Ngày 26-6-2013 ông Thế Văn, nguyên Trưởng ban Nhân dân cuối tuần báo Nhân dân đã cho đăng trên Tuần Việt Nam bài viết “Giải mã thông điệp của tổ tiên” (http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/128346/giai-ma-thong-diep-cua-to-tien.html) nhân cuốn sách Văn học Cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật của GS Nguyễn Huệ Chi mới được công bố. Vài ngày trước, tác giả có gửi đến cho chúng tôi nguyên gốc bài viết chưa lược bỏ và mang một nhan đề khác hẳn. BVN xin trân trọng đăng lên mục “Thư giãn Chủ nhật” tuần này, để bạn đọc cùng thưởng lãm.
Bauxite Việt Nam
Hùng tráng thay (nhưng cũng bất hạnh thay), sông núi Việt, dân tộc Việt trong những nghìn năm sinh tồn sau thời dựng nước, đã lại phải lắm phen cất lên vang động đất trời Tuyên ngôn hòa bình và chiến trận của Tổ tiên.
…Trong âm vang hùng tráng của sông núi nghìn năm vọng vào tâm thức, nay nghe ầm ì tiếng sóng Biển Đông ngày đêm dội về từ Hoàng Sa, Trường Sa máu thịt của Tổ quốc chúng ta!
“Lòng chẳng mắc tham…”
Với vốn kiến thức uyên bác, luôn tự đòi hỏi mình phải có sáng tạo riêng, phải tìm kiếm điều mới lạ, sau nửa thế kỷ như là triền miên hành xác, GS Nguyễn Huệ Chi đã làm nên cả một vệt công trình ông chắt lọc từng giọt một, từ tim óc mà ra. Đưa vào sách chưa hết, gọi tên là “Văn học Cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật”, đã dày hơn 1000 trang. Mất ba năm chờ đợi vì lý do chẳng liên quan gì đến nội dung, sách đã được NXB Giáo dục Việt Nam cho ra mắt bạn đọc gần đây.
Vị GS tóc bạc nửa đầu cả đời cực nhọc như người leo núi tìm kho báu cho đời, mà vẫn nghèo, chức vị chỉ làng nhàng. Thế mà ông lúc nào cũng thong dong tươi tỉnh như không. Hẳn là do ông cả đời nâng niu, gìn giữ, đưa dẫn mọi người đến đền đài văn thơ của ông cha mà ngắm nghía để nhận ra nhau và nhận ra mình, nên được ông cha ta hiển linh dạy bảo, nêu gương, dìu đỡ mà vượt lên được chính mình, tránh xa cạm bẫy tục lụy, để có tâm sáng, sức bền theo đuổi ước vọng mà làm ra công quả cho đời.
Lợi danh thân chẳng vướng,
Lòng tắt lặng phong ba!
(Lê Thánh Tông – Lầu phía Nam. Dịch: Nguyễn Huệ Chi)
Lòng chẳng mắc tham là của báu
Người mà hết lụy ấy thần tiên!
(Nguyễn Trãi – Tự thán)
Ngược thời gian, sống với vĩ nhân
Theo dẫn dắt của GS Nguyễn Huệ Chi, bạn đọc cứ thế thả mình theo mênh mang dào dạt, lấp lánh muôn ngàn màu sắc, ngân rung vô vàn âm điệu – dòng sông thơ văn của ông cha ta dằng dặc miên man mười thế kỷ. Có cảm giác mình đang du hành ngược thời gian, sung sướng yên bình khó tả như là đang được sống với ông cha thời Đại Việt lừng lững cao ngang tầm thời đại; rất đỗi nhân từ, khoan dung mà khí chất ngoan cường, bất khuất; trí tuệ siêu việt mà con tim nghệ sĩ rất dễ rung ngân…
Các thế hệ ông cha thời ấy kế thừa cả truyền thống Việt nảy nở từ thời dựng nước, hun đúc trong suốt nghìn năm sau đó chống đô hộ và đồng hóa cưỡng bức văn hóa của các đế chế Trung Hoa. Một di sản quý đã định hình cốt cách Việt: Tình yêu xứ sở mà sông núi cỏ cây, đất, nước, lúa ngô… cùng sự sinh nở giống nòi, đều có tính thiêng, đều được tôn thờ. Tinh thần hòa hợp, cố kết cộng đồng khắp bốn phương, thuộc nhiều sắc tộc như anh chị em sinh ra từ cùng bọc trứng hay cùng một quả bầu. Lòng thương người như thể thương thân. Tinh thần dân chủ, bình đẳng làng xã. Óc thực tiễn nhạy bén… Truyền thống Việt, như các nhà nghiên cứu đã diễn giải, là tầng nền, cũng là bộ lọc mà ông cha ta ở kỷ nguyên Đại Việt độc lập dùng để chắt lọc lấy các yếu tố tương thích, từ các luồng tư tưởng, văn hóa đến từ Ấn Độ, Trung Hoa… và tích hợp với truyền thống thuần Việt mà thành công cụ tư tưởng Đại Việt soi sáng cho kiến tạo mọi mặt văn minh: chính trị, luật pháp, đời sống vật chất, đạo lý dân tộc, phong tục, văn thơ, nghệ thuật… “Nói một cách khái quát thì ở đây, tiêu chuẩn của sự tiếp thu và thanh lọc vẫn là tinh thần dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước của người Việt đã từng là bức thành vững chắc, ngăn trở sự xâm nhập ồ ạt của các loại hình tư tưởng đủ màu sắc của nước ngoài. Thì cũng chính chủ nghĩa yêu nước, tự nó, lúc cần thiết, sẽ là một cái máy lọc rất đảm bảo, để lọc qua nó tất cả mọi thứ rác rưởi vô ích và làm cho những tư tưởng bên ngoài, khi vào nước ta, đều trở thành có màu sắc Việt Nam. Đó là trường hợp của Phật giáo, Nho giáo dưới thời Lý – Trần. Đó cũng là trường hợp của Đạo giáo nữa. Những bùa phép ma thuật của Đạo giáo tuy chẳng có ý vị gì nhưng khá phù hợp với đầu óc tín ngưỡng của một xứ sở nông nghiệp cổ sơ như Đại Việt. Đó là lý do giải thích vì sao Đạo giáo từ rất xa xưa đã được dân chúng trên giải đất Việt Nam vui lòng chào đón, thành một tập tục tín ngưỡng sâu bền, về sau có thể một bộ phận hóa thân vào Đạo Mẫu của người Việt” (Nguyễn Huệ Chi, 1986 – Sách đang đề cập; trang 889 – 890). Hệ giá trị Việt đẹp đẽ, bền vững, được phục hưng và thêm mới mẻ.
Trước hết, về chính trị. Từ thời Khúc Thừa Dụ giành lại được chủ quyền dân tộc, nền chính trị đã được Quốc sử ta ca ngợi là “khoan dung giản dị”, cốt sao “Trăm dân đều được yên vui” (Cương mục). Vua Lê Đại Hành đánh tan quân xâm lăng Nam Hán trên sông Bạch Đằng, mà cũng lại chỉ huy dân Việt đào sông (dân gọi là sông Nhà Lê) ở Thanh Hóa vào cho đến Nghệ An, và là vị vua đầu tiên làm Lễ tịch điền, cốt là để trăm họ có cái ăn. Vua Lý Thánh Tông dạy con gái sống trên nhung lụa phải biết thương xót cả đến tù nhân mùa đông rét mướt. Hai triều Lý, Trần cũng có hoàng tử hoặc hoàng thân ngông cuồng quá hoặc nghĩ suy cạn hẹp quá hóa u mê, nổi lên làm phản tranh quyền. Nhưng vua không nỡ giết, lại cho ở yên chức tước. Mấy tộc thiểu số dấy quân cát cứ, triều đình cử binh đi dẹp, nhưng không chém giết mà vỗ về, phủ dụ theo về cộng đồng Đại Việt, ban cho tù trưởng chức tước, có người số may còn được vua gả cho công chúa đẹp như tiên.
Tư tưởng chính trị ấy, thời Trần được Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, lúc lâm chung, cô đúc thành lời dặn lại vua Trần Anh Tông: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách để giữ nước!” (Toàn thư). Thật lòng trọng dân như gốc nước, nên giặc đến, vua và đông đảo quần thần có chí kháng chiến rồi, vẫn mời bô lão đến điện Diên Hồng, như là dành cho dân quyền “phúc quyết”. Các bô lão đồng thanh hô: “Đánh!”.
Đủ thấy, đó là một nền chính trị cốt lõi nhân văn, để làm phương tiện kiến tạo mọi mặt đời sống sâu đậm tính nhân văn. Nhân văn thì hàm chứa cả Đức, Nghĩa, Nhân. Nên Lê Lợi – Nguyễn Trãi cùng tướng sĩ, nhân dân Đại Việt đã có thể “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn – Đem chí nhân thay cường bạo” (Bình Ngô đại cáo). Dứt binh đao, thì “mở lượng hiếu sinh”, tha mạng cho mấy vạn binh tướng quân Minh bại trận, cấp cho thuyền, ngựa, lương thảo mà về xứ Bắc.
Đem đối sánh chính trị Đại Việt với chính trị nhà Đường, vua Trần Thái Tông làm nổi bật khác biệt một trời một vực:
Đường, Việt mở triều, hai Thái Tông
Ngươi xưng Trinh Quán, ta: Nguyên Phong
Kiến Thành ngươi giết, An Sinh sống
Miếu hiệu giống nhau, Đức bất đồng!
(Kiến Thành anh ruột Đường Thái Tông nổi loạn tranh ngôi, bị giết. An Sinh Vương Trần Liễu – anh ruột Trần Thái Tông dấy binh tranh ngôi, được dung tha). Hai nền chính trị hai láng giềng kề cận, bên nước nhỏ thì Đức, Nghĩa, Nhân; bên nước lớn thì thất đức, tất sinh bất nghĩa, bất nhân, cường bạo, lấy thịt đè người. Khác biệt như nước với lửa, làm sao có thể tương đồng? Quả nhiên ở thời Trần, quân dân Đại Việt đã phải lấy binh đao mà dập tắt ba cơn binh lửa đến từ đế chế Nguyên – Mông.
Thứ đến văn thơ. Chính là tư tưởng Việt, đạo lý Việt làm nên hồn cốt cho cả dòng chảy nghìn năm văn chương thơ phú. GS Nguyễn Huệ Chi và giới nghiên cứu đã chứng nghiệm rằng, Tinh thần (chủ nghĩa) yêu nước và Tinh thần (chủ nghĩa) nhân đạo là tư tưởng thẩm mỹ cốt lõi của thơ văn Cổ cận đại nước nhà. Yêu nước, nhân đạo là giá trị phổ quát của toàn nhân loại. Ở nước ta thì nỗi niềm yêu nước, thương người trở thành âm hưởng chủ đạo, bao trùm đời sống thơ văn phong phú, lắm vẻ, cả loại, thể lẫn phong cách, thi pháp riêng mỗi nghệ sĩ ngôn từ. “Sự sáng tạo văn học thiếu quan điểm “tính nguời” soi sáng chắc chắn sẽ làm cho hình tượng nghệ thuật mất hết thịt xương của sự sống và cũng làm vơi cạn nguồn cảm hứng phổ biến có tính chất nhân loại đối với tác phẩm. May mắn thay trong văn học Việt Nam các thời kỳ quá khứ, tính nhân bản đã từng xuất hiện từ sớm, và mặc dù bị nhiều thứ thành kiến đẳng cấp nặng nề nhiều đời vây bủa, o ép, thậm chí tưởng bị triệt tiêu, nó vẫn không bị loại bỏ hẳn, vẫn gắn chặt với thơ văn như một đặc tính cố hữu, dù biểu hiện ra ngoài có khi kín đáo và mờ nhạt. Phẩm chất ấy xuất hiện cùng lúc với chiến công chống giặc thời Trần, được bồi đắp sinh khí từ trong tiếng vang của những chiến thắng thời Trần. Đó là một vinh dự lớn của lịch sử vương triều này” (Nguyễn Huệ Chi, 1988 – Sách trên; trang 913). “Ngay dưới triều Trần Nhân Tông, một nhà thơ đồng thời là vị Thiền sư nổi tiếng là Huyền Quang, đã có một bài thơ độc đáo, với âm hưởng trữ tình đi ngược với truyền thống khiến chúng ta ngày nay đọc đến vẫn còn sững sờ kinh ngạc. Bài thơ mang đầu đề Ai phù lỗ – Thương tên giặc bị bắt. Nhưng nhà thơ thương không phải vì xuất phát từ lòng thương hại tên tù, một kẻ ngoại bang dám liều lĩnh nhảy vào nước người sinh sự, nay được chúng ta “mở lượng hải hà” cứu vớt. Hoàn toàn không! Đây chính là một cảm hứng rất giàu chất thơ, và có giá trị phát hiện đặc sắc: tác giả phát hiện ra bên trong tên giặc cũng ẩn náu một “con người”, một tính cách sinh vật cùng loại với mình, có những niềm thương nỗi nhớ không khác gì mình, vì trái tim “người” đó đang rớm máu vì thương nhớ người thân bên kia biên ải. Cả hai trái tim chồng – vợ ở hai phương trời cách biệt lại đang cùng đập chung một nhịp, cùng thổn thức nhìn lên một mảnh trăng chung:
Chích máu thành thư muốn gửi lời,
Bơ vơ nhạn lạnh ải mù khơi.
Mấy nhà ngóng nguyệt đêm nay nhỉ?
Đôi nẻo nhưng tình chỉ một thôi”
(Nguyễn Huệ Chi, 1988 – Sách trên; trang 912 – 913).
Phải chăng còn có thanh âm khác nữa cùng cộng hưởng, chưa tới độ âm vang, nhưng có thể “lắng nghe” mà nhận biết, có thể gọi là tinh thần lạc quan vốn không xa lạ với tâm tưởng truyền thống Việt.
Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, “Tuổi cao tóc bạc cái râu bạc, Nhà ngặt đèn xanh” nhưng vẫn “con mắt xanh” nhìn đời, làm thơ và ước mơ đất nước thái bình thịnh trị, “Chừng ấy ta đà phỉ sở nguyền”. Vua Lê Thánh Tông thì đã từng hòa mình vào niềm vui sống hồn nhiên dân dã của “Con gái con trai ở Lỵ Nhân” (Lỵ Nhân sĩ nữ) mà tâm hồn tươi tắn trẻ trung ngỡ như vua lúc ấy cũng là một trai làng – “đàn ong” lượn lờ xa xa quanh các cô gái đẹp:
Mưa lạnh, đê cao, chuyển gió xuân,
Nói cười, đẹp tựa gái Yên, Tần.
Bờ khe ấm rực nghìn hương sắc,
Ong lượn, làm lơ chẳng dám gần.
(Dịch: Nguyễn Huệ Chi)
Và rất nhiều áng thơ ngợi ca thiên nhiên đẹp như tranh mà nghe phơi phới reo vui.
Thông điệp của Đức Phật hoàng
Kỷ nguyên Đại Việt đã hun đúc, đã kết lắng tinh hoa đỉnh cao chói sáng nhất, hội tụ vào vĩ nhân hiếm lạ: vua Nhân Tông Trần Khâm (1258-1308) – Nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà thiền học, nhà thơ.
Là nhà chính trị, khi làm vua, Người thành bậc quân vương nhân từ, anh minh, thành Anh hùng dân tộc, hai lần xông pha trận mạc cùng quân dân Đại Việt đại thắng quân xâm lược Nguyên – Mông.
Làm thơ, Người thành nhà thơ lớn, ở tầm một thi bá đương thời.
Là nhà thiền học, Người đã làm viên mãn một công quả lớn có tầm ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia: Khai sinh Thiền phái Trúc Lâm cho Đại Việt, được dân tôn là Phật hoàng.
Đường Thiền với Trần Nhân Tông, hiếm lạ thay, là đường thoát tục mà không thoát tục –đó là đường trở về với dân với nước theo một phương hướng khác: hướng tâm linh.
Người trút bỏ vinh hoa phú quý nhẹ như Người nói: trút bỏ đôi giày rách, lên non Yên Tử, lấy tên Thiền là Điều Ngự, làm một đầu đà đi xin ăn mà tu tập. Nhưng nỗi niềm dân nước (như máu trong tim chỉ khi thân thành cát bụi mới có thể coi là trút bỏ), thì lại ngăn Người trước nẻo đường Thiền chật hẹp dẫn tới siêu thoát lấy một mình, để hướng Người trở về dẫn dắt toàn dân Đại Việt cùng Người chọn đường lớn mà cùng đi tới cõi Thiền.
Người đã tĩnh tâm tác tạo “cỗ xe Thiền” sao cho vừa vặn với “hình thể” tâm thức – tâm linh người Việt, lại khai mở đường Thiền rộng rãi thuận tiện cho dân Đại Việt dễ đi mà đến. Cỗ xe Thiền ấy cùng đường Thiền ấy hội lại làm nên Thiền phái Trúc Lâm riêng cho xứ sở chúng ta.
Tôn chỉ Trúc Lâm, thì phải chăng, Đức Phật hoàng đã cô đúc thành bốn chữ lấy làm tiêu đề bài phú của Người: “Cư trần lạc đạo“. Dân Việt cứ sinh sống làm ăn, sinh con đẻ cái dưới mái nhà mình, cần chi xuất gia tu ở chùa chiền. Bởi chúng sinh đã sẵn mang Phật tính, là “Phật đang thành”, nên cứ tự nghiệm từ vạn vật vô thường (biến đổi luôn luôn) mà suy, để ngộ ra cái đạo lý hằng thường (không biến đổi) vô ảnh vô hình mà quyền năng vô biên, thế là đến bến bờ an lạc, thì sẽ thấy Phật luôn luôn trước mắt, nói như GS Nguyễn Huệ Chi, đó là kết quả viên mãn của sự thấm nhuần lẽ “tùy duyên chân như rất biện chứng của nhà Phật”.
Thiền phái Trúc Lâm vậy là không thoát tục, mà là Thiền nhập thế, Thiền hành động, Thiền ở đời thường và cho đời thường dân chúng. Tu Thiền khó đấy mà nào có khó gì.
Và để nêu gương cho chúng dân nhìn thấy mà tự nghiệm để dần dà giác ngộ đạo Thiền Đại Việt, Người lấy tâm nhàn mà đem thân bôn ba vân du khắp nơi thuyết giảng. Có lúc về kinh luận bàn quốc sự và Thiền. Có khi viễn du tận phương Nam phủ dụ vua Chiêm bỏ ngai vàng đưa dân Chiêm hòa nhập cộng đồng Đại Việt…
Công quả lớn viên mãn, Người thành Tổ thứ nhất Thiền phái Trúc Lâm, kịp thời khắc Người viên tịch nơi non xanh Yên Tử, giữa đêm sao sáng rực, trong am Ngọa Vân thanh vắng, bên Người chỉ có một đệ tử mà thôi. Đến lượt công quả ấy là nhân, sinh ra công quả lớn khác. Đường Thiền Trúc Lâm kết nối nhân tâm cả nước với nhiều sắc tộc, tụ hội nơi thế giới tâm linh Đại Việt, để cùng nhau giữ gìn và hưng thịnh quốc gia.
Thật khó tìm kiếm trong thư tịch một thông điệp thành văn cô đọng mà Đức Phật hoàng để lại cho chúng sinh từ vua quan cho đến thứ dân. Chợt hiểu ra: Tấm gương sống ở thế gian của Trần Nhân Tông, cao vòi vọi, như ngọc trong ngời tỏa hào quang, mới là Thông điệp vẹn tròn của ông cha ta để lại cho muôn đời.
Đó là Tấm gương linh diệu, hiểu sâu đến đáy nguyên lý “vô tâm tức Phật” của Nhân Tông (Nguyễn Huệ Chi). Mọi chúng sinh có tâm hướng Thiện soi vào, sẽ thấy tâm thêm sáng, thân thêm sinh khí, trí thêm mẫn tuệ.
Gương ấy cũng là Kính chiếu yêu.
Tiếng núi sông, tiếng sóng…
Trong mạch nguồn nghệ thuật thời đại Hùng Vương, rất ấn tượng là pho tượng bán thân thiếu nữ Lạc Việt tóc tết đuôi sam, hay hình khắc chìm chàng trai đóng khố cởi trần, con trâu nghênh sừng ngồ ngộ, rất giàu sức sống. Những hình tượng đẹp của đời sống thanh bình mộc mạc và hồn nhiên ấy, thật lạ, lại đem trang trí trên vũ khí – làm cán dao găm, khắc trên thân rìu chiến đồng thau! Chính là những hiện vật độc đáo này “mã hóa” tài tình thông điệp của Tổ tiên ta. Đó là Tuyên ngôn hòa bình và chiến trận. Rằng: dân Việt khao khát thanh bình để làm ăn sinh sống, sinh nở giống nòi, sáng tạo văn minh, nghệ thuật, vui chơi… trên xứ sở sinh tồn mà mình làm chủ. Nhưng một khi những giá trị thiêng liêng ấy bị giặc ngoài xâm phạm, thì buộc phải cầm vũ khí đứng lên, đánh đuổi! Các chiến cụ đồ đồng thời Chiến quốc bên Trung Quốc, thấy trang trí mặt hổ phù hùng hổ hoặc sư tử nhe nanh dữ tợn, kích thích máu hiếu chiến và hiếu sát.
Hùng tráng thay (nhưng cũng bất hạnh thay), sông núi Việt, dân tộc Việt trong những nghìn năm sinh tồn sau thời dựng nước, đã lại phải lắm phen cất lên vang động đất trời Tuyên ngôn hòa bình và chiến trận Tổ tiên.
Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng…
(Hai Bà Trưng)
Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Vằng vặc sách trời chia xứ sở.
Giặc dữ cớ sao xéo đến đây?
Chúng mày nhất định phải tan vỡ.
(Lý Thường Kiệt – Nam quốc sơn hà. Dịch: Lê Thước – Nam Trân. Thơ văn Lý – Trần, Tập I)
Lấy đại nghĩa thắng hung tàn
Đem chí nhân thay cường bạo
…
Ôi một lưỡi gươm đại định
Làm nên công oanh liệt ngàn thu!
(Nguyễn Trãi – Cáo bình Ngô)
Đánh cho để đen răng
Đánh cho để dài tóc
Đánh cho chúng chích luân bất phản
Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ
(Quang Trung Nguyễn Huệ – Hịch tại lễ “Thệ sư”)
Trong âm vang hùng tráng của sông núi nghìn năm vọng vào tâm thức, nay nghe ầm ì tiếng sóng Biển Đông ngày đêm dội về từ Hoàng Sa, Trường Sa máu thịt của Tổ quốc chúng ta!
T.V.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN