Nhận xét về các luận cứ của Trung Hoa liên quan tới vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Cuộc tranh chấp về chủ quyền trên hai hòn đảo Hoàng Sa và Trường Sa giữa Việt Nam và Trung Hoa kéo dài từ nhiều năm qua dưới hình thức tranh nghị đã tiến tới một hình thức cực đoan khi giữa hai nước đã có một trận đụng độ hải quân lớn tại quần đảo Hoàng Sa vào trung tuần tháng 1 năm 1974. Trung Cộng với một lực lượng hùng hậu hơn đã đánh chiếm quần đảo này của Việt Nam Cộng Hòa.

Để biện minh hành vi xâm lăng của mình trái với tinh thần hiến chương Liên hiệp quốc mà Trung Cộng từ khi gia nhập vào tháng 10 năm 1971 đã cam kết tôn trọng và bảo vệ, Trung Cộng đã nại cớ quần đảo Hoàng Sa (Trung Hoa gọi là Tây Sa) cũng như quần đảo Trường Sa (Nam Sa trong danh từ Trung Hoa) vốn từ đầu là một phần lãnh thổ Trung Hoa nhưng đã bị Nhật Bản xâm chiếm trong trận Thế chiến thứ 2 và đã được Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc thu hồi lại khi trận chiến tranh chấm dứt. Sự biện minh này của Trung Cộng đã được Trung Hoa Dân Quốc gián tiếp phụ họa.

Trong bài này chúng ta thử tìm hiểu xem cả hai phe Quốc Cộng Trung Hoa đã lý luận ra sao để chứng minh chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Hoa. Chúng ta sẽ xét cả luận cứ của chính phủ lẫn của các giới ngoài Chính phủ.

Bài này giới hạn thời gian từ sau Thế chiến thứ 2 trở lại gần đây thôi, chứ không đề cập đến thời gian trước đó, vì chỉ khi vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa được qui định trong một hiệp ước quốc tế, hòa ước Cựu Kim Sơn 8/9/1951, thì sự tranh chấp chủ quyền mới trở nên mãnh liệt, nhất là từ sau khi Cộng sản Trung Hoa nắm chính quyền tại Hoa Lục ngày 1/10/1949.

Các tài liệu sử dụng trong bài này đều phát xuất từ Bắc Kinh hay Đài Loan. Nếu như có nguyên bản Hoa văn thì chúng tôi dùng, nếu không thì chúng tôi dùng bản dịch Anh Ngữ cũng của các cơ quan Quốc Cộng Trung Hoa. Trong trường hợp không có, chúng tôi sẽ căn cứ vào bản dịch Anh Ngữ của Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Hương Cảng (như các người nghiên cứu về vấn đề Hoa Lục vẫn làm), vì đó là nguồn tài liệu tương đối chính xác và phong phú nhất.

LUẬN CỨ CỦA CÁC CHÍNH PHỦ TRUNG HOA

I. PHẢN ỨNG ĐỐI VỚI LỜI TUYÊN BỐ CỦA TỔNG THỐNG PHI LUẬT TÂN QUIRINO (1951)

Năm năm sau khi thế chiến thứ 2 chấm dứt với sự đại bại của Nhật Bản tại Thái Bình Dương, đưa tới sự việc nước này phải từ bỏ đất đai ở ngoại quốc, trong đó có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chiếm được trong thời kì toàn thịnh của chế độ quân phiệt, và 2 năm sau khi Trung Quốc Cộng Sản Đảng làm chủ nhân ông Hoa Lục còn Trung Hoa Dân Quốc phải chạy ra Đài Loan, vấn đề tranh chấp trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bắt đầu bước vào giai đoạn mới mở đầu cho cuộc đụng độ hải quân Việt Hoa 1974.

Lần đầu tiên Trung Cộng chính thức lên tiếng về vấn đề này là khi Tổng Thống Phi Luật Tân Quirino trong một cuộc họp báo tại Manila ngày 17/5/1951 đã đưa ra luận cứ là vì quần đảo Trường Sa đứng về phương diện địa cư ở kế cận quần đảo Phi Luật Tân nên nó phải thộc về Phi Luật Tân. Hai ngày sau, ngày 19/5/1951, Bắc Kinh đã phản ứng và tuyên bố:

“Lời tuyên truyền vô lý của Chính phủ Phi Luật Tân đối với lãnh thổ của Trung Hoa rõ ràng là sản phẩm của chỉ thị của Chính phủ Hoa Kỳ. Bọn khiêu khích Phi Luật Tân và những kẻ Hoa Kỳ ủng hộ chúng phải bỏ ngay mưu đồ mạo hiểm đó đi nếu không thì hành động này có thể đưa tới những hậu quả nghiêm trọng. Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không bao giờ để cho bất cứ một ngoại bang nào xâm lược quần đảo Nam Sa hay bất cứ đất đai nào khác thuộc về Trung Hoa.”[1]

Tuy nhiên Trung Cộng không đưa ra được một bằng chứng nào chứng tỏ Trường Sa thuộc quyền Trung Hoa làm chủ. Thái độ này sẽ kéo dài cho tới hiện nay.

——–

Đọc toàn bộ tài liệu này dưới dạng PDF:
nhan-xet-vet-cac-luan-cu-cua-Trung-Hoa.pdf

This entry was posted in Hoàng Sa, Trung Quốc, Trường Sa. Bookmark the permalink.