Nén tâm nhang trước nhân cách một người lớn

Danh tướng Trần Độ mất ngày 1/7/2002 âm lịch, tức ngày 9/8/2002 theo dương lịch. Tra lịch thì đúng vào ngày hôm nay 7/8/2013 dương lịch, kỷ niệm 11 năm ngày đi xa của vị tướng văn võ toàn tài.

Chẳng phải chỉ riêng ở quê tôi Thái Bình nơi đã sinh ra người con ưu tú Trần Độ mà rất nhiều nơi, nhiều người, đặc biệt là các anh lính cụ Hồ chia sẻ tấm lòng với người đã khuất, người được gần như cả xã hội kính trọng và thương xót vì những oan khuất. Nhiều người dân đã biết tư tưởng, bản lĩnh, lập trường, nhất là cái khí phách và cái TÂM vì nước vì dân, vì nền dân chủ và đổi mới nền chính trị cùng như đổi mới xã hội thông qua các bài viết viết, bài nói của cụ Trần Độ.

Người bạn đồng tâm đang sống và làm việc ở Hà Nội sáng nay khi thắp nén hương lòng tưởng nhớ vong linh cụ Trần Độ đã tâm sự, giật mình nhất là trong tất cả các hồi ức của vị danh tướng khi nhìn về thời cuộc lúc ấy, ông đã nhận ra sự “chính trị hóa” tất cả lĩnh vực, tất cả xã hội này. Ngày nay, một số người nhận thấy ngay cả trong giáo dục, văn hóa… của nước nhà khó phát triển, phải chăng vì nó đã bị “chính trị hóa” thô bạo? Nhưng cách đây hơn chục năm, mà cụ Trần Độ đã gọi  ra bằng các khái niệm rõ ràng thì quả là rất đáng kính nể, khâm phục.

Anh Nguyễn Trung nguyên trợ lý của Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho biết trong đời có may mắn được hai lần tiếp xúc với tướng Trần Độ. Lần thứ nhất lúc anh đang là lính, được nghe tướng Trần Độ huấn thị trong chiến dịch Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Nghe phấn khởi thì nhiều, hiểu thì ít vì trình độ lính mới có hạn. Lần thứ hai anh được gặp tướng Trần Độ khi đang là đại sứ nước ta ở Bangkok Thái Lan, ấn tượng rất sâu sắc về vị danh tài võ tướng.

Trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, con gái của nghệ sĩ, diễn viên nhà hát kịch Quang Thái hồi tưởng kể lại với con trai của Trung tướng Trần Độ :“Trước đây trong gia đình những khi có nói chuyện gì mà có dịp để cha tôi nhắc đến tướng Trần Độ thì đó là những lần tôi được nghe ông dành những lời ngưỡng mộ nhất, trân trọng nhất và kính nể nhất chưa từng được cha tôi nói như vậy về ai khác.  Cha tôi thường kể về những dịp Nhà hát trình diễn buổi tổng duyệt vở mới, nếu mà biết là có tướng Trần Độ ngồi xem thì tinh thần cả đạo diễn lẫn đoàn diễn viên và cả những người phục vụ ánh sáng, hậu đài đều vô cùng phấn chấn và tràn đầy không khí muốn thể hiện hết mình. Cha tôi từng nói rằng là người diễn viên, ông có diễm phúc được ‘làm lính tướng Trần Độ’. Cha tôi không ngớt thán phục sau khi nghe những lời đánh giá vở kịch từ một vị lãnh đạo ngành từ quân đội ra mà lại thể hiện trình độ thẩm mỹ tinh tế để ‘tiếng lòng ông ấy’ rung cảm và hòa nhịp được với tâm hồn người nghệ sĩ. Cha tôi thường bảo ông tướng làm tuyên huấn mà lại nghệ sĩ như thế thì thật là hồng phúc cho nghệ thuật nước nhà. Cha tôi thấm thía điều đó lắm vì đã không biết bao nhiêu lần Nhà hát kịch của ông đã bị buộc phải ‘hạ màn’ những vở diễn ngay sau buổi tổng duyệt, hoặc mới chỉ ra mắt được vài buổi, chỉ vì một lời nói tưởng là bâng quơ nhưng lại có gang có thép của vị được mời ngồi hàng ghế đầu vì trọng trách. Đối với cha tôi, đó là những đau đớn không thể nói thành lời của kẻ phải bóp chết đứa con tinh thần của mình.  Vai Xéc-gây do cha tôi đóng trong vở kịch ‘Câu chuyện Iếc-kút’, một tác phẩm có tiếng vang rộng rãi trong công chúng, mà mãi sau này mọi người vẫn còn nhắc tới như một đỉnh cao của kịch nói,  đã phải ‘dẹp tiệm’ trong hoàn cảnh như thế. Có nhiều vở kịch hay mà Nhà hát kịch của ông đã từng dàn dựng cũng chỉ diễn được một lần cho buổi tổng duyệt rồi chấm hết, không bao giờ được ra mắt người xem, chỉ vì một lời thoại của nhân vật trong kịch đã không lọt tai ai đó.Hồi đó, cha tôi vẫn coi ‘anh Trần Độ’ như là vị cứu tinh của văn hóa và ngành nghệ thuật sân khấu, như là một người có cái duyên và cái khả năng hiếm có có thể thôi thúc được cảm hứng sáng tạo của mọi người để tác phẩm của họ ra được với ánh sáng mặt trời”…

Nhớ về danh tướng Trần Độ, người dân không quên cách cư xử của người có thẩm quyền trong đám tang cụ Trần Độ làm cả xã hội bất bình. Đến mức các cụ đảng viên lão thành ở Phường Bách Khoa đã phải lên tiếng về cái gọi là “văn hóa Đảng” sau vụ đám tang cụ Trần Độ.

Cũng nhờ đám tang cụ Trần Độ bị xã hội lên án gay gắt về cách ứng xử của người có trách nhiệm, mà đám tang cụ Trần Xuân Bách (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Trung ương Đảng) đã không xảy ra cái mà các cụ đảng viên lão thành Phường Bách Khoa gọi là “văn hóa Đảng” đối với đồng chí của nhau.

Thời gian đã trôi qua, xã hội bây giờ cái nhìn đen trắng, xấu tốt, rất may cũng dần sáng tỏ hơn vì quá khứ và thời cuộc cay đắng. Rút cuộc đến lúc nào đó, sẽ phải trả lại những giá trị đích thực- “của Ceasar phải trả lại cho Ceasar” là vậy.

Không hiểu sao, tôi vẫn tin rằng ở cõi vĩnh hằng cụ Trần Độ vẫn dõi theo nhân thế mỉm cười lặng lẽ, chiêm nghiệm lại tất cả cái nhìn đi trước thời cuộc của mình, và vì thế cụ đã phải chịu nhiều oan khuất, hệ lụy. Nhưng chắc chắn cụ không hề hối tiếc. Chính sự trân trọng của xã hội những ngày này với số phận của cụ, với vong linh cụ khiến cho các con cháu của cụ ấm lòng hơn. Và tin rằng họ sẽ sống xứng đáng với cha ông mình.

Người tài ở nước ta không bao giờ hiếm. Người tài ở nước ta lại còn có một điểm khác với những nơi khác là họ tận trung với nước, họ có ước vọng được đóng góp cho quốc dân, họ có niềm tự hào sâu sắc về cội nguồn. Tìm đường cứu nước đúng là không phải đi đâu xa, những đường hướng để hưng thịnh quốc gia đều đã được vạch ra rồi.

Nhân ngày giỗ vị danh tướng Trần Độ, xin hãy cùng thắp nén nhang, và cầu linh hồn cụ có linh thiêng xin hãy phù hộ cho chúng ta, những người trần thế hiểu và dũng cảm cùng nhau xây dựng một xã hội Việt Nam văn minh, mãnh liệt tinh thần Lạc Việt, một sự thay đổi tích cực, vì dân tộc này.

T.V.T.

Tác giả trực tiếp gửi cho BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.