Qua đợt bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu cuối tháng Sáu vừa qua, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm chưa nói lên được tất cả những gì cử tri cả nước quan tâm, các tiêu chí đưa ra hoàn toàn chủ quan và có phần gượng ép, ba tiêu chí được đưa ra là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp, không có tiêu chí quan trọng đối ứng với cả ba tiêu chí trên là không tín nhiệm. Nhưng dư luận cũng an ủi rằng dù sao đây cũng là bước khởi đầu cho quá trình dân chủ, nâng tầm vai trò Quốc hội trong tương lai.
Vị Bộ trưởng nhận nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất (209 phiếu tín nhiệm thấp/ tổng số phiếu 491) là ông Nguyễn Văn Bình – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Với vai trò tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng phát triển bền vững, nhưng do năng lực có hạn nên những năm qua Thống đốc đã đưa một lượng tiền lớn vào lưu thông (tăng trưởng tín dụng 2008-2011), có năm tăng 30-40%, hậu quả gây ra bong bóng bất động sản, giá cả tăng vọt làm đời sống phần lớn dân cư lâm vào tình cảnh khốn khó mặc dù chỉ số GDP hàng năm vẫn tăng trưởng trên 5%/năm. Chỉ số CPI thời kỳ này tăng vọt, có năm rất cao như 2009 là 19,9%, năm 2008 là 18,58%. Nhận thức được hậu quả của tăng trưởng nóng tín dụng thì lẽ ra phải giảm dần lượng tiền cung ra thị trường để nền kinh tế thích ứng, nhưng đáng tiếc thực tế Thống đốc không điều hành tiền tệ như vậy mà điều hành giật cục, thắt chặt ngay tức thì. Hậu quả của nó như ta đã biết, nền kinh tế lâm vào tình trạng khốn khó và lao dốc, bong bóng bất động sản bùng nổ kéo theo nợ xấu tăng mạnh…
Vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra một số quy định mới với lời giải thích là để chống vàng hóa nền kinh tế và rút ngắn khoảng cách giá vàng trong nước với quốc tế. Nhưng các động thái này của NHNN thực chất đã biến cơ quan quản lý nhà nước này thành cơ quan độc quyền kinh doanh vàng, một mình một chợ nên đưa ra giá đấu thầu cao ngất ngưởng móc túi doanh nghiệp và dân, thu về khoản lợi nhuận khổng lồ hàng trăm triệu USD, Nói là muốn kéo giá vàng nước xuống nhưng thực chất không phải vậy. Kéo giá vàng xuống sao lại đưa ra giá cao ngất ngưởng để đấu giá? Thực tế thời gian qua có lúc khoảng cách giữa giá vàng Việt Nam với giá vàng thế giới lớn hơn trước đấu giá. Ta có thể thấy Ngân hàng Nhà nước chỉ làm vai trò kinh doanh vàng là chính chứ không phải làm nhiệm vụ quản lý vàng là chức năng của mình.
Với vai trò quản lý vàng của mình, ngoài việc ổn định thị trường vàng, chống vàng hóa, NHNN còn một nhiệm vụ quan trọng là phải làm sao huy động được hàng trăm tấn vàng (tương đương hàng chục tỷ USD) trong dân để phát triển kinh tế. Nhưng NHNN lại cấm các ngân hàng thương mại cho dân gởi vàng dưới dạng tiết kiệm, liệu cách làm này có huy động được vàng trong dân để phát triển kinh tế? Cơ quan quản lý đi kinh doanh vàng liệu có đúng chức năng? Người Việt mua ô tô đắt gấp 3 lần giá gốc vì ô tô gây tai nạn và tắc đường, ô nhiễm… còn mua vàng đắt hơn giá thế giới không biết vì lý do gì, chỉ có các cơ quan chức năng mới trả lời được!
Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng nhận ít phiếu tín nhiệm thấp hơn (99/tổng số phiếu 483) [không hiểu tại sao tổng số phiếu của hai vị Bộ trưởng này lại khác nhau?], nhưng khả năng điều hành kém và những quy định được đưa ra để móc túi dân của vị Bộ trưởng này được đề cập nhiều không ngớt trên các phương tiện truyền thông.
Nhiệm vụ quan trọng của ngành GTVT là xây dựng chiến lược phát triển giao thông, quy hoạch giao thông, giảm tai nạn giao thông, nâng cao chất lượng các công trình giao thông, giảm chi phí đầu tư các công trình giao thông. Nhưng công tác quy hoạch và chiến lược phát triển giao thông của Việt Nam hiện có nhiều bất cập, tầm nhìn ngắn, nhiều công trình mới đưa vào sử dụng đã lạc hậu phải sửa chữa nâng cấp, mở rộng. Ví dụ điển hình là hệ thống Quốc lộ 1 Bắc Nam mới hoàn thành cải tạo vào những năm cuối thế kỷ XX đầu của thế kỷ XXI nay đã phải mở rộng toàn tuyến, và đường Quốc lộ 1B Pháp Vân Cầu Giẽ mới đưa vào sử dụng năm 2002 nay lại có chủ trương mở rộng, rất lãng phí. Theo báo chí, giá thành đường cao tốc của ta đắt hơn nhiều so với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và cả các nước tư bản phát triển. Lẽ ra với giá vật tư của ta, giá nhân công của ta thì giá đường cao tốc của ta phải thấp hơn các nước phát triển, nhưng đáng tiếc thực tế báo chí nêu giá lại đắt hơn từ 1,5 đến 2 lần, trong khi chất lượng lại kém hơn họ. Tai nạn giao thông của ta thuộc hàng cao trên thế giới và có xu hướng phức tạp mà nguyên nhân chính theo các nhà chức trách chủ yếu là do con người. Vấn đề đào tạo lái xe hiện nay rất bất cập, ngoài việc bằng giả bằng mua thì chương trình nội dung của thi bằng lái xe thiếu vắng hẳn hai nội dung quan trọng là kỹ năng lái xe an toàn và đạo đức lái xe.
Quy hoạch phát triển giao thông kém, chất lượng công trình giao thông kém, chi phí đầu tư công trình giao thông cao ngất ngưởng, tai nạn giao thông diễn biến phức tạp… các vấn đề bức xúc trên không có chuyển biến, nhưng ngành GTVT rất tài nghĩ ra cách móc túi dân, đó là phí đánh lên đầu phương tiện với cách gọi “phí sử dụng đường bộ”, nội dung này tôi đã nêu trong bài “Bộ GTVT và Bộ Tài chính làm xiếc”. Ngoài ra Bộ GTVT còn muốn thu phí vào nội đô… Mọi người chuẩn bị trước cho tương lai là người đi bộ ra đường cũng phải đóng phí, vì đi bộ ra đường là sử dụng đường bộ rồi!
Một số bộ trưởng khác cũng đưa ra các quy định rất hài hước như cộng điểm ưu tiên cho các cụ chống gậy đi thi, chứng minh nhân dân phải có tên cha mẹ, thịt tươi chỉ được bán trong tám giờ, quy định số vòng hoa cho một đám ma, quan tài không được phép có kính, bắt phạt xe không chính chủ, phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn tham gia giao thông…
Với những Bộ trưởng như vậy thì đất nước Việt Nam sẽ đi về đâu?
Hà Nội ngày 21 tháng 7 năm 2013
T.B.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN