Tiết dạy mẫu về Chống tham nhũng

Cô giáo Hạnh ở hàng xóm, chạy sang nhà mình:

–        Anh ơi, giúp em với!

–        Anh thì giúp gì được!?

–        Anh ơi, trường em là trường điểm, lớp em là lớp điểm, em là giáo viên điểm cho nên em phải soạn giáo án mẫu về phòng chống tham nhũng, dạy thí điểm… Trên yêu cầu là phải vận dụng các phương pháp tích cực, “lấy học sinh làm trung tâm”…

–        Kinh nhỉ! Ngày xưa dạy học cốt “ít mà tinh”,  để học sinh tự hình thành nhân cách theo những giá trị Chân, Thiện, Mỹ, Ích; nó thành người hiểu biết, lương thiện thì tự nhiên sẽ có mọi thứ…

–        Bây giờ trên chỉ đạo theo kiểu “cần gì học nấy”, cho nên phải dạy đủ mọi thứ, mà “cái nhân cách” cứ tóe loe đi đâu hết! Bắt dạy chống tham nhũng mới cực chứ!…

–        Dạy chống tham nhũng… thế mà hay! Cô thử nghiệm món này khéo thành “đặc sản” cũng nên!

Thế là hai anh em trao đổi một hồi xem vận dụng những thủ thuật sư phạm gì để chuyển tải nội dung cho sinh động. Cái chính là để cô tự tin. Còn soạn giáo án là kỹ xảo của cô rồi.

Hiệu trưởng giao nhiệm vụ: Sau khi cô dạy thí điểm, các giáo viên dự giờ, góp ý, giáo án của cô sẽ được hoàn thiện, thành “giáo án mẫu”. Nhưng không biết số phận cái “giáo án mẫu” này sẽ ra sao? Xin bà con xem Biên tiết dạy “mẫu” dưới đây.

Trường điểm Đ., lớp điểm 11A2,  Cô Lò Thị Hạnh giáo viên (GV) dạy thí điểm. Ban giám hiệu và 15 GV dự giờ. Lớp  có 40 học sinh (HS). Tiết học bắt đầu từ 9 giờ sáng ngày…  Phần thủ tục xong. GV bắt đầu…

 

GV: – Các em cho biết trên đất nước tươi đẹp của chúng ta đã và đang xảy ra tệ nạn gì nghiêm trọng?

HS: Cả lớp cùng nhao nhao giơ tay ngay lập tức. (Liệu GV có dùng mẹo không?)

GV: Các em cần suy nghĩ bằng cả hai bán cầu não của mình rồi hãy giơ tay chứ!

HS: xì xào …dễ quá, dễ ợt, câu này “phở” quá…

GV: – Mời em Trọng phát biểu.

HS Trọng: Thưa cô, đất nước ta nhìn chung về cơ bản vẫn tươi đẹp, nhưng rất nhiều tệ nạn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, dài ngày, gây nên những hậu quả rất khó lường… Nguyên nhân chính là do…

HS: cả lớp lao xao, xì xào…

GV: Các em hãy nêu cụ thể tên của tệ nạn?

HS: Cả lớp giơ tay, nhấp nhổm…

GV: Mời HS phát biểu:

HS Tiến: Thưa cô trên đất nước tươi đẹp của chúng ta lúc nhúc các loại “tặc” ạ: lâm tặc, than tặc, vàng tặc, cát tặc, bôxit tặc, khuyển tặc, dâm tặc, đinh tặc, địa tặc, sơn tặc, hải tặc, thủy tặc… đã tàn phá đất nước ta xơ xác, tiêu điều nên bị xếp bét trong các nước quản lý tài nguyên kém nhất thế giới…

HS Hà Chuyền: Thưa cô rất nhiều tệ nạn xã hội ạ: làng ma túy, làng ung thư, xã ung thư, nạn cờ bạc, đề đóm khắp nơi; nạn chặt chém khách du lịch, nạn buôn bán trẻ em, phụ nữ; nạn xã hội đen hoành hành, nạn chạy chức chạy quyền, học dởm, bằng giả, nạn đạo văn, nạn bạo hành, nạn nạo phá thai ở vị thành niên… Nạn mại dâm thì ghê lắm … len lỏi vào tận trường mình rồi ạ…

HS: cả lớp lao xao, xì xào, tiếng xuỵt, tiếng cười khúc khích…

GV: Cả lớp trật tự! Các em kể các tệ nạn thì cả ngày chẳng hết. Cô muốn biết tệ nạn nào là chính, sinh ra vô vàn các tệ nạn đó?

HS Quyết: Thưa cô, từ tệ nạn tham nhũng mà sinh ra các tệ nạn khác ạ. Tham nhũng là mẹ, các tệ nạn khác là con, là cháu chắt của nó thôi ạ!

GV: Cả lớp có đồng ý với em Quyết không? Có ý kiến nào khác không?

HS Trí: Thưa cô, có mẹ thì phải có bố, nó mới sinh ra con cháu được chứ ạ. Theo em bố của nó là nạn mua quan bán chức. Có chức quyền mới tham nhũng được chứ ạ…

GV: Ý kiến em Quyết, em Trí khá xác đáng. Ta nhận diện được tham nhũng là tệ nạn gốc, sinh ra các tệ nạn khác là điều cốt yếu. Vậy ta cần định nghĩa: tham nhũng là gì? Cô đề nghị thảo luận nhóm. Bàn trên quay xuống, 5 – 6 em một nhóm. Các em nhóm trưởng nhớ câu hỏi chưa? Bắt đầu thảo luận trong 5 phút.

HS: Hình thành các nhóm khá nhanh. Thảo luận sôi nổi. Tranh cãi hăng, hơi ồn ào…

GV: Đại diện các nhóm chuẩn bị phát biểu. Nói thật ngắn gọn cái định nghĩa và phân tích nội hàm của nó. Bắt đầu từ nhóm 1.

HS Bích Hằng: Thưa cô, nhóm em ý kiến lung tung lắm ạ. Bạn Quý định nghĩa: Tham nhũng là tham lam và nhũng nhiễu kết hợp với nhau để kiếm lợi bất chính. Bạn Thanh nói: Tham nhũng là bầy sâu bọ, cái gì cũng ăn và ăn không biết no, biết chán. Bạn Vinh thì: Tham nhũng là các quan chức lợi dụng chức quyền bắt chẹt dân để cướp bóc làm giàu cho cá nhân, kiểu như “Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”, hay “nén bạc đâm toạc tờ giấy”… Em đồng ý với bạn Vinh, chỉ kẻ có chức quyền mới lợi dụng nó để kiếm lời bất chính…

GV: Cảm ơn nhóm 1. Ý kiến rất phong phú. Các nhóm có ý kiến gì khác không?

HS Đức: Nhóm 5 xin bổ sung: Bọn tham nhũng như sâu bọ thì quá hiền, nó phải như con quái vật bạch tuộc, có hàng trăm vòi luồn vào khắp các nơi béo bở để bòn rút và hủy hoại xã hội. Vòi thò vào ngân hàng, tài chính, doanh nhân, xí nghiệp, vòi thò vào nông thôn, miền núi, bệnh viện, trường học… Có tiếng xì xào “thò cả vào các em chân dài”… Cười khúc khích. Xuỵt…

HS Phương Dung: Thưa cô ca dao xưa “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”, ngày nay bọn tham nhũng cướp ngày, cướp đêm, cướp trưa, cướp tối luôn…

GV: Cô yêu cầu nêu định nghĩa khái niệm, không nên sa đà vào mô tả hiện tượng…

HS Minh: Thưa cô, tham nhũng là làm nghề gì, ăn nghề ấy một cách gian dối, bẩn thỉu ạ.

HS Thùy Linh: Em không đồng ý với bạn Minh. Người dân làm nghề để sinh sống thì tham nhũng sao đươc. Chỉ các quan chức mới lợi dụng chức quyền tham nhũng. Theo từ điển tiếng Việt, tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu nhân dân lấy của.

HS Cường: Định nghĩa như từ điển quá hiền. Tham nhũng không chỉ lấy của cải vật chất mà còn tham chức, tham quyền, tham danh vọng, bằng cấp… và nó đánh cắp thời gian của cả xã hội, nó hủy hoại các giá trị văn hóa, tinh thần, chiếm đoạt sự trinh trắng của bao thiếu nữ… Tham nhũng phải là tội ác của kẻ có chức quyền mưu lợi cho bản thân và phe nhóm, làm hủy hoại đất nước và xã hội…

HS cả lớp ồn ào. Hoan hô bạn Cường. Đồng ý với Cường…  Cường number One…

GV: Các em thảo luận sôi nổi, ý kiến phong phú, nhưng cần tóm lại: Có nhiều định nghĩa về tham nhũng trong từ điển, trong các văn bản của Đảng và Nhà nước, trong nhiều tài liệu quốc tế. Cô đã biên soạn lại, sẽ đưa tài liệu cho lớp trưởng phô-tô để các em nghiên cứu. Có mấy điểm cần chốt lại:

–        Chủ thể tham nhũng là ai? Người có chức quyền, dân gọi chung là các quan tham;

–        Hành vi tham nhũng là gì: lợi dụng chức trách, nhiệm vụ để ăn cắp của công và gây khó dễ, bắt chẹt người dân phải hối lộ mới giải quyết công việc;

–        Động cơ tham nhũng là gì? Vì tư lợi cho bản thân, gia đình, phe nhóm bất chấp tác hại cho đất nước, cho xã hội;

–        Hậu quả về là: Về kinh tế đất nước kém phát triển; về xã hội dân mất niềm tin vào nhà nước, vào pháp luật, cũng làm bừa dẫn đến “quan tham, dân gian”, xã hội đảo lộn, đạo đức suy đồi… Vì vậy mới gọi bọn tham nhũng là “giặc nội xâm” tàn phá đất nước…

HS: Trật tự. Lắng nghe. Suy tư…

HS Tuấn (đứng lên): Thưa cô “giặc nội xâm” luôn móc ngoặc với giặc ngoại xâm ạ. Chúng em học lịch sử thấy: Khi nào trong nước chia phe cánh oánh nhau là y như có phe đi cầu cứu ngoại bang, “cõng rắn cắn gà nhà” đấy ạ. Ông em bảo, cho Tàu thuê rừng 50 năm, cho Tàu vào khai thác bô-xit Tây Nguyên là “rước voi dày mả tổ” đấy ạ. Tội này phải to hơn tham nhũng chứ ạ.

GV: Bạn Tuấn đã mở rộng sang vấn đề giặc ngoại xâm… Theo cô hai vấn đề có liên quan với nhau. Nhưng trong bài này ta chỉ nói về “giặc nội xâm”. Vấn  đề giặc ngoại xâm quá nhạy cảm, cô không dám bàn!

HS Tuấn: (lại đứng lên) Thưa cô, như thế giặc nội xâm và giặc ngoại xâm là anh em sinh đôi cùng trứng rồi ạ. (HS cả lớp cười).

GV: Thôi,… ta tạm chốt lại khái niệm tham nhũng. Bây giờ các nhóm tiếp tục thảo luận trong 5 phút về những biểu hiện của tham nhũng và liên hệ với thực tế những gì các em thấy.

HS: Các nhóm lại chụm vào thảo luận. Rất hào hứng, sôi nổi. Có nhóm tranh cãi to tiếng, có vẻ căng thẳng…

GV: Các em trật tự. Người ta nói “một trí khôn đã tốt, hai trí khôn tốt hơn”, ta thảo luận để chia sẻ các suy nghĩ một cách thân ái, chứ không nên gay gắt! Đề nghị nhóm 2 và nhóm 5 trật tự… GV xuống nhóm 2 đang lộn xộn…

HS Triết: Thưa cô, bạn Thành bảo ba em là trùm sỏ tham nhũng, đáng bị treo cổ ạ. Bạn ấy xúc phạm em… Trong khi bố bạn ấy là bác sĩ cũng luôn đòi phong bì của bệnh nhân, mẹ bạn ấy là giáo viên cũng dạy thêm lấy tiền thì bảo không phải tham nhũng…

HS Thành: Thưa cô, bố em là bác sĩ – thương binh hồi đánh Tàu khựa. Bao năm nay bố em vẫn bỏ tiền mua thuốc men và dùng 2 ngày trong tháng để đi chữa bệnh miễn phí cho cựu chiến binh. Mẹ em lương không đủ sống, phải dạy thêm mới được bồi dưỡng tí chút để nuôi con đâu phải là tham nhũng. Mẹ em làm giáo viên như cô. Cô cũng tham nhũng à?

HS nhóm 5 đang cãi nhau to tiếng, túm ngực áo nhau…

GV: Chạy xuống nhóm 5. Cô xin các em. Các em bình tĩnh nào! Liên hệ thực tế những không được xúc phạm đến các bạn mình…

HS Hoàng: Thưa cô, em hỏi bạn Hải: bố mẹ bạn lương tháng bao nhiêu mà có xe hơi, nhà lầu sang trọng, ăn chơi xa hoa, lại còn mấy biệt thự ở Hồ Tây cho thuê? Anh bạn ấy đi du học ở Mỹ, bạn ấy học kém nhất lớp mà khoe sắp đi du học Anh, tiền lấy đâu ra?… Thế là bạn ấy đấm em, lại còn đe dọa “bố sẽ cho mày biết lễ độ”! Em sợ bạn ấy cho bọn xã hội đen với công an đến quậy phá nhà em …

HS Hải: Thưa cô, tất cả quan chức nhà nước “cỡ” bố em đều thế cả, sao bạn ấy cứ xía vô nhà em. Em chơi với bọn nó, em biết nhà chúng nó còn giàu  có, ăn chơi gấp vạn nhà em ấy chứ…

GV: Cô xin các em. Các em là những con người trong trắng, chưa dính bụi đời, đừng gắn mình vào những cái xấu xa, đừng đồng nhất mình với kẻ tham nhũng để rồi gây sự với nhau… Các em hãy cùng nhau đứng về trận tuyến những người lương thiện, trong sạch để mổ xẻ hiện tượng tham nhũng, lên án kẻ tham nhũng, dù họ là ai…

HS Phương Lan: Thưa cô khó lắm ạ. Chị em tốt nghiệp đại học loại giỏi, mấy năm nay chạy việc không được, vì không đủ tiền. Trong khi chị của Thảo Phương vừa tốt nghiệp đại học báo chí ra đã được cử làm Chủ tịch hội đồng quản trị một tổng công ty xây dựng to đùng. Người ta bảo: “Muốn làm công chức, chuyên viên/ Nếu không có tiền thì phải 5 C”. 5 C tức là con cháu các cụ cốp! Cho nên con dân và con quan là hai trận tuyến đối lập rồi, cô ạ!

GV: Cô cũng không biết nói thế nào. Chúng ta chỉ thống nhất rằng tham nhũng là quốc nạn, xấu xa. Cô nghĩ con cái những người tham nhũng một khi thấy rõ trách nhiệm với đất nước, thấu hiểu nỗi khổ của nhân dân, biết xấu hổ trước việc tham nhũng, cũng sẽ giác ngộ, muốn làm người lương thiện. Có như vậy mới hy vọng các em chính là những người xây dựng một xã hội mới, trong sạch… Đức Phật Thích Ca khi thấu hiểu nỗi đau khổ của chúng sinh, đã từ bỏ ngai vàng, bỏ cuộc sống đế vương để dấn thân tìm con đường cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh…

HS Lâm: Thưa cô Đức Phật có chống được tham nhũng đâu ạ. Em thấy kẻ tham nhũng lại cúng vào đền chùa rất nhiều tiền và cầu mong tham nhũng được nhiều hơn. Thánh thần cũng bị hối lộ và bật đèn xanh cho bọn nó rồi ạ. Cô đến chùa mà xem, họ nhét đầy tiền vào tay Phật. Còn ông Di Lặc thì bụng phưỡn, bê một khay vàng, cổ đeo tràng hạt bằng vàng, cười hề hề típ cả mắt lại… (Cả lớp lại cười).

GV (cũng cười): Thôi, ý kiến các em tạm dừng ở đây. Chúng ta mới thảo luận tham nhũng là gì và những biểu hiện của nó nhưng thời gian không cho phép tiếp tục. Cô đề nghị các nhóm về lên mạng forum tiếp rồi nhóm trưởng in ra. Bài sau ta sẽ trao đổi thêm. Bây giờ còn ít phút, để thư giãn, cô đề nghị các em hãy tưởng tượng rằng mình có quyền năng huyền diệu, vô biên và sẽ dùng quyền năng đó để chống tham nhũng. Vậy em sẽ làm gì?

Nào, tất cả nhắm mắt lại. Thở sâu, chậm, đều đều và cho trí tưởng tượng bay bổng mênh mang… Ta liên tưởng đến những điều huyền diệu, những quyền năng vô biên, mình sẽ dùng quyền năng đó để phòng chống tham nhũng…

HS: Có vẻ thích thú với hoạt động này, tất cả làm theo GV…

GV: Nào, em nào sẽ nói phép mầu của mình trước? Mời Diệu Huyền.

HS Diệu Huyền: Thưa cô, em sẽ hóa phép cho tất cả bọn tham nhũng sau một đêm ngủ dậy, người đen sì…

HS cả lớp cười, nhao nhao: Thế thì nước mình thành châu Phi à?  Hay đấy, nhưng tham nhũng ít đen ít, tham nhũng nhiều thì đen thui, mới công bằng chứ…

HS Diệu Huyền: Em nói chưa hết ạ. Sau khi bọn tham nhũng đen thui, em sẽ kêu gọi: ai trả lại của tham nhũng đến đâu thì sẽ trắng dần đến đó, trả hết thì trở lại bình thường. Tất cả của cải bọn tham nhũng nộp lại em sẽ cho xây các trường học, bệnh viện, bắc những cây cầu qua sông suối cho các bạn không phải bơi hoặc đu dây qua sông đi học; sẽ giúp đỡ dân nghèo và trả nợ các nước một phần…

HS cả lớp vỗ tay, cười vui… Hàng loạt cánh tay giơ lên…

HS Phú: Thưa cô em góp ý với Diệu Huyền là cho bọn tham nhũng mọc sừng như quỷ sứ.  Tham nhũng ít, ít sừng, tham nhũng càng nhiều thì các sừng, u cục nổi lên đầy đầu, khi trả của tham nhũng thì sừng sẽ giảm bớt, trả hết thì hết u bướu… Thế nó mới kinh…

GV: Trí tưởng tượng mỗi người khác nhau, sao em lại gán những hình ảnh do em tưởng tượng cho Diệu Huyền? Cái đó là của riêng em chứ!

HS Phú (cười toét miệng): Thế cũng được ạ.

HS Quyết: Thưa cô và các bạn, em sẽ vung cây tầm sét lên, cho bọn tham nhũng chết sạch như Lý Thông và biến thành bọ hung hết!

HS cả lớp lại nhao nhao: Kinh quá! Ối, bọ hung bò lúc nhúc khặp nơi, tớ sợ bọ hung lắm. Khiếp quá!…

HS Phương Bích: Thưa cô, em muốn đem đến cho mỗi quan chức một lương tâm… Tức là sau khi ngủ dậy họ trở thành con người mới, có lương tri, biết xấu hổ, tự dày vò về tội lỗi và tỉnh thức…

HS Đức: Nếu bạn Phương Bích cho họ có lương tâm, biết xấu hổ về tham nhũng, thì họ sẽ tự tử hết, như cựu tổng thống Hàn Quốc nhảy từ trên núi xuống chết…

HS cả lớp lại nhao nhao: Ối giờ ôi, thế thì chất chồng xác người dưới chân núi Tam Đảo, Ba Vì!.. Núi Bà Nà, núi Bài Thơ nữa! Núi Bà Đen, núi Hồng Lĩnh… Toàn xác người!…

HS Chiến: Thưa cô, em nghĩ rất đơn giản, em biến thành luồng gió thơm, thổi suốt từ Bắc vô Nam, những kẻ tham nhũng bốc mùi xú uế, gặp luồng gió thơm đều lăn ra chết!

HS cả lớp lại ồn ào: Sợ quá, thế thì đầy xác chết! Người dân đến trụ sở đảng ủy hay ủy ban bỗng nhiên thấy toàn xác chết à, kinh quá! … Thế thì hết cán bộ à?.. Cô ơi, bạn Triết muốn ý kiến ạ.

GV: Mời em Triết.

HS Triết: Thưa cô, theo em những người tham nhũng, lúc đầu cũng là những người tốt, nhưng vì thấy tham nhũng dễ quá nên nổi máu tham… Nếu có phép mầu, em sẽ xây một cổng Thiêng, mọi người đi qua đó, lòng tham sẽ được gột rửa. Tất cả các quan chức, trước khi nhận nhiệm vụ đều phải đi qua cổng thiêng đó…

HS Hiếu: Thưa cô em có một kính chiếu yêu, cứ soi vào kẻ tham nhũng nào thì tất cả của cải tham nhũng hiện lên rõ hết: Tất cả nhà cửa, vàng bạc, đất đai, bồ nhí, con rơi … của hắn đều hiện rõ trước mặt hắn. Như vậy hắn sẽ không thể kê khai man trá. Từ đó xét xử công minh, không ai dối trá hay bao che cho nhau được a.

GV: Cảm ơn các em đã tham gia một tiết học tích cực. Tiếc là thời gian hết mất rồi. Tất cả những điều các em tưởng tượng rất phong phú và thú vị, nhưng chỉ là trên bình diện tâm lý, ước mong… không phải hiện thực. Tuy nhiên nó để lại trong tâm hồn chúng ta những trải nghiệm sâu sắc, những hạt giống của lương tri… Cô thấy tưởng tượng của các em phong phú, muôn vẻ. Theo cô, ý của bạn Diệu Huyền, Phương Bích, Minh Triết và Hiếu có tính nhân văn hơn…

Bây giờ thời gian đã hết. Đây mới là tiết học nhập môn về phòng chống tham nhũng có tính giới thiệu và gây hứng thú với môn học mới mẻ này. Các em về nhà nhớ thực hiện những việc cô đã dặn.

GV (xem đồng hồ): bây giờ là 9 giờ 47 phút. Cô xin lỗi quá mất hai phút! Nhưng còn một mục nữa: Xin mời thầy Bí thư chi bộ kiêm Hiệu trưởng cho ý kiến chỉ đạo.

Hiệu trưởng (đi lên bục giảng, nghiêm nét mặt nhìn mọi người, một lúc sau mới nói): Quán triệt nghị quyết Đại hội Đảng CSVN lần thứ XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ, nội dung Phòng chống tham nhũng được giảng dạy trong nhà trường từ năm học này. Đây là tiết dạy thử. Về tiết dạy này, khi họp nội bộ rút kinh nghiêm, tôi sẽ phát biểu sau. Riêng với học sinh các em phải nhớ ba điều:

Một, tham nhũng là vấn đề vô cùng nhạy cảm, học đâu biết đó, không được bàn luận tự do tùy tiện. Tôi xin nhắc lại, đây chỉ là tiết dạy thử, chứ chưa phải chính thức, những gì các em vừa nói, ra khỏi lớp không được tiếp tục bàn luận;

Hai là, cấm lên mạng fo-rum fo-riếc mà kẻ địch lợi dụng xuyên tạc gây bất ổn chính trị – xã hội, “cái xảy nảy cái ung” là nguy hiểm đến sự tồn vong của chế độ;

Ba là, cấm liên hệ thực tế, vận vào người này, người kia. Chuyện trẻ con có thể đụng chạm đến người lớn, lên tận trung ương, bộ chính trị là tôi mất chức, trường ta mất tiên tiến, ảnh hưởng đến truyền thống thi đua hơn 50 năm qua của trường…

Tóm lại, học chống tham nhũng, các thày cô và các em phải quán triệt “ba không” như đã nêu trên!

GV, HS: Tất cả im lặng lầm lũi ra về…

M.V.T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

 

 

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.