05-10-2013
42,4% không biết gì về Hiến pháp hoặc chưa bao giờ nghe nói đến Hiến pháp.
Trong 57,6% còn lại (những người biết hiến pháp là gì hoặc đã từng nghe nói tới Hiến pháp) thì có tới 23% không hề biết Việt Nam đang tổ chức góp ý sửa đổi Hiến pháp.
Tóm lại là có tới 65.4% không biết và hoàn toàn không “dính líu” vào việc sửa đổi Hiến pháp hiện hành.
Đây là kết quả cuộc khảo sát để thực hiện “Bộ Chỉ số Công lý 2012” do Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng, phối hợp thực hiện trên toàn Việt Nam và mới được công bố hôm 3 tháng 10 (1).
Kết quả này rõ ràng là “làm khó Trung ương” khi sắp phải lên tiếng về dự thảo Hiến pháp!
***
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đang họp hội nghị lần 8. Ngoài những nội dung như kiểm điểm công việc của Bộ Chính trị và Ban Bí thư trong năm 2013, công tác nhân sự, Hội nghị Trung ương 8 còn bàn về nội dung dự thảo Hiến pháp.
Diễn văn bế mạc, thông báo kết quả, nghị quyết hay những văn kiện liên quan tới những sinh hoạt chính trị kiểu này chắc đã soạn xong (không soạn trước thì lấy gì để công bố trong ngày 9 tháng 10 – ngày bế mạc hội nghị).
Đề cập đến nội dung dự thảo Hiến pháp, lẽ ra diễn văn bế mạc, thông báo kết quả, nghị quyết hay những văn kiện liên quan tới Hội nghị Trung ương 8 có thể viết, đại loại vì:
– “tuyệt đại đa số người dân đồng ý” như bác Trọng đã từng nói hôm 28 tháng 9, tại cuộc gặp cử tri quận Tây Hồ và quận Hoàn Kiếm, về quốc hiệu trong dự thảo Hiến pháp (2)…
– “các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 28.014 hội thảo, hội nghị lấy ý kiến và tiếp nhận khoảng 18 triệu lượt ý kiến góp ý của các tập thể, cá nhân và phần lớn các ý kiến thể hiện quan điểm tán thành với việc ghi nhận về vị trí và vai trò lãnh đạo của Đảng trong hiến pháp”, như Bộ Tư pháp đã từng công bố tại cuộc họp báo hôm 17 tháng 5, (3)…
– “chỉ mới tính đến ngày 30/3/2013, theo thống kê bước đầu của Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 5 tổ chức chính trị – xã hội (chưa bao gồm các tổ chức thành viên khác), đã có tổng số 3.181.529 lượt người đóng góp 8.071.919 ý kiến vào hầu hết các nội dung của Dự thảo Hiến pháp và phần lớn đồng tình với việc hiến định sự lãnh đạo toàn, diện, tuyệt đối của Đảng CSVN”, như Ủy ban Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công bố trong “Báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992”, ký ngày 30 tháng 3,(4)…
Nên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 nhất trí với Dự thảo Hiến pháp và “tuyệt đai đa số các đại biểu Quốc hội là Đảng viên, có thể yên tâm bỏ phiếu thông qua dự thảo Hiến pháp!”.
Thì… bây giờ… nói thế nào đây?
***
Khi có tới 65.4% không biết và chưa từng “dính líu” vào việc sửa đổi Hiến pháp hiện hành thì giải thích thế nào về khái niệm “tuyệt đại đa số người dân Việt Nam” đồng tình với dự thảo Hiến pháp?
Nếu chỉ có 34,6% biết về kế hoạch sửa hiến pháp thì chọn phương thức chứng minh thế nào để mọi người tin rằng, “28.014 hội thảo, hội nghị do các bộ, ngành, địa phương tổ chức” đã “thu được 18 triệu lượt ý kiến góp ý cho dự thảo Hiến pháp”, như Bộ Tư pháp từng công bố là… thiệt?
Tương tự, có nên… lập đàn để “thề” rằng, Ủy ban Trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không nói láo khi báo cáo “chỉ mới tính đến ngày 30/3/2013, theo thống kê bước đầu của Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 5 tổ chức chính trị – xã hội (chưa bao gồm các tổ chức thành viên khác), đã có tổng số 3.181.529 lượt người đóng góp 8.071.919 ý kiến vào hầu hết các nội dung của Dự thảo Hiến pháp và phần lớn đồng tình với việc hiến định sự lãnh đạo toàn, diện, tuyệt đối của Đảng CSVN”?
Đ.P.V.
Chú thích:
(1) Công bố Chỉ số Công lý: Nhiều người “không biết gì” về Hiến pháp
(2) Tổng bí thư: ‘Đề phòng thế lực muốn xoá bỏ điều 4 Hiến pháp’
(3) Tổng kết ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
(4) Báo cáo tổng hợp ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Nguồn: http://dongphungviet.wordpress.com/2013/10/05/lam-kho-trung-uong/