Sự bất tử của hồn thiêng người lính

Trên mảnh đất hình chữ S thân thương của chúng ta hầu như gia đình nào cũng có người thân mất mát, hy sinh trong chiến tranh, đó là nỗi đau chung của cả dân tộc. Ông bà nội của tôi có 5 người con, được 3 cháu trai thì 2 người đã hy sinh ở chiến trường miền Nam và Lào khi đầu xanh tuổi trẻ chưa kịp lập gia đình. 

Nhân sắp đến kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7, xin gửi đến anh chị và các bạn bài viết “Sự bất tử của hồn thiêng người lính” để chia sẻ và tưởng nhớ về những người đã khuất.

Tô Văn Trường

Đối với cuộc chiến tranh vừa qua, mất mát không thể tính từ một phía. Lúc sinh thời,  Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng có cái nhìn rất đau xót và nhân văn về sự “nồi da xáo thịt” này, khi ông, thay vì gọi từ ” “Giải phóng ” đã dùng từ “Thống nhất”.

Không có một trái tim nhân hậu, một cách nhìn bao dung thì không thể nào có được cách nghĩ: “Ngày vui chiến thắng có triệu người vui nhưng cũng có cả triệu người buồn”. Sự mất mát của bất cứ phía nào của những người Việt máu đỏ da vàng, cũng cần phải được coi là sự mất mát chung của dân tộc đau thương này.

Không có một bà mẹ nào trên thế giới lại không tan nát trái tim trước sự mất mát quá lớn – sự ra đi vĩnh viễn những người con “dứt ruột” của mình trong chiến tranh!

Nhiều người dân vẫn nhớ những ca từ thấm đẫm nước mắt của Trịnh Công Sơn trong “Ca khúc da vàng” khi ông viết về chiến tranh. Sự hy sinh và mất mát vô bờ của những người mẹ, đến thành “Huyền thoại Mẹ” vẫn còn rưng rưng trong lòng biết bao người dân Việt.

Nhạc sĩ Trần Tiến cũng để lại ca khúc “Đóa hoa xanh” trên mộ người lính rung động lòng người. Phạm Tiến Duật, nhà thơ lính, với bài “Vòng trắng” đã từng khốn khổ một thời khi viết về sự hy sinh mất mát trong chiến tranh:

“Khói bom bay lên trời thành những vòng đen

Dưới mặt đất sinh ra bao vòng trắng,

Tôi và anh bước trong im lặng,

Khăn tang trên đầu như một số không …”

Khi nói về khía cạnh đau thương mất mát trong chiến tranh, nhà thơ Bảo Sinh viết:

“Tết xưa theo mẹ sang bà,

Tết nay theo Đảng con ra chiến trường,

Bàn thờ thêm một bát hương,

Mẹ tôi thêm tấm huy chương anh hùng”

Tấm huy chương nào cũng có hai mặt của nó. Trong bi thương, mất mát vẫn thấy được sự bất tử của hồn thiêng người lính.

Đã có một bài thơ nói về cỏ xanh nơi chiến địa, nơi các chiến sỹ của chúng ta đã chiến đấu và hy sinh, đó là “Cỏ xanh thành cổ“. Nay lại thêm một bài thơ tương tự: “Lời ru ngọn cỏ” của nhà báo, nhà thơ, đại tá Bùi Văn Bồng.

Từ trải nghiệm của người lính, bài thơ mượt mà chất ca dao, thấm đậm tình nghĩa đồng đội – thứ tình thiêng liêng sâu nặng mà phải khi cầm súng cùng chung chiến hào, trước cái chết mong manh ẩn hiện đâu đó, những người lính mới có thể cảm nhận rõ rệt nhất cái tình ấy.

Hình ảnh cỏ xanh đã được khai thác sâu sắc, và thương đến nao lòng, vì nó nói lên nhiều điều. Đó là sự trẻ trung trận mạc, nhưng cũng là sự già dặn bất tử. Đó là thật, nhưng cũng là ảo. Đó là sự úa tàn mất mát, nhưng cüng là sự nảy nở hồi sinh.

Trên những ngọn cỏ ấy là giọt sương mai. Và đây chính là điều tác giả muốn xẻ chia, tâm sự. “Giọt sương mai vẫn đọng nguyên nỗi niềm”.  Bao nhiêu nỗi niềm được gửi gắm vào đây? Tùy trạng thái tâm lý và tình cảm của mỗi người. Cỏ vẫn xanh như hồn người.

 

“Đọng ngưng từng hạt sương rơi

Là khi lá cỏ gọi đời lên xanh

      Người hy sinh, đất hồi sinh

Trái tim hoá ngọc lung linh đất trời.

 

        Lời ru ấm nắng.  Người ơi!

  Dù là ngọn cỏ tận nơi cuối trời

       Thương đau ru đến muôn đời

  Và xanh, xanh mãi để lời ru êm”

 

Bài thơ “Lời ru ngọn cỏ” của  Bùi Văn Bồng thật là cảm động và chứa chan cảm xúc đa chiều và giàu chất thơ. Lời thơ thật tinh tế khi viết về đề tài chiến tranh. Mặc dù các cuộc chiến tranh vệ quốc đã đi qua. Nỗi  đau rỉ máu –  hậu quả chiến tranh vẫn âm ỉ?

Nếu không có cái nhìn khách quan, sự rung động sâu sắc, không có vốn sống, vốn ngôn từ phong phú thì người viết rất dễ rơi vào than phiền, lên án, kể lể, sa vào bi lụy hay sự lên gân, hô hào, bài thơ sẽ thiếu tính tư tưởng và thẩm mỹ. Nhà thơ biết chắt lọc những chi tiết đặc sắc nhất, độc đáo nhất của cuộc sống để đưa vào từng câu thơ làm cho bài thơ “nổi gió”.

Lối tiểu đối bằng lặp từ “người hy sinh/ đất hồi sinh” một lần nữa khẳng định sự bất tử của hồn thiêng người lính. Sự hy sinh của các anh là một sự bồi đắp, hồi sinh cho dân tộc. Chất ngọc đáng quý được kết tinh từ máu của người chiến sĩ như ánh sáng mặt trời, như trăng sao không bao giờ tắt.

Sắp đến ngày kỷ niệm Thương binh liệt sĩ 27/7 bài thơ của Bùi Văn Bồng như nén hương lòng tưởng nhớ những người con ưu tú của đất nước đã hy sinh để vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau.

Với góc nhìn giản dị của một độc giả yêu hoà bình, ghét chiến tranh, đây đúng là món quà “tình nghĩa”. Chúng ta hãy tưởng niệm hương hồn các liệt sĩ đã cảm tử cho Dân tộc Lạc Việt trường tồn, nhân ngày kỷ niệm thiêng liêng 27/7.

Và người sống chúng ta, sẽ phải sống thế nào, để không hổ thẹn với những ngọn cỏ xanh – hồn thiêng bất tử này? Để không phụ lòng:

” Người hy sinh, đất hồi sinh

Trái tim hoá ngọc lung linh đất trời”.

T.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN 

This entry was posted in Lên Tiếng. Bookmark the permalink.