Sau loạt bài nhận định về diễn văn Shangri-La của TT Nguyễn Tấn Dũng, chuyến đi Bắc Kinh của CT Trương Tấn Sang, và tổng kết hai cuộc hội đàm thượng đỉnh Bình-Sang và Obama-Sang đã đăng trên Bauxite Việt Nam hồi tháng Sáu, tháng Bảy và tháng Tám 2013, tôi quyết định không viết gì thêm về vấn đề Việt Nam nữa. Lý do chính là vì tôi đã nói hết những suy nghĩ của mình, cùng với nhiều anh em trong nước, về “Việt Nam phải làm gì” để có thể thực sự bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc và đem lại tự do, hạnh phúc cho dân tộc.
Trước đó mấy tháng, trong “Thư gửi bạn bè trong nước”, tôi cũng đã đưa ý kiến là đã đến lúc nhân sĩ, trí thức nên ngưng viết kiến nghị và thư ngỏ cho lãnh đạo vì chúng ta đã chứng tỏ đầy đủ thiện chí đóng góp vào những vấn đề hệ trọng của đất nước. Từ nay cần chuyển sang hành động, ôn hoà nhưng cụ thể. Nhưng muốn hoạt động có hiệu quả thì phải có tổ chức mà tổ chức thì cơ khổ thay, lại bị chế độ ngăn cấm, nên tôi đã gợi ý là tìm ra những hình thức tổ chức không chính thức để sinh hoạt và quan hệ với nhau (networking), giữa các cá nhân hay các nhóm công dân, thực hiện những điều mà Chính phủ chỉ nói mà không làm. Có lẽ vì “những đầu óc lớn gặp nhau” nên lần lượt thấy nảy sinh những sáng kiến thành lập các tổ-chức-phi-tổ-chức sinh hoạt với nhau trên Facebook, họp mặt ở quán cà phê hay hội thảo dã ngoại, tiếp xúc vận động với các tổ chức quốc tế, phát tài liệu về nhân quyền cho dân chúng, xác định quyền và vai trò của phụ nữ, v.v. Sự xuất hiện của Diễn đàn Xã hội Dân sự với một số dự án cụ thể đang chuẩn bị thực hiện có lẽ là hình thức thực tế và khả thi nhất để kết hợp hay phối hợp những công dân yêu nước và yêu dân chủ thành một khối áp lực cần thiết nhằm dẫn đến thay đổi xã hội theo hướng dân chủ hóa.
Bây giờ thì tôi chỉ còn chờ xem những nhóm công dân trong xã hội dân sự đang nảy nở sẽ hành động cụ thể như thế nào và chính quyền sẽ xử lý ra sao. Mặc dù không còn viết bài đặt vấn đề với chính quyền, tôi vẫn tiếp tục góp ý với các bạn ở trong nước để được các anh chị xem xét và tuỳ nghi sử dụng.
Trước sự kiện nhân dân đang thức tỉnh và sức mạnh dân tộc đang lớn mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vốn rất bén nhạy về chính trị, đã đón gió kịp thời để trấn an nhân dân bằng thông điệp đầu năm với những xác quyết cụ thể hơn về “đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân”. Trí thức trong nước cũng đã bén nhạy cảm thấy ông Dũng đang chuẩn bị cho tương lai chính trị của mình, thậm chí nhà giáo Phạm Toàn đã đưa giả thuyết ông Dũng là đại biểu quốc hội thứ hai đã không bấm nút thông qua Hiến pháp “mới nhưng cũ” năm 2013. Nhà báo Phạm Chí Dũng, sau khi phân tích những điểm mới “ít nhất là về mặt phát ngôn” trong thông điệp đầu năm của thủ tướng, còn nhận định thêm là ông Nguyễn Tấn Dũng, trong những nỗ lực xây dựng sự nghiệp mới của mình, không chỉ muốn tranh thủ sự ủng hộ của trí thức trong đảng mà cả ngoài đảng, và luôn cả trí thức hải ngoại nữa.
Dù sao, trí thức và nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt hải ngoại cũng đang tỉnh táo theo dõi việc làm của Thủ tướng trong những ngày tháng tới xem ông có thể hiện được những lời xác quyết trong thông điệp đầu năm hay không. Trong khi đó, các nhóm công dân vẫn tiếp tục xây dựng sức mạnh dân tộc và sẽ có những đòi hỏi cụ thể nhằm hai mục tiêu then chốt là bảo vệ Tổ quốc và thực thi dân chủ. Trên các diễn đàn XHDS và sci-edu, tôi đã có một số đề nghị được một số anh em tán thành nhưng chưa biết sẽ có được nhóm nào thực hiện hay không. Tôi có thể quả quyết là trí thức, chuyên gia và đa số người Việt ở nước ngoài sẽ hết lòng hỗ trợ.
Năm 2014 sẽ phải là năm quyết định cho vận mệnh tương lai của đất nước và dân tộc. Tình hình vô cùng cấp bách vì lãnh đạo Bắc Kinh đang tiếp tục dùng “sức mạnh mềm” chiếm đoạt chủ quyền đất nước ta, phá hoại đời sống kinh tế và môi trường lành mạnh của nhân dân, và thực hiện âm mưu Hán hoá chủng tộc và văn minh Việt.
L.X.K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN