Với mức án 30 tháng tù giam, cộng 600 triệu tiền truy thu và 1,2 tỷ tiền phạt. Mức án cao nhất so với khung mà viện kiểm sát đưa ra với Lê Quốc Quân với tội danh ”trốn thuế”. Cùng với những diễn biến xảy ra từ khi điều tra vụ án này, đến hoạt động của nhân dân, an ninh, cảnh sát bên ngoài phiên tòa và cả đài truyền hình Việt Nam cất công đưa tin về vụ án trốn thuế mấy trăm triệu. Tất cả đều cho thấy đây là một vụ án nằm ngoài khuôn khổ của một vụ trốn thuế bình thường. Chắc khỏi cần đi sâu phân tích những khuất tất, mờ ám của vụ án này. Một khi tòa án đã bất chấp mọi thông lệ bình thường để kết án tù bằng được Lê Quốc Quân, thì ai cũng biết phiên tòa được quyết định bởi một thế lực còn cao hơn cả luật pháp. Điều gì dẫn tới sự can thiệp này từ phía thế lực cao hơn cả tòa án đó? Cái thế lực huy động nguồn nhân lực đồ sộ, kinh phí đến hàng tỷ, suốt mấy năm trời ròng rã từ Nam ra Bắc bắt cả phụ nữ mang bầu, chỉ để kết án bằng được Lê Quốc Quân trốn thuế vài trăm triệu. Hẳn nhiên mục đích của thế lực ấy phải nằm ngoài chuyện Lê Quốc Quân ”trốn thuế” vài trăm triệu. Đến giờ thì cũng chẳng cần nhắc đến tiểu sử của Lê Quốc Quân, vì ngày hôm nay thế giới đã nhắc quá nhiều về anh, thông tin của anh tràn ngập trên mọi phương tiện truyền thông.
Vụ án Lê Quốc Quân định đem ra xử khi CTN Trương Tấn Sang đến Hoa Kỳ, thế nhưng người ta đã gác lại đợi sau chuyến đi của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Hoa Kỳ. Cả hai chuyến đi này đều không đem lại kết quả như mong đợi của Việt Nam. CTN Sang được đón tiếp trong sự thờ ơ, còn thủ tướng Dũng dù các nguồn cố gắng vận động dăm lần bảy lượt để cho thủ tướng có cơ hội tiếp xúc với tổng thống Hoa Kỳ Obama cũng không đem lại kết quả. Cuối cùng thủ tướng Dũng đành tiếp Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ tại một nơi không lấy gì làm trang trọng với tầm cỡ của một nguyên thủ quốc gia.
Cuộc tiếp kiến với IMF và WB cũng không mang lại kết quả như ý là vận động cho Việt Nam được mượn thêm tiền. Thậm chí là nguồn ODA cũng bị đóng băng vì đòi hỏi VN phải có nguồn vốn đối lưu tương xứng. Câu trả lời của các tổ chức tín dụng lớn nhất thế giới có trụ sở ở Hoa Kỳ này là: Việt Nam hãy tự điều chỉnh chính sách kinh tế của mình trước rồi hãy nói đến chuyện mượn tiền nong sau. Chúng tôi làm ăn, không nói đến chuyện nhân quyền ở đây. Điều chỉnh chính sách kinh tế, hay cải cách chính sách kinh tế là một thách đố quá khó đối với một quốc gia mà nhà nước do một đảng độc tài điều hành. Bởi những tập đoàn nhà nước là những tấm bình phong để mang lại nguồn lợi ngầm cho quan chức đảng, nó cũng chính là mạch máu nuôi dưỡng sự tồn vong của đảng, nó đem lại những bổng lộc khiến các đảng viên phải cố gắng phục vụ trung thành cho Đảng để kiếm chác được.
Với hàng loạt trụ sở hoành tráng của ĐCS , cũng như những món tiền khổng lồ để phục vụ tuyên truyền, bảo vệ ĐCS, dùng cho ĐCS… ai cũng hiểu mấy chục ngàn VNĐ đảng phí của các đảng viên đóng hàng tháng, không thể đáp ứng được cho chính các đảng viên ấy trà thuốc khi họp chi bộ, giấy in để đọc các nghị quyết. Vậy tiền chi cho Đảng lấy ở đâu ra? Lấy bằng cách nào?
Con bài nhân quyền của phía Việt Nam dùng để mặc cả tiền nong với phương Tây đã vào giai đoạn hết tác dụng. Giờ có bắt thêm hàng chục người bất đồng chính kiến hay các blogger phản biện đều chỉ khiến phương Tây thêm cười nhạt. Vào lúc này họ sẵn sàng khen ngợi Việt Nam đã cải thiện về nhân quyền nữa cơ, có tiến bộ lắm, đáng khen lắm. Nhưng mà vay tiền, viện trợ thì lại là chuyện kinh tế, chuyện ông làm ăn thế nào, có hiệu quả hay không? Tôi trông giỏ tôi bỏ thóc, trông vào cung cách làm ăn của ông có khả năng phát triển hay không tôi đầu tư cho vay.
Thiết nghĩ mọi vấn đề về tiền nong đã rõ ràng. Chuyện nhân quyền không còn là lá bài hữu dụng. Chẳng phải phương Tây ghi nhận tiến bộ về nhân quyền, mà ngay cả Vatican cũng hài lòng với sự tiến bộ về tôn giáo của các ông. Vấn đề bây giờ là các ông hãy phát triển kinh tế lành mạnh và có khả năng phát triển đi. Mọi cái khác ông làm rất đáng khen. Luật sư Lê Quốc Quân, người Việt Nam có học bổng ở Hoa Kỳ và lại là một giáo dân uy tín của Công giáo Việt Nam, một tri thức yêu nước, một người mong muốn cải cách sự dân chủ, quyền con người, bỗng nhiên anh bị bắt về tội ”trốn thuế”. Và khi lá bài nhân quyền để đổi kinh tế, viện trợ không được như ý. Lê Quốc Quân bị người ta kết án nặng nhất so với bất kỳ các vụ án tương tự, thậm chí cả những vụ án mà số tiền trốn thuế gấp vài chục lần. Người ta định bắt anh vì mục đích khác, khi mục đích ấy không còn hữu dụng, lẽ ra phải thả cho anh với mức án hợp lý để lấy sự nhân hòa. Nhưng họ lại hành xử theo cách của người bán đào đêm 30 Tết. Không còn ai mua đào, quất, người bán dùng gậy vụt cho tan nát những cây đào, quất rồi bỏ đó cho người công ty vệ sinh đến dọn, khỏi mất công chở về.
Nếu phiên tòa hôm nay, Lê Quốc Quân nhận tội và xin khoan hồng, có lẽ anh cũng tạo cho những người bắt anh được lối thoát để họ thành công về dư luận, hể hả thỏa mãn quyền lực tối cao của mình khép ai có tội là có tội. Nhưng anh không làm thế, chẳng ai đi đổi 20 tháng tù giam còn lại của một vụ án bất công, để xin xỏ mong được chuyển thành án treo. Đến một thằng lưu manh, thực dụng như Lái Gió cũng chẳng dại gì đi đổi cái giá ấy. Dẫu biết một ngày tù là thiên thu tại ngoại, là xa lìa con thơ, vợ dại, mẹ già, anh chị em và bằng hữu. Huống chi là một người trí sĩ có tấm lòng với quê hương, một tín đồ Công giáo nhiệt thành như luật sư Lê Quốc Quân.
Bài phân tích trước khi xử một tháng, tôi đã đặt khả năng Lê Quốc Quân bị 30 tháng tù giam. Nhưng hy vọng những người kết án anh cân nhắc lợi hại cho họ, bởi có giam được anh thêm 20 tháng tù nữa thì cũng chả nghĩa lý gì thời gian vèo cái là qua, trái lại uy tín của anh và sự quý trọng anh của những người thương mến anh càng dâng cao và lan tỏa. Còn xử anh án treo và thử thách thì không những vô hiệu hóa anh trong vòng kiềm tỏa, mà vẫn có thể đánh vào uy tín của anh qua những lần kiểm điểm hàng tháng, trình diện tại địa phương, đi đâu phải khai báo xin xỏ. Trong khi đó vẫn được tiếng là không nặng tay với người bất đồng chính kiến, không phân biệt đối xử giữa người bất đồng chính kiến với những người khác cũng trốn thuế trước đó bị xử tội danh như vậy. Nhưng xử án treo là chính quyền phải đủ mạnh, đủ lực. Cũng như Gia Cát Lượng ngày xưa 7 lần bắt và thả Mạnh Hoạch. Phải đủ lực để điều khiển cuộc chơi, phải tin vào bản thân mình còn sức lực, trí tuệ và khả năng như Gia Cát Lượng lúc đó mới dám chơi cuộc chơi vờn giỡn như thế.
Có lẽ những người phụ trách vụ án Lê Quốc Quân, cũng chẳng còn niềm tin là họ sẽ còn trụ được đến 20 tháng nữa chăng? Thế nên mới quyết giam được ngày nào hay ngày ấy cho khỏi mất công lập chuyên án theo dõi, vô hiệu hóa, ngăn chặn. Chấp nhận để Lê Quốc Quân đi vào lịch sử không phải vì tội ”trốn thuế” nữa mà như một vị anh hùng đối lập.
Mà cũng có thể là thế lắm, cho mày làm anh hùng đối lập sau này cũng đựơc. Vì lúc đó tao đâu có còn chức quyền nữa mà quan tâm chuyện mày đối lập hay không? Thật bi hài cho những người chủ trương kết án Lê Quốc Quân hôm nay, nếu suy nghĩ thế thực sự tồn tại ảnh hưởng đến quyết định của họ.
Bài viết theo phản ánh quan điểm cá nhân, nếu có điểm nào đụng đến những quan điểm khác xin được lượng thứ vì trình độ hạn hẹp.
N.B.G.