Thư gởi anh Lê Hiếu Đằng: Anh lại… “đứng lên”!

 

Anh đã từng đứng lên, và luôn đứng thẳng. Nhưng đã bốn hôm rồi, anh đứng lên theo nghĩa cụ thể, là đứng lên và bước tới, từng bước một, với chiếc gậy mây trong tay.

Đó là điều đáng ngạc nhiên, và đặc biệt là đối với giới bác sĩ. Ai cũng phải chết, nhưng cái khả năng chẩn đoán chính xác, thì không thể! Nếu giới bác sĩ mà nói đâu cũng trúng, thì e đời sẽ mất đi cái hấp dẫn về bí mật của sự sống, mà các tôn giáo cũng bớt đi một phần kỳ vỹ vinh quang. Tôi mong cho khoa học ngày càng tiến bộ, nhưng cũng mong có cái gì đó trên cả khoa học.

Chúng tôi ngạc nhiên cứ tưởng như anh Đằng bật nắp quan tài mà đứng dậy. Tôi nhận ra một não trạng chung khá kỳ cục rằng, không mong mà vẫn đợi! Không ai mong anh chết cả, thế mà vẫn đợi nó… Cái đợi vì một nghĩa vụ muốn hoàn thành, muốn trọn vẹn trong cuộc tiễn đưa. Không ai muốn lợi dụng sự ra đi của anh để làm cái giống gì, như một số người có thể tưởng tượng. Cũng như nhiều người hiểu rằng cái chủ nghĩa xã hội, đến cuối thế kỷ chưa biết nó có hoàn thiện hay không (hình tượng là ngồi, nằm hay đứng dậy..), nhưng vẫn nên trung thành, và tỏ ra trọn vẹn cho cuộc tiễn đưa, bởi một “đức tin”, hay do tình cảm chẳng hạn.

Sớm muộn, các cuộc đưa tiễn các kiểu cũng sẽ xảy ra.

Vì trời đất là vô thường, chia ly là bất tận từng sát na, nên cung cách tiễn đưa trở nên cực kỳ quan trọng, vì duy nhất đó là điều mà nhân loại có thể làm được.

Thái độ chọn lựa “trọn vẹn” mang nhiều trăn trở ấy về các thể loại tiễn đưa, nhất là sự tiễn đưa hoành tráng và mệt mỏi từ nay đến cuối thế kỷ, có thể đắp đổi được nhiều mâu thuẫn nội tâm, của cuộc đời chứa đầy kịch tính kín đáo mà mà cũng hở hang này.

Và đó là cách ứng xử hợp lệ vẻ bên ngoài của thế gian, nhưng nào ai biết trong thâm cung bí hiểm của tâm trí là gì!

Nó giống hệt bức vẽ con cừu trong hộp kín của nhà văn phi công Saint Exupéry, để làm quà tặng cho Hoàng tử Bé vào cái lần đầu bất ngờ tao ngộ, tại sa mạc Sahara ở thế kỷ trước.

Nghĩ suy cho cùng, ai cũng có con cừu nằm/ ngồi/ đứng thế nào ấy, trong cái hộp kín của mình. Miễn sao bên ngoài cho hoành tráng là được, thí dụ như Đảng ta. Theo lời Tổng Bí thư Trọng, được sử quan nghiêm túc chép lại không sai một lời: “Một Đảng gần dân, liên hệ mật thiết với nhân dân, bảo vệ quyền lợi của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Đảng như thế mới là Đảng lãnh đạo chứ!”.

Tôi vẫn luôn yêu thích cái từ “chứ!” cuối câu mà Tổng Bí thư hay dùng. Cái từ ấy rất hay, sang mà độc đáo! Hãy cảm nhận cho tinh tường. Nó đứng từ trên cao, nó phang ra tính tất yếu, nó phản biện theo cách hùng hồn. Không phải ai cũng có đủ tư cách xứng đáng để dùng, dù nó là từ ngữ chung, không ai là chủ sở hửu. Càng nghĩ, tôi càng cảm thấy thú vị bức vẽ trên của bác Tổng Bí thư, bằng hoặc là hay hơn bác phi công tài ba của thế kỷ trước, về chuyện vẽ con cừu cho Hoàng tử Bé. Khi bác phi công vẽ con cừu, con nào cũng bị hoàng tử chê, con này quá mập, con này lại ốm quá, con này nữa, sao lại giống con dê vì có hai cái sừng thế kia?… Cuối cùng, bác phi công vẽ con cừu trong cái hộp kín. Cái hộp kín làm bằng giấy cứng. Kỳ diệu thay, hoàng tử nọ nhìn ngắm, đã hết lòng hoan hỷ, và tha hồ mà ghi nhớ, cảm nhận theo ý tưởng mình. Cái hộp kín của bác Tổng Bí thư thì làm bằng chữ, một số chữ kết thành cái hộp kín, tầng tầng lớp lớp kiên cố (các chữ in nghiêng và đậm ở trên kia). Vẫn kỳ diệu không kém, vì nhiều người, trong số ba triệu người, cũng rất hoan hỷ ngưỡng mộ, tha hồ mà nghĩ tưởng theo ý mình những gì bên trong cái hộp ấy! Bác thêm từ “chứ” là từ khóa để kết thúc sự nghiệp dài hơi, là sự nhấn mạnh tuyệt vời mà vui vẻ, lại bình dân thân ái, về niềm tin, có giá trị hơn một nghìn lần sự khẳng định. Cái niềm tin về con cừu trong cái hộp kín, được chế tạo bằng chữ, không phải bằng giấy cứng. Cái hộp trước được làm vào đầu thế kỷ 20, cái hộp sau chế tạo vào đầu thế kỷ 21, nên có phần tinh xảo hơn. Tuy nhiên, cách nhau gần một trăm năm, ở hai bờ đại lục xa xôi, chỉ có hai bức họa này là thuộc hàng trứ danh nhất.

Trở lại chuyện anh Đằng.

Anh đứng dậy và đi, mà quả thực chẳng đi tới đâu! 20 m là cùng. Có nhiều người mong muốn anh đi xà quần, thế thôi! Mà đó cũng là thực tế. Có ai mong muốn anh đi đâu xa hơn, cũng không thể được. Quá lắm là xe ôm, “thồ” đến quán cà phê, đủ vui rồi!

Có lẽ cái não trạng chiến tranh còn in đậm nét trong hàng hàng lớp lớp dân ta và quan ta, cho nên cứ phải nghĩ đến hành động, và hành động. Rồi từ đó, nó tiến dần lên như là bạo động, rồi gọi trại ra thành bạo lực, lại chính cái từ mà ta đã chán chường! Trong mấy mươi năm nay, bạo lực chỉ do tưởng tượng, tưởng tượng trước, nó sanh sôi nảy nở theo sau. Bây giờ có lẽ nó râm ran đều khắp, nên lại có sự leo thang về loại hình: Nghị định chính phủ vừa ký ban hành, cho phép An ninh được bắn chết… ai đó ở đường phố, nếu…

Nói gọn theo văn chương là vậy.

Chúng ta có thể ngăn ngừa bạo lực từ trong ý thức được chăng? Bằng cách sửa lại cái “não trạng hậu chiến tranh” vốn mang đầy vết tích bạo lực từ người lớn, người trưởng thành, người chưa trưởng thành, và trẻ em, có thể tính từ trong bào thai, của thời kỳ đó kéo dài lê thê thích thú cho đến nay? Một loại “vết hằn trên lưng ngựa hoang” còn bàng bạc trong tâm thức. Cái gì có sẵn thì đều hấp dẫn. Bạo lực cũng thế. Có một câu nói trứ danh mà tôi nhớ mãi: “Chỉ có cái búa trên tay, người ta thấy mọi vật đều có dạng cây đinh”.

Anh Đằng,

Anh cũng ra đi từ chiến tranh, cũng mang những vết hằn trên lưng ngựa hoang. Anh đã từ bỏ trái tim chiến tranh sang trái tim hòa bình. Hành động ư! Cần chi chứ! (Xin lỗi Tổng Bí thư cho mượn dùng tạm chữ này một lần thôi). Chỉ nghĩ ngợi là được rồi. Nghĩ là “hành” rồi, theo nghĩa là “tác ý”. Ông Phật Thích Ca đâu có làm gì, ngài chỉ ngồi không, và ngồi ngay ngắn là đủ. Anh đã tác ý rồi. Anh đã ra khỏi Đảng, nếu không, trước đó, hay vào lúc anh hấp hối, Đảng cũng khai trừ anh thôi, vì trong Đảng không thể có một đảng viên xấu, như con cừu chạy ra khỏi hàng ngũ, dù là hắn sắp chết, nhưng không thể chết trong tư cách đảng viên không tốt. Một đảng viên, dù là chết cũng phải chết với tư cách là đảng viên tốt. Bởi bên kia thế giới, có thể Đảng vẫn tồn tại, dù không chắc ăn lắm. Biết thế, anh khai trừ Đảng, trước khi Đảng khai trừ anh. Anh khai trừ Đảng, chẳng qua là anh tự thủ tiêu tư cách đảng của mình, chứ Đảng một là thực thể đang tồn tại mênh mông sinh động. Cái việc anh từ biệt Đảng – tôi không nói là từ bỏ, rất kém lịch sự nhé – đã gây nên cuộc bàn cãi rằn ri mấy hôm nay về chủ đề này.

Trước hết là vấn đề từ ngữ, sau là cái cách.

Nên nhớ, bác Trọng là người rất giỏi và rất chú ý về ngữ pháp. Bác chỉnh sửa từng câu từng chữ, khi bàn luận về văn bản dự thảo văn kiện quan trọng thứ cấp sau Cương lĩnh Đảng. Bác ấy mong muốn, không quan trọng lắm về thực tế, mà chỉ bằng chữ nghĩa thôi, nó phải vang lên hùng hồn một cách quyến rũ nhân dân, hoặc chỉ cần thu hồn được Quốc hội để thông qua là thành công. Và bác thành công 99,59 % (hay 97,59 % cũng được). Về vụ “ra” Đảng, những từ ngữ không hòa bình lịch sự thì dứt khoát bỏ ra, phải dùng từ ngữ ôn hòa và tử tế, có nét văn chương thì càng hay: từ biệt, từ giã, chia tay, chia ly, ly dị (khắn khít quá thì cũng có thể dùng từ này), rút lui khỏi (Trung Quốc dùng từ thoái đảng, ta không bắt chước, vì phải giữ linh hồn cho độc lập), thoát khỏi (nếu thấy áp lực quá), hoặc ly khai (hơi oai đấy), hay chỉ dùng từ ra đơn thuần, cộc lốc, mà không cần diễn tả lý do, mục đích, cách thức… giống như một đứa con ngang bướng mà đầy cá tính vậy.

Hoặc, quá lắm thì im lặng, tự biến mất, chẳng cần xướng danh sự việc bởi tên gọi bằng từ ngữ nào cả.

Về trường hợp làm đơn như “đồng chí” Phạm Chí Dũng cũng vướng víu. Nó có nguồn gốc vững chắc về lý luận biện chứng: Có đơn xin vào, thì ắt có đơn xin ra. Đã làm đơn thì phải có xem xét, có chấp thuận hay không chấp thuận. Nhưng khi vào Đảng, đã có lời thề rằng sẽ hy sinh suốt đời cho Đảng, đã ký thác trọn đời, bây giờ chưa chết, cớ sao xin ra? Chỉ cái tội bất trung, không giữ đúng lời hứa trọn đời (hay hơi thở…), bất kể lý do gì khác, cũng đáng một tội trước tiên là khai trừ, chưa nói kể từ đây, các chi bộ sẽ đẻ ra rất nhiều cái xấu, tùy hoàn cảnh mà ứng dụng, triển khai ra. May nhờ cái hộp kín mà Tổng Bí thư khẳng định: “Đảng như thế mới là Đảng lãnh đạo chứ!” (tôi vẫn luôn yêu cái từ “chứ của bác Tổng Bí thư mỗi lần nghe thấy).

Nếu không phải Đảng ta là “Đảng như thế”, thì hãy nhìn sang Bắc Triều: 3 súng tiểu liên, cơ chế đạn 30 viên/súng, đồng loạt nhả đạn, với 90 viên bay ra, ghim vào thân thể, một đảng viên xấu lập tức tan thây. May quá, Việt Nam ta đang tiến lên chủ nghĩa xã hội, tuy chưa chắc tiến tới cái chỗ ấy, cho đến cuối thế kỷ này!

Tôi không thể kết luận được vụ phức tạp này, nhưng có ý kiến riêng. Khi vào Đảng, chỉ có Đảng và ta biết. Nay ra Đảng, chỉ có ta và Đảng biết, nên lặng lẽ mà rút lui là hay nhất, chẳng ai mất thể diện. Đảng vẫn cứ đường hoàng là Đảng. Đảng vẫn hạnh phúc. Ta thì hân hạnh được làm công dân.

Nhưng cũng nên nhớ, một công dân chưa trưởng thành, vì chưa có quyền ký cái “khế ước công dân” nào để bảo kê cả. Nhớ đấy!

Anh Đằng thân mến,

Tôi nghĩ là anh chẳng nên làm cái gì ráo, chỉ đi loanh quanh thôi, rồi lại ngồi yên, mà đặc biệt nên ngồi ngay ngắn. Ngồi ngay ngắn là cực kỳ quan trọng! Nhưng thay vì thở ra, thở vào, thì hãy nghĩ cái việc “Đảng vào, Đảng ra”, nên chọn sử dụng cái từ nào cho hợp với bản sắc văn hóa dân tộc? Thế thôi! Tôi không có ý kích động, đả kích hay tán dương cái gì cả, chỉ hơi lo toan bao đồng về mặt từ ngữ, nhân dịp xuân sắp về.

Tối mai là lễ Noel. Tôi yêu cái lành lạnh của mùa này, cũng vui vui thấy màu sắc và nét cong mềm mại khó hiểu của những chiếc áo ấm, cũng còn gọi là áo lạnh.

Chúc anh đứng lên, và bước tới, không quên chiếc gậy mây!

Một người bạn.

 

23/12/13

H. Đ. N.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

 

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.