Phạm Chí Dũng: Việt Nam sẽ “xoay trục” sang phương Tây ?

Nguyễn Phương Uyên được chào đón khi vừa ra khỏi trại giam Long An tối 16/08/2013. FB

Ngày 16/08/2013 vừa qua người ta đã chứng kiến việc Phương Uyên được trả tự do một cách hết sức bất ngờ ngay tại tòa án. Sự kiện này có thể dẫn đến vận hội mới mẻ nào cho xã hội Việt Nam?

RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi này với nhà báo tự do Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh. 

Nhà báo Phạm Chí Dũng tại Sài Gòn 

30/08/2013

Nghe (26:32)

 

RFI : Thân chào nhà báo Phạm Chí Dũng, rất hân hạnh lại có dịp trao đổi với anh trên làn sóng của đài RFI. Thưa anh, anh nhận xét như thế nào về bất ngờ đến khó tin của phiên phúc thẩm xử Phương Uyên và Nguyên Kha vừa qua ?

Nhà báo Phạm Chí Dũng : Nếu tôi nhớ không lầm thì từ năm 1975 đến nay mới diễn ra một sự kiện đặc biệt, quá sức đặc biệt như vụ Phương Uyên, khi một phạm nhân chính trị được trả tự do ngay tại tòa. Từ năm 1975 đến nay, có lẽ sự kiện Phương Uyên là một chứng nghiệm rõ nhất cho quy luật khoa học biện chứng lịch sử: khi chính thể mạnh, “nhập kho” tăng và “xuất kho” giảm; còn khi chính thể yếu, “nhập kho” giảm còn “xuất kho” tăng.

Việc được trả tự do ngay tại tòa của Phương Uyên là một sự kiện mang tính tín hiệu rõ nét nhất, phản ánh xu hướng “xuất kho” và chính thể Việt Nam đang khởi động cho định hướng “xoay trục”. Nếu chính sách gần gũi nhất của Hoa Kỳ là “xoay trục” về khu vực Đông Nam Á thì Nhà nước Việt Nam chuyển động theo chiều ngược lại”: hướng sang phương Tây.

Hiện tượng này lại phản ánh một quy luật khác: độ mở dân chủ tỉ lệ thuận với độ mở đối ngoại.

Còn trong nhãn quan của cộng đồng quốc tế, đúng là có một chuyện gì đó hình như đang xoay chuyển. Và nếu lạc quan hơn như giáo sư người Anh Jonathan London – người chuyên nghiên cứu về Việt Nam và có thiện chí đến mức bất ngờ với nhân dân đất nước này – thì “tình hình chính trị ở Việt Nam hiện nay đang biến động rất nhanh”. Thậm chí ông còn phóng ra một câu hỏi rất sốt ruột: “Bây giờ thì sao?”.

Tất nhiên nhiều người và nhiều giới trong nước và quốc tế đều muốn được thỏa mãn những câu hỏi thiết thân như: Sự kiện tự do của Phương Uyên hàm ý điều gì? Liệu có phản ánh một sự thay đổi lớn về chính sách của Nhà nước Việt Nam đối với tù nhân lương tâm, chính sách dân chủ nương theo quan điểm đối ngoại? Sau sự kiện này liệu có thể dẫn tới những những sự kiện thả tù và cởi mở dân chủ nào khác? Hoặc, sự kiện Phương Uyên có phản ánh một tấm lòng thành thực nào đó của một hoặc một số lãnh đạo đảng và nhà nước đối với cộng đồng quốc tế và giới dân chủ trong nước? Kinh tế việt Nam có hy vọng nào được phục hồi nếu giới đấu tranh dân chủ trong nước không còn bị đưa vào các trại “phục hồi nhân phẩm”?…

RFI : Ngay sau khi Phương Uyên được trả tự do, đã có nhiều dư luận về sự kiện chưa từng có này. Anh có bình luận gì về những dư luận ấy?

Người Việt Nam không bao giờ bỏ phí tinh thần “lạc quan cách mạng”. Tôi chỉ muốn nêu lại một vài câu chuyện hài hước trên các diễn đàn mạng, trong các quán cà phê “dân chủ” và ở cả những bàn nhậu.

Một trong những câu chuyện trào phúng nhất thuộc về nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh. Chỉ mới cách đây chưa đầy hai tháng, người nhận giải thưởng “Công dân mạng toàn cầu 2013” của Tổ chức Phóng viên Không biên giới còn không giấu nổi tâm trạng lo ngại về triển vọng “nhập kho”, nhưng nay tại mang tâm thế khác hẳn.

Tiếu lâm nhất là việc Huỳnh Ngọc Chênh đã nêu ra hai giả định sau chuyến trở về không thể tưởng tượng được của nữ sinh áo trắng Phương Uyên, trong đó có giả định 1 – lạc quan nhất – mà tôi xin lược lại như sau: “Các người đứng đầu đảng Cộng sản Việt Nam thấy rằng đến lúc phải thực lòng thay đổi để nhanh chóng hội nhập (…) nên đã quyết định tìm cách trả lại tự do ngay cho Phương Uyên, và từ từ trả lại tự do cho Nguyên Kha. Việc giảm án cho Uyên – Kha là bước đi “Amstrong” rụt rè đầu tiên hướng về ánh sáng dân chủ nhưng sẽ là bước tiến vĩ đại của dân tộc trong nay mai.

Những bước đi tiếp theo là sẽ thả hết các tù nhân lương tâm còn lại vào dịp đặc xá ngày 2/9 sắp đến, rồi tiến đến thay đổi Hiến pháp bỏ đi điều 4, chấp nhận đa nguyên, đa đảng… Nếu đúng với giả định nầy, tôi tin rằng toàn dân sẽ tôn 16 ông bà trong Bộ Chính trị thành những thánh nhân, dựng tượng khắp mọi nơi để thờ cúng. Riêng tôi nguyện sẽ mỗi ngày viết một bài báo hàng ngàn chữ để ca ngợi công đức của các vị cho đến khi tôi không còn viết được nữa.

Tôi cũng tin rằng nhân dân sẽ khép lại quá khứ, tha thứ tất cả, đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục được ủng hộ, nhân dân sẽ dồn phiếu cho các vị trong bầu cử tự do để tranh đua sòng phẳng và thắng lợi tuyệt đối các đảng phái mới lập khác… Tôi hay tin người và tin vào điều tốt đẹp nên rất tin vào giả định 1”.

Tất nhiên một số độc giả “ngây thơ” đã “ném đá” Huỳnh Ngọc Chênh vì cái được gọi là “lòng tin chiến lược” như thế. Chỉ có điều, số độc giả ít tường tận về tính cách ông Chênh hình như đã chẳng mấy quan tâm đến giả định thứ hai mà ông nêu ra: “Do áp lực phải vào TPP, phải vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, phải mua được vũ khí sát thương của Mỹ, phải tìm các nguồn tài trợ cho nền kinh tế đứng bên bờ vực thẳm… các vị lấy việc giảm mức án vài năm cho Uyên – Kha làm món hàng trao đổi để lừa bịp dư luận và thế giới.

Sau khi đạt được các yêu cầu chiến thuật đó các vị lại “đâu trở về đó”, lại tiếp tục vùi dập nhân quyền, đàn áp người yêu nước… như đã từng làm sau khi vào WTO. Nếu giả định nầy là sự thật thì nhân dân sẽ không để yên, lịch sử sẽ đời đời nguyền rủa, thế giới sẽ không ngu ngơ để các vị tiếp tục dối trá”.

RFI : Anh có tin vào giả định nào của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh?

Hơi khác với Huỳnh Ngọc Chênh, tôi không tin người lắm, đặc biệt đối với các chính khách thời nay. Do vậy tôi hoài nghi đối với mọi giả định, cho dù đã xác định được tính xu thế về độ mở chính trị tỉ lệ thuận với độ mở đối ngoại.

Tôi cũng muốn nêu ra một giả định khác, có thể mang tính trung dung giữa hai giả định của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, nhưng được nhìn từ góc độ biện chứng lịch sử.

Hãy trở lại với quy luật nhập kho – xuất kho, chúng ta có thể tự hỏi là với sự kiện Phương Uyên diễn ra chưa có tiền lệ, thế mạnh của chính thể đã diễn biến đến mức nào và đang ở điểm ngoặt nào? Phải chăng đã xảy ra một sự thay đổi đủ lớn từ đối nội và đối ngoại, hoặc hơn nữa là tính cộng hưởng giữa hai yếu tố này mà khiến chính quyền buộc phải thả người?

Cần nhắc lại là vào đầu năm 2013, sau chuyến đi của người đứng đầu Đảng Nguyễn Phú Trọng đến Roma, đã xảy ra một sự kiện chưa có tiền lệ ở Việt Nam. Một nhóm nhân sĩ, trí thức gồm 72 người đã ký tên vào một bản văn bản được gọi tượng trưng là “Kiến nghị 72” với nhiều đề nghị liên quan đến Hiến pháp, Luật biểu tình, Luật lập hội, Luật trưng cầu dân ý và cả đề nghị thay đổi điều 4 Hiến pháp về cơ chế độc đảng. Nhưng sau đó, rất nhiều người dân và công chức đã ngạc nhiên về chuyện đã không một ai trong nhóm “Kiến nghị 72” bị “kiểm soát đặc biệt”, trong khi nếu sự kiện này xảy ra vào những năm trước đó thì không biết hậu quả nào đã xảy đến, thậm chí còn có thể có chuyện bắt bớ.

“Kiến nghị 72 “ ra đời cùng với chuyến đi của Tổ chức Ân xá Quốc tế đến Việt Nam – cũng là lần đầu tiên tổ chức này được Nhà nước Việt Nam cấp “quota” cho gặp trực tiếp những nhân vật bất đồng chính kiến theo yêu cầu. Cũng vào thời gian này, giới quan sát còn ghi nhận một vài chuyến đi và những cuộc gặp gỡ của các quan chức Cộng đồng châu Âu, những nghị sĩ đấu tranh cho vấn đề dân chủ và nhân quyền và đã có những tiếp xúc với các quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Công an ở Hà Nội. Mà đó là những cuộc gặp được công khai cho báo chí, trong khi dư luận còn cho rằng có những cuộc tiếp xúc kín đáo hơn nhiều, đã dẫn đến cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ ở Hà Nội vào trung tuần tháng 4/2013.

Vậy thì câu chuyện của Phương Uyên cũng rất có thể là một logic tiếp theo của chuỗi vận động đối ngoại – đối nội diễn ra từ đầu năm 2013 đến nay, chứ không phải là đột biến hay ngoại lệ, cho dù sự kiện này đã làm kinh ngạc rất nhiều người.

RFI : Nhưng đợt bắt bớ các blogger ở Việt Nam xảy ra vào tháng 5 và tháng 6 năm 2013 có đi ngược lại tính logic của lộ trình mở cửa chính trị như anh phân tích?

Chúng ta hãy nhìn vào cái gọi là “Danh sách 20”, tức một tin tức được tung ra cùng với đợt bắt ba blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Đinh Nhật Uy. Có thể nhận ra điều đó giống như một động tác giả hơn, xuất phát từ một cơ quan đặc biệt nào đấy nhằm tác động đến tâm lý và hành vi của giới blogger và hoạt động dân chủ nhân quyền, chứ thực ra từ đó đến nay đã không diễn ra một sự bắt bớ nào nữa.

Mà vụ việc của hai trong ba blogger lại được đánh giá thiên về màu sắc nội bộ và với mục đích tìm ra nguồn tin hơn là một “cú đánh” trực tiếp vào hoạt động dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Còn với Đinh Nhật Uy, tin tức gần nhất cho thấy blogger này có khả năng sắp được trả tự do. Thực ra, vấn đề của Uy là quá nhỏ bé trong tổng thể bàn cờ chính trị ở Việt Nam.

Nhân đây, cũng cần làm rõ một đánh giá cho rằng vào nửa đầu năm 2013, số người bất đồng chính kiến bị bắt giữ ở Việt Nam bằng cả hai năm trước cộng lại. Nếu nhìn lại và rạch ròi về thời điểm bắt giữ thì có thể thấy những vụ bắt người tập thể như 14 thanh niên Công giáo, Tin lành và vụ Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn đều xảy ra vào năm 2012 chứ không phải 2013. Người ta cũng còn nhớ vụ bắt giữ luật sư công giáo Lê Quốc Quân vào cuối năm 2012 là vụ cuối cùng của năm đó. Còn đến năm 2013, những vụ “tồn kho” của năm trước được đưa ra xét xử và có án. Như vậy, thực ra số người bất đồng chính kiến bị bắt vào nửa đầu năm 2013 là giảm hẳn so với nửa cuối năm trước, phản ánh biểu đồ kiểm soát chính trị đang võng dần xuống theo một đường thoai thoải, hoặc làm thành “một đường mỏng manh” (a delicate line) – như cụm từ mà đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear đã dùng để chỉ về mối quan hệ “đi dây” của Hà Nội giữa Bắc Kinh và Washington.

Mà như thế, đáng lý ra dư luận trong nước và cả các tổ chức nhân quyền quốc tế đã không phải quá ngạc nhiên khi chứng kiến Phương Uyên được thả đột ngột. Nhất là sự kiện trả tự do chưa có tiền lệ này lại diễn ra chỉ gần ba tuần sau cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia của Mỹ và Việt Nam.

Vấn đề chỉ còn là thời gian, thả sớm hay muộn hơn mà thôi.

RFI : Cho tới nay vẫn có nhiều luồng ý kiến khác biệt về nguyên nhân và động lực dẫn tới sự tự do của Phương Uyên. Anh đánh giá ra sao về vấn đề này?

Tôi nhìn thấy một ảnh hưởng không nhỏ, hoàn toàn không mờ nhạt từ phía Nhà Trắng. Có thể coi thái độ của Washington mới là ảnh hưởng có tính quyết định.

Ngay sau khi Phương Uyên được thả, khẩu khí của đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là David Shear có vẻ càng cứng rắn hơn: “Chúng tôi đã khẳng định rất mạnh mẽ rằng chúng tôi muốn các tù nhân chính trị phải được thả”.

Cũng sau khi Phương Uyên được thả, một viên chức chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ là Michael Orona đã trả lời báo chí rằng đây là sự đấu tranh không ngừng nghỉ từ nhiều phía. Ông Orona cho biết ngay từ đầu tiên, Tòa đại sứ đã ra thông cáo báo chí về việc này và tiếp tục lên tiếng bằng nhiều kênh đối thoại.

Cách bày tỏ thái độ của các quan chức ngoại giao Hoa Kỳ cũng không kém logic với cách tiếp đón Chủ tịch Sang của Tổng thống Obama. Kín đáo trong hội đàm, nhưng bên ngoài vẫn liên tục diễn ra nhiều cuộc vận động của các nghị sĩ Mỹ và châu Âu cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Làn sóng vận động này lại bắt nguồn từ giới hoạt động dân chủ và nhân quyền trong nước.

Nhưng cũng không thể nói rằng cuộc biểu tình ngày 16/8/2013 ở Long An của hàng trăm người ủng hộ Phương Uyên là vô nghĩa. Cũng không thể nói là công an Long An không thuần thục phương án phòng chống biểu tình, bạo loạn mà đã để cuộc biểu tình diễn ra một cách đầy đặn đến khó tả, đến mức mà nhà văn Nguyễn Tường Thụy còn mô tả “vừa đi vừa binh vận lẫn dân vận”. Còn trước đó một ngày, hàng chục người bị xem là “đối tượng chính trị” đã có thể cùng với gia đình Phương Uyên và Nguyên Kha gặp gỡ các phạm nhân mà không bị cán bộ trại giam Long An làm khó dễ gì…

Những tín hiệu cứ tiếp nối sinh ra, sinh sôi một cách thầm lặng, nhưng trên hết vẫn là tính tín hiệu. Mà đó chỉ là đà tiếp nối cho một sự cộng hưởng trong – ngoài để dẫn đến một tác động can thiệp nào đó từ phương Tây đối với trường hợp Nữ sinh áo trắng.

RFI : Như vậy là chính phủ Hoa Kỳ vẫn quan tâm đến chủ đề dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, khác với dư luận cho rằng Tổng thống Obama đã quay lưng?

David Shear là một trong những dấu chỉ lộ thiên cho câu hỏi này. Trong cùng thời gian Phương Uyên được thả, David Shear đã có một cuộc tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở Little Sài Gòn, và một ít thông tin xuất hiện từ đấy đã cho thấy ông Shear xác nhận: chính Tổng thống Obama đã nói thẳng với ông Trương Tấn Sang trong chuyến viếng thăm vào ngày 25/7/2013, là hiện nay Việt Nam đang cần Hoa Kỳ nhiều hơn trong các vụ mua bán về vũ khí sát thương, và hồ sơ nhân quyền sẽ trở thành điều kiện ràng buộc trong việc mua bán vũ khí, phát triển quan hệ đối tác.

Dấu chỉ đã khá rõ: sau gần ba tuần diễn ra cuộc gặp Obama – Sang, công luận được biết đến những điều “thầm kín” trong phòng Bầu dục. Nếu người Việt ẩn dụ bằng bản sao bức thư của ông Hồ Chí Minh viết cho Tổng thống Mỹ Harry Truman gần bảy chục năm về trước, thì người Mỹ hiện tại lại không cần giấu diếm quan điểm của mình. Và đúng như David Shaer đã ẩn dụ trước cuộc gặp Obama- Sang, “Mỹ có ưu thế để đặt ra vấn đề này(dân chủ và nhân quyền)”.

Vậy ưu thế đó là cái gì?

Ít lâu sau cuộc gặp Obama- Sang, vị đại sứ từng trải, ít nói và được xem là có nhiều kinh nghiệm đối thoại với Hà Nội đã có một cuộc họp báo với cái nhìn tương đối lạc quan về triển vọng quan hệ “đối tác toàn diện” giữa hai quốc gia, khác khá nhiều với thái độ lắng tiếng của chính ông vào năm trước, nhất là lúc cuộc đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ bị đình hoãn đột ngột vào cuối năm 2012.

Tuy thế, thái độ của vị quan chức cao cấp nhất đón phái đoàn lên đến 200 người của Chủ tịch Sang ở sân bay Washington vẫn không quá lạc quan. Trong cuộc gặp với người Việt ở Little Sài Gòn mới đây, ông David Shear tái khẳng định tình hình nhân quyền Việt Nam vẫn không có sự cải thiện nào đáng kể như sự mong đợi của Hoa Kỳ. “Thời gian” là một trong những khái niệm mà David Shear đề cập nhiều nhất, liên quan đến TPP và vũ khí sát thương là hai thứ mà Hà Nội đang muốn có.

Tất cả đều phải có thời gian. Cách nói của David Shear cũng có thể khiến người ta nhớ lại lời nhắc của Bộ trưởng Thương mại Mỹ với ông Sang vào cuối tháng 7/2013, cho rằng Việt Nam đã đạt được một số yêu cầu về thủ tục TPP, nhưng sẽ còn phải mất nhiều thời gian nữa để hoàn thiện việc gia nhập hiệp định này.

Cũng cần nhắc lại, vào tháng 2/2013, một đại sứ châu Âu đã tiếp xúc với Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn và nhận được câu trả lời “Chúng tôi hiểu, nhưng hãy cho chúng tôi thời gian”.

RFI : Liệu có thể hy vọng thời gian sẽ làm cho Hà Nội nghĩ đến việc phóng thích các tù nhân lương tâm, trong đó đặc biệt là trường hợp Điếu Cày vừa gây nên cuộc tuyệt thực chấn động?

Đó cũng là ẩn số mà nhiều người đang chờ đợi được giải mã.

Mới đây, một thông tin được công bố chính thức trên báo đài nhà nước cho biết sẽ có trên 15.000 phạm nhân đủ điều kiện được đặc xá trong dịp lễ 2/9 ở Việt Nam. Trong khi vào năm ngoái, giới tù nhân đã phát hoảng vì tin tức không chính thức cho rằng trong hai năm 2013-2014 và thậm chí có thể đến cả năm 2015 sẽ không có chuyện đặc xá.

Tin tức lại dẫn đến đồn đoán. Hiện thời, người ta đang hỏi nhau liệu có diễn ra một đợt thả tù nhân lương tâm cùng trong đợt đặc xá hay không, và những ai là đối tượng được “ưu ái”. Thậm chí một dự đoán lạc quan lan truyền trong giới blogger cho là nhà cầm quyền có thể phóng thích hàng chục tù nhân chính trị vào dịp lễ quốc khánh 2/9.

Với tình cảm gần gũi, giới blogger đang nhắc lại những nhân vật đang bị “cầm cố” có triển vọng “xuất kho” như Anh Ba Sài Gòn, Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy…

Nhưng trên hết vẫn là một người có biệt danh là Điếu Cày. Sau sự kiện Phương Uyên được trả tự do, Đại sứ David Shear đã cho biết đây là nhân vật nằm đầu bảng trong sự đòi hỏi của Hoa Kỳ, và hiện nay Tòa đại sứ đang theo dõi sát tình hình sức khỏe cũng như điều kiện giam cầm của nhân vật này.

Cần nhắc lại, tù lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đáng lý đã có thể được phóng thích từ vài năm trước, nếu không bị kết án lại với một mức án quá trầm trọng. Cuộc tuyệt thực đến hơn một tháng và ngoài sức tưởng tượng của Điếu Cày đã còn hiện thực và lay động hơn cả chuỗi nhịn ăn của Cù Huy Hà Vũ, khiến cho Nguyễn Văn Hải trở nên hoàn toàn tương xứng với lời tri ân của Tổng thống Obama vào tháng 5/2012 nhân ngày Tự do Báo chí Quốc tế.

Có thể hy vọng cho việc phóng thích. Cũng đã có một vài tín hiệu nào đó đối với Điếu Cày. Những người thạo tin trong giới blogger còn hy vọng sẽ được đón chào người tù nhân có án hàng chục năm này trong không bao lâu nữa.

Khách quan nhìn nhận, việc thả người là một quy luật đặc thù trong bối cảnh hiện nay, tương xứng với những vận động đối ngoại và cả sức ép từ trong nước. Sức ép trong nước lại còn đến từ chính những người đã có bề dày tham gia chế độ.

Không phải vô cớ mà trước cuộc biểu tình đòi trả tự do cho Phương Uyên ở Long An, một trong những thủ lãnh máu lửa nhất của Lực lượng thứ ba – Phong trào học sinh, sinh viên ở Sài Gòn trước năm 1975, người đã từng lãnh án tử hình và hiện thời đang phải đối mặt với bạo bệnh – luật gia Lê Hiếu Đằng, đã phát động một phong trào có tên “Đảng Dân chủ Xã hội”.

Chỉ để đối phó với một Lê Hiếu Đằng, Nhà nước đã phải dùng đến ít nhất 6 tờ báo và vài chục bài công kích, chỉ trích. Điều đó cho thấy những lãnh đạo cao nhất ở Việt Nam có thể không còn đánh giá thấp truyền thông xã hội và những nhân tố có tính đột biến trong lòng “lề trái”, nhất là khi giới “lề trái” đang nhận được sự hậu thuẫn ngày càng trực tiếp và song ánh của giới truyền thôing và dân chủ nhân quyền quốc tế.

Và nếu quy luật khoa học “nhập kho, xuất kho” ứng nghiệm vào hoàn cảnh này, sắp tới sẽ diễn ra cảnh đoàn tụ giữa những tù nhân lương tâm với gia đình của họ ở ngay trong sân các trại giam. Nếu không khí trùng phùng đó diễn ra, người dân có quyền hy vọng là Nhà nước sẽ nương tay không nỡ “nhập kho” thêm trong ít ra vài năm tới.

Cũng cần đối chiếu đôi chút với trường hợp Miến Điện. Tại quốc gia này vào thời gian trước năm 2011, chẳng có mấy ai dám hy vọng vào một tương lai sáng sủa đối với số tù nhân chính trị còn nhiều hơn ở Việt Nam hiện thời. Tuy nhiên, sự quyết đoán của Tổng thống Thein Sein trong việc nắm triều chính và những bước đi quả quyết hướng về phương Tây đã không chỉ khiến bà Aung San Suu Kyi được giải chế, mà trong năm 2012 và đặc biệt trong nửa đầu năm 2013 đã có hàng trăm tù nhân chính trị được trả tự do, trong đó bao gồm cả những tù nhân chính trị có mức án lên đến hàng trăm năm. Cho tới giờ, con số thống kê chính thức cho thấy trong các nhà tù Miến Điện chỉ còn khoảng 70 tù nhân chưa được trả tự do.

Bởi thế ứng với Việt Nam, ngay cả những trường hợp đã chịu án nặng như Điếu Cày vẫn có cơ may thoát vòng lao lý, nếu độ mở dân chủ song trùng với điều kiện thả tù chính trị.

Trong dịp lễ 2/9 này, mặc dù công bố của các trại giam là chưa có đặc xá cho những trường hợp như Điếu Cày, nhưng tôi vẫn nghĩ là có thể có những hy vọng, nếu không phải là vào dịp lễ 2/9 này thì sau đó, và có lẽ không lâu nữa. Vì Điếu Cày có thể nhận một mức đặc xá giảm án nhiều, hoặc thậm chí có thể được trả tự do.

RFI : Anh có lạc quan quá không, khi trong số 15.000 người được đặc xá lần này không có những tù nhân chính trị nổi tiếng ?

Tôi không quá lạc quan, nhưng không hẳn là bi quan. Tại vì rõ ràng là sự kiện Phương Uyên đã mở ra một điểm sáng cho khung trời dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Mà điều đó cho phép người ta có thể hy vọng là có những chuyện sẽ mở ra hơn. Ở Việt Nam không phải luôn luôn và lúc nào cũng có chuyện thả tù nhân chính trị một cách ồ ạt như Miến Điện, tại vì Việt Nam không phải là Miến Điện. Mà ở đây người ta thả lặng lẽ.

Mà tôi cũng nhớ là trường hợp của tôi cũng thả rất là lặng lẽ, trong một bầu không khí hoàn toàn yên lặng, không ai biết gì hết. Và khi tôi ra khỏi trại giam thì tôi leo lên xe ôm đi thẳng về nhà, không có một ai đón tôi cả. Điều đó khác xa với trường hợp của Phương Uyên.

Cái cung cách như vậy làm cho tôi cũng hy vọng là mặc dù trong danh sách 15.000 người chưa công bố một số nhân vật được coi là tù nhân lương tâm đặc biệt – những người khá nổi tiếng, những blogger, nhà đấu tranh dân chủ nhân quyền trong đó có Điếu Cày, nhưng vẫn có thể có hy vọng là trong một sắc thái lặng lẽ kín đáo nào đó, thì dần dần, từng người một sẽ ra khỏi trại giam trong những ngày sắp tới. Không nhất thiết là phải đúng ngay dịp lễ 2/9 này mà có thể sau 2/9

RFI : Tuy thế, vẫn không ngớt dư luận lo ngại về thái độ đối xử thiếu hòa nhã của công an Việt Nam đối với giới hoạt động dân chủ hay nghị định 72 về cấm đoán Internet…

Trong những ngày gần đây, dư luận cho rằng một số thành viên dân chủ theo phương châm hành động từ nhà ra đường phố đã bị sách nhiễu, và còn có cả dấu hiệu công an sử dụng côn đồ để gây hấn và xúc phạm những người này. Nhưng xét trong xu thế khách quan và độ mở chính trị đang dần hình thành ở Việt Nam, tôi cho rằng những hành động bị coi là sách nhiễu, gây khó của ngành công an chỉ nằm trong chiến thuật phân hóa, kiểm soát, khống chế nhưng rất hạn chế mục tiêu bắt bớ. Nhìn chung, những hành động như thế chỉ mang tính gián tiếp về tác động tâm lý hơn là mục tiêu cô lập trực tiếp về hành vi.

Mặt khác từ thực tế khách quan, sự lo lắng của giới blogger ở Việt Nam đối với nghị định 72 về “quản chế” Internet của nhà nước sẽ phát huy tác dụng sau tháng 9/2013 có thể không có nhiều cơ sở. Một tiêu chí đo lường tương đối chính xác cho hiệu ứng này là mật độ và hàm lượng thông tin của truyền thông nhà nước, mà cụ thể là trên mặt báo đảng. Nếu so sánh tần suất đưa tin và bình luận về vụ phúc thẩm Uyên – Kha với nghị định 72, người ta có thể nhận ra mức độ thông tin gần như tương đương, nghĩa là không ồ ạt, thậm chí khá lắng tiếng so với thời điểm cuối năm 2012 và ngay trước phiên sơ thẩm Uyên – Kha cách đây mấy tháng.

Sự lắng tiếng rõ nét của báo đảng nói lên điều gì? Người ta đang đặt dấu hỏi về một thái độ không đồng nhất, thậm chí có thể là trái chiều giữa các cơ quan tố tụng hoặc thậm chí ở cấp cao hơn, dẫn đến tình trạng lúng túng và bất động của một số cơ quan tuyên truyền đặc biệt và có thể cả với cơ quan an ninh ở một số địa phương. Tình trạng có vẻ như bất động như thế lại đang chịu sự chỉ trích không nhỏ về nghị định 72 của giới hoạt động dân chủ nhân quyền quốc tế như Tổ chức phóng viên không biên giới hay Liên minh trực tuyến…

Sự bất động ấy cũng dường như đang chìm trong chờ đợi về một tương lai không đoán định được.

RFI : Tương lai khó đoán định ấy sẽ diễn ra nhanh hay chậm?

Không phải tất cả mọi chuyện đều diễn ra suôn sẻ và nhanh chóng. Điều mà giáo sư người Anh Jonathan London kỳ vọng là tình hình chính trị ở Việt Nam đang chuyển biến khá nhanh, thực ra lại có thể làm vị trí thức nhiệt thành này bị thất vọng đôi chút.

Non sông dễ chuyển, bản tính khó dời… Đơn giản là nếu nền chính trị Việt Nam không nằm trong một bối cảnh đầy chông gai về suy thoái kinh tế và phân hóa tư tưởng như hiện thời, sẽ khó có một độ mở dân chủ nào được thực hiện đúng nghĩa, theo lộ trình như đã được Hà Nội cam kết với Mỹ và phương Tây từ khi gia nhập Hiệp định thương mại Việt – Mỹ 12 năm về trước.

Bầu không khí xã hội – chính trị ở Việt Nam như đang trở lại thời điểm năm 2004, khi chủ đề CPC về các quốc gia cần đặc biệt được quan tâm về nhân quyền và tôn giáo được áp dụng với Việt Nam. Truớc đây trong hai năm liên tiếp từ năm 2004 đến năm 2006, sau khi bị xếp vào CPC, tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam lại có những cải thiện mà trước đó quá đỗi hiếm hoi, như trả tự do cho một số tù nhân, mở rộng phạm vi bảo vệ của pháp luật đối với một số các cộng đồng tôn giáo được nhà nước thừa nhận… Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế cũng ghi nhận phần lớn các lãnh đạo tôn giáo ở Việt Nam cho rằng những thay đổi tích cực này đến từ sức ép của CPC với Việt Nam.

Tuy thế, có lẽ bài học mà người Mỹ không thể quên là từ năm 2006 khi nước Mỹ nhấc Việt Nam ra khỏi danh sách CPC, cho đến nay tình trạng nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam lại không có dấu hiệu khả quan hơn, nếu không muốn nói là bị cộng đồng quốc tế đánh giá “thụt lùi sâu sắc”.

RFI : Tuy không bị xếp vào danh sách CPC trong năm 2013, nhưng Nhà nước Việt Nam lại phải chịu sức ép không hề nhỏ của hai dự luật nhân quyền và chế tài nhân quyền dành cho quốc gia này. Theo anh dự đoán, tình hình hoạt động dân chủ nhân quyền và xã hội dân sự sẽ như thế nào ở Việt Nam trong thời gian tới?

Quy luật “giảm nhập kho, tăng xuất kho” sẽ ứng nghiệm cho đến khi nào mà quan hệ giữa hai nhà nước Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn tạm nồng ấm, với nhu cầu thuộc về Việt Nam nhiều hơn, liên quan chủ yếu đến một lợi thế so sánh mà có lẽ các quan chức lãnh đạo cao cấp của Việt Nam cho là “cân bằng chiến lược Đông – Tây”, TPP và kể cả gia cố uy tín cho hình ảnh của giới lãnh đạo trong con mắt dân chúng và cộng đồng quốc tế. Trước mắt, lộ trình làm thủ tục gia nhập TPP có thể kéo dài từ một đến hai năm, nghĩa là có thể kéo đến cuối năm 2014 hoặc sang cả năm 2015.

Và nếu không có gì thay đổi, trục Mỹ -Trung -Việt sẽ là một thế cân bằng chiến lược, nằm trong chính sách “xoay trục” của Washington về Đông Nam Á trong nhiều năm tới và quan hệ thương mại không thể thiếu giữa Bắc Kinh và Washington. Đó cũng là lý do để Hà Nội có thể tự thân “xoay trục”, nhưng không quá thiên về Bắc Kinh như trước đây, mà về hướng kẻ cựu thù.

Hầu như rõ ràng, chuyến đi của một quan chức cao cấp Việt Nam là Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Xuân Phúc đến Washington để “làm việc với đại học Havard”, hoặc cuộc gặp giữa hai bộ trưởng quốc phòng Việt Nam và Mỹ, rất có thể đóng vai trò “tiền trạm” cho một chuyến đi khác đến New York của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, dự kiến vào cuối tháng 9/2013. Tất nhiên, những chuyến đi như vậy đang nằm trong chuỗi logic với sự kiện Phương Uyên và có thể cả những nhân vật hậu Phương Uyên.

Từ năm 1975 đến nay, có lẽ từ thời điểm giữa 2013 mới bắt đầu chứng nghiệm một “lòng thành chính trị” nào đó của Hà Nội. Và cứ chiếu theo quy luật khách quan, giới hoạt động dân chủ nhân quyền ở Việt Nam có nhiều khả năng sẽ không bị “nhập kho”, trừ trường hợp một ít vụ việc bị chính quyền xem là “rất quá khích”.

Cũng theo quy luật khách quan, có thể đến cuối năm 2013, một số nhóm dân chủ bạo dạn nhất sẽ có thể tiến đến công khai hóa hoạt động của họ, hình thành những hội đoàn và có thể nâng lên tầm phong trào, làm đà cho sự hình thành và phát triển một mảng nào đó của xã hội dân sự ở Việt Nam trong năm 2014.

Còn về chân đứng của xã hội dân sự ở Việt Nam, một số người hoạt động dân chủ đã đề nghị lấy ngày 16/8 là ngày khai sinh và kỷ niệm về sự hình thành đầu tiên của xã hội dân sự ở Việt Nam. Đó cũng là ngày mà Phương Uyên được trả tự do, ngày được xem là sự kết tinh của nhiều cố gắng đối nội và đối ngoại trong suốt một thời gian dài.

Bước ngoặt của vận động chính trị – xã hội ở Việt Nam gần như chắc chắn đang khởi động. Nếu người Mỹ xoay trục về Đông Nam Á và Việt Nam được xem là quốc gia “gần sát trung tâm” của chính sách đó, còn Nhà nước Việt Nam cũng đang hướng đến “xoay trục” sang phương Tây, thì rất có thể giới hoạt động dân chủ còn mỏng manh và phân tán ở đất nước này đang chú tâm đến một hình ảnh “xoay trục” về xã hội dân sự tương lai, đấu tranh ôn hòa và bất bạo động, thay cho những manh động đốt cháy giai đoạn mà dễ bị dập vùi.

Nếu mọi chuyện diễn ra một cách ôn hòa và có tính kết nối cao, thì như người đời thường luận, phía trước là bầu trời.

RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà báo Phạm Chí Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20130830-viet-nam-se-%C2%AB-xoay-truc-sang-phuong-tay

 

 

 

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.