Hiện nay, mức nước sông Mekong xuống tới mức thấp nhất kể từ 20 năm qua, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng chục triệu người trong khu vực hạ nguồn, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Các tổ chức bảo vệ môi trường quy trách nhiệm cho việc xây đập thủy điện trên phần sông chạy qua lãnh thổ Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh bác bỏ những cáo buộc này.
Hôm qua, 07/03/2010, thủ tướng Thái Lan, Abhisit đã đề nghị Trung Quốc cho biết rõ tác động của đập thủy điện đối với mực nước sông Mekong.
Từ Bangkok, thông tín viên Arnaud Dubus tường trình.
” Đối nông dân vùng phía Bắc Thái Lan, điều chắn chắn là mực nước sông Mekong xuống rất thấp hiện nay là do các đập xây trên con sông này, phần chạy qua lãnh thổ Trung Quốc. Hiện nay, mực nước sông Mekong xuống tới mức thấp nhất kể từ 20 năm qua, tác động đến cuộc sống của khoảng 60 triệu người ở hạ nguồn, tại Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam.
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là nông dân trồng lúa và những người làm nghề nông khác, phụ thuộc vào nguồn nước tưới đến từ con sông. Giao thông đường thủy cũng bị ảnh hưởng. Do mực nước thấp, tàu phà ở phía Bắc Thái Lan ngừng hoạt động.
Nỗi lo ngại của nông dân miền Bắc Thái Lan lớn đến nỗi họ dự kiến tổ chức biểu tình trước Sứ quán Trung Quốc tại Bangkok. Chỉ tính riêng Thái Lan, thiệt hại do hạn hán có thể lên tới 130 triệu euros. Do vậy, thủ tướng Abhisit Vejjajiva đã đề nghị phía Trung Quốc giải thích. Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả rằng Bắc Kinh không chịu trách nhiệm về việc nước sông Mekong xuống thấp.
Một số chuyên gia tại Thái Lan cũng nghĩ như vậy. Lập luận của họ là các con đập nằm trên sông phần chạy qua lãnh thổ Trung Quốc là đập thủy điện và nước vẫn có thể thoát đi.
Nông dân phía Bắc Thái Lan và các tổ chức phi chính phủ thì không nghĩ như vậy.
Thủ tướng Thái Lan Abhisit tỏ ra bi quan: Ông đã đề nghị Bắc Kinh triệu tập một cuộc họp của giới chuyên gia nhằm làm rõ tình hình. Trung Quốc dường như cũng được mời dự cuộc họp của Ủy hội Sông Mekong, sẽ được tổ chức vào đầu tháng tư tới”.
Nguồn: rfi.fr