất lòng tin là mất tất cả.

T. V. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

 

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.