So sánh bản đồ hay so sánh trái banh với mặt trăng?

Như độc giả đã biết, ngày 17/9/2013 Bauxite Việt Nam đăng bài Bản đồ mốc giới… của hai tác giả Dương Danh Huy – Phan Văn Song. Ngày 20 tháng 9/2013 ông Trương Nhân Tuấn gửi cho chúng tôi một lá “thư mở”, cho biết ngày 18 tháng 9/2013, ông có viết một bài phê bình công trình này. Ngày 21/9, Bauxite Việt Nam đăng bài trả lời của ông Dương Danh Huy và cùng ngày ông Trương Nhân Tuấn gửi cho chúng tôi bài nguyên văn dưới đây.

Bauxite Việt Nam xin nhắc lại: “Chúng tôi hoan nghênh mọi lời phê bình – nhất là đối với những vấn đề hệ trọng đối với đất nước, rất cần sự đóng góp trí tuệ của mọi người dân Việt.” Về mặt khoa học, chúng tôi không cho bài trả lời của ông Dương Danh Duy đã giải quyết được vấn đề đặt ra. Vì thế, Bauxite Việt Nam xin mời gọi các vị thức giả tham gia góp ý kiến để làm sáng tỏ sư việc, nhất là chỉ ra những hiệu quả cụ thể của bản đồ: Việt Nam đã mất hay được trong việc cắm mốc biên giới trên bộ, điều mà hai tác giả Dương Danh Huy và Phan Văn Song chưa (có thì giờ?) làm được.

Chúng tôi chỉ nhấn mạnh rằng cuộc tranh luận nên trong phạm vi khoa học. Chứ không thể đẩy xa đến mức có ý quy kết chúng tôi hay người này người nọ là “dư luận viên” của Đảng Cộng sản Việt Nam, như ông Trương Nhân Tuấn đã làm. Điều ấy đi ra ngoài không khí tranh luận dân chủ nhằm kiếm tìm sự thật và dần dần tạo nên một không gian cởi mở của xã hội công dân đúng nghĩa mà từ khi thành lập đến nay, Bauxite Việt Nam vẫn kiên trì theo đuổi.

Bauxite Việt Nam

Bên Bô xít có đăng bài viết “phản biện” của Dương Danh Huy. Nhóm chủ trương Bô Xít có đăng lời giới thiệu.

Thật là phiền, nhóm Bô xít phê bình:

“Thiết tưởng “thái độ phê bình” của ông Trương Nhân Tuấn rất có hại cho học thuật và cho phong trào yêu nước và dân chủ. Thay vì thảo luận, nó quy chụp. Thay vì tôn trọng, nó phỉ báng. Thay vì đoàn kết, nó chia rẽ.”

1/ “Công trình nghiên cứu” của các tác giả thuộc quĩ Nghiên cứu Biển Đông, mà nhóm Bô Xít gọi là “công phu”, có chút “học thuật” nào không mà nói việc phê bình của tôi có “hại cho học thuật”?

“Công trình nghiên cứu” này không thể xếp vào phạm vi “văn chương” để nói đến “học thuật”. Nó chỉ là một “công trình” vẽ bản đồ (so sánh với bản đồ CIA). Đây là một công trình khoa học rất “phi khoa học”. Trong khoa học người ta chỉ có thể so sánh những gì có thể so sánh được. Các tác giả đã làm công việc so sánh ở đây tương tự như việc so sánh mặt trăng với cái bánh tráng. Việc so sánh đưa ra một kết quả sai lệch (với sai số từ 20 đến 25%).

2/ Mục đích của công trình so sánh bản đồ này, theo các tác giả, là vì “dư luận đang quan tâm về vấn đề biên giới trên bộ”.

Kết quả của việc so sánh hiển hiện ra trên bản đồ: VN được lợi to trong kỳ phân giới này với TQ.

Công việc phản biện của tôi chỉ nói lên một điều: các học giả chơi ăn gian! Các học giả ném trái bom hỏa mù để đánh lạc hướng dư luận.

Quí vị chơi ăn gian thì tôi nói quí vị chơi ăn gian. Nói vạy là nói lên sự thật hay “phỉ báng”?

Nhóm Bô Xít nói là tôi làm hại cho “học thuật và cho phong trào dân chủ và yêu nước”. Tôi vạch ra cái sai, cái “ăn gian” của các học giả thuộc nhóm quĩ Nghiên cứu biển Đông, thiết lập lại một sự thật về hiện trạng biên giới Việt-Trung, đó là làm hại cho “phong trào yêu nước và dân chủ” à? Như thế, theo nhóm Bô Xít, “yêu nước và dân chủ” là phải ăn gian, nói dối như các học giả vẽ bản đồ à?

Ai có thể đoàn kết được với những người ăn gian, nói dối mà nói đoàn kết với chia rẽ?

Tôi yêu nước và hô hào dân chủ theo cách của tôi. Cách của tôi là tất cả vì sự thật, vì lẽ công bằng, vì công lý. Trong các bài phản biện này, nhân danh khoa học, tôi nói lên sự thật.

3/ Tôi cũng rất lấy làm phiền khi nhóm Bô Xít càm ràm về “dân chủ” ở đây. Quí vị nắm trong tay một “cơ quan ngôn luận”, nhưng quí vị chỉ sử dụng quyền ngôn luận cho quí vị. Quyền ngôn luận của quí vị ở đây không thể hiện được cái gì, ngoài sự hàm hồ.

Ngôn – luận, lời nói phải có qua có lại. Quí vị chỉ thực hiện ngôn luận một chiều, theo chiều có lợi cho cá nhân bè phái, chứ không nhằm thiết lập lại “công lý” hay nói lên một sự thật khách quan nào đó. Điển hình ở đây, quí vị đăng một “công trình”, mà quí vị cho là “công phu”, kết quả hoàn toàn sai. Quí vị không đăng bài phản biện của tôi, mà lại đăng tiếp bài phản biện lại tôi. Việc đăng hay không đăng bài, rộng đường dư luận hay hẹp đường dư luận, tôi không quan tâm. Điều quan tâm là quí vị tiếp tục chồng chất những cái sai, tiếp tục làm công tác tuyên truyền.

Nói láo (và tiếp tục nói láo), không phải là tuyên truyền thì là gì?

4/ Về bài phản biện của “học giả” Dương Danh Huy, quí vị này có biện hộ thế nào cũng không thể bênh vực được cách làm phi khoa học của quí vị.

Tôi đã nói phương pháp vẽ của quí vị là phương pháp vẽ từ thời trung cổ, trái đất hình vuông. Điều cần nói rõ thêm, thời trung cổ là thời nào? Đó là khoảng từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 15. Tôi có viết trong một comment là cách vẽ của quí vị là cách vẽ mercator (cách vẽ này xuất hiện từ thế kỷ thứ 16).

Tôi nói quí vị vẽ theo cách từ thời trung cổ là không oan cho quí vị đâu. Có điều phương pháp Mercator này hiện nay không ai sử dụng, kể cả cho các học sinh ở tiểu học.

Cách vẽ của quí vị là cách vẽ của học sinh mới học trung học, sơ đẳng. Nhìn lên bản đồ mà quí vị vẽ, ta thấy thiếu các ghi chú không thể thiếu: hệ thống qui chiếu, kinh tuyến trung ương (tức kinh tuyến chuẩn, thí dụ kinh tuyến Paris hay kinh tuyến Greenwich) và tỉ lệ.

Cách vẽ “trụi lũi” này chỉ có ở thời thuợng cổ – nhấn mạnh – thuợng cổ. Vì thời trung cổ, (hay phương pháp Mercator), người ta đã có các khái niệm về toán học sâu xa, như khái niệm về tỉ lệ trên bản đồ.

Nói rằng cách vẽ của quí vị là cách vẽ “Mercator” là “tán dương” quí vị lắm.

5/ Vấn đề cần thảo luận, quí vị đem bản đồ của CIA, một bản đồ đã được thực hiện theo tọa độ géodésie, vào trong một hệ thống mercator. Việc đem một bản đồ bất kỳ (ở đây là bản đồ CIA) vào hệ thống tọa độ nào đó, không phải là hệ thống mà nó được thực hiện, là việc làm sai.

Làm việc này là quí vị lấy mặt trăng đưa vào cái khuôn bánh tráng.

Không thấy quí vị biện luận cho các vấn đề này. Vì làm sao biện luận phải không?

6/ Quí vị lấy các tọa độ các mốc giới, được đo đạc theo tiêu chuẩn géodésie, vẽ trên một trục tọa độ thẳng. Quí vị có thể biện luận rằng quí vị vẽ theo phương pháp Mercator. Nhưng điều quan trọng trước đó phải cho mọi người biết việc này. Vì nếu không nói, mọi người sẽ không biết sai số ở các vĩ tuyến (sai số ở các vĩ tuyến 22°, 23° khoảng 20-25%).

Làm việc này quí vị đưa trái banh vào khuôn bánh tráng.

7/ Quí vị so sánh hai bản đồ. So sánh như thế là so sánh trái banh với mặt trăng. Đây là việc làm phi khoa học.

Việc so sánh hai bản đồ trước tiên là lựa một trục chuẩn. Bao nhiêu lần quí vị thay đổi trục chuẩn? Nhận xét trên các bản đồ trong “công trình” của quí vị, có bao nhiêu bản đồ đoạn biên giới là có bấy nhiêu lần quí vị thay đổi trục.

Làm việc này tương tự hai đội đang chơi banh. Một đội đưa banh tới khung thành định “sút” thì quí vị thổi còi, chờ đội kia đưa toàn bộ hậu vệ, trung vệ về giữ thành, rồi chơi tiếp. Chơi vậy là chơi ăn gian phải không?

Dĩ nhiên, phải ăn gian thôi, nếu không đổi trục chuẩn, bản đồ “các mốc giới” của quí vị sẽ chạy lệch ra ngoài bản đồ CIA.

8/ Quí vị biện luận rằng việc so sánh bản đồ này chỉ để “tham khảo”.

Quí vị hiểu gì về tham khảo? Tham khảo, theo các tự điển Pháp Việt, có các ý nghĩa là consulter, de référence, documentaire… Các tài liệu để tham khảo vì thế phải là các tài liệu đúng, chính xác. Có ai tham khảo cái sai bao giờ?

Kết quả “công trình” vẽ và so sánh bản đồ của quí vị cho thấy VN lợi to trong việc phân giới với TQ. Nhưng nó hoàn toàn sai, không có một giá trị nào, ngoài giá trị của trái hỏa mù.

Kết quả có mất hay không mất đất sẽ được trình bày bằng một công trình nghiêm túc, của ai đó, sau này.

Các báo, như trang Bô Xít, tiếp tục đăng tải và bênh vực nó, là đồng lõa trong việc tạo hỏa mù. Đó là việc tuyên truyền chứ không phải là tự do ngôn luận.

9/ Chuyện biên giới, lãnh thổ là chuyên liên quan đến đất nước, là quan trọng. Vì thế tất cả các bài viết chung quanh vấn đề này đều phải thận trọng.

Nhiều lần tôi phê bình “công trình” nghiên cứu của quí vị trong Quĩ Nghiên cứu Biển Đông. Có lần quí vị “copy” ý kiến của các học giả khác. Có lần quí vị diễn giải sai nội dung các phán quyết của tòa. Có lần quí vị nói sai về “quốc gia VNDCCH”…  nhiều kể không hết những sai sót về kiến thức của quí vị. Tuy vậy, những sai lầm này không nặng lắm. Sửa được. Quí vị đáng lẽ phải cám ơn tôi, vì đã chỉ ra cái sai của quí vị. Nhưng lần này, thú thực, hết chữa…

T. N. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.