Thuê đất rừng: “50 năm nữa, ai làm người đó kiểm soát”?

Không biết những vị quan chức oai quyền gần đầu tỉnh kiểu này ở đâu ra mà khi trả lời phỏng vấn một tờ báo như ViettnamNet thì lại ú ớ một cách… rất khéo léo để chối bỏ trách nhiệm tài như vậy, như trong bản tường thuật dưới đây. Hỏi: vì sao ông nói vấn đề an ninh đặt lên hàng đầu mà người chỉ huy quân sự cấp tỉnh họ nói họ không biết gì việc cho thuê rừng cả? Trả lời: “Thì ta đang trao đổi mà” (và thế là cười, chắc là để lấp liếm câu nói không cần ai hiểu nghĩa). Hỏi: dựa vào cơ sở nào để khẳng định cho một công ty nước ngoài thuê đất với thời hạn 50 năm trên diện tích lớn đất rừng như vậy không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng? Trả lời: “các điểm cao [trong tỉnh] là do quân sự quản lý. Vùng biên giới nhạy cảm thì biên phòng quản lý”. Còn tôi “làm sao tôi biết điểm a, điểm b, điểm c nhạy cảm như thế nào”. Nghĩa là đã có người khác lo giúp tôi hết rồi, tôi chỉ quản lý tiền bán rừng và chỉ biết nói là nhạy cảm, thế thôi, chứ cần gì biết nhạy cảm là cái quái gì ở trong địa phận cái tỉnh mà tôi đang quản lý. Hỏi: Vậy việc kiểm soát hoạt động của công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng nguyên liệu 50 năm sẽ như thế nào? Trả lời: “50 năm nữa, ai làm thì người đó kiểm soát”. Nghĩa là lúc ấy những ai còn sống và nắm quyền mới phải lo chứ chúng tôi có còn sống nữa đâu mà lo chuyện bò trắng răng cho mệt. Còn bây giờ thì “tôi chỉ kiểm soát việc anh đến anh trồng rừng” thôi, nhưng ngay việc anh đến trồng rừng tôi cũng giao phó cho “dân kiểm soát”, và anh “thiết kế quy hoạch ở các vùng nào [thì đã có] cơ quan lâm nghiệp người ta quản lý”. Ha ha, rốt cuộc tôi là người khỏe re, cứ thế phủi tay, không phải lo lắng bất kỳ khâu nào hết.

Thế mà bà Phạm Chi Lan lại kêu trời về “quan trí” thì có oan không cơ chứ.

Bauxite Việt Nam

Ngày 10/3/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo “Ủy ban nhân dân các tỉnh không được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không ký hợp đồng cho thuê đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong trong lĩnh vực lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản, đợi Chính phủ rà soát”, xung quanh việc một số địa phương cho nước ngoài thuê đất rừng.

Trước đó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT rà soát và báo cáo. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, đã có 10 tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư trồng rừng cho các nhà đầu tư nước ngoài với tổng diện tích dự kiến là 305.353 ha.

Thực tế đến nay, các tỉnh mới chỉ quyết định cho thuê và cho phép liên doanh, liên kết được 33.824 ha (bằng 11,1% so diện tích dự kiến được cấp giấy chứng nhận đầu tư);. Diện tích đã cho thuê là 15.664 ha (5,2%) và diện tích cấp phép liên doanh, liên kết giữa các nhà đầu tư với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước là 18.160 ha (bằng 5,7%).

Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cho biết, diện tích rừng được giao cho các nhà đầu tư nước ngoài có cả rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng tại các vị trí xung yếu về an ninh – quốc phòng.

Phóng viên VietNamNet đã có cuộc hành trình dài qua các địa phương Lạng Sơn, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Nam… để tận mắt xem các dự án đã được cho thuê đất như thế nào. Nghe tiếng nói của các địa phương đã cho thuê đất và hỏi những người dân sở tại xem họ đã được hưởng những lợi gì từ các dự án này.

Điều dễ nhận thấy rằng, nếu Thủ tướng không kịp thời yêu cầu các bộ ngành kiểm tra và báo cáo đầy đủ rồi ra chỉ đạo dứt điểm, kiên quyết không cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, không ký hợp đồng cho thuê đất mới, chờ Chính phủ rà soát lại toàn bộ các dự án đã cấp phép, thì hệ quả chưa biết sẽ dẫn tới đâu!

VietNamNet đăng tải loạt bài về việc giao đất rừng cho công ty nước ngoài để Chính phủ có thêm một kênh thông tin từ thực tiễn tại các địa phương.

VietnamNet đã có cuộc làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn về vấn đề địa phương này cấp chứng nhận đầu tư cho Công ty Innov Green Lạng Sơn thuê đất trồng rừng, với diện tích dự kiến là 63.000 ha với thời hạn 50 năm đang được dư luận rất quan tâm. Ngoài ông Bình (Phó Chủ tịch tỉnh), tham gia làm việc còn có ông Vũ Trung Bắc (Phó GĐ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn), ông Dương Văn Chiều (Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư) và ông Khánh (Phó GĐ Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Lạng Sơn).

Trồng rừng trước, cấp phép sau(?!)

Toàn cảnh buổi làm việc của Pv VietNamNet với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành chuyên môn Lạng Sơn ngày 2/3. Ảnh: Vũ Điệp

Toàn cảnh buổi làm việc của Pv VietNamNet với lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành chuyên môn Lạng Sơn ngày 2/3. Ảnh: Vũ Điệp

– Thưa ông! Tại sao tỉnh Lạng Sơn lại giao nhiều diện tích rừng như vậy cho một công ty nước ngoài? Quy trình cấp phép như thế nào? Nhà nước đã có chương trình 327 sao tỉnh lại không giao đất rừng cho nguời dân để vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ rừng mà lại cho thuê, biến người dân thành người làm thuê trên đất của mình?

Ông Nguyễn Văn Bình: Hàng năm Lạng Sơn tiến hành công tác trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng mới,  trong đó khoảng trồng rừng mới hàng năm được trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước giao vào khoảng 3 đến 4 ngàn ha. Năm nay vốn của ngân sách Nhà nước cấp vào khoảng 31 tỷ đồng.

Ngoài ra tỉnh Lạng Sơn còn huy động các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác để trồng rừng kể cả rừng sản xuất thì vào khoảng 10 đến 11 ngàn ha. Nên từ trước đến nay kể cả chương trình 327 và kể cả chương trình trồng 5 triệu ha rừng thì nguồn vốn ngân sách rất hạn hẹp không thể đáp ứng được yêu cầu nguồn vốn.

Để có được diện tích trong giấy đầu tư doanh nghiệp nước ngoài được UBND tỉnh giao trách nhiệm cùng với chính quyền cơ sở từ cấp thôn trở lên đi khảo sát. Diện tích đất trống đồi trọc thế nào thì doanh nghiệp cùng với thôn bản ở dưới đi xác định rồi tập hợp từ dưới lên trên. Tôi khẳng định không có đầu tư vào rừng đầu nguồn vì rừng đầu nguồn Nhà nước quản lý.

“Không có ai có thẩm quyền hay cơ quan chức năng nào đấy cảnh báo về công ty Innov Green này là cần phải hạn chế“, Ông Dương Văn Chiều, Phó GĐ Sở KHĐT tỉnh Lạng Sơn.

Trong quá trình chúng tôi cấp phép, trong cơ quan thẩm định có cơ quan quân đội bộ chỉ huy quân sự tỉnh, biên phòng tỉnh.

Ông Vũ Trung Bắc, Phó GĐ Sở NN & PTNT: Tỉnh có diện tích đất lâm nghiệp là 640.280 ha, trong khi đó đất có rừng khoảng 400.000, đất trống khoảng hơn 250.000 ha. Với diện tích đất trống rất là nhiều, tiềm năng con người lớn nhưng nguồn ngân sách của Trung ương hỗ trợ có mức độ, nguồn ngân sách của tỉnh cũng có bỏ ra nhưng cũng có mức độ cho nên cần huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài để đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp.

Thưa ông, tại sao ở một số địa phương trong tỉnh, nhà đầu tư chưa được thuê đất nhưng đã tiến hành trồng rừng?

Ông Nguyễn Văn Bình: Quan điểm của chúng tôi nhà đầu tư khi được cấp phép đầu tư nhà đầu tư phải triển khai dự án, trồng cây thực tế diện tích bao nhiêu sau đó ban dự án tỉnh sẽ xem xét và cho thuê theo Luật đất đai. Không phải anh có chứng nhận đầu tư là sau đó tỉnh cho giấy phép, anh phải triển khai thì chúng tôi mới cho giấy phép.

“50 năm nữa, ai làm thì người đó kiểm soát” (?!)

Khi cấp phép cho công ty nước vào đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng sơn thì ngoài mục tiêu kinh tế, tỉnh có chú ý đến lợi ích an ninh quốc phòng không? Thưa ông!

– Ông Nguyễn Văn Bình: Chúng tôi là người bảo vệ biên giới thế nên an ninh quốc phòng phải đưa lên đầu. Anh (Cty Innov Green – PV) làm bất kỳ việc gì ngoài lĩnh vực trồng rừng là anh vi phạm.

Vậy khi triển khai dự án của người nước ngoài trên đất rừng thì tỉnh có thông qua tham mưu của các cơ quan an ninh quốc phòng: Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, biên phòng không?

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, người ký Giấy chứng nhận đầu tư cho công ty Innov Green Lạng Sơn đầu tư, thuê đất trồng rừng. Ảnh: Duy Tuấn

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, người ký Giấy chứng nhận đầu tư cho công ty Innov Green Lạng Sơn đầu tư, thuê đất trồng rừng. Ảnh: Duy Tuấn

– Ông Nguyễn Văn Bình: Đương nhiên có chuyện đó. Trong quá trình chúng tôi cấp phép, trong cơ quan thẩm định có cơ quan quân đội bộ chỉ huy quân sự tỉnh, biên phòng tỉnh.

Chúng tôi có làm việc với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn thì cơ quan này cho biết, họ không được biết việc này. Ông có thể nói gì về thông tin này, thưa ông?

– Ông Nguyễn Văn Bình: Thì ta đang trao đổi mà (cười). Và tôi khẳng định là chúng tôi làm đúng quy trình. Cái đấy anh em kế hoạch sẽ báo cáo lại.

– Như ông khẳng định bảo vệ an ninh quốc phòng phải đặt lên hàng đầu. Vậy dựa vào cơ sở nào để khẳng định cho một công ty nước ngoài thuê đất với thời hạn 50 năm trên diện tích lớn đất rừng như vậy không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng?

– Ông Nguyễn Văn Bình: Cơ sở về bảo vệ an ninh quốc phòng các điểm cao, quân sự quản lý. Vùng biên giới nhạy cảm thì tỉnh đã giao cho biên phòng quản lý. Tôi chỉ trả lời các anh là an ninh quốc phòng đưa lên đầu, còn anh hỏi tôi ở điểm nào cụ thể tôi nói rõ, các điểm đó nhạy cảm về quân sự thì cơ quan quân sự quản lý.

Thế nên làm sao tôi biết điểm a, điểm b, điểm c nhạy cảm như thế nào, đấy là việc của cơ quan quân sự. Ông ấy chỉ trên bản đồ nhạy cảm như thế nào là việc của quân sự chứ đâu phải việc của anh em chúng tôi đi quản lý, đâu phải việc của bên lâm nghiệp.

"50 năm nữa ai làm thì người đó kiểm soát (...), chứ không có nghĩa ông đầu tư nước ngoài ông đến cuốc hố tôi phải đứng đó tôi canh ông cuốc thế nào", Phó chủ tịch tỉnh Lạng Sơn nói. Ảnh: Duy Tuấn

"50 năm nữa ai làm thì người đó kiểm soát (...), chứ không có nghĩa ông đầu tư nước ngoài ông đến cuốc hố tôi phải đứng đó tôi canh ông cuốc thế nào", Phó chủ tịch tỉnh Lạng Sơn nói. Ảnh: Duy Tuấn

– Vậy thưa ông, ông là người đã ký vào giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Innov Green tại tỉnh Lạng Sơn, với cương vị là Phó chủ tịch tỉnh, tại sao ông không thể trả lời là đã có sự tham gia của các cơ quan an ninh quốc phòng trong dự án này? Nếu có thì thể hiện ở văn bản nào?

– Ông Nguyễn Văn Bình: Tôi nói lại, quy trình thẩm định dự án là phải làm đúng. Cái này tôi phải kiểm tra lại vì dự án đã vào mấy năm nay rồi.

– Vậy việc kiểm soát hoạt động của công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng nguyên liệu 50 năm sẽ như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Bình: 50 năm nữa, ai làm thì người đó kiểm soát. Tôi chỉ kiểm soát việc anh đến anh trồng rừng thì anh phải quản lý, dân kiểm soát. Ông trồng rừng ở diện tích này có đúng diện tích ông được giao trồng rừng không.

Ông trồng cây gì liên quan đến lâm nghiệp, ông thiết kế quy hoạch ở các vùng nào cơ quan lâm nghiệp người ta quản lý đấy là quản lý như thế. Chứ không có nghĩa ông đầu tư nước ngoài ông đến cuốc hố tôi phải đứng đó tôi canh ông cuốc thế nào.

– Đối với dự án có tính chất nhạy cảm như thế này, trước khi cấp phép đầu tư, cho thuê đất, tỉnh Lạng Sơn có nghĩ đến việc phải báo cáo Chính phủ và các cơ quan Trung ương xin ý kiến chỉ đạo không?

– Ông Nguyễn Văn Bình: Dự án nào thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh thì UBND tỉnh cấp. Dự án nào cần xin ý kiến Chính phủ thì mới xin ý kiến.

Xin cám ơn các ông!

Nguồn: http://www.vietnamnet.vn/psks/201003/Lang-Son-50-nam-nua-ai-lam-thi-nguoi-do-kiem-soat-899233/

This entry was posted in Môi Trường and tagged , , , , . Bookmark the permalink.