Với Hiến pháp mới, Việt Nam ít hy vọng thay đổi

Đỗ Kim Thêm – Asia Sentinel

Bản dịch từ tiếng Anh của BVN

Quốc hội Việt Nam tuần qua đã phê chuẩn một Hiến pháp mới, nhưng có ít lý do để ăn mừng vì hệ thống chính trị cho phép những sự lạm dụng về lập hiến vẫn không thay đổi.

Đó là một thất vọng. Chính quyền mời công chúng góp ý, nghe đồn rằng đã có hằng triệu phản hồi đòi thay đổi. Các nhà làm luật đã làm ngơ một kiến nghị từ 72 học giả và trí thức gửi đến Ban Soạn thảo Hiến pháp sửa đổi, vẫn để nguyên vị các doanh nghiệp nhà nước héo hắt, mưng tấy và không đem lại lợi ích, và làm ngơ những lời kêu gọi tự do hoá cho phép đầu tư nước ngoài đem đến tính hợp lý cho nền kinh tế. Thay vì thế, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vẫn giữ nguyên vị trí.

Vì thế, đông đảo mọi người tin rằng hiến pháp mới, sẽ hiệu lực vào ngày 1 tháng Giêng 2014, thể hiện tính hai mặt và sự trì hoãn hơn là sự bừng nở cho một kỷ nguyên mới. Hiến pháp này thể hiện ít thay đổi cả về kinh tế lẫn chính trị, nhưng nó sẽ phục vụ đắc lực cho đảng CSVN. Chẳng may là có ít hy vọng đảm bảo sự tăng trưởng ổn định và bền vững cho tương lai lâu dài của đất nước. Các nhà quan sát đã theo dõi sự phát triển của hiến pháp VN với sự bối rối hơn là hy vọng.

Câu hỏi căn bản của hiến pháp mới là xử sự ra sao với Điều 4 tai tiếng, tiếp tục nhấn mạnh quyền lực tối cao vẫn được duy trì cho ĐCS. Nó bị phê phán vì đảng không có năng lực tung ra những cải cách toàn diện. Hiến pháp có hiệu lực vào ngày 1 tháng Giêng, đã được 97,59% trong số 488 nhà làm luật trong Quốc hội tán thành.

Mặc dù việc mất lòng tin vào đảng xem ra không thể sửa chữa, vẫn không có tín hiệu về một phong trào cách mạng đang nổi lên trong quảng đại quần chúng. Lý do thật dễ hiểu. Có sự quan ngại rằng đảng đã học được bài học tàn bạo của vụ Thiên An Môn năm 1989, khi chính quyền Trung Quốc đập tan một phong trào sinh viên gây ra hằng trăm cái chết, như thế một cuộc chống đối rộng rãi sẽ cũng bị đạp tan theo cách tương tự. Những người khác thì biện luận rằng con đường thoát duy nhất là dùng những biện pháp hòa bình, bởi vì không ai muốn kinh qua sự sụp đổ của nhà nước và sự hỗn loạn về dân sự.

Mới đây, các vấn đề nhân quyền có sự thụt lùi nghiêm trọng khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi tháng 6 bị công an dứt khoát dập tắt, những người biểu tình bị tống lên xe bus. Những vi phạm này là không thể cho phép, nhưng chính quyền không hề sợ phải giải trình các hành động của mình, vẫn không chịu từ bỏ sự kiểm soát.

Trong khi việc bầu VN vào Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 19 tháng 11 có thể có tác động mang tính biểu tượng lớn hơn và tức thời hơn, thì VN vẫn chưa sẵn sàng đặt nền tảng cho bất kỳ cam kết nào về nhân quyền. Trái lại, bằng chứng gần đây khiến người ta nghĩ đến điều ngược lại. Nhiều công an và tòa án là một phần của vấn đề hơn là giải pháp cho vấn đề. Một chiến dịch quốc tế đòi trả tự do cho mọi tù nhân chính trị cụ thể cũng có nghĩa là người đó có thể được thay thế bằng một người khác.

Hiển nhiên là sự bất bình đẳng về thu nhập ngày càng mở rộng. Cải cách kinh tế không đem lợi ích cho người nghèo, và người giàu thường thu lợi quá lớn từ sự tăng trưởng. Trong khi nông dân và công nhân tức giận vì được tưởng thưởng quá ít cho sự đóng góp của mình vào kinh tế quốc dân, họ không có cách nào khác hơn là chấp nhận và lâm vào cảnh nợ nần. Nông dân muốn có sự cải tổ triệt để về luật đất đai để ngăn cản các nhà phát triển ăn cắp đất của họ một cách đơn giản và trắng trợn. Công nhân thì đòi giảm nghèo qua chế độ phúc lợi xã hội tăng tiến. Sự phản đối của họ khiến chính quyền mất bình tĩnh.

Những cuộc đình công xảy ra hằng ngày nhưng nếu chính quyền có hành động thì cũng thường chỉ đưa ra những sự xoa dịu tạm thời. Mặc dù một số cuộc phản đối bằng súng và thuốc nổ mới đây đã gây ra quan ngại về sự mất an ninh lan rộng, nhưng tiên lượng về một cuộc cách mạng là chưa có.

Giới “ưu tú” hậu cách mạng hiểu rõ chính quyền kém cỏi ra sao, nhưng họ tránh đưa ra những vấn đề chính trị trong những bài diễn văn công khai, vì hy vọng được hưởng một cuộc sống vật chất tốt hơn. Phần lớn quan chức cao cấp đến tuổi về hưu chỉ nghĩ đến việc đòi hỏi lương cao và mơ hưởng cảnh điền viên. Một số ít trở nên giàu có và tìm “ô dù” cho cơ hội thăng tiến. Con số người VN cực giàu đã tăng lên 14,7% vào năm 2013, với những người có tài sản cực cao 30 triệu đô la hay hơn, đã tăng lên 195 người, theo một báo cáo của UBS và công ty nghiên cứu Wealth X. của Singapore. TBT ĐCS Nguyễn Phú Trọng nói trong một hội nghị của đảng vào tháng 10 rằng hố ngăn cách về thu nhập đặt ra mối đe doạ đáng lo ngại nhất cho sự sống còn của tổ chức.

Trong khi nhiều người “ưu tú” mua nhà và gửi con cái đi du học, thì ngày càng tăng số sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm và sợ bàn luận về chính trị, họ biện luận rằng mình không có cách gì tác động đến chính sách của chính phủ. Một tinh thần sợ hãi làm cho con người yếu hèn, sự thờ ơ và lãnh cảm thấm sâu vào toàn xã hội. Một số người lập luận rằng để vượt qua tình trạng đó, xã hội dân sự phải trao quyền lực cho nhân dân nhằm khởi ra một tinh thần phản đối phi bạo lực.

Đáng khích lệ rằng có sự đòi hỏi ngày càng tăng về việc có thêm các hình thức thông tin về chính trị. May là bất chấp an ninh mạng, các blogger vẫn hưởng sự tự do ngôn luận trên mạng như một chiếc van xả hơi cho sự bất mãn xã hội.

Những người phê phán kêu rằng các blogger không được trù hoạch (nguyên văn: have no agenda: ý nói không được nhà nước cho phép – ND) để nêu lên những mối quan ngại của công chúng. Nhưng những lời phàn nàn ấy nói không trúng vấn đề. Những ý kiến của các blogger là lời báo động, biểu lộ nghĩa vụ công dân trong việc xướng lên sự quan ngại và động viên hành động. Công an nên ngưng các cuộc tấn công mạng thay vì bắt giữ các blogger vì đã đưa lên lời phê phán chính quyền hay tiếp xúc với các ủng hộ viên nước ngoài.

Tuy nhiên, sự kết nối ảo của các nhà hoạt động không thể thay cho sự dấn thân của riêng từng người. Sự tham dự trực tiếp tạo nên nền tảng vững chắc hơn cho nền dân chủ thảo luận. Bầu không khí hiện nay không cho phép sự tham dự trên lĩnh vực chính trị. Có nhiều lý do khác nhau cho việc ấy.

Trước hết, nhiều năm được nuôi bằng những hứa hẹn xuông và giờ đây ngày càng mất kiên nhẫn, công chúng muốn tiếng nói của họ được chính quyền nghe. Biện luận rằng những yêu sách từ người đứng bên ngoài không thực sự giúp vào tiến trình, một số người hy vọng xã hội dân sự có thể có tác dụng hơn là giới chính trị hay thị trường. Chẳng may, các nhà hoạt động trên mạng không được xem như một lực lượng đối lập mạnh. Những tiếng nói đối lập cũng không có một gương mặt lãnh đạo như Aung San Suu Kyi hay một địa điểm tập họp công chúng lừng danh như Quảng trườngTahrir. Thời gian chưa chín muồi.

Hai nữa, chủ nghĩa tư bản thân hữu cộng với một mô hình độc đảng không đem lại bất kỳ một con đường tiến lên nào. Một số người bên trong ĐCS gợi ý rằng đảng nên tự thân biến đổi thành một chính đảng thật sự và cạnh tranh với các đảng khác để cầm quyền, giống như Quốc dân đảng đã làm ở Đài Loan. Văn hóa “không bị trừng phạt” đặc hữu (đặc hữu: người miền Nam VN nói nôm na là “không giống ai” – ND) phải được thay thế bằng một tinh thần trách nhiệm giải trình.

Để thực hiện tiềm năng ấy, các chính khách phụ thuộc nặng nề vào việc có sự tranh luận ngay lúc này – và không chỉ tranh luận một cách hoa mỹ, tranh luận về đạo đức hay từ trên xuống. Có như thế, niềm tin mới có hy vọng được phục hồi và sự ủng hộ của công chúng mới được tăng cường. Nếu chính quyền, giới kinh doanh, và xã hội dân sự có thể làm việc cùng nhau, thì công chúng sẽ cảm nhận rằng một trật tự mới có thể phát triển mạnh trong kỷ nguyên mới bất chấp những triển vọng xấu.

Dẫu thế nào, vẫn có một ý thức ngày càng tăng về nhu cầu thay đổi trong nước, sự thay đổi có thể đưa VN trở lại con đường đúng và hệ thống có thể vận hành từng bước. Bản hiến pháp mới không cho ta sự hứa hẹn ấy.

(Ông Đỗ Kim Thêm làm việc với UNCTAD ở Geneva về Luật và chính sách Cạnh tranh, Pháp trị quốc tế. Ông nghiên cứu về Phật giáo và các bản tin vùng về VN)

Bản gốc tiếng Anh do tác giả gửi trực tiếp cho BVN, có thể đọc ở: asiasentinel.com

This entry was posted in Hiến Pháp, quốc hội. Bookmark the permalink.