Có hai điều xin thưa trước. Một là hai chữ “cộng sản” đã dịch sai cả trăm năm nay vẫn chưa đính chính. Đúng ra phải dịch là “cộng đồng chủ nghĩa”. Hai là tôi gọi Bản Tuyên ngôn Cộng sản (Cộng đồng) mà hai ông Mác và Ăng ghen đã công bố năm 1848 là Kinh Thánh của các đảng cộng sản (cộng đồng)
Nói không thuộc Kinh Thánh của mình, là bởi trong bản Tuyên ngôn ấy, mà tất tật các đảng “cộng sản” đều coi như bộ cương lĩnh gốc của mình, có những điều xem ra trái khoáy với hiện thực. Ví dụ trong bản tuyên ngôn ấy hai nhà sáng lập chủ nghĩa cộng đồng từng có dự báo và lên án cái gọi là chủ nghĩa ”cộng sản” phong kiến. Thế mà những người “cộng sản” theo khuynh hướng đệ tam, dựng lên cái mô hình Xô viết rất gần với cái chủ nghĩa phong kiến dù đã đặt một cái tên khác, chủ nghĩa xã hội hiện thực. Cái quan niệm đất đai chẳng khác gì quan niệm phong kiến: phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ. Nghĩa là đất ở dưới gầm trời đâu cũng là đất của nhà vua! Hoặc như ban lãnh đạo trước sau đều thành vua tập thể. Hoặc như Chương IV của bản tuyên ngôn ấy có ghi rõ: ”Thái độ của những người “cộng sản” đối với các đảng đối lập”. Xem ra những người lãnh đạo Đảng “cộng sản” Việt Nam hoặc không thuộc Kinh Thánh của mình, hoặc là đã vất bỏ Kinh thánh, coi Mác chỉ như cái bung xung danh nghĩa, chứ thật sự thì đã không còn giữ cái gốc gác của mình nữa rồi. Lập trường chính thống của ban lãnh đao của Đảng Cộng sản Việt Nam trước sau vẫn coi ai nói đa đảng đều là phản động, suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, là chống đảng, chống nhà nước. Thế mà trong cái Tuyên ngôn ấy, chương IV, sau khi dẫn chứng về sự hợp tác giữa những người cộng sản với những đảng đối lập khác ở Pháp, Đức, Thụy sĩ, Ba lan… đã có một kết luận:
“Sau hết, những người “cộng sản” ở mọi nơi đều phấn đấu cho sự đoàn kết và liên hợp của các đảng dân chủ ở tất cả các nước”.
Như thế, Tuyên ngôn “cộng sản” đâu có bài xích đa nguyên, đa đảng! Trái lại nó còn nhấn mạnh đến thái độ phấn đấu cho sự đoàn kết và liên hợp giữa cộng sản và dân chủ. Chỉ từ khi phong trào cộng sản chuyển sang lập trường đệ tam thì các đảng dân tộc dân chủ mới bị coi là kẻ thù của cộng sản, thậm chí những khuynh hướng khác trong đảng cũng bị đàn áp.
Rõ ràng cương quyết giữ độc đảng, không đoàn kết, không liên hợp, thậm chí thủ tiêu những đảng đối lập, đâu có phải là lập trường mác xit, nó chính là phản bội lại chủ nghĩa Mác. Trong khi lên giọng nào là chủ nghĩa Mác là kim chỉ nam, là chủ đạo… nhưng hành động trong hiện thực lại khác, làm sao giữ được tính chính danh, chính thống, mà không khiến cho xã hội nghi ngờ là mình đã đánh mất chính nghĩa lại đang đi theo tà thuyết?
Khi đứng lên làm cuộc Khởi nghĩa Tháng Tám, nhân dân Việt Nam đã chọn cho mình thể chế chính trị dân chủ cộng hòa, đa nguyên đa đảng.
Đừng để đánh mất chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Tháng Tám. Mà cũng đừng trở thành kẻ lạc hậu và phản bội khi vứt bỏ thánh kinh của mình.
N.C.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN