Tư vấn, phản biện của các nhà khoa học: Quốc hội cần “mở” hơn

Con đường hiệu quả tập hợp trí tuệ của các nhà khoa học cho hoạt động Quốc hội là sự đặt hàng của Quốc hội và đại biểu cùng sự chủ động nêu ý tưởng của VUSTA.

Dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) đã từng được Vusta tham gia tư vấn, phản biện. Ảnh: HTD

Dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.HCM) đã từng được Vusta tham gia tư vấn, phản biện. Ảnh: HTD

Bàn về cơ chế hợp tác giữa giới khoa học với Quốc hội nhằm giúp đại biểu Quốc hội có thêm thông tin và kiến thức chuyên môn mỗi khi chất vấn hay bấm nút ra quyết định, PGS-TS Hồ Uy Liêm, GS-TS Trần Ngọc Đường cùng nhiều nhà khoa học khác đều có chung nhận định: Việc hợp tác phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế “mở” của Quốc hội và cá nhân các đại biểu.

Ba cách thức hợp tác

Tại hội thảo về vai trò của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật (VUSTA) (ngày 19-3), GS-TS Trần Ngọc Đường, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng việc hợp tác giữa Quốc hội và các nhà khoa học – với đầu mối lớn mạnh nhất là VUSTA là điều tất yếu.

Ông Trần Ngọc Đường nhấn mạnh vào ba cách thức chính:

Thứ nhất, Quốc hội chủ động đặt hàng giới khoa học thực hiện những đề tài cần nghiên cứu sâu, ví dụ công nghiệp khai thác bauxite ở các quốc gia trên thế giới; hay đặt hàng những vấn đề cần tư vấn, phản biện một cách cụ thể, chẳng hạn là dự án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam tới đây.

Thứ hai, Quốc hội đề cử, mời các nhà khoa học tham gia hoạt động của Quốc hội, chẳng hạn vào các đoàn kiểm tra, giám sát.

Thứ ba, “VUSTA không thể ngồi chờ Quốc hội đặt hàng mà phải theo dõi chương trình hoạt động của Quốc hội hằng năm để có sự tham gia thích hợp. Các vị có thể đưa ra các sáng kiến luật pháp, các đề xuất xây dựng luật, gợi ý cho Quốc hội…” – ông Đường kêu gọi.

“Tại sao đại biểu ít tham vấn giới khoa học?”

Nhiều nhà khoa học cho rằng chính mỗi đại biểu Quốc hội cần chủ động “đặt hàng” giới khoa học cung cấp thông tin, kiến thức cho mình. Theo LS-TS Hoàng Ngọc Giao, “việc hợp tác phụ thuộc rất nhiều vào cá nhân mỗi đại biểu Quốc hội”. Ông Trần Ngọc Đường thẳng thắn: “Tại sao phần đông các đại biểu Quốc hội không tham vấn giới khoa học? Có luật cho phép, có tiền ngân sách để làm việc đó kia mà! Quốc hội không thể tự mạnh mà bắt buộc phải dựa vào các tổ chức dân sự bên ngoài, thu hút trí tuệ xã hội bên ngoài. Cứ làm việc kiểu khép kín thì hoạt động sao mà có chất lượng?”.

Thực tế mỗi kỳ họp cho thấy những đại biểu tích cực có ý kiến chất vấn sắc sảo đều đã có sự tìm hiểu sâu từ trước về vấn đề họ quan tâm và thường cũng xuất thân là nhà khoa học. Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (nguyên GS Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho biết vào kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa 12, từ khi có ý định chất vấn Chính phủ về dự án khai thác bauxite Tây Nguyên, ông đã chủ động đọc tất cả tài liệu mà ông có về bauxite và tự liên hệ hỏi các chuyên gia để hiểu thêm. Tuy nhiên, không phải tất cả đại biểu đều có thể làm như ông Nguyễn Minh Thuyết, nhất là với các đại biểu kiêm nhiệm (chiếm 2/3 trong Quốc hội).

Ngoài ra, thông tin cũng có khi đến với Quốc hội khá muộn. Như tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa 12, báo cáo kinh tế-xã hội trình lên Quốc hội trễ. Báo cáo về dự án bauxite cũng phải chờ đến khi đại biểu nhắc mới có. Đại biểu nếu không chủ động tìm hiểu thông tin thì khó mà có đủ chứng cứ và logic để chất vấn, bàn thảo.

Từ VUSTA đến các think-tank, NGO

Nhiều ý kiến cũng đề cập tới việc Quốc hội và nói rộng ra là nhà nước phải “mở” hơn. LS-TS Hoàng Ngọc Giao viết trong một bài tham luận về hoạt động tư vấn chính sách của VUSTA nói riêng và các think-tank (*) nói chung: “Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban Quốc hội phải có cơ chế mở, đối thoại với xã hội và trí thức; (…) cần có cơ chế tham vấn thường kỳ và ad hoc (vụ việc) với các tổ chức xã hội, đặc biệt là thiết lập mối quan hệ thể chế với VUSTA”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cũng có ý đề cập tới các tổ chức dân sự khi ông đề xuất: “Cần có cơ chế hợp tác phù hợp giữa Quốc hội và xã hội dân sự, chẳng hạn hình thức này: Các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong nước và quốc tế hỗ trợ cho một số cơ quan của Quốc hội xây dựng luật”. Ông bổ sung: “Tôi phải nói thẳng là có những dự án luật không có tiền tài trợ, chỉ tiền ngân sách không thôi thì các cơ quan nhà nước không muốn làm đâu, hoặc là làm chậm lắm! Tương tự, dự án luật nào liên quan tới nhiều ngành, rắc rối phức tạp thì không ai đứng ra làm cả. Quốc hội cần một cơ chế huy động nguồn lực từ nhiều phía”.

Khẳng định rằng VUSTA là “một phần của xã hội dân sự”, TS Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đề cao vai trò của xã hội dân sự. Theo ông Dũng, về kinh phí, các tổ chức như VUSTA có thể nhận đặt hàng từ Quốc hội, vận động tài trợ, huy động từ các quỹ, các đối tượng có lợi ích liên quan… Đổi lại, ông cũng yêu cầu thông tin nghiên cứu trợ giúp cho Quốc hội phải kịp thời, cụ thể, chi tiết, các lập luận và chứng cứ rõ ràng…

(*) Think-tank: Một tổ chức hay một nhóm gồm các chuyên gia chuyên nghiên cứu độc lập những vấn đề đặc biệt nào đó rồi đưa ra đề nghị về chính sách.

Nguồn: http://phapluattp.vn/20100321113038658p0c1013/tu-van-phan-bien-cua-cac-nha-khoa-hoc-quoc-hoi-can-mo-hon.htm

Chất vấn đại biểu Quốc hội qua website

Giao diện chính của trang web vào hôm 22.3

Giao diện chính của trang web vào hôm 22.3

Ngày 21.3, website hỏi đáp của Quốc hội Việt Nam với đường dẫn http://hoidap.quochoi.vn đã chính thức hoạt động, giúp kết nối cử tri với các đại biểu quốc hội.

Theo thông báo từ đại sứ quán Anh tại Việt Nam, đơn vị tài trợ dự án xây dựng website này, dự án trị giá 30.000 bảng Anh (hơn 850 triệu đồng), được triển khai từ tháng 10.2009, nhằm giúp công chúng đặt câu hỏi trực tiếp về những vấn đề mà họ quan tâm tới các đại biểu quốc hội.

Các câu hỏi có thể được trả lời ngay hoặc theo một ngày cố định được đặt ra. Website này còn cho phép người sử dụng đánh giá và đưa ra những nhận xét, bình luận của mình  với câu hỏi của cử tri hoặc câu trả lời của đại biểu Quốc hội.

This entry was posted in quốc hội. Bookmark the permalink.