Bài của phóng viên thường trú tại Bắc Kinh
Phạm Toàn dịch
Đó là một khu dân cư ngổn ngang những ngôi nhà siêu vẹo bẩn thỉu, đôi khi “nhà” mọc lên bát nháo, bên trên ban-công thì phơi đầy quần áo dưới đất là những con hẻm bùn lầy và ngập rác, toàn cảnh nằm bẹp dí dưới bầu trời sùm sụp mùa đông. Chợ có khá nhiều gà vịt và cá mú, nhưng mùi nồng nặc xông lên từ những quán cơm bụi rẻ tiền. Góc phố, một bác đầu bếp đang đảo đảo trộn trộn một món quái đản nào đó trong chảo. Những anh đàn ông mặc áo giả da và đội mũ lưỡi trai kiểu Mao Trạch Đông ngồi hút thuốc và tán chuyện. Phụ nữ ẵm con bọc kỹ trong chăn.
Từ khu Olimpic hoàn tráng chạy xe mười lăm phút là tới Dong XiaoKou một khu phố của dân nhập cư ngoại tỉnh. Chốn này không phải là cực khổ mà là nghèo hèn.
Nơi đây minh họa rõ rệt cho cái điều cách đây mươi hôm các phương tiện truyền thông Trung Hoa đã đưa tin: chưa khi nào kể từ khi bắt đầu cải cách kinh tế năm 1978 khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị lại xa nhau đến thế.
Ở khu cư dân này, tiếng là dân thủ đô Bắc Kinh, nhưng đại bộ phận có gốc gác nông dân. Họ là một phần của đội quân 230 triệu “nông-công nhân” Trung Hoa, tiếng phổ thong gọi họ là mingong, ra thành phố kiếm sống và thờ thần may rủi. Song họ cũng chẳng vì thế mà đã được nhập khẩu làm “dân thành phố”. Hệ quả là: có rất nhiều người trong bọn họ không được hưởng những mối lợi về mặt xã hội mà dân thành phố được hưởng.
Bà Liu, 50 tuổi, có gia đình và con cái, vốn gốc ở Hà Bắc, cái tỉnh nằm bao quanh thủ đô Bắc Kinh. Bà không than thân trách phận gì nhiều. Đó là một phụ nữ giản dị, tươi tỉnh, lợi khẩu. Phải dồn mãi bà mới chịu nói ra những khó khăn của mình. Thế là bà bắt đầu kể, có dẫn con số hẳn hoi: “Tôi làm một chân lao công ở một khu dân cư. Tôi kiếm được 900 “nguyên” một tháng (quãng 90 euros). Tôi phải chi tiền thuê nhà 300 “nguyên”.” Bà Liu ở đây tám năm rồi và vẫn cứ là ở tạm thôi: “Tôi bị tống ra khỏi căn hộ đầu tiên tôi thuê vì ông chủ nhà lợi dụng giá bất động sản lên cơn sốt thấy được giá liền bán nó đi.” Thế bây giờ thì sao?“Phì … !, bà buột ra, bây giờ thì đã tìm được chỗ ở khác, nhưng chẳng có gì là chắc chắn hết. Hoàn toàn không. Bất kỳ lúc nào mình cũng có thể bị họ tống cổ!”
Bà làm việc mửa mật để nuôi hai cô con gái: một cô thì cũng đã vào được đại học, còn cô kia thì bán hang ở một khu buôn bán của Bắc Kinh. Mô tả than phận bấp bênh của mình, bà Liu nói: “Khi làm việc, tôi và các bạn mình thường bị người ta khinh rẻ.”
Khoảng cách thu nhập giữa những người tay đầy và những người tay trắng ở Trung Hoa rất rõ rệt đến nỗi ông thủ tướng Ôn Gia Bảo phải nhắc đến hiện tượng đó trong buổi khai mạc Quốc hội, cuộc họp vừa kết thúc hôm chủ nhật vừa rồi. “Không nên chúi mũi vào chỉ một việc làm cho càng ngày càng thêm giàu có, ta còn cần phải có một hệ thống phân phối các thứ của cải đó công bằng hơn nữa “, ông nói. Theo các con số thống kê được đưa ra công khai hồi đầu tháng ba (2010), thu nhập bình quân người Trung Hoa ở thành phố vào năm 2009 là 17 175 “nguyên” một năm – khoảng 1 700 euro – so với 5 153 “nguyên” ở nông thôn. Năm 2005, các con số tương ứng là 10 493 “nguyên” và 3 255 “nguyên”. Được dẫn lời hồi đầu tháng ba (2010), giám đốc một trung tâm nghiên cứu kinh tế nông thôn thuộc bộ Nông nghiệp ông Tống Hồng Nguyên đã thú nhận mình “khiếp đảm trước hiện tượng hố ngăn cách thành thị – nông thôn ngày càng bị đào sâu khi mà cả nước vẫn tập trung vào sự phát triển thành phố chứ không phải sự phát triển nông thôn “.
Một chuyên gia khác, ông Trương Đông Thắng, đứng đầu một Vụ trong Ủy ban quốc gia về Cải cách và Phát triển, ông này đã trách cứ chính phủ là “giỏi nói không giỏi làm” trong lĩnh vực thu hẹp các bất bình đẳng xã hội. Mấy năm trước đây, trong phiên họp mùa xuân của Quốc hội, ông thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tuyên bố thành lập một chương trình đầy tham vọng xây dựng “nông thôn mới xã hội chủ nghĩa “. Diễn dịch điều đó như sau: phát triển các vùng nông thôn và nâng cao mức sống nông dân. Năm nay, ông ta lại hứa hẹn một ngân sách 800 tỷ “nguyên – 80 tỷ euro – cho nông thôn, tăng thêm 13 % so với năm ngoái.
Nhiều nhà phân tích nước ngoài cho rằng nếu Trung Hoa định tiếp tục nhịp điệu phát triển GDP 8 %, thì họ vẫn phải tiếp tục phát triển thành thị, họ phải xóa bỏ cái thứ “giấy thông hành nội địa” – cái hộ khẩu – bị mọi người lên án, vì nó làm thiệt thòi ghê gớm cho những người di cư vào thành phố, và nhằm chấm dứt chế độ “apartheid” giữa người Hoa thành thị và người Hoa nông thôn: những người nông-công nhân bị chủ bóc lột, chữa bệnh không được chi trả, con cái phải đi học chui và học trong những ngôi trường lắm khi sắp bị dỡ bỏ.
Chuyện “ổn định xã hội“ ám ảnh ghê gớm cái chính quyền lúc nào cũng lo ngay ngáy có sự lộn xộn do hố ngăn cách giàu – nghèo ngày càng mở rộng. Trong khi bà Liu đổ mồ hôi sôi nước mắt ở khu dân cư Dong Xiao Kou, những người giàu tiếp tục làm giàu trong vương quốc những bất bình đẳng. Theo Rupert Hoogewerf, người thành lập Trung tâm nghiên cứu độc lập Hurun đóng trụ sở tại Thượng Hải, nơi đã lập ra danh sách người siêu giàu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, thì “số lượng những người có tài sản dưới 150 tỉ đô-la (110 triệu euro) đã tăng lên gấp mười lần kể từ năm 2004″. “Cách nay sáu năm có 100 thì nay có 1 000 người“, ông nói vậy cho rõ. Trên danh sách mới nhất do báo Forbes lập ra về những người giàu nhất hành tinh, có 64 tỷ phú Trung Hoa so với 28 anh vào năm ngoái. Theo Meng Pengjun, giám đốc cơ quan nghiên cứu việc tiêu xài hàng sang trọng Luxury Asia Limited Markets, những người đại đặc quyền đặc lợi ở Trung Hoa đã tiêu pha rất nhiều vào năm 2009 để mua sắm hàng hóa loại cực sang, và họ đã leo lên hàng thứ hai thế giới, đứng sau người Nhật Bản.
Bruno Philip
Nguồn: Báo Le Monde ngày 15-3-2010 http://www.lemonde.fr/asie-pacifique/article/2010/03/15/pekin-des-pauvres-et-pekin-des-riches_1319241_3216.html