Bất kỳ hành động nào của Trung Quốc cũng có thể suy ra những ý đồ mà toàn thế giới lấy làm e ngại. Ở ngay bên cạnh ông láng giềng lắm mưu mẹo ấy, Việt Nam chúng ta luôn luôn cần nâng cao cảnh giác là phải. Và “cảnh giác” bây giờ đã thành một tiêu chí để người dân nhìn vào, xét xem người lãnh đạo nào thực sự vì nước vì dân, người lãnh đạo nào chỉ nói năng đầu lưỡi mà thực chất là từ lâu đã quy phụ ông láng giềng “hảo nhi bất hảo”. Dân chúng là một số đông thầm lặng, nhưng đừng có tưởng muốn nói gì cái khối im lặng ấy cũng tin vào các vị.
Bauxite Việt Nam
VIT – Cộng đồng thế giới vẫn luôn hiểu rằng, Hải quân Trung Quốc đưa biên đội tàu số 5 tới Somali là để làm nhiệm vụ quốc tế. Tuy nhiên, mặt thật của cái công khai này không đơn thuần chỉ là chống cướp biển.
Nhiều nhà quan sát và nghiên cứu chiến lược đã chỉ ra rằng, việc Trung Quốc đưa các chiến hạm hành trình trên một tuyến đường dài tới Somali không đơn giản chỉ là thực hiện nghĩa vụ quốc tế, mà đằng sau hoạt động này đã lộ rõ về một ý đồ chiến lược của Hải quân Trung Quốc trong thời đại mới.
Để chứng minh cho nhận định trên, các nhà nghiên cứu chiến lược cũng đã chỉ ra rằng trong “Cương lĩnh quân sự Trung Quốc trong thời đại mới” đã đề rõ về đường lối chiến lược trên biển của Hải quân bao gồm có chiến lược “phòng ngự tích cực” mang tên “cận hải phòng ngự” với ba nhiệm vụ chính: kiềm chế đối phương từ ngoài khơi và ngăn chặn không cho đổ bộ; bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự vẹn toàn lãnh thổ; bảo vệ sự thống nhất quốc gia và quyền lợi trên biển cả. Đối với chiến lược “cận hải” ở đây tức là mở rộng khả năng đưa các lực lượng đến tận những nơi xa xôi trên biển cả cùng với sự chi viện và bảo đảm an ninh cần thiết.
Trên thực tế của các đợt thay quân tại Somali cũng đã thể hiện rõ nét về chiến lược “cận hải” của lực lượng Hải quân nước này thông qua hoạt động trên tuyến đường hành trình tới Somali và sự gia tăng quân số so với những lần trước đó.
Trong đợt triển khai lực lượng tới Somali hồi tháng 10/2009, cả biên đội tàu số 4 có khoảng 700 quân và nhân viên phục vụ. Tuy nhiên, trong đợt triển khai lần này (04/3/2010), biên đội tàu số 5 được biên chế gồm tàu khu trục Quảng Châu-168, tàu tiếp tế Vi Sơn Hồ-887, tàu hộ vệ tên lửa Sào Hồ-568, 02 máy bay trực thăng và đặc biệt quân số được biên chế lên tới 800 lính (tăng 100 so với biên đội 4).
Điều đáng lưu ý, trên trang tin quân sự Trung Quốc cho biết, trong quá trình hành trình từ Căn cứ Tam Á, biên đội tàu số 5 có tổ chức những hoạt động đặc biệt như diễn tập chống hải tặc và triển khai hoạt động chống cướp biển ở những vùng “biển nóng”.
Tiếp đó, ngày 07/3/2010, trước khi hành trình vào eo biển Singapore, tại khu vực biển gần đảo Anambas phía Nam Biển Đông, biên đội tàu số 5 đã bắt đầu triển khai các hoạt động chống cướp biển. Trong các hình ảnh thấy rõ về việc tổ chức một hoạt động quy mô với sự phối hợp tác chiến chặt chẽ giữa các tàu với máy bay trực thăng, cùng binh lính của biên đội.
Tuy nhiên, trang tin quân sự nước này không nêu rõ các hoạt động diễn tập và khu vực diễn tập cụ thể, nhưng ta có thể thấy rằng, trong quãng đường từ Tam Á đến đảo Anambas biên đội số 5 đã tổ chức các hoạt động diễn tập.
Vậy, căn cứ vào những cơ sở nêu trên của các nhà phân tích chiến lược và căn cứ vào các hoạt động thực tế của các biên đội tàu Trung Quốc khi được điều động tới Somali, ta có thể thấy rằng, việc đưa lực lượng hải quân đi làm nhiệm vụ quốc tế có thể chỉ là một màn che phủ cho những ý đồ chiến lược của lực lượng hải quân nước này. Qua đó cũng nhằm để khuếch trương sức mạnh quân đội, nâng cao khả năng tác chiến dài ngày trên biển, tăng cường khả năng tác chiến và khả năng tiếp cận địa hình ở những nơi xa xôi trên biển cả.
Lan Hương
Tin tổng hợp
Nguồn: vitinfo.com.vn