Lời bình 1:
Thuở chúng ta còn bé tí đã thuộc bài hát: “Thắm thiết tình Việt-Trung-Xô / Đế quốc tràn đầy mối lo / Đó là tình người lao động / Mối tình tràn ngập núi sông / Gắng công xây đắp tình Việt-Trung-Xô”.
Cái mô hình Stalinist- Maoist một thời nay lại biến dạng thành mô hình Putinist-Huchintaoist: nền chuyên chế của một nhóm nắm quyền lực, kiểm soát truyền thông, đàn áp đối lập và bác bỏ xã hội dân sự; chỉ khác một điều: trước đây khẩu hiệu trưng ra thật hấp dẫn là vì “tình người lao động”, giờ đây đã lộ rõ chỉ vì quyền lợi của bọn “đạo-tặc-trị” (kleptocrats) ăn cắp đến 30% nền kinh tế quốc gia.
Việt Nam thân yêu ơi! Chúng ta có tránh được cái vết xe đổ kia không? Điều ấy phụ thuộc vào tất cả chúng ta.
Lời bình 2:
Ông Putin từ lâu vẫn là một ẩn số, ý kiến về ông rất phân tán trong tâm lý người dân Việt Nam. Có người nói: Dù sao thì Putin cũng lấy lại vị thế cho nước Nga tưởng đã rơi xuống tận đáy vực. Nhưng cái vị thế của nước Nga “cải tổ” ấy đem lại lợi ích thật sự cho ai? Nhiều nhà báo dân chủ nổi tiếng đã chết có phải dưới bàn tay nham hiểm của một Putin đầy oai quyền hay không? Bài viết dưới đây là một trong những phân tích quý báu giúp chúng ta hiểu và kịp tránh đi những con đường vòng, chỉ có lợi cho một thiểu số nào đấy, mà dầu Việt Nam có học lóm thật tài cũng phải nói thẳng với nhau rằng, cuối cùng thì nhân loại vẫn phải đi đúng quy luật, sẽ đào thải những mưu toan chệch hướng.
Bauxite Việt Nam
Hoàng Hưng dịch (từ Newsweek 8/3/2010)
Một sự việc nói được nhiều điều về kiểu vị trí mà nước Nga đã trở nên: chỉ hai phút giễu nhại điện Kreml một cách nhẹ nhàng đã có thể gây ra cú sốc chính trị lan rộng. Nhưng khá chắc chắn: khi Kênh Một do nhà nước kiểm soát vào tháng Giêng vừa rồi chiếu đoạn hoạt hình biếm trong đó Thủ tướng Vladimir Putin và Tổng thống Dmitry Medvedev cùng nhảy nhót trên Hồng trường, vừa hát một bản song ca hài về những sự kiện lớn của năm 2009, thì những người theo tư tưởng tự do lấy làm vui mừng. Sau những năm đàn áp về chính trị, kiểm soát chặt chẽ truyền thông, và việc tôn thờ Putin được ban hành một cách chính thức, họ thấy đoạn hoạt hình nhẹ lòng kia là một dấu hiệu cho thấy Medvedev cuối cùng đang thay đổi nước Nga. Đoạn phim đi liền sau nhiều diễn từ của vị Tổng thống trẻ nói về những bệnh tật của nền quan liêu thối nát và nền kinh tế lụn bại của nước Nga. Tỷ như, ông hứa hẹn giảm bớt sự quan liêu và cải tổ nền pháp chế hư hỏng, đơn giản hóa luật lệ và thiết lập những dịch vụ chính phủ điện tử. Ông thề chấm dứt sự lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên của nền kinh tế và xây dựng nền kinh tế tri thức. Ông cũng mới ra lệnh sa thải 10.000 cảnh sát và 16 quan chức công an hàng đầu, và cảnh báo công an chấm dứt “khủng bố” các ngành kinh doanh tư nhân. Các phong trào thanh niên dân tộc chủ nghĩa xấu ác đã bị cấm, và những nhà hoạt động nhân quyền từng bị Putin bóp cổ đã được mời làm khách danh dự tại điện Kreml. Nhìn tổng thể, những bước đi ấy khiến người ta cảm thấy như không khí mùa xuân đang về. “Tôi tin rằng Tổng thống Medvedev thành tâm muốn tự do hóa hệ thống”, đó là lời Kirill Kabanov, Trưởng Ủy ban Chống Tham nhũng Quốc gia, một tổ chức PCP (Phi chính phủ).
Giá mà ông ta nói đúng! Tuy nhiên, trên thực tế, hai năm chấp chính của Medvedev đã thấy nói nhiều đến sự thay đổi căn bản, nhưng đó chỉ là những cải tổ ngoài da mà thôi. Bởi vì, trong đời thực cũng như trong đoạn phim hoạt hình, Putin vẫn dẫn dắt bước nhảy. Trong mối quan hệ tay đôi, Putin là ông anh, tiếp tục gọi kẻ có bộ mặt trẻ thơ Medvedev là ty, đại từ tiếng Nga dành cho kẻ dưới (Medvedev thì dùng từ kính trọng là vy). Việc Medvedev có đầy ý tưởng thông minh thì chẳng phải hỏi. Nhưng những ý tưởng hay chỉ được sử dụng không hơn lắm tấm rèm trang trí cửa sổ để cho nền chuyên chế Putin có được vẻ ngoài cởi mở mới mẻ mà thôi. Về căn bản Medvedev vẫn là thành viên trung thành của ê kíp Putin, và vai trò của ông ta được xác định rõ ràng: cải tổ nền kinh tế lụn bại của nước Nga và phòng ngừa bất ổn xã hội trong khi bảo đảm rằng quyền lực thực vẫn nằm chắc trong tay Putin và bộ sậu cựu sĩ quan KGB của ông này, những kẻ được gọi là siloviki. Thực vậy, thay vì phá hoại hệ thống do Putin tạo ra, những cải tổ của Medvedev lại thực sự củng cố nó. Các phân tích của phương Tây hiện nay đi theo một khuynh hướng kéo dài: diễn giải lầm điện Kreml khi đi tìm bên trong nó một cuộc tranh đua nội bộ giữa phe tự do và phe bảo thủ. Thực tế là phe “tự do” do Medvedev cầm đầu không thách thức bọn siloviki; họ đang phục vụ chúng.
Những đồng minh của Medvedev như Alexander Budberg ở Viện Phát triển Đương đại, bộ óc được sủng ái của Kreml, luôn nhấn mạnh rằng Medvedev thành thực muốn cải tổ những thiết chế thối nát như hệ thống tòa án và cảnh sát. Vấn đề là sự tôn kính người thầy của mình, người mà Budberg nói là Medvedev cảm thấy có sự trung thành phụ tử, đã hạn chế nghiêm trọng mức độ thay đổi mà ông có thể làm. Một điều cấm kỵ rõ rệt là những lợi lộc kinh doanh mở rộng của An ninh Liên bang (ANLB), học hiệu của Putin và hạt nhân tối hậu của quyền lực ông ta. Cũng vô giới hạn là những sự tự do kinh doanh riêng của những trợ thủ của Putin, những kẻ quan liêu cao cấp kiểm soát những tập đoàn nhà nước khổng lồ như Gazprom và Rosneft, và những ngành kinh doanh của quân đội. Chống đỡ cho tất cả là điều cấm kỵ lớn nhất: việc lập ra bất kỳ một thiết chế nào, như thể các công tố viên, báo chí, các chính đảng độc lập, có thể thách thức hay điều tra những vương quốc tư nhân ấy.
Cũng có rất ít hơn những gì mà nhiều nhà quan sát phương Tây nghĩ trong bài diễn văn của Medvedev năm ngoái khi ông ra lệnh cho cảnh sát và những quan chức khác ngưng quấy rối các ngành kinh doanh tư nhân. Bài diễn văn rõ ràng là lời đáp cho những khám phá của một bản báo cáo độc lập do điện Kreml đặt hàng, vẽ nên bức tranh ảm đạm về những vụ tống tiền của những kẻ đang nắm quyền. Chỉ tính theo những con số của chính quyền, thì tham nhũng đã nuốt 1/3 GDP của nước Nga, và Medvedev được nói là đã nổi tam bành vì những khám phá này. Vậy mà một tổ chức PCP tên là Ân Xá Cho Kinh Doanh chuyên đấu tranh cho các nạn nhân của những tội ác như thế, lại báo cáo rằng kể từ khi Medvedev thông báo cuộc thập tự chinh của ông, những trường hợp cảnh sát tống tiền đã thực sự gia tăng. Yana Yakovleva, một lãnh tụ PCP, thậm chí còn bị bỏ tù 8 tháng vì những tội rõ ràng là ngụỵ tạo. Vẻ như vai trò của Medvedev là tạo ra những tiếng ồn ào đúng lúc để làm dịu cơn giận dữ của công chúng đối với cảnh sát và quan chức tham nhũng mà không thực sự thay đổi đường lối vận hành của hệ thống.
Một thí dụ gây sốc hơn nữa là sự không ăn nhập giữa viễn kiến làm sạch ngành cảnh sát của Medvedev với thực tế nhơ bẩn là trường hợp Sergei Magnitsky, một luật gia đã tìm cách phơi trần món 500 triệu đô la ăn cắp tiền thuế rõ ràng là của bọn xấu trong ngành cảnh sát thuế vụ có đường dây với ANLB. Magnitsky đã bị bỏ tù bởi chính ngành cảnh sát mà ông buộc tội, và tháng 12 vừa qua đã chết vì liệt tuỵ sau gần một năm bị giam trong một nhà tù khủng khiếp nhất của Maxkva. Medvedev đã công khai than khóc cho cái chết của luật gia và thề rằng sẽ có những cái đầu phải lăn lông lốc. Nhưng thay vì những vụ bắt giữ ở cấp cao của cảnh sát và thuế vụ, và ANLB – tất cả đã được nêu rõ trong hồ sơ do Magnitsky thu thập – thì chỉ một nhúm quan chức cấp thấp mất việc, và chẳng ai bị khởi tố. Ngay cả vụ thanh trừng mới nhất của Medvedev đối với ngành cảnh sát cũng ít thực chất hơn vẻ ngoài của nó: phần lớn những kẻ bị đuổi cổ là cảnh sát đường phố chứ không phải ở các tổng hành dinh cảnh sát ở Maxkva. Theo Olga Kryshtanovskaya, một chuyên gia về giới tinh hoa Nga đã từng làm việc cho điện Kreml, thì đó là dấu hiệu rõ ràng rằng Medvedev có nói gì đi nữa thì cũng “thận trọng không làm gãy xương sống của cỗ máy” quyền lực quan liêu và cảnh sát do Putin tạo nên.
Một lý do then chốt khác để không tin nhiều vào tinh thần tự do của Medvedev có thể tìm thấy khi nhìn vào nhân sự mà ông chỉ định để thi hành nó. Rút cuộc đó vẫn là đào kép cũ đã giúp kìm cương ngựa dưới trào Putin, triệt phá nền dân chủ và giới hạn tự do ngôn luận. Mẫu vật A là Vladislav Surkov, kẻ đã dẫn đầu một phái đoàn các nhà hoạt động hàng đầu về xã hội dân sự do điện Kreml tài trợ vừa đến Washington, ở đó họ công khai nói về nạn tham nhũng lan tràn ở nước Nga và tìm lời cố vấn của người Mỹ về cách tẩy sạch nó. Surkov cũng viết một loạt bài báo phác họa viễn kiến cởi mở mới của điện Kreml, nhấn mạnh ý tưởng một “nền kinh tế tri thức Nga” của Medvedev. Nhưng mới chỉ năm năm trước, ông ta là kẻ sáng tạo những ý tưởng phi tự do một cách sâu sắc như “nền dân chủ có chủ quyền” – một hệ thống vẫn còn áp đảo ở nước Nga, đòi mọi thành phần phải ủng hộ Tổng thống vì những điều được cho là tốt đẹp cho quốc gia. Trước đó, Surkov cũng lập ra phong trào thanh niên Nashi bài ngoại. Như vậy vai trò của ông này đã làm nảy sinh sự bi quan rộng rãi trong các nhà hoạt động nhân-dân quyền. “Tôi không thể tin rằng mình lại đang ngồi cùng bàn với Surkov và những người của Putin để nói về nạn tham nhũng của nước Nga cho người Mỹ nghe”, bà Elena Panfilova ở tổ chức Minh bạch quốc tế Nga nhớ lại về chuyến đi Washington. Rõ ràng Surkov vẫn là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu của điện Kreml, chỉ khác là đường lối hiện hành mà ông bán rao bề ngoài có vẻ cởi mở hơn một chút so với trước dưới trào Putin.
Còn lâu mới là những thách thức đối với Putin, những sáng kiến của Medvedev, theo Kryshtanovskaya, đều là những bộ phận của một kế hoạch đã được xác định rõ ràng, được gọi là nước Nga 2020, được nấu nướng bởi ê kíp Putin ngay từ năm 2005. Giai đoạn 1, do chính Putin thực hiện, là để cho ông nắm quyền một cách không thể bị tấn công, bằng việc đặt tất cả truyền thông và các chính đảng dưới sự kiểm soát của điện Kreml. Giai đoạn 2, hiện đang tiến hành, là áp đặt một kiểu tự do hóa có kiểm soát cao từ bên trên, bao gồm tự do ngôn luận hơn chút, một bộ mặt thân thiện hơn đối với phương Tây, và mời những nhà phê phán mang tinh thần tự do trước đây làm việc như cố vấn cho điện Kreml. Hay như Vladimir Pligin, một phó thủ lãnh của tổ chức Nước Nga thống nhất do điện Kreml lập ra, đã nói: “Medvedev đang thi hành một sự dân chủ hóa hệ thống chính trị của chúng ta, mà không, lạy Trời, để cho nhà nước của ta yếu đi”.
Tuy nhiên, nếu Putin và người của ông ta vẫn nắm chắc quyền như thế, thì câu hỏi nổi lên là tại sao họ cần đến những người cởi mở như Medvedev kia chứ? Câu trả lời dường như là sự mặc cả trước đây của điện Kreml với nhân dân Nga – các bạn cho tôi toàn quyền hành động về chính trị, tôi sẽ làm cho các bạn giàu có (hay ít ra cũng sống đàng hoàng) – gần đây đã bị đe dọa bởi suy thoái và giá dầu hạ. Hai dấu hiệu của thời kỳ này: mãi lực của đồng rúp giảm gần 1/3 từ năm 2008, và bây giờ Chính phủ hoạch định xóa bỏ trợ cấp cho nhu yếu phẩm. Những thay đổi đau đớn như thế buộc Chính phủ đi đến một mô hình cởi mở mới để dập tắt những ánh lửa bất mãn xã hội. Những vụ phản kháng gần đây, như cuộc biểu tình của 12.000 người dân trên đường phố Kaliningrad phản đối tăng các khoản thuế địa phương, đã khiến phe Putin hoảng hồn. Ông ta và các cố vấn hy vọng rằng cho phép một sự tự do ngôn luận có mức độ và tạo ra bề mặt một chính quyền thiện chí đáp ứng, sẽ giữ cho cử tri vui lòng.
Nhưng trong lúc chủ nghĩa tự do của Medvedev ở trong nước chỉ là ngoài da, thì có chút tin vui cho phần còn lại của thế giới, hay ít ra là cho các láng giềng của Nga. Chính sách đối ngoại hiếu chiến của Putin, từ những cuộc chiến khí đốt với Ukraina đến những cuộc chiến thực sự với Georgia, đã nhường bước cho một giọng điệu hòa giải hơn. Medvedev đã quyết định không reo mừng trước chiến thắng trong cuộc bầu cử mới đây ở Unkrana của Viktor Yanukovitch, ứng viên được hậu thuẫn mạnh mẽ của Maxkva vào năm 2004. Nước Nga thậm chí còn mở lại đường bay và đường sắt với Georgia, từng là đại thù của nó. Tất nhiên chính sách đối ngoại mềm mỏng của Medvedev vẫn có giới hạn. Như nước Nga đã làm khi Putin là Tổng thống, nó vẫn đòi quyền về cái mà Medvedev vào năm ngoái gọi là “đặc quyền” đối với những xứ cận biên của mình, và vẫn cảnh giác với ảnh hưởng của Mỹ đối với các nước cộng hòa cũ của Liên Xô.
Tiềm năng thực sự của Medvedev nằm ở việc xử lý nền kinh tế. Mọi người đều đồng ý rằng nước Nga cần khẩn thiết sửa chữa nền kinh tế hoạt động lệch lạc của nó. Và ở đây, Medvedev đánh trúng các nốt nhạc: khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ bằng cách đơn giản hóa các luật lệ và cung cấp tín dụng, đẩy mạnh công việc nghiên cứu ở đại học và buộc các trung tâm nghiên cứu phải đi tìm đối tác nước ngoài và nhà đầu tư, tài trợ những cuộc thi toàn quốc các tài năng trẻ sáng tạo. Điều ấy giải thích được những diễn từ gần đây của Medvedev về việc đa dạng hóa nền kinh tế Nga, thoát khỏi sự phụ thuộc tài nguyên thiên nhiên và những nỗ lực của ông trong việc kích thích một nền kinh té tri thức bằng cách đẩy mạnh tài trợ cho nghiên cứu ở đại học.
Tuy nhiên, còn có một lý do khác khiến các nhà quan liêu cấp thượng đỉnh cần những người như Medvedev, và đó là lý do chó má nhất: để bảo đảm cho mọi khoản tiền chúng đã ăn cắp trong vòng một thập kỷ nắm quyền. Từ khi Putin lên ngôi vào năm 2000, các quan chức Nga được bà Panfilova của tổ chức Minh bạch quốc tế Nga ước tính là đã biển thủ từ nền kinh tế khoảng 200 tỷ đến 300 tỷ đô la mỗi năm. Để giữ an toàn cho những của cải hoạnh tài ấy, bọn đạo-tặc-trị (kleptocrats) của Nga cần bảo đảm rằng các thế hệ lãnh đạo mai sau sẽ không bao giờ tìm cách lôi chúng ra trước pháp lý và người nước ngoài không xoi mói quá sâu. “Tất cả tiền bạc của điện Kreml đều ở nước ngoài, và [bọn siloviki] nhận thức được rằng chúng nên làm bạn với người Mỹ nhằm để cho bản thân và tiền bạc của chúng có được sự an toàn”, Panfilova nói thế. Cách tốt nhất để tránh sự kiểm soát là làm ra vẻ dẫn dắt, hay ít ra là chuẩn thuận, sự nghiệp cải tổ – đại khái chúng nghĩ như thế.
Medvedev và Putin thực thụ có những phong cách, kiểu tư duy và lai lịch khác nhau. Medvedev là một blogger, chẳng hạn, trong khi Putin thậm chí chẳng sờ đến một cái máy tính. Nhưng họ tuyệt đối đồng ý về một trong những vấn đề căn bản nhất: họ phải bằng mọi giá phòng ngừa bất kỳ thách thức nào đối với hệ thống đến từ bên ngoài. Suy nghĩ ấy sản sinh ra cả hai thứ: một chiến dịch khủng bố không ngớt và những sáng kiến cải tổ công cộng của Medvedev, cả hai đã bảo đảm cho hai nhà lãnh đạo đạt được tỷ lệ ủng hộ 75% (cho Medvedev) và 78% (cho Putin), theo Trung tâm độc lập Levada ở Maxkva – con số thật sự kinh ngạc cho bất kỳ nhà lãnh đạo nào trong thời suy thoái. Hai người Nga đã tiến hành một vở song diễn thật tinh diệu, trong đó Medvedev tự trình làng như người có những ý tưởng trẻ trung thông minh, trong khi Putin đóng vai bàn tay kỳ cựu vững vàng tập họp các đầu óc. Trong khi Medvedev có thể đấu tranh cho Internet, viết blog, và nói về tự do ngôn luận, xin đừng trông đợi ông ta nới sự kiểm soát ra một phân. Chắc chắn ông ta sẽ cho phép truyền thông và Nghị viện có thêm tự do – nhưng bao nhiêu thì vẫn nằm chắc ở quyết định của điện Kreml.
Tuy nhiên, các ý tưởng của Medvedev vẫn là mạo hiểm, bởi sự nới lỏng tự do ngôn luận dẫu có giới hạn, cũng có thể làm tràn ra một cơn giận dữ nguy hiểm. Các chiến lược gia của Putin đã thận trọng lưu ý sai sót chết người của Mikhail Gorbachov, đó là cho phép các nhà dân chủ mới nổi làm mất mặt giới tinh hoa cầm quyền qua báo chí và rồi lật đổ nó trong cuộc trưng cầu dân ý. Để tránh phải chịu số phận tương tự, điện Kreml đã cất công thi hành sự kiểm soát chặt chẽ truyền thông (cho dù bây giờ có cho phép thảng hoặc vài dấu hiệu của sự “bất đồng” được kiểm soát cẩn trọng) và bảo đảm rằng mọi quyền lực chính trị thực sự vẫn nằm trong lòng cái lều lớn của điện Kreml. Đó chính là suy nghĩ đằng sau việc năm ngoái Medvedev bổ nhiệm lãnh tụ đối lập Nikita Belykh làm tổng trấn một vùng. Đó cũng là lý do đằng sau việc một đảng đối lập-cùi mới theo tinh thần tự do được đồn đại là chân gỗ.
Nguy cơ cho Medvedev là công chúng sẽ chống lại ông nếu như những cải tổ mà ông đề nghị không bao giờ đưa đến những thay đổi quan trọng. Ở chỗ này nạn tham nhũng sẽ tiếp tục là vấn đề lớn nhất, vì đó là lực lượng xấu ác mà mọi người Nga chạm trán mỗi ngày. Theo thăm dò gần đây của Viện Gallup, 93% người Nga tin rằng chính quyền không làm đủ để đấu tranh với tham nhũng. Mà đó cũng là việc Medvedev không thể giải quyết mà không làm tổn hại lợi ích của Putin và bè lũ quan liêu cấp thượng đỉnh đã đưa ông ta lên ngôi. “Làm sao họ có thể đấu tranh với cái bộ máy mà chính họ đã sáng chế ra?” đó là câu hỏi của Panfilova. Tất nhiên câu trả lời là không thể. Như kinh nghiệm của vô số nước đã cho thấy, một hệ thống tham nhũng không thể tự cải tổ chính nó; phải có những thiết chế bên ngoài như báo chí tự do, các công tố viên độc lập, và các chính khách đối lập đấu tranh để tìm đường vào và tạo ra nhưng thay đổi cần thiết.
Vậy là qua một thời gian, cuộc tấn công ngoạn mục của Medvedev trở nên khó duy trì. Tuy nhiên, trong khi đó, như chúng ta đã biết sự suy đoán về việc Putin có thể lại có ý định ra tranh cử Tổng thống, như ông ta đã được hiến pháp cho phép vào năm 2012, xin cứ đinh ninh rằng: việc ông ta giữ cái ghế nào chẳng thực sự quan trọng. Hệ thống được kiểm soát, về căn bản là chuyên chế, do Putin tạo nên vẫn cứ tồn tại – cùng với những người do ông ta bổ nhiệm để điều hành nó. Medvedev là một trong số đó. Và mặc dù chắc chắn Medvedev là một phong cách khác với vị thầy nghiêm nghị của mình, hai người có cùng một mục tiêu: bảo quản nước Nga, theo cách nhìn của họ, khỏi sự biến động, hỗn loạn, và bất định, mà cuộc thử nghiệm dân chủ và tự do ngôn luận ngắn ngủi thời Yeltsin đã đưa đến. Thay vào đó là vũ điệu chính trị được biên đạo một cách cẩn trọng mà so với nền dân chủ thực sự thì rất giống vở Hồ Thiên Nga so với khu bảo tồn động vật hoang dã thật. Nhưng điều quan trọng là, y như trong đoạn hoạt hình Năm Mới, tất cả các nhà lãnh đạo của nước Nga đều nhảy theo một điệu giống nhau.
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập